Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về lòng trung thành gồm 2 mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, hiểu sâu sắc hơn vai trò, ý nghĩa của lòng trung thành trong cuộc sống của con người.
Lòng trung thành là sự tận tâm, “một lòng một dạ” tin tưởng, gắn bó với người khác. Người có lòng trung thành luôn sống biết ơn biết nghĩa, biết trước biết sau. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn để có thêm nhiều vốn từ, viết đoạn văn nghị luận thật hay.
Đoạn văn nghị luận 200 chữ về lòng trung thành
Lòng trung thành được coi như phạm trù đạo đức đáng gìn giữ của con người. Đó là sự tận tâm, hết lòng và tin tưởng dành cho một người hay một lí tưởng cụ thể. Có thể kể đến tấm lòng trung nghĩa với vua chúa của các quan thần thời xưa. Rõ nét hơn chính là sự trung thành tuyệt đối của các cán bộ, chiến sĩ đối với Tổ quốc, với Đảng và lí tưởng cộng sản. Một vài tấm gương tiêu biểu phải kể đến như đồng chí Trần Phú, Lê Đức Thọ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh,… Họ đều là những cá nhân ngay thẳng, thật thà, luôn sẵn sàng cống hiến cho tập thể. Nhờ có lòng trung thành, con người đã gây dựng được rất nhiều thành công, thắng lợi trong mọi lĩnh vực. Điều này còn giúp cho các mối quan hệ trở nên gắn bó, thân thiết hơn, từ đó loại bỏ sự phản bội hay những yếu tố tiêu cực, hỗn loạn. Không chỉ vậy, lòng trung thành còn đem đến cho con người sự tin tưởng, vững vàng khi đưa ra quyết định. Nhờ vậy mà mỗi cá nhân tự tạo nên được những giá trị tốt đẹp riêng, nhận được sự tin yêu của cộng đồng. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn xuất hiện trường hợp phản bội, sống bất nghĩa, hai mặt. Những kẻ như vậy thường ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà không từ thủ đoạn, làm ra những việc trái với đạo đức. Để loại bỏ những tiêu cực ấy, con người cần không ngừng rèn luyện chính mình. Hãy giữ cho bản thân tỉnh táo, sáng suốt, đặt niềm tin và lòng trung thành đúng nơi, phù hợp. Có như vậy, cộng đồng mới có thể phát triển ngày một vững mạnh, tốt đẹp hơn.
Đoạn văn nghị luận xã hội về lòng trung thành
Trung thành luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp giữ cho xã hội bình yên, ổn định. Đó là sự tận tâm, hết lòng, đặt niềm tin vào Tổ quốc, chính quyền, các cấp lãnh đạo hay một lí tưởng cụ thể. Người có lòng trung thành luôn thẳng thắn, thật thà. Họ bài trừ, lên án sự phản bội, không làm những điều trái đạo đức. Cách sống của những người ấy cũng rất đẹp, ơn nghĩa, trước sau như một. Chính bởi đức tính đáng quý đó, họ đã nhận được sự tôn trọng, yêu quý, tin tưởng của cộng đồng. Không chỉ tạo ra giá trị riêng cho bản thân, lòng trung thành còn góp phần giúp con người làm nên vô số thành tựu đáng kể. Quan niệm của người xưa đề cao lòng “trung” bởi nhân dân, quan thần có “trung” với vua thì xã hội mới bình ổn. Đến các cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính sự trung thành và niềm tin với cách mạng, với đường lối của Đảng đã đem tới cho người Việt những chiến thắng huy hoàng, vang danh năm châu. Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn là sự phản bội vẫn đang tồn tại trong cuộc sống. Hay có kẻ trung thành một cách mù quáng, không phân biệt được phải – trái, đúng – sai, làm ra nhiều hành động gây tổn hại đến an sinh xã hội. Đó đều là những trường hợp đáng lên án, cần nhanh chóng được khắc phục. Vậy nên mỗi người cần tự giác rèn luyện bản thân thật tốt, giữ lòng trung thành một cách phù hợp, tránh tin tưởng mù quáng. Hãy cố gắng không ngừng để góp phần xây dựng nước nhà thật vững mạnh, phát triển.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về lòng trung thành Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ hay nhất của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.