Bạn đang xem bài viết Viêm tai giữa tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là tình trạng viêm và xuất hiện mủ ở vùng tai giữa.
Viêm tai giữa chủ yếu thường do viêm nhiễm virus hay vi khuẩn vùng mũi họng gây ảnh hưởng đến tai giữa. Viêm tai giữa là nguyên nhân chủ yếu gây đau tai. Nếu điều trị kịp thời có thể chấm dứt tình trạng viêm, ngược lại, chữa trị không đúng cách hoặc tình trạng viêm và tích tụ dịch lâu dài trong vùng tai giữa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Có 2 loại viêm tai giữa: Viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa cấp tính là bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh ở mũi họng. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ khỏi và không có biến chứng. Bệnh thường diễn biến nhanh và kèm với triệu chứng đau nhói trong tai, ù tai tiếng trầm, nghe kém nhẹ kiểu dẫn truyền, khám thấy sưng nề và đỏ trong tai. Các triệu chứng trên là do quá trình viêm gây xuất tiết chất dịch lỏng trong tai giữa.
Viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tính gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh chuyển thành mạn tính khi thời gian chảy mủ tai trên 03 tháng. Tình trạng viêm mạn tính gây ảnh hưởng nhiều đến sức nghe (điếc dẫn truyền), ngoài ra còn gây các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm tai xương chũm,…
Triệu chứng, dấu hiệu của viêm tai giữa
Khi bị viêm tai giữa, thường xuất hiện các triệu chứng như:
– Đau tai, chảy mủ vàng, có mùi tanh.
– Giảm khả năng nghe.
– Sốt cao.
Ngoài ra, ở từng độ tuổi khác nhau cũng sẽ có triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng như:
– Trẻ sơ sinh: Thường khó phát hiện các triệu chứng, đa số trẻ sẽ quấy khóc, bú kém hay bỏ bú. Đa số các mẹ lầm tưởng đó là dấu hiệu bình thường mà không phát hiện ra bệnh.
– Trẻ lớn hơn: Dấu hiệu thường rõ ràng hơn đó là bị sốt, đau tai đặc biệt là khi nằm xuống, do vậy trẻ thường hay kéo và dụi tai.
– Ở trẻ lớn và người lớn: Khả năng nghe giảm sút, cảm giác khó chịu, nặng trong tai, chảy mủ hoặc dịch lỏng. Ngoài ra còn bị ù tai, chóng mặt, buồn nôn, đau họng…
Nguyên nhân gây nên viêm tai giữa
– Do cấu trúc tai: Ở trẻ vòi nhĩ ngắn hơn và nằm ngang hơn vòi nhĩ người lớn, đặc biệt trẻ ở tư thế khóc hay nằm ngửa nên dễ lây lan vi khuẩn từ mũi họng lên tai.
– Do bệnh nguyên phát: Sau khi bị cảm cúm, viêm amidan, viêm V.A, viêm mũi điều trị không tốt dẫn đến viêm tai giữa.
– Do nhiễm khuẩn: Một số vi khuẩn thường gây viêm tai giữa như S. pneumoniae, H.influenzae, M.catarrhalis, S. aureus.
– Do thói quen xấu: Ngoáy tai không đúng cách có thể làm tổn thương tai dẫn đến nhiễm trùng, viêm tai giữa.
– Do hệ thống niêm mạc đường hô hấp, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường cũng là điều kiện làm virus, vi khuẩn dễ tấn công gây ra viêm tai giữa. Đặc biệt ở trẻ em, rất nhạy cảm với thời tiết, hoá chất… dễ sinh ra viêm nhiễm đường hô hấp, dẫn đến viêm tai giữa.
– Do ô nhiễm môi trường: môi trường bị ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá, hoá chất cũng có thể tăng nguy cơ bị viêm nhiễm hô hấp.
– Do chấn thương: Chấn thương gây rách, thủng màng tai như ngoáy tai bằng vật cứng, chấn thương do tiếng nổ, sức ép bom đạn… cũng gây viêm tai giữa.
– Yếu tố di truyền: Viêm tai giữa có liên quan tới yếu tố di truyền, khi 1 người trong gia đình bị viêm tai giữa, có nguy cơ cao thành viên khác trong gia đình cũng sẽ bị viêm tai giữa.
Đối tượng dễ mắc viêm tai giữa
– Trẻ em từ 6 tháng tuổi – 2 tuổi: Trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 năm là dễ bị nhiễm trùng tai vì kích thước và hình dạng của ống vòi nhĩ và vì kém phát triển hệ thống miễn dịch.
– Trẻ bú bình: Trẻ em khi bú sữa bình, đặc biệt là khi nằm xuống có xu hướng bị nhiễm trùng tai nhiều hơn em bé bú sữa mẹ.
– Người có cơ địa nhạy cảm: Những người bị dị ứng thời tiết hay các tác nhân như phấn hoa, lông động vật… có thể có nguy cơ nhiễm trùng tai cao.
Điều trị viêm tai giữa
Điều trị:
– Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể tư vấn cho việc sử dụng acetaminophen hoặc thuốc giảm đau kháng viêm như ibuprofen, naproxen,… để giảm đau. Sử dụng thuốc nên theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi vì aspirin có liên quan với hội chứng Reye, cẩn thận khi đưa aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
– Thuốc nhỏ tai: Thuốc nhỏ tai toa như Benzocain – antipyrine có thể giúp giảm đau.
– Kháng sinh: Trong trường hợp bị nhiễm trùng, việc sử dụng kháng sinh nhằm ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và giảm thiểu biến chứng viêm tai giữa. Ngoài ra, có thể dùng kháng sinh toàn thân nhằm hạn chế lây lan ổ nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng định kỳ và đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh. Thực tế, các triệu chứng ở viêm tai giữa cấp tính thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu đã uống thuốc kháng sinh đúng như bác sĩ chỉ dẫn mà sau 48 – 72 giờ bệnh không thuyên giảm hoặc nặng hơn thì người bệnh cần được nhập viện để điều trị.
Phẫu thuật:
– Đặt ống dẫn lưu tai (ống Diabolo): Trường hợp viêm kèm theo tích tụ dịch trong tai liên tục, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật đặt ống dẫn. Một lỗ nhỏ ở màng nhĩ được tạo ra nhằm hút các chất lỏng trong tai giữa. Một ống nhỏ được đặt trong cửa để giúp thông cho tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ các chất lỏng nhiều hơn nữa. Ống được để lại tại chỗ cho sáu tháng đến một năm, một số ống khác được thiết kế để lâu hơn và có thể cần phải được phẫu thuật lấy bỏ. Màng nhĩ thường đóng trở lại sau khi ống được lấy ra.
– Phẫu thuật mở hang chũm.
– Phẫu thuật mở hang chũm – thượng nhĩ.
– Tiệt căn xương chũm.
Liệu pháp hỗ trợ:
– Điều trị mũi họng: Khi bị viêm tai giữa, điều trị mũi và họng là việc cần thiết nhằm giảm khả năng lây lan tình trạng viêm, đồng thời tăng sức đề kháng của đường hô hấp. Các phương pháp như nhỏ mũi, xông thuốc, nạo V.A, cắt amidan,…
Các phòng ngừa viêm tai giữa
Những lời khuyên sau đây có thể làm giảm nguy cơ viêm tai giữa:
– Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng.
– Hỉ mũi đúng cách và nên hỉ nhẹ nhàng. Không nên xì mạnh vì khi làm như vậy bạn có thể đã vô tình đưa vi khuẩn từ vùng mũi họng vào tai giữa.
– Giữ vệ sinh cá nhân: Người lớn và trẻ em nên có ý thức về việc giữ vệ sinh cá nhân và giữ vệ sinh cho người khác như hạn chế chia sẻ đồ dùng ăn uống. Cách ly các đồ vật không sạch sẽ ra khỏi trẻ mới biết đi hoặc miệng của bé.
– Tránh khói thuốc.
– Tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ: Nếu có thể, bú ít nhất là sáu tháng. Sữa mẹ có chứa các kháng thể có thể cung cấp sự bảo vệ khỏi nhiễm trùng tai.
– Cho trẻ ăn uống đúng tư thế: Nếu trẻ ăn bình nên giữ em bé ở một vị trí thẳng đứng.
– Nếu sử dụng bình bú, các mẹ nên chú ý cho trẻ nằm cao vì như vậy sẽ không làm sữa vào tai gây viêm tai giữa.
– Đối với trẻ em, cần giám sát tình trạng viêm nếu là viêm mạn tính (viêm lặp đi lặp lại). Trong trường hợp này cần kiểm tra khả năng nghe và khả năng ngôn ngữ để tránh các biến chứng như điếc.
– Tiêm chủng đúng và đủ: Tham khảo ý kiến bác sĩ về tiêm chủng thích hợp. Mũi chích ngừa cúm theo mùa và vắc-xin phế cầu khuẩn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai.
– Khám và kiểm tra tại các cơ sở y tế khi các triệu chứng không thuyên giảm.
– Không tự ý mua thuốc nhỏ hay thổi thuốc vào tai.
Xem thêm Ảnh hưởng của viêm tai giữa
Viêm tai giữa thường có những dấu hiệu như đau tai, chảy mủ, ù tai, giảm thính lực…
Khi chảy mủ tai nên đến ngay các cơ sở hoặc trung tâm chuyên khoa Tai- Mũi – Họng để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Tuấn
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viêm tai giữa tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.