Buổi nói chuyện dài 2 giờ xoay quanh chủ đề chụp ảnh lỗ đen và nghiên cứu vũ trụ với 300 học sinh, sinh viên TP HCM ngày 22/2, GS Paul Ho,Tổng giám đốc đài Thiên văn Đông Á đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác nghiên cứu các dự án về vật lý thiên văn. Cụ thể nền kinh tế ổn định, giai đoạn 2018 – 2021 tăng trưởng khá, bất chấp ảnh hưởng Covid-19, có nhiều bạn trẻ đam mê thiên văn, vũ trụ.
GS Paul Ho cho biết, sắp tới sẽ ký kết với một số viện nghiên cứu tại Việt Nam thực hiện các công trình xuất sắc về ứng dụng Big Data để xử lý các nguồn dữ liệu khổng lồ phục vụ ngành vật lý thiên văn. Ngoài ra nhà khoa học Việt có thể tham gia các nghiên cứu về viễn thông, công nghệ vật liệu làm kính thiên văn hiện đại…
Ông tin tưởng các sinh viên, nếu được đào tạo tốt và đam mê có thể tham gia các dự án này nhằm tăng cường phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Điều này cũng giúp thu hút những chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài có thể quay về nước cùng hợp tác phát triển để có những nghiên cứu mới không chỉ trong lĩnh vực vật lý thiên văn mà còn nhiều ngành khác như vật liệu, công nghệ sinh học.
Đài quan sát thiên văn Đông Á do GS Paul Ho điều hành là một trong 8 đài quan sát tham gia chụp bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ tháng 4/2019. Đây là đài quan sát đã góp hai hệ kính vô tuyến là SMA và JCMT vào dự án kính Chân trời Sự kiện (EHT) chụp ảnh lỗ đen.
GS Paul Ho là người Mỹ gốc Đài Loan. Ông học đại học và tiến sĩ về Vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), giáo sư Đại học Harvard và là nhà khoa học cao cấp của Đài quan sát Smithsonian. Các hướng nghiên cứu khoa học của GS Paul Ho bao gồm phổ phân tử, quá trình hình thành sao và hành tinh, từ trường, lỗ đen siêu lớn, các thiên hà, vũ trụ học. Ông đã công bố hơn 400 bài báo quốc tế uy tín, trong đó có hàng chục công trình được đăng trên tạp chí Nature và Science.
PGS.TS Phan Bảo Ngọc, trưởng ngành kỹ thuật không gian, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết chương trình giao lưu được tổ chức nhằm truyền lửa đam mê cho học sinh, sinh viên tiến tới hình thành lớp nhân lực chất lượng cho lĩnh vực thiên văn, vũ trụ. Ở khoa của ông hiện đào tạo các kỹ sư chuyên về ứng dụng công nghệ vệ tinh bao gồm công nghệ định vị, viễn thám và phân tích dữ liệu lớn.
Hà An
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/viet-nam-co-nhan-luc-tiem-nang-nghien-cuu-vu-tru-4573754.html