Bài học về tinh thần tương thân tương ái đã được gửi gắm qua bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Hôm nay, Neu-edutop.edu.vn muốn giới thiệu về tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Nội dung của tài liệu bao gồm 4 dàn ý chi tiết và 20 bài văn mẫu lớp 7, cùng các mẫu mở bài gián tiếp và kết bài gián tiếp. Các bạn học sinh hãy tham khảo để hiểu hơn về ý nghĩa của bài ca dao trên.
Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng
- Dàn ý giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng
- Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng ngắn gọn (2 mẫu)
- Giải thích câu ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng (5 mẫu)
- Giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng (6 mẫu)
- Mở bài gián tiếp giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng (5 mẫu)
- Kết bài gián tiếp giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng (5 mẫu)
Dàn ý giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
2. Thân bài
– Giải thích: Hình ảnh cây “bầu” và “bí” vốn là hai giống cây khác nhau, nhưng lại cùng thuộc họ cây thân leo, với điều kiện hay hoàn cảnh sống giống nhau. Chúng thường được người nông dân trồng gần nhau để leo chung một giàn. Hình ảnh trên gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội.
=> Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Bài ca dao muốn khuyên nhủ con người về tinh thần tương thân tương ái.
– Vì sao cần phải yêu thương, chia sẻ:
- Trong cuộc sống, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau: nghèo khổ, sung sướng…
- Tấm lòng đồng cảm sẽ giúp mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội ngày càng văn minh hơn.
– Dẫn chứng: Quá khứ (Một nắm khi đói bằng một gói khi no, Hũ gạo cứu đói); Hiện tại (Cặp lá yêu thương, Việc tử tế…).
– Liên hệ bản thân: Giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…
3. Kết bài
Khẳng định lại bài học rút ra từ bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng ngắn gọn
Đoạn văn mẫu số 1
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, điều đó đã được gửi gắm qua bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hình ảnh cây “bầu và bí” vốn là những loại cây khác nhau nhưng thường được trồng chung một giàn. Bởi chúng cùng thuộc giống cây thân leo, có điều kiện phát triển giống nhau. Khi mượn hình ảnh này, người xưa muốn nói đến việc con người dù không cùng một mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, việc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau sẽ khiến cho đất nước trở nên văn minh hơn, giàu đẹp hơn. Qua câu chuyện cây bầu cây bí, ông cha ta đã nhắn nhủ một lời khuyên sâu sắc. Đó là dù mỗi chúng ta có khác nhau về hoàn cảnh, nguồn gốc, địa vị xã hội thì vẫn cần có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn. Nơi không có tình yêu thương chính là nơi lạnh lẽo nhất.
Đoạn văn mẫu số 2
Truyền thống tương thân tương ái đã được dân tộc Việt Nam gìn giữ, phát huy và thể hiện qua câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn”. Ở đây, ông cha ta đã sử dụng hình ảnh quen thuộc – cây “bầu” và “bí” vốn là hai giống cây khác nhau. Nhưng lại cùng thuộc họ cây thân leo, với điều kiện hay hoàn cảnh sống giống nhau. Chúng thường được người nông dân trồng gần nhau để leo chung một giàn. Hình ảnh trên gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Bài ca dao muốn khuyên nhủ con người về tinh thần tương thân tương ái. Trong cuộc sống, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau. Có những người được sống trong no đủ, hạnh phúc. Lại có những người phải chịu khó khăn, vất vả. Bởi vậy con người cần có tấm lòng biết sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ nhau. Dù không phải là tình thân máu thịt, nhưng tấm lòng đồng cảm sẽ giúp mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội ngày càng văn minh hơn. Quả là một bài học rất ý nghĩa cho mỗi người trong cuộc sống.
Giải thích câu ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng
Bài văn mẫu số 1
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vẫn sống giàu lòng nhân ái. Điều đó được thể hiện qua lời răn dạy:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn”
Trong bài ca dao có sử dụng hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. “Bầu” và “bí” vốn là hai giống cây khác nhau. Nhưng lại có môi trường, điều kiện sống giống nhau. Chúng thường được trồng gần nhau để leo chung một giàn. Qua hình ảnh đó, chúng ta liên tưởng đến con người Việt Nam, tuy khác nhau về gia đình, nhưng cùng sống trong một đất nước. Bởi vậy mà chúng ta cần có tình yêu thương, sự chia sẻ và đồng cảm với những người xung quanh.
Khi sinh ra, con người có hoàn cảnh sống khác nhau. Người được sống trong sung sướng, giàu sang. Người phải chịu bất hạnh, nghèo khổ. Bởi vậy sự đùm bọc, sẻ chia là vô cùng cần thiết để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một người có trái tim rộng lớn. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà Người đã không quản ngại khó khăn ra đi tìm con đường cứu nước đúng đắn, về giúp đỡ đồng bào đánh giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do. Hay trong những năm chiến tranh, con người Việt Nam vẫn luôn biết đùm bọc lẫn nhau. Sự sẻ chia không chỉ trong đời sống vật chất, mà còn cả tinh thần để vượt qua mọi nghịch cảnh. Đến hiện tại, cuộc sống tuy đã tốt đẹp hơn, nhưng tinh thần đó vẫn được phát huy. Các chương trình thiện nguyện vẫn được tổ chức hằng năm như như áo ấm cho em, hiến máu nhân đạo hay gánh chữ lên non. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao hay người dân vô gia cư.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người Việt Nam vẫn giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sống biết sẻ chia, yêu thương và đồng cảm vì chúng ta cùng chung dòng máu đỏ da vàng.
Bài văn mẫu số 2
Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam thật đáng trân trọng. Điều đó đã được ông cha ta gửi gắm qua những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Xét về nghĩa đen, cây bầu và cây bí vốn khác nhau nhưng lại có môi trường sống giống nhau. Chúng cùng thuộc giống cây thân leo, thường được người nông dân gieo trồng để leo chung một giàn. Khi mượn hình ảnh cây bầu và cây bí, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù có khác nhau về hoàn cảnh, nguồn gốc hay địa vị xã hội thì vẫn là người Việt Nam, cần phải biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Trong quá khứ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng con người Việt Nam vẫn biết nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ lẫn nhau. Trong năm tháng chiến tranh, nhân dân cùng nhau đoàn kết đánh bại kẻ thù. Những chàng trai tuổi đời còn quá trẻ nhưng kiên quyết ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Những y bác sĩ xung phong vào chiến trường bom lửa để cứu chữa cho các thương binh. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã nuôi giấu bộ đội… Đến ngày hôm nay, tinh thần đó lại càng được phát huy mạnh mẽ. Các chương trình mang tính nhân văn đã giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời khó khăn như “Cặp lá yêu thương”, “Áo ấm cho em”… Những ngày tháng vừa qua, đất nước Việt Nam đã phải đương đầu với kẻ thù vô hình – đại dịch Covid-19. Nhưng trong hoàn cảnh đó, tinh thần tương thân tương ái lại càng sáng ngời hơn. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đội ngũ y bác sĩ làm việc không quản ngại ngày đêm, nguy hiểm để cứu sống bệnh nhân. Các chiến sĩ công an, bộ đội sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Rồi chính mỗi người dân cũng đều biết chia sẻ với nhau. Thật khó tưởng tượng được rằng chúng ta đã có những phát minh thật sáng tạo như cây ATM gạo, ATM khẩu trang. Hay việc các doanh nghiệp thu mua nông sản giúp đỡ bà con nông dân…
Bài ca dao trên đã giúp em hiểu được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ đó, em biết sống sẻ chia với mọi người xung quanh hơn, lan tỏa yêu thương để cuộc sống thêm tốt đẹp.
Tóm lại, bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” đã giúp chúng ta nhận ra một bài học đáng quý. Biết sống yêu thương để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 3
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân tương ái. Điều đó đã được gửi gắm trong những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Trước hết, bài ca dao đã mượn hình ảnh “bầu và bí”. Đây vốn là hai loại cây khác nhau nhưng có nhưng đặc điểm, môi trường sống giống nhau. Chúng cùng thuộc giống cây thân leo, thường được trồng chung một giàn. Hình ảnh cây bầu, cây bí chung một giàn vô cùng quen thuộc của mọi làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Khi mượn hình ảnh bầu và bí người xưa muốn khuyên ta rằng dù chúng có là loài khác nhau đi chăng nữa nhưng vẫn biết chia sẻ không gian, cùng nhau chung sống hòa thuận. Qua hình ảnh đó, ông cha ta muốn nói đến con người dù có khác nhau về hoàn cảnh, nguồn gốc, địa vị xã hội thì vẫn cần phải chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay đều đã phát huy được truyền thống quý giá đó. Bác Hồ – một con người vĩ đại của dân tộc. Cả cuộc đời của Người luôn hy sinh hạnh phúc cá nhân, để đem lại hạnh phúc chung cho nhân dân. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Trong hiện tại, tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường… Còn với mỗi học sinh tình yêu thương có thể là giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt…
Nhưng bên cạnh đó, nhiều người còn giữa lối sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Điều đó thật đáng lên án, phê phán biết bao nhiêu.
Như vậy, bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống cùng chung một giàn” là một lời khuyên quý giá dành cho mỗi người. Chúng ta hãy mở rộng tấm lòng sẻ chia, yêu thương để nhận được những hạnh phúc nhiều hơn.
Bài văn mẫu số 4
Ca dao có câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Qua bài ca dao này, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu bài học về tấm lòng tương thân tương ái giữa con người với con người.
Về nghĩa đen, “bầu” và “bí” là những cây thân leo được trồng rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Tuy khác nhau về giống cây, nhưng chúng có những đặc điểm thích nghi giống nhau nên thường được trồng “chung một giàn” – cùng chung không gian sống. Về nghĩa bóng, hình ảnh “bầu” và “bí” ẩn dụ cho con người, chúng ta có thể không cùng một cha mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, con người cần phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” – con người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng. Có người giàu sang, hạnh phúc; nhưng cũng có người nghèo khổ, bất hạnh. Bởi vậy mà chúng ta cần biết chia sẻ với nhau để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vẫn có truyền thống tương thân tương ái. Dù là sự chia sẻ về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…). Thì cũng đều đáng để người nhận trân trọng, biết ơn. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện chắc chắn đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam. Họ đã bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn (dạy chữ cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ người vô gia cư…). Hay những doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nông sản để giải cứu cho bà con nông dân. Hoặc câu chuyện về chàng sinh viên hai mươi ba tuổi lao xuống biển cứu bốn cô gái, khiến chúng ta thật cảm động… Những hành động đó đều thể hiện được một trái tim biết yêu thương, sẻ chia.
Bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Con người hãy biết lan tỏa yêu thương để xây dựng một xã hội văn minh.
Bài văn mẫu số 5
Những câu ca dao là lời gửi gắm của thế hệ đi trước với con cháu. Và bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” cũng vậy.
“Bầu” và “bí” là những giống cây khác nhau, nhưng cùng thuộc họ cây leo. Và hình ảnh cây bầu, cây bí chung một giàn vô cùng quen thuộc của mọi làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Còn con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh.
Quả thật, trong cuộc sống có rất nhiều người sống nhân ái, biết yêu thương và sẻ chia. Những thanh niên tình nguyện, tuy còn trẻ nhưng họ luôn sẵn sàng đưa bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn. Nhưng người nghệ sĩ giàu có tấm lòng thường xuyên đi làm từ thiện… Hoặc cụ thể như năm 2020 vừa đi qua là một năm đáng quên nhưng cần phải nhớ. Hết trận lũ này đến trận lũ khác kéo đến mảnh đất miền Trung thân yêu. Nhà cửa, của cải đều mất trắng, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng trước thiên tai khốc liệt. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, tấm lòng của người dân Việt Nam lại hướng về đồng bào miền Trung với sự sẻ chia, yêu thương sâu sắc. Không chỉ ủng hộ bằng vật chất mà còn ủng hộ về tinh thần. Nhiều chiến sĩ bộ đội vì cứu người dân mà đã hy sinh cả tính mạng của mình. Có thể khẳng định dân tộc Việt Nam giàu tinh thần tương thân tương ái.
Với một học sinh như em, đây là một lời khuyên rất giá trị. Nó giúp em biết mở rộng tấm lòng để yêu thương nhiều hơn. Bởi người có tình thương yêu mọi người, quê hương, dân tộc nhiều nhất là người giàu có nhất. Đồng thời, nó giúp xóa dần đi khoảng cách giữa người với người, gạt bỏ những nghi ngờ về lòng tin, sự tốt đẹp. Từ đó chúng ta sẽ thấy một thế giới tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta đừng sống theo lẽ sống ích kỷ, chỉ biết có mình. Bởi nếu tất cả con người đều sống như vậy, thì xã hội này sẽ chỉ chìm trong bóng đêm của lạnh lẽo mà không hơi ấm của tình yêu thương. Một trái tim biết yêu thương luôn đem đến những điều tốt đẹp.
Tóm lại, bài ca dao trên đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Trịnh Công Sơn) để cuộc sống thật ý nghĩa hơn.
Giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng
Bài văn mẫu số 1
“Bầu ơi thương thấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao như một lời căn dặn về tình yêu thương đùm bọc giữa con người trong cuộc sống.
“Bầu và bí” tuy là hai giống khác nhau nhưng lại được trồng chung một mảnh đất, leo chung một giàn, tức là cùng chung cảnh ngộ, có chung một điều kiện sống, chớ có ghét bỏ nhau, mà phải thương lấy nhau. Bầu chớ chê bí nhám hơn bầu. Bí cũng chớ đừng vì hoa bí vàng, hoa bầu thì trắng, quả bí thì dài, quả bầu thì tròn mà xa rời nhau.
Vì sao vậy? Vì đã chung một giàn tức là cùng chung phận. Mưa thuận gió hòa ư? Bầu, bí rồi cùng khô héo với nhau. Một ngày kia nếu chẳng may giàn đổ, bí mà thân gãy lá rụng, chẳng lẽ bầu lại một mình giữ được tươi xanh?
Nghĩa đen của câu ca dao là thế. Nhưng tất nhiên câu ca không phải được tạo nên để kêu gọi cây bầu cây bí là những giống vô tri. Bằng cách diễn đạt kín đáo thường gặp của ca dao, tục ngữ, đằng sau biện pháp nhân hóa, câu ca dao này ngụ một ẩn ý sâu xa, một lời khuyên vừa kín đáo vừa chân thành, một lời kêu gọi thiết tha cho con người.
Người ta ở đời, không phải ai cũng như ai, người ta có thể “khác giống”, khác nhau về nguồn gốc, về hoàn cảnh, điều kiện sống riêng, có người là “giống bầu”, có người là “giống bí”. Nhưng bên trên những cái khác nhau đó, nhiều người, nhiều lúc, lại có chỗ giống nhau, cùng sống chung trong những điều kiện, những cảnh ngộ như nhau, cùng “chung một giàn” với nhau. Trong một xã hội, ta có biết bao cái chung như vậy. Chung Tổ quốc, ấy là tình đồng bào. Chung làng xóm, ấy là tình đồng hương. Chung trường học, ấy là tình đồng môn. Chung cảnh ngộ, ấy là bạn đồng cảnh. Chung một nghề, ấy là bạn đồng nghiệp. Chung họ hàng, ấy là tình đồng tông…
Vượt lên trên những khác biệt nhỏ, vì sự giống nhau của một điều chung lớn, con người phải biết thương yêu nhau, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết với nhau.
Vì sao vậy? Bởi vì chính tình cảnh “chung một giàn” giữa người này với người khác tạo nên cho con người mối quan hệ ràng buộc, những đau khổ và hạnh phúc chung, những niềm vui nỗi buồn chung, những lo liệu và khát khao chung, những thương yêu và hận thù chung. Chẳng hạn, trong những thời kỳ đất nước bị ngoại bang thống trị, như thời ngàn năm Bắc thuộc hoặc gần một trăm năm Pháp thuộc, người Việt Nam, có người sang, kẻ hèn, người làm thầy, kẻ làm thợ, “khác giống” với nhau vì nhiều thứ nhưng tất cả đều chịu cái khổ của người dân mất nước, cái nhục chung của người dân nô lệ và có chung niềm mong muốn nước nhà được giải phóng, dân tộc được tự do. Vì những điều chung ấy, mọi người Việt Nam phải thương lấy nhau, bảo vệ nhau, đoàn kết gắn bó với nhau. Đó không chỉ là đòi hỏi của tình cảm mà còn là yêu cầu sống còn trước sự ức hiếp, đe dọa của kẻ thù chung.
Dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến, những người nông dân, dẫu khác nhau vì nhiều thứ, vẫn cùng chung nhau những tai họa và đau khổ: mưa nắng bão lụt của trời đất, sưu thuế, phu phen của vua quan, tô tức của địa chủ, đè nén ức hiếp của cường hào. Nếu không nương tựa vào nhau khi khốn khó, giúp đỡ nhau khi tắt lửa tối đèn, làm sao họ có thể tồn tại được qua hàng ngàn năm?
Theo em, câu ca dao trên hẳn đã ra đời từ mấy ngàn năm qua, khi nhân dân Việt Nam phải đương đầu với nhiều kẻ thù, đối phó với nhiều tai họa. Đã có những lời kêu gọi như thế:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hoặc:
“Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Câu ca dao trên là sự tổng hợp những kinh nghiệm sống rất phong phú, là bài học lớn mà nhân dân ta đã thu hoạch được qua hàng trăm, hàng ngàn năm lao động và đấu tranh. Đó là một lời nhắn nhủ thiết tha của cha ông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là lời kêu gọi tình tương ái tương thân, yêu thương đoàn kết.
Hơn lúc nào hết, trong những khó khăn gian khổ, mỗi người dân Việt Nam phải suy nghĩ và hành động theo lời nhắn nhủ của câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao làm cho em hiểu vì sao nhân dân ta chiến thắng bao kẻ xâm lăng tàn bạo để bảo vệ Tổ quốc, nòi giống. Ngày nay, câu ca dao ấy vẫn là lời kêu gọi đoàn kết thương yêu đối với người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Bài văn mẫu số 2
Kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam đem đến cho mỗi chúng ta nhiều bài học nhân văn sâu sắc. Trong đó phải kể đến câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao là lời khuyên nhủ con người phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.
“Bầu” và “bí” đều là những cây thân leo được trồng rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Tuy khác nhau về giống, nhưng chúng có những đặc điểm thích nghi giống nhau nên thường được trồng “chung một giàn” tức là chung nhau không gian sống. Nghĩa là, chúng có chung cảnh ngộ sống. Vậy nên nếu biết giúp đỡ, nhường nhịn nhau thì cả hai sẽ cùng phát triển. Mượn hình ảnh “bầu” và “bí”, câu ca dao đã đưa ra một lời khuyên sâu sắc dành cho con người. Giống như “bầu và bí” có thể chúng ta không cùng một mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, việc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau sẽ khiến cho đất nước trở nên văn minh hơn, giàu đẹp hơn.
Trong quá khứ, tinh thần “Thương người như thể thương thân” ấy đã được bộc lộ rõ ràng qua nhiều hành động. Chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Các chương trình “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”… của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những cây ATM gạo, ATM khẩu trang… để giúp đỡ cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, thế hệ trẻ hôm nay hãy cố gắng phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau. Phải biến những tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.
Như vậy, câu ca dao trên đã đem đến cho mỗi người một bài học thật sâu sắc. Tình yêu thương luôn đem đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi chúng ta.
Bài văn mẫu số 3
Dân tộc Việt Nam được biết đến với truyền thống tương thân tương ái. Điều đó được thể hiện qua câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Đầu tiên, về nghĩa đen, có lẽ không có người Việt Nam nào là không biết đến hai loại cây “bầu” và “bí”. Chúng vốn đều là những cây thân leo được trồng rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Tuy khác giống nhưng vẫn thuộc họ thân leo, nên có những đặc điểm thích nghi giống nhau, và sẽ được trồng “chung một giàn”. Điều đó có nghĩa là chúng cùng chung cảnh ngộ sống. Cũng giống như trên đất nước Việt Nam. Dù có năm mươi tư dân tộc khác nhau, nhưng đều là người Việt Nam, cùng chung dòng máu đỏ da vàng, tự hào với nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên”. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đoàn kết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.
Từ quá khứ đến hiện đại, con người Việt Nam vẫn thể hiện được tinh thần tương thân tương ái. Chắc hẳn chúng ta không thể quên được hình ảnh về một nạn đói khủng khiếp năm 1945 với hậu quả là hơn hai triệu người dân bị chết đối. Nhưng chính trong khó khăn, tinh thần tương thân tương thái mới sáng ngời. Các phong trào như “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Hũ gạo cứu đói”… được phát động và hưởng ứng nhiệt tình đã thể hiện tấm lòng biết san sẻ của nhân dân. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được thể hiện rõ hơn trong những mưa lũ lịch sử vừa qua của năm 2020. Đồng bào miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp những đợt lũ khiến cho của cái, mùa màng mất trắng. Nhưng với tinh thần không ai bị bỏ lại, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều chiến sĩ bộ đội đã phải hy sinh tính mạng trên đường đi giải cứu cho người dân, sự đóng góp của các mạnh thường quân… Tất cả đã thể hiện một tinh thần yêu thương, đùm bọc quý giá của người dân Việt Nam.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị đạo đức dần bị mai mốt. Chính vì vậy, mỗi người cần ghi nhớ bài ca dao trên như một lời nhắc nhở để luôn biết sống yêu thương. Bởi như vậy, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 4
Truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam đã có từ bao đời nay. Điều đó đã được thể hiện qua bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Bài ca dao đã mượn hình ảnh trái bầu, trái bí để nói về con người. Đầu tiên, “bầu” và “bí” là những cây thân leo được trồng rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Tuy khác nhau về giống cây, nhưng chúng có những đặc điểm thích nghi giống nhau nên thường được trồng “chung một giàn” – cùng chung không gian sống. Cũng giống như con người, có thể không cùng một cha mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, con người cần phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Bài ca dao đã khẳng định được lối sống tốt đẹp của ông cha ta. Đó là lời răn dạy vẫn còn giữ nguyên được giá trị cho đến ngày nay. Một cách sống tình nghĩa, trọn vẹn. Con người biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy.
Lịch sử dân tộc đã gọi tên Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu muôn đời. Đó có thể những hành động vĩ đại thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường…
Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Thậm chí có người còn còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Những con người như vậy sẽ chỉ sống trong một thế giới lạnh lẽo không có hơi ấm tình người.
Riêng đối với mỗi học sinh, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…
Tóm lại, qua bài ca dao trên, chúng ta đã hiểu hơn về một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Có ai đó đã từng nói rằng: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”, quả là đúng đắn.
Bài văn mẫu số 5
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Dù trải qua nhiều năm tháng, điều đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Điều đó đã được gửi gắm qua bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Bầu và bí” vốn là những loại cây khác nhau nhưng thường được trồng chung một giàn. Bởi chúng cùng thuộc giống cây thân leo. Hình ảnh cây bầu, cây bí chung một giàn vô cùng quen thuộc của mọi làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Khi mượn hình ảnh bầu và bí người xưa muốn khuyên ta rằng dù chúng có là loài khác nhau đi chăng nữa nhưng vẫn biết chia sẻ không gian, cùng nhau chung sống hòa thuận, yên vui, không có lòng đố kị, ganh ghét hay chê bai nhau.
Qua câu chuyện cây bầu cây bí, ông cha ta đã nhắn nhủ một lời khuyên sâu sắc. Đó là dù mỗi chúng ta có khác nhau về hoàn cảnh, nguồn gốc, địa vị xã hội thì vẫn cần có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn. Chúng ta cần xây dựng cuộc sống hòa hợp, yên bình, thắm đượm nghĩa tình, yêu thương.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một số phận khác nhau. Có người nghèo khó, có kẻ cao sang; có người hạnh phúc, có người bất hạnh. Nhưng không vì thế mà ta tỏ ra khinh ghét hay đố kị lẫn nhau. Sống ở trên đời, ai chẳng mong được sống cuộc đời an bình, giàu có. Bởi vậy, việc chia sẻ hay giúp đỡ lẫn nhau là một việc làm cần thiết để xoa dịu những nỗi đau thương mất mát mà những người không may mắn đang phải gánh lấy.
Sống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau trở nên bền chặt. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết cho đi và nhận về. Cho những gì mình có mà người khác đang rất cần. Nhận về những gì mình cần mà người khác luôn sẵn lòng cho đi. Sống như thế là sống vì người khác và cũng là vì mình mà sống tốt, sống đúng với đạo lí của dân tộc. Không có sức mạnh nào mạnh bằng sức mạnh của lòng yêu thương. Sống tôn trọng con người, trọng tình trọng nghĩa, đối xử thân tình là tự vun đắp cho cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn.
Câu ca dao có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Không ai có thể tự tách mình ra khỏi các mối ràng buộc xã hội. Đó là một quy luật bất biến của xã hội loài người. Nghĩa là, nếu muốn sống hạnh phúc và thành công, không có cách nào khác đó là con người gắn kết với nhau trong một mối quan hệ bền chặt nhất. Và giúp đỡ lẫn nhau, tích tạo ân nghĩa luôn là cách sống thông minh, đúng đắn và cao đẹp nhất.
Con người dù trong hoàn cảnh khó khăn thì họ vẫn luôn còn có lòng tự trọng. Khi giúp đỡ người khác ta cũng cần tôn trọng điều ấy thì sự giúp đỡ của mình mới càng thêm ý nghĩa. Nó sẽ là động lực lớn lao giúp người khác mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” quả là một bài ca dao ý nghĩa.
Bài văn mẫu số 6
Truyền thống tương thân tương ái đã được dân tộc Việt Nam gìn giữ và phát huy suốt nhiều năm qua. Điều đó đã được thể hiện qua câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn”
Bài ca dao đã sử dụng hình ảnh cây “bầu” và “bí” vốn là hai giống cây khác nhau. Nhưng lại cùng thuộc họ cây thân leo, với điều kiện hay hoàn cảnh sống giống nhau. Chúng thường được người nông dân trồng gần nhau để leo chung một giàn. Hình ảnh trên gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Bài ca dao muốn khuyên nhủ con người về tinh thần tương thân tương ái.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau. Có những người được sống trong no đủ, hạnh phúc. Lại có những người phải chịu khó khăn, vất vả. Bởi vậy con người cần có tấm lòng biết sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ nhau. Dù không phải là tình thân máu thịt, nhưng tấm lòng đồng cảm sẽ giúp mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội ngày càng văn minh hơn.
Từ trong quá khứ, dân tộc Việt Nam luôn giữ gìn tinh thần tương thân tương thái. Trong quá khứ vẻ vang của dân tộc, nhân dân đã cùng đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều người con Việt Nam đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã cống hiến cuộc đời của mình cho cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Trong thời điểm hiện tại, nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Những chương trình ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Thế mới thấy được rằng, tấm lòng tương thân tương ái thật đáng trân trọng, cao quý. Bài ca dao đã gửi gắm một bài học ý nghĩa cho mỗi người.
Mở bài gián tiếp giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng
Mở bài gián tiếp – Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam vốn giàu lòng tương thân tương ái. Đó là truyền thống quý báu của nhân dân ta. Điều đó đã được thể hiện qua những câu tục ngữ, ca dao. Và câu ca dao dưới đây là một ví dụ điển hình nhất:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Mở bài gián tiếp – Mẫu 2
Tục ngữ, ca dao chính là kết tinh của những triết lý sống sâu sắc, là đạo lý muôn đời của một dân tộc. Theo thời gian, những câu ca ấy sẽ dần trở thành bài học sâu sắc, đầy thấm thía để lại cho thế hệ sau. Trong đó, có những câu đã răn dạy con người phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau như:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Mở bài gián tiếp – Mẫu 3
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Dù trải qua nhiều năm tháng, điều đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Điều đó đã được gửi gắm qua bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Mở bài gián tiếp – Mẫu 4
Tục ngữ có câu: “Thương người như thể thương thân” để nhắn nhủ con người bài học về lòng nhân ái. Điều đó cũng đã được gửi gắm qua bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Mở bài gián tiếp – Mẫu 5
Người Việt Nam ta có một truyền thống rất quý báu, đó là tinh thần tương thân tương ái – “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Truyền thống ấy đã trở thành đạo lí của dân tộc, được thể hiện trong tục ngữ, ca dao. Câu ca dao giàu hình ảnh dưới đây bắt đầu từ nguồn mạch ấy:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Kết bài gián tiếp giải thích Bầu ơi thương lấy bí cùng
Kết bài gián tiếp – Mẫu 1
Tóm lại, bài ca dao trên đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Trịnh Công Sơn) để cuộc sống thật ý nghĩa hơn.
Kết bài gián tiếp – Mẫu 2
Tình thương có sức mạnh cảm hóa, sức mạnh tái tạo vô cùng to lớn. Nó có thể thay đổi cả một con người thậm chí thay đổi cả một đất nước. Vậy mới thấy hết những lời răn dạy của cha ông qua câu ca dao trên là cần thiết và mang ý nghĩa to lớn biết chừng nào. Chỉ có đồng cảm và sẻ chia mới mang lại cho bạn, cho tôi, cho chúng ta một cuộc sống ý nghĩa, đáng quý hơn.
Kết bài gián tiếp – Mẫu 3
Con người dù trong hoàn cảnh khó khăn thì họ vẫn luôn còn có lòng yêu thương. Nó sẽ là động lực lớn lao giúp người khác mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” quả là một bài ca dao ý nghĩa.
Kết bài gián tiếp – Mẫu 4
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị đạo đức dần bị mai mốt. Chính vì vậy, mỗi người cần ghi nhớ bài ca dao trên như một lời nhắc nhở để luôn biết sống yêu thương. Bởi như vậy, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn.
Kết bài gián tiếp – Mẫu 5
Tóm lại, qua bài ca dao trên, chúng ta đã hiểu hơn về một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Có ai đó đã từng nói rằng: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”, quả là đúng đắn.
…….. Mời tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây ………
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng 4 Dàn ý & 20 bài văn mẫu lớp 7 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.