Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Tổng hợp mở bài truyện ngắn Lão Hạc, sẽ được Neu-edutop.edu.vn giới thiệu đến bạn đọc.
Nội dung bao gồm 23 mẫu mở bài lớp 8. Bạn đọc hãy cùng tham khảo ngay sau đây để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.
Tổng hợp mở bài truyện ngắn Lão Hạc
- Mở bài phân tích truyện ngắn Lão Hạc (6 mẫu)
- Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc (4 mẫu)
- Mở bài phân tích nhân vật ông giáo trong Lão Hạc (6 mẫu)
- Mở bài phân tích nhân vật Cậu Vàng (2 mẫu)
- Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc khi bán Cậu Vàng (5 mẫu)
Mở bài phân tích truyện ngắn Lão Hạc
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 1
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Hai mảng đề tài chính trong các tác phẩm của ông là người nông dân và tri thức nghèo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân là truyện ngắn Lão Hạc.
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 2
Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 3
Nam Cao là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam. Trước Cách mạng, đề tài người nông dân và trí thức tiểu tư sản dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, xoay đi xoay lại cũng chỉ là việc họ bị cái nghèo, cái đói giày vò đến khốn khổ. Thế nhưng bằng ngòi bút tài năng và giàu sức sáng tạo của mình Nam Cao đã biến nó thành những câu chuyện khác nhau, những mảnh đời khác nhau, tuy chung bi kịch, nhưng ở mỗi cuộc đời bất hạnh ta lại thấy những khía cạnh khác nhau, sự chua chát đắng cay và cả những vẻ đẹp tâm hồn được Nam Cao khai thác rất tinh tế tỉ mỉ.
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 4
Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, “Lão Hạc” là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 5
Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm – nhân vật lão Hạc – dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.
Mở bài phân tích Lão Hạc – Mẫu 6
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 – 1945. Qua nhiều tác phẩm, tác giả đã vẽ nên khung cảnh tiêu điều, xơ xác của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Sự đói khổ ám ảnh nhà văn bởi nó ảnh hưởng không ít tới nhân cách, nhưng trong cảnh nghèo đói thê thảm, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân vẫn tồn tại và âm thầm tỏa sáng. Truyện ngắn Lão Hạc thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Trong đó, nhân vật chính là một nông dân gặp nhiều nỗi bất hạnh vì nghèo đói nhưng chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng.
Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc
Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc – Mẫu 1
Nam Cao là một trong những tác giả tiêu biểu của khuynh hướng văn học hiện thực. Truyện ngắn Lão Hạc rất nổi bật khi viết về người nông dân với hình tượng nhân vật lão Hạc.
Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc – Mẫu 2
“Lão Hạc” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nam Cao viết về số phận người nông dân trước cách mạng. Nổi bật lên trong truyện là hình ảnh lão Hạc đã trở thành một trong những biểu tượng cho người nông dân Việt Nam.
Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc – Mẫu 3
Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên là một trong những nhân vật “để đời” của Nam Cao. Lão Hạc, một nông dân nghèo khổ, cùng quẫn, nhưng không bị biến chất như Chí Phèo, mà trái lại có một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao thượng.
Mở bài phân tích nhân vật Lão Hạc – Mẫu 4
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về hai mảng đề tài chính: người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo, sống mòn mỏi bế tắc trong xã hội xưa cũ. Trong đó, “Lão Hạc” được coi là truyện ngắn tiêu biểu nhất viết về người nông dân khi đã xây dựng được hình tượng nhân vật lão Hạc – nhân vật chính của tác phẩm.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo trong Lão Hạc
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 1
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến truyện ngắn Lão Hạc. Nổi bật trong truyện là nhân vật ông giáo – được khắc họa với nhiều giá trị.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 2
Mỗi nhân vật trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một mảnh đời, một số phận. Ta thương cảm xót xa cho cái chết đầy đau đớn dữ dội của lão Hạc, nhưng cũng không quên đi một ông giáo đầy bất hạnh. Nung nấu trong mình những ý định lớn lao, nhưng tất cả đều sụp đổ bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 3
Truyện ngắn Lão Hạc là một trong những thành công của Nam Cao trong việc xây dựng những hình tượng người nông dân Việt Nam sống dưới ách thống trị nặng nề trọng xã hội thực dân nửa phong kiến, những con người phải sống một cuộc đời đầy đau khổ nhưng vẫn mang một vẻ đẹp tâm hồn thật cao quý. Nếu lão Hạc là hình tượng nhân vật gảy xúc động bởi tình phụ tử thiêng liêng và nhân cách cao thượng thì ông giáo cũng là điểm sáng về tinh thương người, về cách nhìn đầy cảm thông trân trọng đối với người nông dân nghèo đói đương thời.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 4
Trở đi trở lại trong sáng tác của nhà văn Nam Cao là hình ảnh người nông dân và người trí thức. Họ là nơi để nhà văn ký thác những quan điểm về nghệ thuật và cuộc đời, nơi nhà văn bộc lộ tâm sự của mình. Người trí thức trong sáng tác của ông là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh sống đầy nghiệt ngã. Những kiếp đời mòn mỏi, sống mòn, sống thừa, bị áo cơm ghì sát đất. Đau khổ hơn, họ lại là người trí thức – người luôn ý thức được những nỗi khổ đau của mình trước cuộc đời. Nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một con người như vậy.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 5
Viết truyện ngắn Lão Hạc Nam Cao không lạnh lùng khách quan mà chân thực, gắn bó, không thờ ơ, hững hờ mà tha thiết cảm động. Nhà văn coi mình là người trong cuộc (ý của Hà Minh Đức). Ấy là bởi có nhân vật ông giáo. Truyện ngắn Lão Hạc nếu mất đi nhân vật ông giáo quả là một sự thiếu sót. Ông giáo đã làm sáng lên, nêu bật nội dung tư tưởng sâu sắc của tác phẩm.
Mở bài phân tích nhân vật ông giáo – Mẫu 6
Nam Cao là cây bút truyện ngắn hiện thực năng lực, tài giỏi. Truyện của ông gắn liền với nông dân, làng quê. Đề tài này dường như trở thành quen thuộc với các tác phẩm của ông. “Lão Hạc” cũng là một trong số những truyện ngắn nổi bật của ông có đề tài về người nông dân. Trong truyện ngắn không chỉ nhớ đến nhân vật trung tâm là Lão Hạc mà còn nổi bật hình ảnh ông giáo – người bạn, người hàng xóm của lão.
Mở bài phân tích nhân vật Cậu Vàng
Mở bài phân tích nhân vật Cậu Vàng – Mẫu 1
Không có con chó vàng, có lẽ truyện “Lão Hạc” không thể nào sâu lắng và cảm động đến thế. Dùng con vật như một đối sánh để khắc hoạ chân dung con người không còn là một thủ pháp nghệ thuật xa lạ nữa. Trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, con chó đã thực sự là một tình tiết nghệ thuật đắt giá. Vậy mà ám ảnh hơn cả vẫn là cậu Vàng của ông lão này thôi.
Mở bài phân tích nhân vật Cậu Vàng – Mẫu 2
Nam Cao là một nhà văn lớn của phong trào văn học hiện thực trong thế kỉ XX, sở trường của ông là viết về người nông dân, nông thôn. Bằng sự am hiểu cùng sự tinh tế trong cảm nhận cũng như khả năng sáng tạo của mình, Nam Cao đã xây dựng thành công nhiều hình tượng người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến xưa, họ là những con người nghèo khổ và chính cái nghèo khổ ấy đã đẩy họ vào tình cảnh bi thảm. Nhưng trong đói nghèo những con người ấy vẫn sáng lên những phẩm chất khiến ta khâm phục. Truyện ngắn lão Hạc là một tác phẩm như thế.
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc khi bán Cậu Vàng
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc – Mẫu 1
Vợ lão Hạc chết sớm. Con lão lại phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ còn có cậu Vàng. Lão quý con chó như một người đàn bà hiếm hoi quý đứa con cầu tự. Nhưng rồi hoàn cảnh buộc lão phải bán cậu Vàng. Con chó mất đi, người nông dân khổ sở bất hạnh tột cùng kia đã đau đớn và day dứt chẳng khác nào mất đi một phần cơ thể của chính mình.
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc – Mẫu 2
Nam Cao là một nhà văn xuất sắc chuyên viết truyện ngắn trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông chủ yếu nói lên hoàn cảnh, số phận nghèo khó, khổ cực của người nông dân thời xưa. Một trong số đó là truyện ngắn “ Lão Hạc”, tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông. Câu chuyện đã khắc họa thành công nhân vật lão Hạc, đại diện cho tầng lớp nông dân bần hàn nhất thời bấy giờ, với những nét đẹp và tình thương yêu con người, động vật sâu sắc. Điều này được nhà văn thể hiện rõ nhất qua đoạn trích lão Hạc phải bán đi con chó của mình để duy trì sự sống.
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc – Mẫu 3
Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn. Đó là tâm sự của ông giáo, của vợ ông giáo, của Binh Tư về thân phận lão Hạc. Có đoạn Nam Cao tả ngoại hình nhân vật bằng những từ tượng hình rất ấn tượng, đó cũng là một gương mặt mang nỗi đau của cõi lòng quặn thắt: (cười như mếu, mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra…). Đây là một tâm sự đau nhất của một tâm hồn trong trẻo, chân thật: “Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc – Mẫu 4
“Lão Hạc” của Nam Cao ra mắt bạn đọc năm 1943. Câu chuyện về số phận thê thảm của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh đe doạ của nạn đói và cuộc sống cùng túng đã để lại xúc động sâu xa trong lòng độc giả. Đặc biệt, tác giả đã diễn tả tập trung vào tâm trạng nhân vật chính – lão Hạc – xoay quanh việc bán chó đã giúp ta hiểu thêm tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý và một sự thực phũ phàng nói đến những cuộc đời lương thiện.
Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Lão Hạc – Mẫu 5
Nhà văn Nam Cao xứng đáng là một nhà văn hiện thực tài ba trong nền văn học Việt nam ta. Có biết bao nhiêu nhà văn nói về nỗi khổ của nhân dân ta trong thời kháng chiến chống Pháp, cũng có biết bao nhiêu số phận con người nông dân khổ sở vì sưu cao thuế nặng như Chị Dậu thế nhưng nam Cao vẫn góp vào nền văn học nước nhà một số phận người nông dân nghèo không có người thân chỉ có mỗi con chó làm bầu làm bạn. Đó chính là Lão Hạc. Đặc biệt trong truyện ấn tượng nhất đoạn diễn biến tâm trạng Lão Hạc khi bán con chó Vàng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Tổng hợp mở bài truyện ngắn Lão Hạc (23 mẫu) Mở bài Lão Hạc của Nam Cao của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.