Hơn 10 giờ sáng, trước cửa hàng chật kín xe máy cũ ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP HCM, anh Tô Đình Đông Phi ngồi lướt điện thoại, xem video trên mạng xã hội giết thời gian. Cách khoảng 200 m, một cửa hàng kinh doanh xe máy cũ đóng cửa, treo biển cho thuê nhà.
Từ 15/8, khi Thông tư 24/2023 bắt đầu được áp dụng, có ngày anh Phi không bán được chiếc xe nào. “Khi có quy định mới về biển số định danh, lượng khách đến cửa hàng mua xe giảm mạnh, khoảng 85-90% so với bình thường”, anh Đông Phi cho biết. “Khách đến chủ yếu hỏi về thủ tục, giấy tờ, còn mua xe thì rất ít”.
Theo anh Phi, khi chưa có quy định biển số định danh, mỗi tháng cửa hàng bán ra khoảng 30-40 xe. Còn hiện tại anh nhẩm tính hết tháng bán chưa đến 10 xe, gần 10 ngày rồi mới bán được một chiếc. Nhu cầu mua, bán xe máy cũ ế ẩm là tình trạng chung của nhiều cửa hàng khác trên các tuyến đường chuyên kinh doanh mặt hàng này như Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Phụ (quận Phú Nhuận), Lý Tự Trọng (quận 1).
Tương tự TP HCM, các chợ mua, bán xe máy cũ ở Hà Nội cũng ảm đạm. Tại phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, nơi được xem như trung tâm xe máy cũ của thủ đô, tập trung hàng trăm cửa hàng kinh doanh, người đến xem xe thưa thớt. Anh Ngọc Vương, người bán xe cũ ở phố này cho biết, trước đây mỗi ngày nhận 50-60 cuộc gọi hỏi xe, trong đó 10-15 khách sẽ mua, nhưng hiện chỉ bán được 3-4 xe/ngày.
Hơn 20 năm bán xe cũ tại phố này, anh Văn Trường cho biết giao dịch xe máy cũ giảm rất nhiều nếu không nói là đóng băng từ khi có Thông tư về biển số định danh.
“Khi nghe chúng tôi nói về thủ tục sang tên, đổi chủ với xe cũ thì khách hầu như không mặn mà nữa”, anh Trường nói. “Với những khách kỹ tính muốn sang tên để tránh rắc rối pháp lý nhưng thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, họ ngưng luôn việc mua xe cũ”.
Trước đây, khi chưa có Thông tư 24, quá trình chuyển quyền sử dụng một chiếc xe máy cũ diễn ra khá dễ dàng. Với hợp đồng mua bán kèm công chứng, người mua xe máy cũ có thể tự đi rút hồ sơ gốc đăng ký xe tại cơ quan công an nơi chủ xe (người bán) đăng ký, sau đó làm thủ tục sang tên. Khách mua xe kèm cả biển số theo xe.
Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, người mua thường sử dụng dịch vụ rút hồ sơ, sang tên của cửa hàng bán xe máy vốn đã có giấy ủy quyền từ người bán. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cũ, dịch vụ bán xe “bao giấy tờ” kiểu này với chi phí khoảng vài triệu đồng và hầu hết khách đều vui vẻ lựa chọn. Chủ cửa hàng có thể hoàn thành thủ tục giấy tờ cho khách trong khoảng 2 tuần, nhờ giấy ủy quyền từ chủ xe.
Với Thông tư 24, việc mua một chiếc xe máy cũ phức tạp hơn so với trước, khách mua xe không bao gồm biển số. Cụ thể, chủ xe cũ phải làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số (khai báo trên cổng dịch vụ công). Sau đó chủ xe trực tiếp nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe. Với quy định này, những xe máy cũ được cửa hàng thu mua từ nhiều năm trước, mất liên lạc với chủ xe, thì việc sang tên không thể thực hiện nếu chủ xe không có mặt. Vì lý do này, các cửa hàng không thể cam kết mốc thời gian cụ thể để làm biển số cho khách.
“Xe có ký giấy ủy quyền từ chủ xe nhưng bây giờ mất liên lạc, không biết chủ xe ở đâu để gọi đến làm thủ tục. Bây giờ chúng tôi cũng không biết xử lý sao”, anh Vũ Việt Anh, một chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cũ trên đường Trường Sa, quận Tân Bình, TP HCM nói.
Các chủ cửa hàng xe máy cũ cho biết, Thông tư về biển số định danh giúp việc quản lý nhà nước tốt hơn, nhưng hoạt động kinh doanh của họ khó khăn hơn, đặc biệt là những trường hợp chủ xe cũ đã qua đời hoặc mất liên lạc.
Một số cửa hàng kinh doanh xe cũ nói rằng họ khuyên khách chuyển sang mua xe mới ở các đại lý nếu có nhu cầu sử dụng xe ngay và e ngại các thủ tục sang tên, đổi chủ. Mua xe mới có thể khiến khách hàng chi thêm nhiều tiền hơn so với xe cũ nhưng bản thân có thể chủ động trong quá trình đăng ký, ra biển số.
Phạm Hải – Minh Vũ – Minh Quân – Phạm Trung
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/xe-may-cu-e-khach-vi-bien-so-dinh-danh-4646247.html