Viết đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân gồm 3 mẫu ngắn gọn, ấn tượng nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những trạng thái cảm xúc phức tạp của ông Hai.
Tâm trạng của nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng theo giặc, tới khi cải chính diễn biến hết sức phức tạp, thể hiện rõ nét qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn để có thêm vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn có vốn am hiểu sâu rộng và gắn bó sâu sắc với cuộc sống làng quê, cho nên những sáng tác của ông thường hướng về những người nông dân. Có thể nói, “Làng” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân viết về tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim người nông dân. Tác phẩm nổi bật với vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật ông Hai, một người nông dân xa quê nhưng chỉ nhớ về quê hương cho nên khi ông nghe tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc, ông sững sờ, xấu hổ, uất ức: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Từ lúc ấy, tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó trở thành nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian ông “cúi gằm mặt đi”, về đến nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Bao nhiêu niềm tự hào về làng quê ấy như sụp đổ trong tâm trí của người nông dân rất mực yêu quê hương. Vì xấu hổ nên suốt mấy ngày ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng tình hình bên ngoài “thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam – nhông là ông lủi ra một nhà, nín thít”. Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai vì ông không biết đi đâu, về đâu, về làng thì không được vì về làng lúc này là đồng nghĩa với Tây, phản bội kháng chiến nhưng ở lại cũng không được vì đã bị mụ chủ nhà đánh tiếng xua đuổi. Với ông “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, cho nên dù ông có yêu làng đến đâu thì cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu Tổ quốc vì làng ông đã phản bội kháng chiến. Để vơi bớt nỗi đau, nỗi dằn vặt trong lương tâm ông đã trò chuyện với cu Húc để bày tỏ tình yêu của mình đối với làng Chợ Dầu. Nỗi nhớ quê, yêu quê sâu sắc, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo, đan xen trong lòng ông lão nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá vào kháng chiến với Cụ Hồ. Truyện ngắn đã thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê hương thống nhất với tình yêu đất nước của ông Hai, điều đó được thể hiện rõ ràng ở diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi ông nghe tin làng mình theo giặc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, sâu sắc mà tinh tế, ngôn ngữ đặc sắc, sinh động gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân được nhà văn Kim Lân vận dụng một cách nhuần nhuyễn đã tạo nên sự thành công khi miêu tả diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của ông Hai.
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính
Trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật điển hình đặc sắc, đó là nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu nước, yêu cách mạng. Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện rõ nhất qua những diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính. Lúc nghe tin nhà bị giặc đốt, làng bị xâm chiếm, ông Hai vui sướng vô cùng. Cái nét mặt vừa buồn thui, chán nản, mệt mỏi trước đó bỗng tươi tỉnh và rạng rỡ hẳn. Ông vui vẻ ra đường mua bánh về chia cho những đứa con thân yêu của mình rồi đi đây đó khoe với những người ông gặp cái tin nhà bị Tây đốt bằng niềm hồ hởi như một đứa trẻ vừa được ai đó khen tặng. Ông xem việc nhà bị Tây đốt là niềm tự hào bởi đó là mình chứng cho sự trong sạch, sự trung thành của gia đình ông, của quê hương ông với cách mạng, với kháng chiến. Có thể nói ông đã đặt tình yêu nước trên cả những tình cảm, lợi ích cá nhân, gia đình. Bằng tình huống truyện mở nút, cùng cách xây dựng nhân vật qua điệu bộ, cử chỉ, hành động, Kim Lân đã làm sáng ngời những vẻ đẹp trong phẩm chất của nhân vật. Qua đó, cũng bày tỏ niềm trân trọng của tác giả dành những người nông dân Việt Nam chân chất, thật thà, yêu cách mạng.
Viết đoạn văn theo lối diễn dịch phân tích tâm trạng ông Hai
Qua truyện ngắn “Làng”, diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai đã được nhà văn Kim Lân diễn tả thật cụ thể, sinh động. Ông Hai là một người yêu làng tha thiết, ông hay kể, hay khoe về làng của mình một cách háo hức, say mê. Khi kháng chiến bùng nổ, vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, ông Hai buộc phải đi tản cư, ở nơi tản cư, ông nhớ da diết cái làng thân yêu của mình. Ông thường xuyên ra phòng thông tin nghe ngóng tin tức về làng. Một hôm như bao hôm khác, ông cũng tới phòng thông tin để “nắm bắt tình hình, bao nhiêu tin hay làm ruột gan ông lão cứ như múa cả lên”. Từ phòng thông tin ra, ông định rẽ vào quán của vợ, ông gặp một đám người tản cư mới ở dưới xuôi lên, vui mừng lân la trò chuyện, vừa nhắc đến làng chợ Dầu, ông háo hức hỏi thăm nhưng rồi một người đàn bà đã nói cho ông một cái tin sét đánh: làng Chợ Dầu theo Tây. Thoạt nghe, ông sững sờ, hốt hoảng, bàng hoàng như không thể tin nổi vào tai mình nữa. Người ta cứ lao xao bàn tán, ông nén lại cơn đau, đánh trống lảng trở về nhà trong nỗi xấu hổ. Ông cứ cúi gằm mặt mà đi, ông sợ có người nhận ra mình là người làng chợ Dầu mà ngày xưa ông từng tự hào, giờ đây làng lại theo Tây, trở thành kẻ bán nước. Về đến nhà, ông chán chường, mệt mỏi. Tâm trạng ấy kéo dài trong ông, bủa vây ông làm ông buồn bã đến mức nhìn lũ con mà cũng tủi thân rơi nước mắt “Chúng nó là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…” Và cả tối hôm ấy, ông Hai và bà Hai cũng chẳng ai dám nói chuyện với ai….lòng nặng trĩu như đám mây xám xịt chuẩn bị rơi xuống những giọt mưa sầu. Mấy hôm sau, ông Hai cũng chẳng dám đi đâu, chỉ ru rú xó nhà trong nỗi đau khổ, tủi nhục, cảm giác như mình là kẻ có tội, nỗi ám ảnh, dằn vặt cứ đeo bám chẳng dứt ra được. Chả biết phải làm sao, ông đành tâm sự với đứa con út cho vơi đi được phần nào. Qua những lời tâm sự ấy, ta càng thấy rõ tình yêu sâu đậm của ông đối với làng chợ Dầu, một tình cảm trung thành, nguyên sơ với cách mạng, với cụ Hồ, với kháng chiến. Cho đến một hôm, có người đàn ông đến kéo ông Hai đi ngay lập tức, đến tối mịt mới về với đôi mắt hung đỏ, chắc rằng ông đã khóc trong hạnh phúc, ông đã nghe tin cải chính, làng chợ Dầu không hề theo giặc. Với vẻ mặt rạng rỡ, ông còn lấy bánh chia cho các con. Ông lại sang hàng xóm, sang bác Thứ khoe “Tây đốt nhà tôi rồi…”. Ông khoe khắp nơi cho hả nỗi vui sướng. Ông chính là nhân vật điển hình, tiêu biểu cho người nông dân năm đầu kháng chiến chống Pháp có tình yêu quê hương sâu nặng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai (3 mẫu) Truyện ngắn Làng của Kim Lân của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.