Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay gồm 2 bài văn mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, nhanh chóng hoàn thiện bài nói của mình.
Qua đó, các em dễ dàng nêu lên ý kiến của mình về tình trạng bạo lực học đường, học tủ, học lệch… , nhanh chóng trả lời câu hỏi tiết Nói và nghe – Bài 3: Hồn nước nằm trong tiếng mẹ cha SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 1 trang 82. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn:
Trình bày ý kiến về vấn đề bạo lực học đường hiện nay
Chào tất cả các bạn! Tôi tên là…. Dạo gần đây, tôi thấy một số người bạn của mình đang gặp phải một vấn nạn nhức nhối và báo động trong các nhà trường, đó là bạo lực học đường. Tuy nhiên, các bạn ấy vẫn chưa biết cách để giải quyết vấn đề này. Nên hôm nay, tôi sẽ thảo luận với các bạn về bạo lực học đường trong nhà trường hiện nay, để chúng ta tìm ra những biện pháp hay, giúp ích cho những nạn nhân của bạo lực học đường.
Tôi lựa chọn đề tài này bởi tôi mong muốn chấm dứt ngay vấn đề đáng lẽ không nên xảy ra trong môi trường giáo dục, đồng thời mong muốn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những bạn đang là nạn nhân và thức tỉnh kẻ gây ra bạo lực học đường, giúp trường học trở thành nơi mà chúng ta được bảo vệ, chia sẻ.
Trước hết, vô số những bạn học sinh khác trên cả nước đang là nạn nhân của bạo lực học đường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, cả nước có gần 1600 vụ việc học sinh đánh nhau, cứ 9 trường lại có học sinh đánh nhau. Đây chỉ là con số được thống kê, ngoài ra còn có vô số những vụ việc bạo lực học đường khác chưa được cập nhật. Nạn nhân của bạo lực học đường thường là những cô, cậu học sinh tâm lý chưa vững, rất dễ bị trầm cảm, mắc bệnh tâm lý do bị dọa nạt, không tìm được hướng giải quyết, từ đó giảm khả năng học tập, nghỉ học, thậm chí là tự tử.
Bạo lực học đường không chỉ gây ra vấn đề tâm lý cho nạn nhân, mà còn cho cả những người đang bắt nạt. Họ sẽ bị “tiêm nhiễm” những thói hư, tật xấu, coi việc bắt nạt người khác là chuyện đương nhiên. Hậu quả là, họ sẽ chểnh mảng học tập, không trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời, vô hình chung, trở thành gánh nặng cho cả cộng động và gia đình. Một xã hội không phát triển là một xã hội nhiều kẻ bạo lực.
Vậy, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này? Theo tôi, chúng ta nên giáo dục và tuyên truyền cho học sinh về hậu quả của bạo lực học đường. Cần có những hình phạt răn đe thích đáng cho những kẻ bắt nạt (kỉ luật, đi cải tạo,…) để các bạn trẻ noi gương mà không làm theo. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên chú ý đến con em mình hơn. Khi thấy con mình có dấu hiệu bị bắt nạt, hãy chủ động chia sẻ, giải quyết vấn đề cùng con, luôn động viên con. Còn khi thấy con mình đang bắt nạt bạn khác, hãy lập tức ngăn chặn hành động đó lại thật quyết liệt, có thể răn dạy ở nhà hoặc báo lên chính quyền địa phương để ngăn chặn,
Quan trọng hơn cả, bản thân nạn nhân cũng nên tự tìm ra những hướng giải quyết. Đừng ngần ngại chia sẻ với người thân và thầy cô về vấn đề mình đang gặp phải. Hãy mạnh mẽ đứng lên đấu tranh, vì xung quanh bạn có rất nhiều ủng hộ, che chở cho bạn.
Bài thảo luận của tôi đến đây là kết thúc. Tôi hi vọng bài thảo luận này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về bạo lực học đường. Tôi rất mong nhận được sự góp ý và nhận xét từ các bạn. Tôi xin cảm ơn!
Trình bày ý kiến về vấn đề hiện tượng học lệch của học sinh hiện nay
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày về hiện tượng học lệch của học sinh hiện nay.
Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.
Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.
Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.
Học lệch là học chuyên sâu về một vài lĩnh vực nào đó và quả thật là chúng ta sẽ có kiến thức vô cùng vững vàng và chắc chắn trong lĩnh vực ấy. Thế nhưng đó cũng là cách ta tự tạo ra một lỗ hổng kiến thức cho mình. Kiến thức cơ bản không có người ta trở nên chán ghét môn học, dần dần cảm thấy chán nản khi nhắc đến và không muốn học. Khi đó, kết quả học tập giảm sút làm ảnh hưởng đến chính người học và sau cùng là suy giảm chất lượng giáo dục. Giáo dục kém, đất nước thiếu đi những nhân tài toàn diện là điểm yếu của một đất nước trong giai đoạn đang phát triển.
Xét về nguyên nhân, đầu tiên là phải bàn đến bản thân người học. Đôi khi là do sở thích vốn có, chỉ thích môn này, môn kia mà bỏ bê những môn còn lại. Cũng có thể do bệnh lười ăn sâu, ngại học, ngại tìm tòi, nghiên cứu. Tuy vậy yếu tố khách quan cũng có tác động mạnh. Đó là tác động của kì thi Trung học phổ thông quốc gia. Các sĩ tử chỉ tập trung vào môn học xét tuyển đại học để có được điểm số cao, đỗ vào trường mình mơ ước để sau này dễ tìm kiếm việc làm.
Bởi những hậu quả khó lường mà học lệch gây ra, mỗi chúng ta cần có ý thức nói không với học lệch, tích cực với tất cả các môn, vận dụng lý thuyết vào thực tế để ghi nhớ, khắc sâu. Cần tuyên truyền đến mọi người về những tác hại do học lệch gây ra, tham gia các diễn đàn, chương trình học tập để nâng cao vốn tri thức.
Nói tóm lại, học lệch gây ra rất nhiều tác hại, không những hổng kiến thức mà còn làm cho kiến thức không lâu bền, dễ phai mờ. Ý thức được điều đó, em sẽ phân chia thời gian cho các môn học sao cho hợp lí mà vẫn có thể nâng cao hơn những môn thi đại học.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay Văn mẫu lớp 9 Kết nối tri thức của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.