Xe điện giá rẻ của các thương hiệu Trung Quốc đang khiến các đối thủ châu Âu phải đau đầu tìm giải pháp để có thể cạnh tranh. Ngoài việc giảm chi phí phát triển và sản xuất, làm ra các mẫu xe thân thiện với khách hàng cũng là nhiệm vụ khó khăn.
“Chúng ta phải lấp đầy khoảng cách về chi phí với một số tay chơi Trung Quốc đã khởi động làm xe điện từ rất sớm”, giám đốc điều hành Renault, Luca de Meo nói với Reuters tại IAA Mobility – triển lãm ôtô quốc tế Đức diễn ra tại Munich, từ 5-10/9. Người đại diện hãng xe Pháp thêm rằng khi chi phí sản xuất giảm, giá bán cũng sẽ giảm theo.
Đó là lý do mẫu 5 EV mà Renault sẽ bán ra từ 2024 có mức giá dự kiến rẻ hơn 25-30% so với các mẫu xe điện khác của hãng là Scenic và Megane.
Các hãng xe điện Trung Quốc, gồm BYD, Nio và Xpeng đều đang nhắm tới thị trường xe điện ở châu Âu, nơi doanh số tăng gần 55%, với khoảng 820.000 xe bán trong 7 tháng đầu 2023, chiếm khoảng 13% tổng doanh số toàn thị trường.
Xpeng có kế hoạch mở rộng ra các thị trường ở châu Âu trong 2024, trong khi Leapmotor đã công bố 5 mẫu xe cho thị trường nước ngoài, gồm cả châu Âu, trong vòng 2 năm tới.
Theo hãng tư vấn ôtô Inovev, 8% xe điện mới bán ở châu Âu trong năm nay là của các thương hiệu Trung Quốc, tăng so với 6% của 2022, và 4% của 2021.
Khoảng 41% đơn vị tham gia triển lãm ở Munich năm nay có trụ sở chính ở châu Á, với số lượng các công ty Trung Quốc tăng gấp đôi, gồm 52 đơn vị. Trong số các hãng sản xuất ôtô, bên cạnh những tên tuổi đã trở nên quen thuộc như BYD, Xpeng, MG, Dongfeng, Geely, Polestar, có những thương hiệu mới như Avatr, Leapmotor hay Seres.
Ngoài ra, một loạt hãng sản xuất pin của Trung Quốc cũng tham dự, như CATL, Eve Energy, Sunwoda Electronic, cũng như nhiều nhà cung ứng phần cứng và các giải pháp lái xe thông minh, như Horizon Robotics, EcarX, QCraft.
Sự đổ bộ của các hãng xe điện Trung Quốc vào châu Âu cũng làm dấy lên những lo ngại, rằng các đối thủ từ quốc gia Đông Á có thể sẽ thống trị doanh số xe điện.
“Chúng ta (nước Đức) đang thua về năng lực cạnh tranh”, Hildegard Mueller, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức (VDA) nói, thêm rằng triển lãm Munich phản ánh “cách mà áp lực từ cuộc cạnh tranh quốc tế” đang khiến nước Đức đầu tư nhiều hơn vào điện hóa.
Giá xe điện trung bình ở Trung Quốc chưa đến 35.000 USD trong nửa đầu 2022, so với 61.000 USD ở châu Âu, theo Jato Dynamics.
“Phân khúc thị trường ôtô phổ thông sẽ biến mất hoặc không có mặt của các hãng xe châu Âu”, theo chủ tịch hội đồng quản trị BMW, Oliver Zipse.
Tại Munich, Mercedes giới thiệu mẫu xe cỡ nhỏ CLA, trong khi ở gian hàng của BMW là Neue Klass, đều có hành trình dài hơn trong khi đã giảm bớt chi phí sản xuất.
Giám đốc điều hành của Volkswagen, Oliver Blume, nói rằng nhờ vào những quan hệ đối tác ở Trung Quốc, hãng đặt mục tiêu giảm chi phí pin xuống 50%.
Chủ tịch của Xpeng, Brian Gu, nói rằng trong khi các hãng xe châu Âu đang tụt lại phía sau, nhưng lại có sự “cam kết sâu sắc” với xe điện thông qua đối tác và đầu tư lớn vào công nghệ.
Nhà phân tích Ferdinand Dudenhoeffer nói rằng các hãng xe Trung Quốc là “những nhà vô địch thế giới” về việc sản xuất pin, thứ có thể giảm tới 40% chi phí của một mẫu xe điện.
Mỹ Anh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/xe-dien-trung-quoc-do-bo-trien-lam-duc-4649477.html