Bạn đang xem bài viết Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm, có thể làm tăng nguy cơ mắc xơ gan nếu không được điều trị tích cực sẽ nhanh chóng dẫn đến tử vong. Vậy viêm gan B là gì? Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng do virus viêm gan B (HBV) gây nên. Ở hầu hết bệnh nhân, bệnh viêm gan B tiến triển trong thời gian ngắn, còn được gọi là cấp tính (dưới sáu tháng). Nhưng đối với một số trường hợp, tình trạng viêm gan B kéo dài mạn tính hơn sáu tháng. Viêm gan B mạn tính làm tăng nguy cơ dẫn đến suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan — tình trạng để lại mô sẹo vĩnh viễn trên gan.
Virus viêm gan B lây lan qua đường máu, đường tình dục hoặc do mẹ truyền sang con. Hiện nay đã có vắc-xin tiêm ngừa viêm gan B.
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, viêm gan B được chia làm 2 loại:
- Viêm gan B cấp tính: triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường kéo dài không quá 6 tháng.
- Viêm gan B mạn tính: triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường kéo dài trên 6 tháng.
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B gây nên
Nguyên nhân
Các con đường lây nhiễm chính của virus viêm gan B tương tự virus HIV, tuy nhiên mức độ lây nhiễm cao hơn cả virus HIV. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường:
- Lây truyền qua đường máu: qua các dụng cụ dính máu của người bệnh lây sang máu người lành như dụng cụ y tế không khử trùng tốt, châm cứu, xỏ tai, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay,… Virus viêm gan B có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm virus viêm gan B là rất cao.
- Lây truyền từ mẹ sang con: nguy cơ truyền bệnh cho con rất cao nếu người mẹ nhiễm virus, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm chỉ khoảng 1%. Người mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì sẽ tăng lên 10% và sẽ lên đến 60 – 70% khả năng lây nhiễm nếu như mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối cùng. Nguy cơ lây từ mẹ sang con sẽ ở mức cao nhất là 90% nếu sau khi sinh không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ đứa bé.
- Lây truyền qua đường tình dục: việc quan hệ tình dục không an toàn, không có biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su cũng sẽ bị lây nhiễm từ người mang bệnh.
Cần lưu ý viêm gan B không lây truyền qua hô hấp (hơi thở, hắt hơi…), tiêu hóa (ăn uống) và tiếp xúc thông thường.
Dấu hiệu của bệnh viêm gan B
Sau khi bị nhiễm virus triệu chứng có thể xuất hiện từ 6 tuần đến 6 tháng, trung bình là 3 – 4 tháng. Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt.
- Nổi mẩn trên da, ngứa.
- Đau xương khớp
- Người bệnh thấy mệt mỏi.
- Ăn không ngon miệng.
- Vàng da vàng mắt.
- Đau hạ sườn phải.
Tuy nhiên, mức độ triệu chứng bệnh thay đổi tùy theo từng người. Một số bệnh nhân không có triệu chứng gì cả nhưng cũng có người triệu chứng nặng đến rất nặng kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng, thậm chí suy gan và cần được ghép gan.
Đau hạ sườn phải có thể là nguyên nhân của viêm gan B
Biến chứng nguy hiểm
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan B là dẫn đếnxơ gan và việc điều trị xơ gan hiện nay là hết sức khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến xơ gan là do viêm gan B kéo dài lâu dần hình thành các mô sẹo ở gan, gây tổn thương, suy giảm chức năng của tế bào gan, cuối cùng là xơ gan.
Các triệu chứng của biến chứng xơ gan do virus viêm gan B như:
- Triệu chứng chính: tiêu chảy, đau bụng, cảm giác khó tiêu, ợ hơi, sình bụng.
- Triệu chứng phụ: biếng ăn, mệt mỏi, thiếu canxi, kali và vitamin.
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan B là tiến triển hình thành xơ gan
Cách chẩn đoán bệnh viêm gan B
Một số xét nghiệm cận lâm sàng dùng để chẩn đoán viêm gan B như:
- Xét nghiệm máu: dùng để xác định những dấu ấn miễn dịch trong chẩn đoán tình trạng nhiễm HBV.
- Siêu âm gan: xét nghiệm này giúp đánh giá được cấu trúc nhu mô gan và các phần phụ ở gan. Qua đó, giúp bác sĩ biết được tình trạng viêm nhiễm ở gan và giai đoạn viêm gan.
- Sinh thiết gan: kèm theo thực hiện giải phẫu bệnh. Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm gan B giúp quan sát tế bào gan dưới kính hiển vi.
Siêu âm gan giúp bác sĩ đánh giá được cấu trúc và các phần phụ của gan
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nhiễm HBV có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, một người trẻ nhiễm HBV có thể không có triệu chứng và trở thành người mang virus mạn tính.
Tuy nhiên, khi đã có bất kỳ triệu chứng gợi ý của viêm gan B như vàng da, vàng củng mạc mắt, đau hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn,… bạn nên đến bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi xuất hiện tình trạng vàng mắt, vàng da,… thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay
Nơi khám chữa bệnh
Nếu gặp các triệu chứng nên trên bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để kịp thời thăm khám và điều trị.
Tham khảo một số bệnh viện uy tín và nổi tiếng tại TP Hồ Chí Mình và Hà Nội.
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bình dân,…
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân đội 108,…
Bệnh viện Bạch Mai, số 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội
Các phương pháp chữa bệnh viêm gan B
Một số phương pháp dùng để điều trị bệnh viêm gan B như:
Điều trị dự phòng: đây là một biện pháp dùng để phòng bệnh viêm gan B khi bạn phơi nhiễm với virus viêm gan B. Lúc này, bạn nên báo ngay với nhân viên y tế về tình trạng của bản thân và dùng ngay phác đồ globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị cấp tính: Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị viêm gan B cấp tính. Nhiễm viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi ở 95% người trưởng thành khỏe mạnh. Bạn sẽ được theo dõi diễn tiến bệnh hoặc dùng một số phương pháp điều trị hỗ trợ như giảm đau, truyền dịch, hạ sốt,…
Điều trị nhiễm trùng mạn tính:
- Theo dõi: việc quản lý theo dõi bệnh HBV mạn tính bao gồm xác định đồng nhiễm HIV, viêm gan C và viêm gan D. Tình trạng nhân lên của virus viêm gan B cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh thông qua đánh giá lâm sàng, công thức máu, men gan và hình ảnh mô học gan.
- Dùng thuốc tây: khi có chỉ định điều trị viêm gan B mạn tính ta có thể dùng thuốc điều hòa miễn dịch – Interferon (peginterferon alfa-2a, interferon alfa-2b) hoặc thuốc kháng virus (entecavir, lamivudine, telbivudine, adefovir, tenofovir) để làm giảm bớt các tổn thương tế bào gan và hạ men gan.
Nhiễm HBV cấp tính có thể tự khỏi. Tuy nhiên, những người tiến triển đến trạng thái mạn tính có nguy cơ cao phát triển ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan hoặc suy gan tối cấp.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần phải tái khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi tình trạng hoạt động và số lượng của virus. Người bệnh cần duy trì tái khám mỗi 3-6 tháng sau khi ngừng thuốc để theo dõi, kiểm soát kịp thời nếu virus hoạt động trở lại.
Biện pháp phòng ngừa
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B như:
- Tiêm vaccine viêm gan B.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Người bệnh cần bỏ ngay các thói quen như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya.
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất bảo quản để tránh tăng áp lực cho gan.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vừa sức tuy không thải trừ được virus nhưng giúp người bệnh nâng cao thể trạng sức khỏe.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
Tiêm phòng vaccine viêm gan B là phương pháp hiệu quả để phòng bệnh
Xem thêm
- Viêm gan B nên ăn gì và kiêng ăn gì?
- Các phương pháp điều trị viêm gan B phổ biến hiện nay
- 8 cách giải độc gan tại nhà đơn giản, hiệu quả có thể bạn chưa biết
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh viêm gan B. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!
Nguồn: MayO Clinic, CDC, NCBI
Thạc sĩ Ân Thái Hoàng Anh
Bệnh viện Đa khoa Triều An
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.