TOP 8 Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ tâm trạng xót xa, đau đớn của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã tái hiện thành công tâm trạng, cảm xúc của nhân vật Thúy Kiều khi bị rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời. Đặc biệt ở 8 câu thơ cuối càng cho chúng ta thấy rõ điều này. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm bài cảm nhận, phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn để học tốt môn Văn 9 hơn.
Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thành công tái hiện diễn biến tâm lí của nàng Kiều khi bị giam cầm. Ở đây, Thúy Kiều đã trực tiếp bộc lộ nỗi buồn, sự đau đớn, xót xa qua điệp từ “Buồn trông”. Nàng bị ngợp bởi sự vô tận, rộng lớn của thiên nhiên: “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa”. Trước không gian sông nước mênh mang ấy, Kiều đã bày tỏ nỗi nhớ quê nhà da diết, khôn nguôi. Hình ảnh “hoa trôi man mác” có lẽ chính là tượng trưng cho thân phận nhỏ bé của nàng. Kiếp người ấy lênh đênh, vô định, bị sóng gió, bão tố cuộc đời vùi dập không thương tiếc. Khi mà tâm trạng con người không tốt, cảnh sắc thiên nhiên cũng nhuốm màu đau thương: “nội cỏ rầu rầu”. “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” là chi tiết tô đậm thêm cho sự mênh mang, vô tận của không gian. Từ đó, sự vô định, mông lung lại càng bao phủ tâm trí của Kiều. Nàng bắt đầu có dự cảm không lành về tương lai. Hai câu thơ cuối đã thể hiện sự sợ hãi, lo lắng của Kiều trước bao sóng gió, phong ba của cuộc đời. Bằng bút pháp tài hoa cùng hàng loạt các hình ảnh giàu sức gợi, Nguyễn Du đã đem đến sự miêu tả vô cùng chi tiết về tâm trạng của Thúy Kiều cũng như dự đoán một tương lai không mấy êm ả đối với người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 1
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều khi bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Đặc biệt, trong tám câu thơ cuối của đoạn trích, tác giả Nguyễn Du đã làm nổi bật được nỗi cô đơn cùng nỗi âu lo và dự cảm không lành về tương lai sóng gió của nàng Kiều. Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng điệp ngữ “buồn trông” để làm cho âm hưởng câu thơ trở nên lắng đọng, trầm buồn, qua đó gợi ra dòng suy nghĩ miên man, nỗi buồn như giăng kín trong tâm hồn cô đơn, lạc lõng của Kiều. Hình ảnh cánh buồm thấp thoáng giữa không gian rộng lớn gợi ấn tượng về sự lạc lõng, mờ mịt cũng chính như hoàn cảnh của Thúy Kiều đang bơ vơ nơi đất khách. Cánh hoa nổi trôi gợi ấn tượng về số phận chìm nổi, long đong vô định không biết đi đâu, về đâu. Hình ảnh ngọn cỏ, chân mây, mặt đất dường như cũng thấm đượm tâm trạng của con người mà trở nên “dầu dầu”, héo úa, mịt mờ. “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, câu thơ kết mở ra âm thanh dữ dội, đó cũng tựa như những sóng gió, tai họa khủng khiếp sắp sửa giáng xuống cuộc đời của nàng Kiều. Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình cùng tài năng miêu tả tâm lí xuất sắc, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng cô đơn, nỗi lo âu, sợ hãi của Thúy Kiều trước tương lai sóng gió.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 2
Tám câu thơ cuối bài “Kiều ở lầu Ngưng bích” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã dựng lên bốn bức tranh phong cảnh qua con mắt Thúy Kiều,qua đó thể hiện tâm trạng buồn lo và số phận bất hạnh của nàng. Mỗi bức tranh đều được bắt đầu bằng hai tiếng “buồn trông” thể hiện nỗi buồn miên man, sâu sắc của Kiều, dường như ở đây không có con người mà chỉ có cái nhin của nhân vật hay đúng hơn, chỉ có tâm trạng. Hình ảnh”cánh buồm xa xa” trơ trọi nơi “cửa bể chiều hôm” thể hiện nỗi nhớ mong quê hương da diết và cảnh đời lưu lạc của Kiều. Cánh “hoa trôi man mác” giữa “ngọn nước mới sa” phải chăng chính là tâm trạng bi thương, số phận lênh đênh, vô định của nàng? Và Kiều ngày càng chìm sâu vào những buồn lo khiến cảnh vật xung quanh nàng thêm thấm đẫm nỗi sầu đau tê tái. “Nội cỏ rầu rầu “giữa” chân mây mặt đất một màu xanh xanh” kia hay chính là tâm trạng đau đớn của nàng trước tương lai mờ mịt, tăm tối? Ngoài biển cả, âm thanh dữ dội “ầm ầm tiếng sóng” như nói lên tâm trạng hãi hùng và cuộc sống đầy đe dọa đang bủa vây cuộc đời nàng,thiên nhiên dữ dội cũng là lời dự báo trước một thảm họa sắp xảy ra với Kiều, sẵn sàng vùi dập cuộc đời nàng!Tám câu thơ cuối bài là một bức tranh miêu tả thiên nhiên nhưng ta vẫn thấy bên trong thấm đẫm tâm trạng nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Du là ở đó. Thơ của ông luôn lấy những cảnh vật hết sức chân thực, hết sức đời thường và những âm thanh vô cùng sinh động của thiên nhiên làm nền cho hoạt động nội tâm của nhân vật. Đối với tám câu thơ cuối thì những hình ảnh, âm thanh đó là: cửa biển, cánh buồm, hoa trôi, nội cỏ, tiếng sóng ầm ầm,… tất cả đều được miêu tả bằng bút pháp khắc họa khái quát, bằng hình tượng và ngôn ngữ ước lệ, công thức. Tám câu thơ cuối bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn thơ hay, đặc sắc trong Truyện Kiều, những câu thơ vừa có nhạc, có họa ấy đã tạo nên giai điệu sâu lắng lòng người, và trong nó không chỉ có cảnh thiên nhiên, tâm trạng của nhân vật mà còn có cả tấm lòng nhà thơ, Nguyễn Du đã dành sự đồng cảm, buồn thương, chua xót cho kiếp người “hồng nhan bạc mệnh”.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 3
Tám câu thơ, mỗi cặp câu gợi ra một nỗi buồn sâu thẳm. “Buồn trông” là buồn mà nhìn xa, nhưng cũng là buồn mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm đổi thay tình trạng hiện tại. Hình như nàng mong một cánh buồm, nhưng cánh buồm chỉ thấp thoáng, xa xa, không rõ, như một ước vọng mơ hồ, mỗi lúc một xa. Nàng lại trông ngọn nước mới từ cửa sông chảy ra biển (theo Lê Văn Hòe), ngọn sóng xô đẩy cánh hoa phiêu dạt, không biết về đâu. Kiểu ngồi trên lầu cao làm sao thấy được cánh hoa trên dòng nước. Đây chỉ là cảnh nàng tưởng tượng về số phận mình. Nàng lại trông thấy đồng cỏ úa tàn, chân mây, mặt đất một màu mờ mịt xanh xanh, tưởng như mịt mùng không có chân trời. Nàng lại “trông gió cuốn mặt duềnh”. “Duềnh” là chỗ biển ăn sâu vào đất liền, thành vựng (theo Thạch Giang). “Gió cuốn mặt duềnh” làm cho sóng vỗ dào dạt, ầm ầm… Tất nhiên, dù lầu Ngưng Bích có rất gần bờ biển cũng không thể nghe được “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” được. Đây là hình ảnh vừa thực, vừa ảo, cảm thấy như sóng vỗ dưới chân, đầy hiểm họa, như muốn nhấn chìm nàng xuống vực. Tám câu thơ, câu nào cũng vừa thực vừa hư, vừa là thực cảnh, vừa là tâm cảnh. Toàn là hình ảnh về sự vô vọng, sự dạt trôi, sự bế tắc và sự chao đảo, nghiêng đổ. Đây chính là lúc mà tình cảm Kiều trở nên mong manh và yếu đuối nhất, là lúc mà nàng rất dễ rơi vào cạm bẫy, như nàng sẽ rơi vào tay Sở Khanh sau này. Trong đoạn thơ này, không gian bao la rợn ngợp, không một bóng người. Thời gian như dồn lại, không biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều lặp lại. Con người trở nên nhỏ bé, bất lực, trơ trọi. Nghệ thuật trùng điệp như kéo dài nỗi buồn vô vọng, vô tận của con người.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 4
Qua tám câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du đã gián tiếp miêu tả tâm trạng Kiều bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc. Hình ảnh cánh buồm thấp thoáng ngoài biển xa mênh mông trong buổi chiều ta gợi lên không gian xa lắc của quê nhà và không khí tĩnh lặng, qua đó thể hiện rõ nỗi nhớ quê hương da diết trong lòng Kiều. Còn hình ảnh “hoa trôi man mác” là hình ảnh tả thực về những bông hoa trôi nổi, bấp bênh trên mặt nước, bị sóng biển vùi dập, xô đẩy, qua đó diễn tả tâm trạng buồn tủi và những dự cảm tinh tế về tương lai không biết sẽ đi đâu về đâu của Thúy Kiều? Ôi cánh hoa mỏng manh như nâng Kiều đang ôm nỗi lo về số phận vô định trên dòng đời. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” kéo dài đến tận “chân mây” vẫn chỉ một màu xanh đang héo úa ấy đã vẽ lên một cảnh tượng u ám, héo hắt, nó gợi cho người đọc cảm nhận được nỗi buồn triền miên, vô vọng của Thúy Kiều. Hai câu thơ cuối cùng tả cảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh “ầm ầm tiếng sóng” gợi lên rất rõ cả hình ảnh, cả âm thanh của phong ba bão táp hung dữ sắp ập đến cuộc đời Kiều, khiến ta cảm thấy nỗi lo sợ hãi hùng trong lòng người con gái tài hóa trước bao tai họa ào ạt giáng xuống đời nàng. Thêm vào đó, Nguyễn Du còn dùng điệp ngữ “buồn trông” đặt ở đầu những câu thơ nhằm liên kết các hình ảnh trong cả đoạn thơ thành một chuỗi cảnh sầu thảm. Hơn nữa, từ “buồn trông” mang hai thanh bằng lặp đi lặp lại bốn lần trong bốn cặp thơ lục bát tạo nên âm hưởng trầm, buồn diễn tả nỗi sầu như kéo dài dằng dặc của nhân vật. Tám câu thơ, bốn hình ảnh thiên nhiên, bốn điệp ngữ đã diễn tả thật phong phú, tinh tế mọi sắc thái nội tâm Thúy Kiều.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 5
Tám câu thơ cuối với bút pháp tả cảnh ngụ tình đã làm nổi bật tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều. Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại 4 lần tạo âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc diễn tả nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp trong lòng Kiều. Cảnh vật thiên nhiên qua con mắt của Kiều gợi nỗi buồn da diết. Cánh buồm thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện nơi cửa bể chiều hôm gợi hành trình lưu lạc mờ mịt không biết đâu là bến bờ. Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu. Nội cỏ rầu rầu trải rộng nơi chân mây mặt đất gợi cuộc sống úa tàn, bi thương, vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ. Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh ầm ầm của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi” gợi tâm trạng lo sợ hãi hùng như báo trước,chỉ ngay sau lúc này, giông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Các từ láy “xa xa”, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn, cô đơn, tăng dần của nàng Kiều. Chọn những hình ảnh có thực nhưng Nguyễn Du đã miêu tả bằng những đường nét tinh tế. Khung cảnh thiên nhiên làm nền cho hoạt động nội tâm của nhân vật. Cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. Từ đó, càng tô đậm sự cô đơn, thân phận trôi nổi vô định, buồn thương xót xa lẫn bàng hoàng lo sợ trước những tai hoạ đang vây bủa, vùi dập Kiều. Nó như đang dự báo tương lai khủng khiếp đang đợi nàng. Thật xót xa cho thân phận nàng Kiều!
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 6
Bị giam cầm tại lầu Ngưng Bích, Kiều đã nhớ về Kim Trọng, nhớ về gia đình. Thế nhưng sau tất cả nỗi nhớ khắc khoải, da diết hướng đến người thân, Kiều đã quay trở về với thực tại để đối diện với bi kịch của bản thân. Bức tranh nội tâm của nàng được mở ra bằng điệp ngữ “buồn trông”. Hình ảnh cánh buồm đơn độc, trơ trọi nơi cửa bể không chỉ tô đậm cái lạnh lẽo, mênh mông đến rợn ngợp của không gian mà còn thể hiện nỗi nhớ nhà và cảnh đời lưu lạc của nàng Kiều. Hình ảnh cánh hoa mỏng manh, nhỏ bé kia phải chăng giống như cuộc đời của nàng, lênh đênh, vô định không thấy bến bờ. Câu hỏi tu từ “Hoa trôi man mác biết là về đâu?” càng tô đậm nỗi cô đơn, tuyệt vọng và sự bế tắc đến cùng cực của Thúy Kiều. Khung cảnh xung quanh dường như cũng thấu hiểu được nỗi buồn của con người mà trở nên bi thương, sầu muộn “nội cỏ rầu rầu”, chân mây mặt đất rộng lớn là vậy nhưng chỉ có một màu xanh đơn bạc, không chút sự sống. m thanh dữ dội của sóng ngoài tự nhiên như một điềm báo không lành về tương lai sóng gió, trắc trở của nàng “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Tám câu thơ cuối nhà thơ tập trung miêu tả khung cảnh thiên nhiên của lầu Ngưng Bích thế nhưng qua đó lại làm nổi bật lên bức tranh tâm cảnh đầy xót xa, đau đớn của một kiếp bạc mệnh.
Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu 7
Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình, đại thi hào Nguyễn Du đã vô cùng xuất sắc khi tái hiện bức tranh tâm trạng đầy phức tạp, đớn đau của Thúy Kiều trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Điệp ngữ “buồn trông” được tác giả sử dụng thật tinh tế, khéo léo để diễn tả nỗi buồn triền miên, dai dẳng đang bủa vây, xâm chiếm tâm hồn của Thúy Kiều. Giữa không gian mênh mông, rộng lớn của tự nhiên, hình ảnh cánh buồm như ẩn, như hiện nơi cửa bể chiều hôm gợi ra nỗi nhớ quê nhà và làm cho nỗi cô đơn của Thúy Kiều nơi đất khách thêm sâu đậm, khắc khoải. “Hoa trôi man mác” trên mặt nước mênh mông gợi ra sự nhỏ bé, lạc lõng, mất phương hướng của nàng Kiều giữa dòng đời rộng lớn, nơi tiềm ẩn bao bất trắc, tai họa. Hình ảnh hoa trôi còn diễn tả tâm trạng đau khổ, buồn tủi và những dự cảm về tương lai bất định, không biết đi đâu, về đâu của Kiều. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” và chân mây mặt đất “một màu xanh xanh” càng tô đậm, làm cho khung cảnh trở nên u ám, heo hắt, khung cảnh ấy cũng như như nỗi lòng cô đơn, sự tuyệt vọng nơi Kiều. Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và “ầm ầm tiếng sóng” trong câu thơ cuối khắc họa rõ nét mà cũng ám ảnh nhất về những sóng gió, tai ương bất trắc trong tương lai mà Thúy Kiều phải đối mặt. Chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, bốn hình ảnh thiên nhiên và bốn điệp ngữ “buồn trông”, tác giả Nguyễn Du đã hoàn thiện bức tranh tâm cảnh đầy phức tạp trong nội tâm Thúy Kiều.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích (8 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.