Đoạn trích “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” được giới thiệu đến các em học sinh trong chương trình Ngữ văn lớp 7.
Sau đây, Neu-edutop.edu.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích Sự giàu đẹp của tiếng Việt, được đăng tải chi tiết dưới đây.
Dàn ý phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Đặng Thai Mai (những nét chính về tiểu sử, cuộc đời, các công trình nghiên cứu…)
– Giới thiệu về văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)
II. Thân bài
1. Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt
– Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay
- Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu.
- Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.
=> Cách lập luận rành mạch, ngắn gọn, có sức khái quát cao, đi từ khái quát đến cụ thể
2. Biểu hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt
a. Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp
– Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc:
- Nhận xét của những người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta.
- Một giáo sĩ nước ngoài đã nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”.
- Gồm hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú.
- Giàu về thanh điệu, giàu ngữ âm như những âm giai trong một bản nhạc trầm bổng.
b. Tiếng Việt là một thứ tiếng hay
– Thỏa mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa con người với con người.
– Thỏa mãn nhu cầu ngày của đời sống ngày một phức tạp về mọi mặt:
- Dồi dào về cấu tạo từ ngữ, hình thức diễn đạt.
- Từ vựng: tăng lên qua các thời kỳ.
- Ngữ pháp: dần dần trở nên uyển chuyển, chính xác hơn.
- Ngữ âm: không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng.
=> Mối quan hệ giữa cái hay và cái đẹp của tiếng Việt: cái đẹp và cái hay có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau tạo nên sức sống cho tiếng Việt
III. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:
- Nội dung: Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
- Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, kết hợp nhiều thao tác lập luận, chứng cứ chặt chẽ và toàn diện…
– Liên hệ bản thân: cần có ý thức giữ gìn sự giàu có, trong sáng của tiếng Việt…
Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt – Mẫu 1
Trong bài viết “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có viết: “Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bời vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân của ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp…”. Một lần nữa, nhà phê bình Đặng Thai Mai đã khẳng định mạnh mẽ điều ấy trong văn bản “Sự giàu đẹp của Tiếng Việt”, trích đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu dài Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc in lần đầu năm 1967.
Mở đầu văn bản, tác giả Đặng Thai Mai đã đưa ra nhận định: “Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Đồng thời, tác giả cũng giải thích nhận định ấy một cách ngắn gọn: “Nói như thế có nghĩa là là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử”.
Tiếp theo, tác giả đã tập trung chứng minh sự giàu đẹp và phong phú của Tiếng Việt về các mặt ngữ âm, từ vựng và cú pháp: “Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc”; “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”; “gồm một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú”; “là phương tiện trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người”; “có những khả năng dồi dào về phấn cấu tạo từ ngữ cũng như hình thức diễn đạt”; “từ vựng tiếng Việt qua các thời kỳ diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều”; “ngữ pháp cũng dần dần trở nên uyển chuyển”; “không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới”. Với những dẫn chứng tương đối phong phú và toàn diện, tác giả đã làm rõ sự giàu đẹp của tiếng Việt và trên cơ sở đó kết luận: “Cấu tạo tiếng Việt với khả năng thích ứng với hoàn cảnh là một chứng cứ về sức sống của nó”.
Tác giả đã có hệ thống dẫn chứng khá phong phú và toàn diện, chính xác, giàu sức thuyết phục. Văn bản đã cho ta thấy vốn tri thức phong phú, niềm tự hào, tin tưởng và tình yêu của tác giả đối với tiếng Việt – thứ tiếng thiêng liêng, yêu mến của dân tộc Việt Nam. Bài văn sử dụng phương thức nghị luận, chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt. Tác giả Đặng Thai Mai đã sử dụng cách chứng minh trực tiếp và gián tiếp để làm rõ cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Tác giả không chỉ trực tiếp phân tích, bình luận và giải thích để làm rõ sự phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt mà đồng thời còn đưa ra các ý kiến, nhận định, các lời bình luận của người nước ngoài về tiếng Việt để tạo ra sự khách quan và tăng sức thuyết phục cho bài văn. Tác giả cũng đã kết hợp sử dụng hiệu quả các thao tác giải thích, chứng minh và bình luân một cách hài hoà, nhuần nhuyễn. Kết hợp với cách lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc, lí lẽ giàu sức thuyết phục.
Bằng những lý lẽ, chứng cứ chặt chẽ và toàn diện, bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn sức sống của dân tộc.
Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt – Mẫu 2
Bài văn “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” trích từ phần đầu của một bài nghiên cứu dài về nhan đề Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc (Đặng Thai Mai), nội dung nói về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Tuy chỉ là một đoạn trích nhưng bố cục của bài văn rất rõ ràng, hợp lý.
Ở đoạn mở đầu, tác giả nêu lên luận điểm bao trùm, sau đó giải thích ngắn gọn. Phần chính tập trung chứng minh hai đặc điểm của tiếng việt là đẹp và hay trên các mặt như ngữ âm, từ vựng, cú pháp. Từ trước đến nay đã có nhiều ý kiến, nhiều bài viết về sự giàu đẹp của tiếng việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp ấy. Có bài nêu những ấn tượng chung, có bài lại đi vào những biểu hiện cụ thể (về từ ngữ hay một thể loại văn học…). Ở bài viết này, Đặng Thai Mai đưa ra một cái nhìn bao quát chứ không đi sâu vào nghiên cứu những khía cạnh cụ thể, tỉ mỉ của tiếng Việt.
Trong câu mở đầu, tác giả khẳng định giá trị to lớn và địa vị quan trọng của tiếng việt: “Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình”. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó. Từ đó, ông đưa ra luận điểm bao trùm: “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Nói thế có nghĩa là nói rằng: “Tiếng việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu”. Đồng thời “Tiếng việt có đầy để khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử”.
Vẻ đẹp của tiếng việt được thể hiện qua hai yếu tố, nhịp điệu (hài hòa về âm hưởng và thanh điệu) và cú pháp (tế nhị uyển chuyển trong cách đặt câu). Nhận xét này dựa trên cơ sở thực tế là khả năng biểu đạt và biểu cảm phong phú của tiếng việt: đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.
Các câu trong đoạn văn liên kết với nhau hết sức chặt chẽ về mặt nội dung. Câu thứ nhất là nhận xét khái quát về tính chất tiếng Việt. Hai câu sau giải thích ngắn gọn và rành mạch cái đẹp, cái hay của tiếng Việt. Cách lập luận đi từ khái quát đến cụ thể như vậy khiến người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu. Ở đoạn hai, tác giả tập trung chứng minh cho nhận định đã nêu ở phần mở đầu. Để chứng minh bằng những chứng cứ có đủ sức thuyết phục, tác giả đã vận dụng sự hiểu biết về tiếng việt kết hợp với lí lẽ chặt chẽ và khoa học.
Trước hết, tác giả chứng minh tiếng việt là một thứ tiếng đẹp đầu tiên là ở mặt ngữ âm. Tiếng Việt giàu chất nhạc và rất uyển chuyển trong câu kéo. Điều đó được xác nhận trên các chứng cứ lấy trong đời sống và trong khoa học: “Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta”, đã có thể nhận xét rằng: “tiếng việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc”. Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” và chỉ nghe thôi. Tuy vậy lời bình phẩm của họ có phần chắc không phải chỉ là một lời khen xã giao. Các giáo sư nước ngoài am hiểu tiếng việt thì nhận xét rằng “tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”.
Tiếng Việt chúng ta gồm có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú. Tiếng ta lại giàu thanh điệu. Giọng nói của người Việt Nam, ngoài hai thanh bằng (âm bình và dương bình) còn có bốn thanh trắc. Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng.
Ta thử đọc câu ca dao:
“Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Thân em như hạt chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”
Có thể hiểu của một chàng trai, một sáng sớm nào đó ra thăm đồng, thấy cánh mênh mông bát ngát và cô thôn nữ trẻ trung. Chàng trai đã ngợi ca vẻ đẹp của cánh đồng, vẻ đẹp của cô gái và coi đó là cách bày tỏ tình cảm tha thiết của mình. Bài này có những dòng thơ khác thường, kéo dài tới 112 tiếng để đặc tả cánh đồng. Các điệp ngữ, đảo ngữ và phép đối xứng (đứng bên ni đồng – đứng bên tê đồng,mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông) gợi cho người đọc cảm giác nhìn ở phía nào cũng thấy cánh đồng trải rộng đến tận chân trời, bao la, đẹp đẽ và đầy sức sống. Cô gái được so sánh với hình ảnh quen thuộc của quê hương: “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Giữa người và cảnh có sự tương đồng ở nét trẻ trung, phơi phới sức xuân. Bài ca dao đã thể hiện được chất nhạc du dương cùng sự uyển chuyển trong câu tiếng Việt. Dẫn chứng này làm cho lập luận của tác giả về vẻ đẹp của tiếng Việt càng thêm chặt chẽ.
Tác giả đã giải thích nguyên nhân tại sao tiếng Việt là một thứ tiếng hay. Tiếng Việt hay vì nó thỏa mãn nhu cầu trao đổi tình cảm ý nghĩ giữa người với người, thỏa mãn yêu cầu của đời sống văn hóa ngày một phức tạp. Các chứng cớ thực tế và khoa học sau đây là cơ sở để tác giả rút ra kết luận đó: “Tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ cũng như về hình thức diễn đạt. Từ vựng tiếng Việt qua các thời kỳ diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều… tiếng Việt đã không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và những cách nói của các dân tộc anh em. Chúng ta có thể chứng minh luận điểm trên bằng những tác phẩm văn chương đã học”. Đoạn thơ sau trong “Chinh phụ ngâm khúc” là một ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Các sắc thái xanh được miêu tả một cách tài tình trong câu thơ. Giữa hai đầu xa cách giờ đây là một màu xanh bất tận. Ở khổ thơ trên, tác giả đã mượn những địa danh quen thuộc trong văn chương cổ như Hàm Dương, Tiêu Tương (dẫu chỉ là ước lệ) để diễn tả độ xa cách, nhưng đến khổ thơ cuối này thì sự xa cách đã tới độ bóng người đi hoàn toàn mất hút vào ngàn dâu xanh ngắt. Trớ trêu thay, cái màu xanh vốn tượng trưng cho sức sống và hy vọng ấy trong tình cảnh này chỉ gợi nên một không gian mênh mang nhuốm màu li biệt.
Tiếng Việt có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt. Cùng là đại từ ta nhưng sắc thái biểu cảm của nó trong bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan (Một mảnh tình riêng ta với ta) khác với đại từ ta trong bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến (Bác đến chơi đây ta với ta).
Qua các thời kỳ lịch sử, cả hai mặt từ vựng và cấu tạo ngữ pháp của tiếng Việt rất phát triển, có khả năng thích ứng với thực tiễn. Đó là biểu hiện rõ rệt về sức sống dồi dào của tiếng Việt. Tác giả đã chứng minh tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, hài hòa về mặt âm hưởng và thanh điệu. Cái hay của tiếng Việt thể hiện ở chỗ linh hoạt, uyển chuyển trong cách dùng từ, đặt câu. Tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt tình cảm, tư tưởng của con người, thỏa mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hóa, xã hội. Giữa hai phẩm chất đẹp và hay của tiếng Việt có quan hệ gắn bó khăng khít. Cái đẹp của một thứ tiếng thường cũng phản ánh cái hay của thứ tiếng ấy, vì nó thể hiện sự phong phú, tinh tế trong cách diễn đạt, cũng tức là thể hiện sự chính xác và sâu sắc trong tình cảm, tư tưởng của con người. Ngược lại cái hay cũng tạo ra vẻ đẹp của một ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, sự tinh tế, uyển chuyển trong cách đặt câu, dùng từ, không chỉ là cái hay, mà còn tạo ra vẻ đẹp trong hình thức diễn đạt.
Bài nghị luận này thể hiện trình độ hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt của nhà nghiên cứu của Đặng Thai Mai. Tác giả đã khơi dậy trong lòng chúng ta lòng tự hào và ý thức bảo vệ Sự giàu đẹp của tiếng việt. Yêu tiếng mẹ đẻ là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước. Đọc và suy ngẫm kĩ về bài văn trên, chúng ta càng thêm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của tiếng Việt.
Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt – Mẫu 3
Chúng ta là người Việt Nam, hằng ngày dùng tiếng mẹ đẻ, tiếng nói của toàn dân – tiếng Việt – để suy nghĩ, nói năng, giao tiếp. Nhưng ít người có thể hiểu rõ về những nét đẹp của tiếng Việt. Qua tác phẩm “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” Đặng Thai Mai đã giải thích và chứng minh một cách thuyết phục nét đặc trưng cơ bản của tiếng nói Việt Nam chúng ta: “giàu và đẹp”.
Bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” (tên bài do người soạn sách đặt) là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, in lần đầu năm 1967, được bổ sung và đưa vào Tuyển tập Đặng Thai Mai. Tuy là đoạn trích, sông văn bản mà chúng ta được đọc vẫn có cấu tạo khá trọn vẹn như một áng văn nghị luận thể văn chứng minh.
Vì là bài nghị luận nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, nên tác giả dùng lí lẽ và dẫn chứng thuộc phạm vi ngôn ngữ và thực tiễn, chứ không đưa ra những ví dụ cụ thể về những ngữ liệu văn chương hay tiếng nói trong đời sống hằng ngày. Do đó, khi tìm hiểu áng văn này, chúng ta cần kết hợp việc suy ngẫm vẻ các lí lẽ, các dẫn chứng của tác giả với những liên tưởng vốn liếng văn chương, tiếng nói hằng ngày để chia sẻ và thấu hiểu tư tưởng, tình cảm tác giả.
Mở đầu bài viết, Đặng Thai Mai dẫn chúng ta vào ngày vấn đề bằng hai câu biểu cảm. Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó”. Câu thứ nhất cấu tạo bình thường. Câu sau rút gọn, ẩn chủ ngữ theo kiểu câu “tách trạng ngữ thành câu riêng”. Kiểu câu không bình thường này, kết hợp hai từ biểu cảm tự hào, tin tưởng thể hiện rõ tình yêu, thái độ trân trọng của tác giả đối với tiếng nói Việt Nam. Từ đó, tác giả lôi cuốn người đọc vào vấn đề “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Câu văn thứ ba vừa toát ra tình cảm mến yêu, trân trọng, vừa bày tỏ sự suy nghĩ sâu sắc mang tính khoa học về giá trị của tiếng nói Việt Nam. Vị trí cũng như nội dung của nó đúng là câu nêu vấn đề (luận đề) trong bài nghị luận. Tác giả nhấn mạnh hai tính từ “đẹp” và “hay”. Sau đó giải thích khái quát nghĩa của hai nét đẹp và hay của tiếng Việt: “… một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu” (tức là nói về từ vựng), tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu (tức là nói về cú pháp), có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam – tức là đánh giá vai trò, hiệu quả, tác dụng trong cuộc sống của tiếng Việt. Mạch văn trôi chảy, dồn dập, nếu đọc nhanh, đọc lướt, chúng ta khó nắm bắt các luận điểm, các ý tưởng của người viết. Văn phong khoa học là như thế, vần ngắn gọn, ý hàm súc.
Nhưng xuống phần hai, tác giả lại trình bày luận điểm và minh hoạ bằng các dẫn chứng khá rành mạch, sáng tỏ và chặt chẽ. Luận điểm thứ nhất, tác giả khẳng định và chứng minh Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó… của một thứ tiếng khá đẹp. Nét đẹp ấy được minh hoạ bằng các dẫn chứng về giàu chất nhạc (trong ngữ âm, tiếng Việt có hai thanh bằng, bốn thanh trắc, thanh điệu phong phú. Trong cú pháp, tiếng Việt cân đối, nhịp nhàng, về từ vựng, tiếng Việt dồi dào vốn từ về cả ba mặt thơ, nhạc, hoạ). Do đó, nhà nghiên cứu khẳng định: “tác dụng của đặc tính này đối với văn học là rất quan trọng”. Để hỗ trợ cho các dẫn chứng về khoa học, tác giả bổ sung thêm dẫn chứng thực tế. Ông kể rằng nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta nhận xét rằng tiếng Việt là thứ tiếng giàu chất nhạc. Rồi ông dẫn ý kiến một giáo sư nói: “tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Xen kẽ các dẫn chứng, tác giả dùng phép so sánh “tiếng Việt… giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”. Những dẫn chứng phong phú, đa dạng, cách liên tưởng và viết câu nhịp nhàng, uyển chuyển như thế chứng tỏ nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai rất thích thú, say sưa và tự hào về chất nhạc của tiếng nói Việt Nam. Còn chúng ta, đọc văn của ông, cũng cảm thấy bị lôi cuốn. Chúng ta nhớ đến những bài thơ, những áng văn sống động, đa thanh, giàu chất nhạc trong kho tàng văn học Việt Nam. Ta hãy đọc đoạn thơ sau trong bài Lượm:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…”
Nhạc tính của tiếng Việt đã tấu lên những âm sắc, những thanh điệu, cú pháp đẹp đẽ, uyển chuyển, sinh động biết bao trong đoạn thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu. Và chúng ta nhớ tới bao nhiêu câu tục ngữ, bài ca dao, cả những câu nói bình thường hằng ngày ta nghe từ tiếng nói của mẹ cha, ông bà, của thầy, cô và bè bạn. Làm sao minh hoạ cho hết được tính nhạc, cái đẹp của tiếng Việt Nam chúng ta.
Hãy trở lại với bài văn của Đặng Thai Mai. Sau khi chứng minh chất nhạc – vẻ đẹp – nhà nghiên cứu khẳng định tiếp: tiếng Việt là thứ tiếng hay. Rồi ông minh hoạ bằng vài nét khái quát: tiếng Việt có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ, về hình thức diễn đạt, ngữ pháp đang dần dần uyển chuyển hơn, chính xác hơn, không ngừng đặt ra những từ mới, cách nói mới, đồng thời Việt hoá những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng… Dồn dập những dẫn chứng, vừa mang tính khoa học vừa đẫm chất thực tế. Điều đó giúp chúng ta vừa nâng cao hiểu biết về lý thuyết vừa thúc đẩy chúng ta liên hệ thực tế, để cảm thông, chia sẻ với tác giả niềm say mê trong khám phá khoa học và tình yêu tiếng mẹ đẻ Việt Nam. Ngoài Tố Hữu, qua các câu tục ngữ, các bài ca dao, chúng ta còn được học biết bao tác phẩm văn chương của cha ông xưa từ Trần Quang Khải, đến Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… những tác phẩm của Bác Hồ, của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, các nhà thơ Minh Huệ, Xuân Quỳnh… trong thời đại ngày nay. Nhờ sự giàu và đẹp của tiếng Việt mà các văn nghệ sĩ sáng tạo ra biết bao áng văn chương tuyệt tác và cũng nhờ sự sáng tạo và tình yêu tiếng nói Việt Nam của các tác giả mà tiếng Việt càng ngày càng giàu, càng đẹp hơn, sức sống càng ngày càng dồi dào hơn.
Xuống câu văn cuối cùng, vẻ đẹp và sức sống ấy của tiếng Việt được Đặng Thai Mai nhấn mạnh: “Cấu tạo của tiếng Việt, với khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử như chúng ta vừa nói trên đây, là một chứng cớ khá rõ về sức sống của nó”. Sức sống của tiếng nói Việt Nam chính là một biểu hiện sức sống của dân tộc Việt Nam vậy. Về nội dung, tác giả đã có một phát hiện khoa học lý thú về vẻ đẹp tiếng nói Việt Nam. Về nghệ thuật, bài văn cũng đạt tới trình độ đáng khâm phục, đáng học tập: kết hợp giải thích với chứng minh, bình luận nhẹ nhàng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng khá toàn diện, bao quát, viết câu linh hoạt, dùng câu rút gọn (ở phần đầu), phối hợp với câu mở rộng (ở phần hai)…
Bằng những lý lẽ, chứng cứ chặt chẽ và toàn diện, bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” đã chứng minh tiếng nói Việt Nam giàu có và đẹp đẽ ở nhiều phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu tượng hùng hồn của sức sống dân tộc…
Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt – Mẫu 4
Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” là một phần nhỏ được trích trong bài “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc” của Giáo sư Đặng Thai Mai viết năm 1967.
Mở đầu, tác giả nói rõ niềm tự hào về tiếng Việt, tin tưởng hơn nữa vào tương lai của tiếng Việt của mỗi con người Việt Nam chúng ta ngày nay. Đoạn văn (3 câu) tiếp theo, giáo sư giải thích về những đặc sắc của tiếng Việt, một thứ tiếng đẹp và hay. Về mặt âm hưởng, thanh điệu thì “hài hòa”; cách đặt câu thì “rất tế nhị và uyển chuyển”. Tiếng Việt lại giàu có, phong phú “có đầy đủ khả năng diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử”.
Tác giả đã đưa ra nhận định về tiếng Việt, nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta, tiếp xúc với nhân dân ta đã nhận xét: “tiếng Việt giàu chất nhạc”. Một giáo sĩ phương Tây (rất thạo tiếng Việt) đã ca ngợi tiếng Việt là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lời nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Tiếng Việt rất đẹp, “có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú”, lại “giàu về thanh điệu” (có 2 thanh bằng và 4 thanh trắc). Do đó tiếng Việt “giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”.
Tiếng Việt rất đẹp, “cân đối, nhịp nhàng” về mặt cú pháp; có một từ vựng dồi dào về cả ba mặt thơ, nhạc, họa. Và Giáo sư đã nói thêm rằng: “Tác dụng của đặc tính này đối với văn học là rất quan trọng”.
Văn bản trên đây là một bài nghị luận chứng minh đã khẳng định và ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng Việt. Trước khi chứng minh, tác giả đã giải thích ngắn. Phần chứng minh, cách lập luận rất chặt chẽ, được thể hiện qua một hệ thống lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ hai luận điểm: tiếng Việt đẹp, tiếng Việt hay (giàu có, trong sáng). Cách mở đoạn, cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng, cách chuyển ý chuyển đoạn, cách tiểu kết của giáo sư vừa khoa học chặt chẽ, vừa tinh tế.
Đọc văn bản này, ta càng thêm yêu quý và tự hào tiếng Việt rất giàu đẹp. Đồng thời, chúng ta học tập cách viết của Giáo sư Đặng Thai Mai: cách dùng từ, đặt câu, cách chứng minh mẫu mực.
Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt – Mẫu 5
“Sự giàu đẹp của Tiếng Việt” được là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc” của tác giả Đặng Thai Mai đã cho thấy sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt.
Đầu tiên, Đặng Thai Mai đã đưa ra nhận định: “Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Đồng thời phân tích cái đẹp, cái hay của tiếng Việt: “Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu”. Và “Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử”.
Sau đó, nhà văn đã tập trung chứng minh sự giàu đẹp và phong phú của tiếng Việt trên các mặt ngữ âm, từ vựng và cú pháp: “Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc”; “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”; “gồm một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú”; “là phương tiện trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người”; “có những khả năng dồi dào về phấn cấu tạo từ ngữ cũng như hình thức diễn đạt”; “từ vựng tiếng Việt qua các thời kỳ diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều”; “ngữ pháp cũng dần dần trà nên uyển chuyển”; “không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới”. Với những dẫn chứng trên, Đặng Thai Mai đã làm rõ được sự giàu đẹp của tiếng Việt trên các phương diện. Từ đó tác giả đưa ra một kết luận cuối cùng: “Cấu tạo tiếng Việt với khả năng thích ứng với hoàn cảnh là một chứng cứ về sức sống của nó”.
Bài văn sử dụng phương thức nghị luận, chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt. Tác giả Đặng Thai Mai đã sử dụng cách chứng minh trực tiếp và gián tiếp để làm rõ cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Tác giả không chỉ trực tiếp phân tích, bình luận và giải thích để làm rõ sự phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt mà đồng thời còn đưa ra các ý kiến, nhận định, các lời bình luận của người nước ngoài về tiếng Việt để tạo ra sự khách quan và tăng sức thuyết phục cho bài văn.
Như vậy, đoạn trích “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” của Đặng Thai Mai đã chứng minh được sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từng vựng và ngữ pháp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 7 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.