Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận về nhân vật chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ gồm dàn ý chi tiết, cùng 3 bài văn mẫu hay nhất. Qua đó,giúp các em học sinh lớp 8 hiểu rõ hơn về số phận, hoàn cảnh đáng thương của chị Dậu.
Đoạn trích Tức nước vỡ bờ làm nổi bật vẻ đẹp của một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hy sinh và sức phản kháng mãnh liệt. Qua 3 bài cảm nhận về chị Dậu trong bài viết dưới đây sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn.
Dàn ý cảm nhận về nhân vật chị Dậu
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” và nhân vật chị Dậu
2. Thân bài
* Chị Dậu là người có những phẩm chất tốt đẹp
- Người vợ, người mẹ hết lòng thương yêu chồng con
- Đức hy sinh cao cả, đảm đang, tháo vát, nhẫn nhịn
- Là trụ cột của gia đình khi anh Dậu bị bắt
* Diễn biến tâm lý và hành động của chị Dậu
– Khi anh Dậu được trả về
- Chị xin gạo nấu cháo, quạt cháo nguội rồi giục chồng ăn
- Dịu dàng, tình cảm với chồng
– Khi cai lệ và người nhà lí trưởng đến
- Giọng nhẹ nhàng nài nỉ, tha thiết van xin
- Vì thương chồng thương con mà hạ giọng cầu xin thương xót
– Khi bọn cai lệ đánh anh Dậu
- Chị không còn nhẫn nhịn, cãi lại người nhà lí trưởng
- Căm phẫn, đay nghiến và khinh bỉ
- Trong chị ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng, đánh đổ cả 1 tên cai lệ
3. Kết bài
Cảm nghĩ của em về nhân vật chị Dậu
Cảm nhận về nhân vật chị Dậu – Mẫu 1
Đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” (trích tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố) là những áng văn xuôi thể hiện rõ nhất hiện thực sinh động của xã hội phong kiến đương thời và số phận của những người nông dân cùng cực. Chị Dậu là một người cũng là đại diện cho nhiều người nông dân Việt Nam trong hoàn cảnh đó, xã hội thối nát, tàn ác và bất nhân đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng, khiến họ phải liều mạng chống lại để giành giật lại sự sống, miếng cơm, manh áo.
Gia đình chị Dậu, một gia đình “nhất nhì trong hạng cùng đinh”, dù cho đã bán hết những thứ có thể bán, bán từ những củ khoai – đồ ăn thay cơm của gia đình, bán cả đàn chó mẹ chó con vừa mới đẻ, đến nỗi phải bán cả đứa con gái đầu lòng cho nhà Nghị Quế nhưng chị Dậu vẫn phải chạy vạy ngược xuôi để có đủ tiền đóng sưu thuế cho chồng và cả người chú đã chết lâu năm, sưu cho người sống đã nặng gánh nay còn phải sưu cho người đã chết. Không khí ngột ngạt của một làng quê nghèo trong những ngày sưu thuế thực khiến người ta không thở nổi, hoàn cảnh như anh chị Dậu đã đi đến bước đường cùng, không còn xoay sở được nữa, anh Dậu thì đang ốm cũng bị lôi đi đánh trói, còn chị Dậu chỉ biết kêu gào trong uất ức. Dù trong hoàn cảnh cùng quẫn ấy tình cảm vợ chồng vẫn luôn sát cánh bên nhau, chị Dậu rất mực thương yêu chồng, khi anh Dậu được trả từ đình về nhìn anh mà chị xót hết ruột gan, xin ít gạo nấu cháo rồi ngồi quạt cho cháo chóng nguội, rồi lại giục chồng ăn kẻo người ta lại đến thúc sưu chẳng có sức mà chịu. Chị Dậu chỉ lo cho chồng con còn bản thân chị chẳng màng đến, trong hoàn cảnh ấy chị hiểu rằng mình phải thay chồng gánh vác lo toan mọi việc, phải cáng náng đứng lên làm trụ cột trong gia đình, phải là chỗ dựa cho chồng cho con. Chẳng thế mà chị Dậu đã phải liên tục thay đổi tâm thế của mình khi nói chuyện với cai lệ và người nhà lí trưởng, chị phải làm mọi thứ để bảo vệ chồng và con chị. Khi bọn cai lệ tới nhà, thoạt đầu chị Dậu sợ hãi, run run, chỉ lo bọn nó lại đánh chồng chị, rồi chị hạ giọng van xin tha thiết “Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho !”. Những lời van xin của chị Dậu không có tác dụng, chị còn bị đánh, thế nhưng khi chúng tới trói anh Dậu, chị đã quyết định không nhịn, không nhún nhường chúng nó nữa, chị đứng phắt dậy, không một chút run sợ chị liều mạng cự lại “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ !”, chị không chỉ nói suông, khi bọn cai lệ sấn vào anh Dậu chị liền thẳng tay xông vào túm cổ tên cai lệ, ấn dúi hắn ra cửa. Sức khỏe của người đàn bà lực điền như chị đã xô ngã chỏng quèo tên cai lệ nghiện ngập, đến người nhà lí trưởng cũng không làm gì được chị. Chẳng cần no cơm no cháo, sức mạnh của tình thương đã làm trỗi dậy sức mạnh tiềm tàng trong chị Dậu, dự quật cường của chị khiến cho bọn tay sai khiếp sợ, đến anh Dậu cũng lo lắng sợ phải tội. Nhưng chị Dậu đã xác định rõ “Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”, quả thực là tức nước thì vỡ bờ, sức chịu đựng của con người là có giới hạn, sức mạnh của tình yêu thương và lòng căm phẫn đã biến một chị Dậu hiền dịu, nhẫn nhục trở nên ngang tàng, chí khí và sức sống mạnh mẽ. Hành động quật cường dám chống lại của chị Dậu thể hiện sự bế tắc, cùng quẫn đến đường cùng của tất thảy những người nông dân nghèo trong xã hội bấy giờ. Chị chống lại cũng là để tự vệ, bảo vệ cho cuộc sống, tính mạng của chồng và cả những đứa con của chị, chính bọn quan tham, lí trưởng trong chế độ đó đã ép chị Dậu không thể nhịn nhục được thêm nữa.
Ngòi bút hiện thực sinh động của Ngô Tất Tố trong đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” không chỉ vạch trần bộ mặt xấu xa, thối nát của xã hội thực dân phong kiến đương thời mà còn làm nổi bật lên hình ảnh những người nông dân như chị Dậu, một người phụ nữ vừa có vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn lại vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.
Cảm nhận về nhân vật chị Dậu – Mẫu 2
Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Trong những sáng tác của ông, người đọc thấy được những cảnh tượng thật trong những năm nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ dưới chế độ thực dân phong kiến. Tắt đèn là một tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt người đọc vô cùng ấn tượng với hình ảnh của chị Dậu trong truyện. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là đoạn trích thể hiện được rõ nhất nỗi khổ của chị Dậu nói riêng và nỗi khổ của người phụ nữ việt Nam thời thực dân phong kiến nói chung.
Trước hết chị Dậu là một người mẹ hết lòng thương con nhưng lại bị xã hội thối nát, tàn ác kia làm cho chị trở thành một người mẹ bán con. Hoàn cảnh nghèo nàn là hoàn cảnh chung của đại bộ phận những con người Việt Nam thời kì đó. Đã thế nhân dân phải chịu biết bao nhiêu loại thuế vô lí mà bọn thực dân đề ra. Nhà chị cũng bị chúng vét sạch chẳng có gì. Tay bế con nhỏ, tay dắt con bé, chị đau xót khi nhìn thấy đứa con van xin u đừng bán con. Hổ dữ còn chẳng ăn thịt con huống hồ mẹ lại đi bán con cho hổ. Biết đời con sẽ cực khổ nhưng chị chẳng biết phải làm sao một mình chị phải lo toan tất cả. Nếu như không có tiền nộp sưu thì chồng chị sẽ không được về. Nhà chỉ còn những củ khoai mầm nhỏ, điều đó làm cho chị, ép chị phải hành động như thế. Lòng chị thương con mà không biết làm sao.
Không chỉ vậy, chị Dậu còn là một người vợ đáng thương phải gánh nợ cho chồng và cho em. Nợ ở đây là sưu thuế, người sống đóng thuế đã đành nay người chết đi nó cũng thu thuế cả người chết. Cùng một lúc chị phải gánh trên vai hai thứ thuế trong khi một thứ chị còn chưa đóng được. Chồng chị bị người ta lôi ra ngoài đình đánh đập cho đến chết đi sống lại, sống dở chết dở. Bọn lí trưởng đến thúc sưu chị phải nhún nhường trước thái độ của chúng. Chị phải xưng con với chúng mặc dù trong lòng chị căm thù chúng vô cùng.
Dù cam chịu nhưng ở chị Dậu người đọc cũng thấy được sự vùng lên, người nông dân bắt đầu manh nha sự nổi dậy. Nói không được chị phải làm liều, chồng chị vừa mới tỉnh chị không thể chúng lôi chồng chị ra khỏi nhà nữa. Chị đứng lên đánh lại bọn cai và đuổi chúng ra khỏi nhà. Thế nhưng thực tại xã hội kia vẫn cứ đen tối. Hình ảnh chị Dậu chạy ra ngoài trời tối đen, nó đen như xã hội Việt Nam bấy giờ vậy. Đó là sự bế tắc của cuộc sống đương thời.
Như vậy, đoạn trích tức nước vỡ bờ đã thể hiện được cuộc đời, số phận bi kịch của chị Dậu. Là một người mẹ, một người vợ chị không thể nào nhìn con cái, chồng của mình phải chịu khổ nhưng xã hội kia ép chị trở thành một người mẹ bán con. Cuộc đời chị đen tối như bầu trời ngoài kia vậy.
Cảm nhận về nhân vật chị Dậu – Mẫu 3
Đoạn trích tức nước vỡ bờ là những áng văn xuôi hiện rõ nhất hiện thực của xã hội phong kiến với những đời sống của những người nông dân cực khổ. Một trong số đó là chị Dậu là người đại diện cho nhiều người nông dân Việt Nam trong hoàn cảnh sống trong xã hội thối nát và bất nhân đã đẩy cho người nông dân vào bước đường cùng, khiến cho họ phải liều mình chống lại để giành giật sự sống cho mình
Chị Dậu sống trong một gia đình nhất nhì trong hạng cùng đinh, dù đã bán hết những thứ có thể bán, bán từ củ khoai – đồ ăn thay cơm của gia đình, bán cả đàn chó mẹ, chó con mới đẻ, đến nỗi phải bán cả đứa con gái đầu lòng cho nhà Nghị Quế nhưng chị Dậu vẫn phải chạy vạy để lo đóng đủ tiền sưu thuế cho chồng và cả người chú đã mất lâu năm, tiền sưu thuế cho người sống đã nặng rồi giờ còn gánh cho cả người chết. Trong những ngày sưu thuế không khí ở thôn quê nghèo càng trở nên ngột ngạt, hoàn cảnh của gia đình chị Dậu đã đến bước đường cùng, không thể nào xoay xở nổi, anh Dậu thì đang bị ốm cũng bị lôi ra đánh trói, còn chị Dậu chỉ biết kêu gào trong uất ức. Nhưng dù cho hoàn cảnh nào thì anh chị vẫn luôn cánh bên nhau, chị Dậu rất mực yêu thương chồng, khi anh Dậu được trả từ đình về nhìn anh mà chị xót hết ruột gan, xin ít gạo nấu cho anh rồi quạt cho cháo nguội, rồi lại giục chồng ăn. Chị Dậu chỉ lo cho chồng còn bản thân thì chẳng màng, trong hoàn cảnh ấy bản thân chị hiểu rằng mình phải thay chồng gánh vác trách nhiệm lo toan cho gia đình. Chẳng thế mà chị Dậu thay đổi tâm thế của mình khi nói chuyện với tên cai lệ và người nhà lí trưởng, chị phải bảo vệ chồng và con chị. Khi cai lệ đến chị van xin sợ hãi chỉ sợ chúng nó đánh chồng mình rồi chị hạ giọng “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ !”. Khi bọn cai lệ vẫn cố đánh anh Dậu chị dùng hết sức thẳng tay xông vào túm cổ tên cai lệ, ấn dúi hắn ra cửa, sức khỏe người đàn bà lực điền đã khiến cho tên cai lệ ngã chỏng quèo, đến người nhà lí trưởng cũng không làm gì được chị. Sức mạnh của tình thương yêu đã làm trỗi dậy sức mạnh tiềm tàng trong con người chị. Sức mạnh quật cường khiến cho bọn tay sai khiếp sợ. Chị Dậu cũng xác định: “Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”, đúng là tức nước thì vỡ bờ, sức chịu đựng của con người có giới hạn. Từ một người hiền lành, nhẫn nhục chị trở nên ngang tàng, chí khí và sức sống mạnh mẽ. Hành động chống lại đám cường hào chỉ là hành động bế tắc, cùng quẫn của chị cũng như là đường cùng của những người nông dân sống trong xã hội bấy giờ. Chính bọn tham quan đã dồn chị đến cảnh không thể chịu đựng được mà phải vùng lên để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” dù chỉ là một đoạn trích nhưng nó là một màn bi hài kịch với những xung đột đầy căng thẳng. Chị Dậu được miêu tả rất chân thực, sống động và có sức truyền cảm. Tính cách chị Dậu là một người hiền dịu đầy tình yêu thương và biết sống khiêm nhường nhưng hoàn cảnh đã đẩy chị lên trở thành một sức mạnh phản ứng tiềm tàng
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận về nhân vật chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ Dàn ý & 3 bài văn cảm nhận về chị Dậu siêu hay của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.