Hôm nay, Neu-edutop.edu.vn muốn giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
Tài liệu bao gồm các mẫu dàn ý và 75 bài văn mẫu lớp 6, nhằm giúp học sinh biết cách kể lại một truyền thuyết hay cổ tích.
Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
- Kể lại một truyền thuyết – Sự tích Hồ Gươm
- Kể lại truyền thuyết – Con Rồng cháu Tiên
- Kể lại truyền thuyết – Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Kể lại truyền thuyết – Thánh Gióng
- Kể lại truyền thuyết – Bánh chưng, bánh giầy
- Kể lại truyện cổ tích – Thạch Sanh
- Kể lại truyện cổ tích – Sọ Dừa
- Kể lại truyện cổ tích – Em bé thông minh
- Kể lại truyện cổ tích – Cây khế
Kể lại một truyền thuyết – Sự tích Hồ Gươm
Vào thời giặc Minh xâm lược nước ta, chúng coi nhân dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược. Bấy giờ ở vùng núi Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần thất bại. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc.
Hồi ấy, ở Thanh Hóa, có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới ở một bến vắng như thường lệ. Đến khi kéo lưới lên thấy nằng nặng, nghĩ rằng sẽ kéo được mẻ cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá thì chỉ thấy một thanh sắt. Chàng vứt xuống sông, rồi lại thả lưới ở chỗ khác. Kì lạ thay, liên tiếp ba lần đều vớt được thanh sắt nọ. Thận liền đưa thanh sắt lại mồi lửa thì phát hiện ra đó là một thanh gươm.
Về sau, Thận gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Một lần nọ, chủ tướng Lê Lợi cùng tùy tùng đến thăm nhà Thận. Bỗng nhiên thấy phía góc nhà lóe sáng, Lê Lợi tiến đến gần xem là cầm lên xem là vật thì gì thì thấy hai chữ “Thuận Thiên”. Song lại không ai nghĩ đó là lưỡi gươm thần.
Một hôm, bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng rút mỗi người một ngả. Lúc đi ngang qua một khu rừng, Lê Lợi thấy có ánh sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc quý giá. Bỗng nhớ đến lưỡi gươm nhà Lê Thận, ông mang chuôi về tra vào lưỡi gươm thì vừa như in.
Một năm trôi qua, nhờ có gươm thần giúp sức, nghĩa quân của Lê Lợi đánh đến đâu thắng đến đó. Thanh thế ngày một vang xa. Quân Minh được dẹp tan. Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ. Vua cho cưỡi thuyền trên hồ Tả Vọng thì thấy Rùa Vàng nổi lên đòi lại thanh gươm thần:
– Việc lớn đã thành. Xin bệ hạ trả lại gươm báu cho đức Long Quân.
Sau khi nghe Rùa Vàng nói, Lê Lợi bèn đem gươm báu trả lại rồi nói:
– Xin cảm tạ ngài cùng đức Long Quân đã cho mượn gươm báu để đánh tan quân giặc, bảo vệ nước nhà.
Nghe xong, Rùa Vàng gật đầu rồi lặn xuống hồ. Từ đó, người dân đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm.
Kể lại truyền thuyết – Con Rồng cháu Tiên
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ.
2. Thân bài
- Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng.
- Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.
- Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ, đưa năm mươi con trở về biển.
- Âu Cơ đưa năm mươi con lên rừng. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương.
3. Kết bài
Đánh giá về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.
Bài mẫu tham khảo
Ngày xưa, có một người con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân thuộc giống rồng. Thần có sức khỏe vô địch, lại nhiều phép lạ. Thần giúp dân trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và ăn ở. Ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nàng đến thăm vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Hai người gặp nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Ít lâu sau Âu Cơ mang thai và sinh ra một cái bọc trăn trứng, nở ra trăm người con, người nào cũng đều hoàn hảo, đẹp lạ thường. Lạc Long Quân vốn quen sống ở dưới nước, nên thường xuyên trở về dưới thuỷ cung.
Âu Cơ ở lại nuôi đàn con, tháng ngày chờ đợi Lạc Long Quân trở lại, nhưng nỗi nhớ chồng khiến nàng buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên than thở:
– Sao chàng đành bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?
Lạc Long Quân nói:
– Ta vốn ở miền nước thẳm, nàng thì ở chốn núi cao. Nhiều điều khác nhau, khó mà ở cùng nhau một nơi được lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc gì cần giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn, đây là giao ước của vợ chồng, con cái.
Âu Cơ ưng thuận. Trước khi đưa năm mươi con lên núi, nàng nói với chồng:
– Thiếp xin nghe lời chàng. Vợ chồng ta đã sống với nhau thắm thiết, nay phải chia hai, lòng thiếp thật là đau xót.
Lạc Long Quân cũng cố nén nỗi buồn trong buổi chia li, chàng khuyên giải vợ:
– Tuy xa nhau nhưng tình cảm đôi ta không hề phai nhạt, khi nào cần chúng ta lại gặp nhau.
Âu Cơ vẫn quyến luyến, rồi buồn bã nói:
– Thiếp rất nhớ chàng và thương các con, biết đến khi nào chúng ta mới gặp nhau.
Lạc Long Quân nắm chặt tay vợ, an ủi:
– Xa nàng và các con lòng ta cũng đau lắm! Âu cũng là mệnh trời, mong nàng hiểu và cảm thông cùng ta.
Âu Cơ và các con nghe theo lời cùng nhau chia tay lên đường.
Lạc Long Quân và các con về nơi biển cả, Âu Cơ đưa các con về đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Cũng bởi sự tích này mà người Việt Nam ta đều luôn tự hào mình là dòng dõi con Rồng cháu Tiên.
Kể lại truyền thuyết – Sơn Tinh, Thủy Tinh
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
2. Thân bài
- Vua Hùng Vương có con gái tên Mị Nương.
- Vua kén rể cho con gái.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh đến tranh tài.
- Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.
- Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.
3. Kết bài
Ý nghĩa câu chuyện: Hiện tượng lũ lụt.
Bài mẫu tham khảo
Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương. Người đẹp như hoa, tính nết dịu dàng. Nhà vua hết mực yêu thương nên muốn tìm cho con một người chồng xứng đáng.
Nghe tin nhà vua muốn kén rể, có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ: vẫy tay về phía đông phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh. Người còn lại tài năng cũng không hề thua kém: gọi gió gió đến, hô mưa mưa về. Tên của chàng là Thủy Tinh.
Cả hai người đều vô cùng xuất chúng nên vua Hùng không biết chọn ai. Vua bèn ra lệnh:
– Hai người đều vừa ý ta cả. Vậy nên nếu ngày mai ai mang được sính lễ đến trước sẽ được rước dâu về. Sính lễ gồm có một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.
Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, lấy được Mị Nương. Thủy Tinh đến sau không lấy được vợ liền nổi giận, đem theo quân đánh Sơn Tinh. Thủy Tinh hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời. Nước ngập khắp các đồng ruộng nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi sườn núi, thành Phong Châu nổi lềnh bềnh trên một biển nước. Thấy vậy, Sơn Tinh bốc từng quả đồi dời từng dãy núi, ngăn chặn dòng nước lũ.
Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã cạn kiệt, thần nước đành rút quân. Từ đó càng thêm oán nặng thù sâu, hằng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng lần nào cũng đều thua trận.
Xem thêm: Kể lại truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh
Kể lại truyền thuyết – Thánh Gióng
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyền thuyết Thánh Gióng.
2. Thân bài
- Đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng …
- Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta.
- Nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước.
- Đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con người sắt và một tấm áo giáp sắt”.
- Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng nhiên biến thành tráng sĩ.
- Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre bên đường đánh tan quân giặc.
- Thánh Gióng bay về trời.
3. Kết bài
Truyền thuyết thể hiện tinh thần đoàn kết chống giặc cứu nước.
Bài mẫu tham khảo
Đời Hùng Vương thứ sáu, ở một làng kia có hai vợ chồng ông lão, chăm chỉ làm ăn lại có tiếng là phúc đức. Nhưng đến lúc sắp già mà vẫn chứa có lấy một mụn con.
Một ngày kia bà vợ ra đồng trông thấy một bước chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà mang thai. Nhưng không ngờ, khác với người thường, đến mười hai tháng sau bà mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô. Cậu bé ra đời là niềm mơ ước cả đời của hai vợ chồng nên ông bà mừng lắm. Nhưng chẳng biết làm sao, dù đã ba tuổi nhưng cậu bé vẫn chẳng biết nói, biết cười, cứ đặt đâu nằm đó. Ông bà buồn lắm.
Bấy giờ, giặc Ân sang xâm lược bờ cõi nước ta. Chúng gây bao nhiêu tội ác khiến dân chúng vô cùng khổ sở. Thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp nước cầu hiền tài. Đi đến đâu sứ giả cũng rao:
– Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước.
Nghe tiếng rao, cậu Gióng đang nằm trên giường bèn cất tiếng:
– Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.
– Nghe tiếng con, vợ chồng lão nông dân thấy lạ đành mời sứ giả vào nhà. Cậu Gióng liền yêu cầu sứ giả về chuẩn bị ngay: roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt để cậu đi phá giặc.
Càng lạ hơn, từ lúc cậu Gióng gặp sứ giả, cậu cứ lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cậu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Vợ chồng ông bà nọ đem hết gạo ra nuôi mà không đủ bèn nhờ hàng xóm cùng nuôi cậu Gióng. Trong làng ai cũng mong cậu đi giết giặc cứu nước nên chẳng nề hà gì.
Giặc đã đến sát chân núi Trâu. Người người hoảng sợ. Cũng may đúng lúc đó, sứ giả mang những thứ cậu Gióng đã đề nghị đến nơi. Cậu bèn vươn vai đứng dậy như một tráng sĩ, khoác vào áo giáp, cầm roi rồi nhảy lên ngựa phi thẳng tới trận tiền. Bằng sức mạnh như cả ngàn người cộng lại, chẳng mấy chốc cậu đã khiến lũ giặc kinh hồn bạt vía. Đang đánh nhau ác liệt thì roi sắt gãy, cậu bèn nhổ ngay từng bụi tre ở bên đường quật vào lũ giặc. Quân giặc bỏ chạy toán loạn nhưng rồi cũng bị tiêu diệt không sót một tên.
Dẹp giặc xong, cậu Gióng không quay về kinh để nhận công ban thưởng mà thúc ngựa đến núi Sóc, bỏ lại áo giáp sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu trụi một làng nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau.
Câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng đã không chỉ còn là niềm yêu thích của riêng em, mà nó đã là niềm say mê của bao thế hệ học trò.
Xem thêm: Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng
Kể lại truyền thuyết – Bánh chưng, bánh giầy
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
Giới thiệu về thời gian, không gian của truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy: Đời Hùng Vương thứ sáu, nhà vua đã có tuổi nên muốn truyền ngôi cho con.
II. Thân bài
1. Điều kiện truyền ngôi của Vua Hùng
– Hoàn cảnh: Hùng Vương lúc về nhà, muốn truyền ngôi nhưng lại có tới hai mươi người con trai, không biết chọn ai cho xứng đáng
– Điều kiện: “Người nối ngôi ta phải nối được trí ta, không nhất thiết phải là con trưởng.”
– Hình thức: Nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám.
2. Lang Liêu và các hoàng tử thi nhau tìm kiếm lễ vật dâng nhà vua
– Các lang đua nhau làm cỗ thật hậu, thật ngon đem về lễ Tiên vương.
– Lang Liêu là con thứ mười tám; mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng thiệt thòi nhất.
– Lang Liêu nằm mơ, được thần mách bảo hãy dùng thứ gạo nếp quen thuộc làm thành lễ vật dâng vua cha.
– Chàng lấy gạo nếp vo sạch, lấy đậu xanh thịt lợn làm nhân, gói bằng lá dong thành hình vuông, đem luộc một ngày một đêm. Cũng thứ gạo nếp ấy đồ lên, đem giã nhuyễn rồi nặn thành hình tròn.
– Đến ngày lễ Tiên vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì.
– Nhà vua xem qua một lượt rồi dừng lại trước chồng bánh của Lang Liêu, rất vừa ý, bèn gọi lên hỏi. Lang Liêu đem giấc mộng gặp thần ra kể lại.
=> Kết quả: Vua Hùng chọn hai thứ bánh làm lễ, Lang Liêu được truyền ngôi báu.
3. Ý nghĩa và phong tục làm bánh chưng bánh giầy
– Ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy:
- Bánh hình tròn tượng trưng cho trời, được đặt tên là bánh giầy.
- Bánh hình vuông tượng trưng cho đất nên được đặt tên là bánh chưng
- Lá bọc bên ngoài ngụ ý đùm bọc lẫn nhau giống với truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc ta.
– Tục lệ của dân tộc ta: Hàng năm, mỗi khi Tết đến, bánh chưng bánh giầy là món ăn không thể thiếu.
III. Kết bài
Ý nghĩa của truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.
Bài mẫu tham khảo
Hùng Vương thứ sáu muốn truyền ngôi cho một trong số những người con trai nên đã đưa ra điều kiện:
– Không nhất định phải là con trưởng, chỉ cần làm vừa ý vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi cho.
Các hoàng tử cho người đi đến khắp nơi tìm kiếm những của ngon vật lạ để đem về dâng lên vua cha.
Lang Liêu là con vua, nhưng lại sống giản dị quen với việc chăm lo đồng áng, trồng lúa trồng khoai. Mẹ của Lang Liêu trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, sau đó mất đi để lại một mình chàng. So với các anh em, chỉ có Lang Liêu là thiệt thòi nhất. Chàng không biết lấy gì để dâng lên Tiên vương.
Một đêm nọ, Lang Liêu nằm mơ và được thần mách bảo rằng:
– Trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Hãy lấy gạo mà làm bánh lễ Tiên vương.
Khi tỉnh dậy biết mình được thần báo mộng. Chàng lấy gạo nếp vo sạch, lấy đậu xanh thịt lợn làm nhân, gói bằng lá dong thành hình vuông, đem luộc một ngày một đêm. Và cũng thứ gạo nếp ấy, chàng đồ lên, đem giã nhuyễn rồi nặn thành hình tròn. Bánh hình vuông tượng trưng cho Trời đặt tên là bánh chưng, còn bánh hình tròn tượng trưng cho Đất đặt tên là bánh giầy.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử dâng lên biết bao của ngon vật lạ. Đến lượt Lang Liêu, chàng đem hai loại bánh dâng lên cúng Tiên vương. Vua Hùng rất hài lòng và quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu. Kể từ đó, hằng năm, cứ mỗi khi Tết đến, bánh chưng bánh giầy là món ăn không thể thiếu.
Kể lại truyện cổ tích – Thạch Sanh
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu truyện cổ tích Thạch Sanh.
2. Thân bài
- Ngọc Hoàng sai Thái tử xuống đầu thai làm con.
- Lý thông gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em để lợi dụng.
- Thạch Sanh giết chết chằn tinh, Lý Thông cướp công.
- Thạch Sanh dùng tên bắn bị thương đại bàng, cứu công chúa.
- Khi nghe tiếng đàn văng ra từ trong ngục, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Vua tìm ra sự thật, kết tội Lý Thông.
- Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Chư hầu đến cầu hôn không được, kéo sang đánh …
3. Kết bài
Ý nghĩa câu chuyện của truyện: “Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”.
Bài văn mẫu số 1
Ngày xửa ngày xưa, ở quận Cao Bình có hai vợ chồng, tuổi đã cao mà vẫn chưa có một mụn con. Ngọc Hoàng thấy họ tốt bụng, liền sai thái tử đầu thai xuống làm con.
Cậu bé sinh ra đã mồ côi cha, một thời gian sau thì người mẹ cũng qua đời. Từ đó, cậu sống một mình dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có lưỡi rìu do người cha để lại. Mọi người gọi cậu là Thạch Sanh. Đến khi trưởng thành, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho Thạch Sanh nhiều võ nghệ.
Thấy Thạch Sanh có sức khỏe, Lí Thông mới lân la gợi chuyện để hai người kết nghĩa anh em. Thạch Sanh về ở cùng mẹ con Lí Thông. Bấy giờ, trong vùng có một con chằn tinh hung dữ, nó bắt dân làng mỗi năm phải nộp cho một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà Lí Thông phải nộp mạng. Lí Thông chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về, dọn một mâm rượu thịt mời ăn, rồi bảo:
– Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, vậy em chịu khó đi thay cho anh một đêm, đến sáng lại về.
Thạch Sanh chẳng có chút nghi ngờ mà đồng ý đi ngay. Nửa đêm hôm ấy, chàng đang ngủ thì bỗng nhiên có một con chằn tinh vồ lấy chàng. Thạch Sanh đánh nhau với con quái vật. Không lâu sau thì lưỡi búa của chàng đã xé xác nó làm đôi. Thạch Sanh chặt đầu con quái vật đem về. Thấy Thạch Sanh về, mẹ con Lí Thông vô cùng sợ hãi. Sau khi nghe Thạch Sanh kể lại, Lí Thông liền nói với chàng:
– Đó là con vật nuôi của vua, giết nó là mang tội. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi.
Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ, liền trốn đi. Lí Thông nhân cơ hội đó đem đầu con chằn tinh vào dâng vua. Nhà vua khen ngợi, còn ban thưởng cho Lí Thông.
Lại nói khi đó, công chúa đã đến tuổi lấy chồng. Trong ngày kén rể, công chúa bị một con đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh nhìn thấy, liền dùng cung tên bắn đại bàng. Chàng lần theo vết máu thì tìm ra chỗ ở của đại bàng. Lí Thông được vua cử đi tìm công chúa. Thạch Sanh kể cho Lí Thông nghe về hang của đại bàng. Sau đó, hai người cùng đi cứu công chúa. Đến hang Thạch Sanh xin xuống trước. Chàng đánh nhau với đại bàng, thì cứu được công chúa. Nhưng Lý Thông đã ra lệnh cho quân sĩ vần đá lớn lấp kín cửa hang lại, rồi kéo nhau về.
Biết mình bị lừa, Thạch Sanh đi khắp hang để tìm lối thoát. Chàng đi đến cuối hang thì thấy một chàng trai bị nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh dùng cung tên bắn tan cũi sắt cứu chàng trai. Đó chính là con vua Thủy Tề. Chàng được mời xuống thủy phủ chơi, tiếp đãi chu đáo rồi đưa trở về nhà. Trước khi trở về, vua Thủy Tề còn tặng cho chàng một một cây đàn thần.
Thạch Sanh trở về nhưng lại bị hồn của đại bàng và chằn tinh căm thù hãm hại. Chàng bị bắt giam vào ngục. Về phần c ông chúa sau khi cứu thoát, trở về cũng thì bỗng không nói, không cười. Ngự y trong triều đều phải bó tay. Ở trong ngục, Thạch Sanh lấy cây đàn được vua Thủy Tề tặng ra đánh để bày tỏ nỗi oan khuất. Công chúa nghe thấy tiếng đàn thì bỗng nhiên nói được, cười được. Vua lấy làm lạ cho Thạch Sanh đến gặp, chàng kể hết mọi oan khuất. Lí Thông bị trừng trị. Còn Thạch Sanh được nhà vua gả công chúa cho.
Thấy lễ cưới tưng bừng, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, tiếng đàn của chàng vừa cất lên đã khiến quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay xin hàng. Thạch Sanh sai nấu cơm thiết đãi, quân sĩ ăn mãi không hết niêu cơm liền kéo nhau về nước. Về sau, vua không có con trai nên đã truyền ngôi cho Thạch Sanh.
Bài văn mẫu số 2
Xưa, ở quận Cao Bình có hai vợ chồng, tuổi đã cao mà vẫn chưa có một mụn con. Ngọc Hoàng thấy họ tốt bụng, liền sai thái tử đầu thai xuống làm con.
Cậu bé sinh ra đã mồ côi cha, một thời gian sau thì người mẹ cũng qua đời. Từ đó, cậu sống một mình dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có lưỡi rìu do người cha để lại. Mọi người gọi cậu là Thạch Sanh. Đến khi trưởng thành, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho Thạch Sanh nhiều võ nghệ.
Thấy Thạch Sanh có sức khỏe, Lí Thông mới lân la gợi chuyện để hai người kết nghĩa anh em. Thạch Sanh về ở cùng mẹ con Lí Thông. Bấy giờ, trong vùng có một con chằn tinh hung dữ, nó bắt dân làng mỗi năm phải nộp cho một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà Lí Thông phải nộp mạng. Lí Thông chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về, dọn một mâm rượu thịt mời ăn, rồi bảo:
– Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, vậy em chịu khó đi thay cho anh một đêm, đến sáng lại về.
Thạch Sanh chẳng có chút nghi ngờ mà đồng ý đi ngay. Nửa đêm hôm ấy, chàng đang ngủ thì bỗng nhiên có một con chằn tinh vồ lấy chàng. Thạch Sanh đánh nhau với con quái vật. Không lâu sau thì lưỡi búa của chàng đã xé xác nó làm đôi. Thạch Sanh chặt đầu con quái vật đem về. Thấy Thạch Sanh về, mẹ con Lí Thông vô cùng sợ hãi. Sau khi nghe Thạch Sanh kể lại, Lí Thông liền nói với chàng:
– Đó là con vật nuôi của vua, giết nó là mang tội. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi.
Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ, liền trốn đi. Lí Thông nhân cơ hội đó đem đầu con chằn tinh vào dâng vua. Nhà vua khen ngợi, còn ban thưởng cho Lí Thông.
Lại nói khi đó, công chúa đã đến tuổi lấy chồng. Trong ngày kén rể, công chúa bị một con đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh nhìn thấy, liền dùng cung tên bắn đại bàng. Chàng lần theo vết máu thì tìm ra chỗ ở của đại bàng. Lí Thông được vua cử đi tìm công chúa. Thạch Sanh kể cho Lí Thông nghe về hang của đại bàng. Sau đó, hai người cùng đi cứu công chúa. Đến hang Thạch Sanh xin xuống trước. Chàng đánh nhau với đại bàng, thì cứu được công chúa. Nhưng Lý Thông đã ra lệnh cho quân sĩ vần đá lớn lấp kín cửa hang lại, rồi kéo nhau về.
Biết mình bị lừa, Thạch Sanh đi khắp hang để tìm lối thoát. Chàng đi đến cuối hang thì thấy một chàng trai bị nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh dùng cung tên bắn tan cũi sắt cứu chàng trai. Đó chính là con vua Thủy Tề. Chàng được mời xuống thủy phủ chơi, tiếp đãi chu đáo rồi đưa trở về nhà. Trước khi trở về, vua Thủy Tề còn tặng cho chàng một một cây đàn thần.
Thạch Sanh trở về nhưng lại bị hồn của đại bàng và chằn tinh căm thù hãm hại. Chàng bị bắt giam vào ngục. Về phần công chúa sau khi cứu thoát, trở về cũng thì bỗng không nói, không cười. Ngự y trong triều đều phải bó tay. Ở trong ngục, Thạch Sanh lấy cây đàn được vua Thủy Tề tặng ra đánh để bày tỏ nỗi oan khuất. Công chúa nghe thấy tiếng đàn thì bỗng nhiên nói được, cười được. Vua lấy làm lạ cho Thạch Sanh đến gặp, chàng kể hết mọi oan khuất. Lí Thông bị trừng trị. Còn Thạch Sanh được nhà vua gả công chúa cho.
Thấy lễ cưới tưng bừng, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, tiếng đàn của chàng vừa cất lên đã khiến quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay xin hàng. Thạch Sanh sai nấu cơm thiết đãi, quân sĩ ăn mãi không hết niêu cơm liền kéo nhau về nước. Về sau, vua không có con trai nên đã truyền ngôi cho Thạch Sanh.
Xem thêm: Kể lại truyện Thạch Sanh
Kể lại truyện cổ tích – Sọ Dừa
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu hoàn cảnh gia đình và sự mang thai kì lạ của mẹ Sọ Dừa.
2. Thân bài
- Hình thù kì dị của Sọ Dừa.
- Sọ Dừa đi ở cho nhà phú ông.
- Cô út phát hiện ra Sọ Dừa là một chàng trai tuấn tú.
- Sọ Dừa giục mẹ sang hỏi con gái phú ông.
- Sọ Dừa cưới và sống hạnh phúc cùng cô út.
- Sọ Dừa đi thi.
- Cô út bị hai cô chị hãm hại.
3. Kết bài
Vợ chồng Sọ Dừa gặp nhau. Hai cô chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.
Bài văn mẫu số 1
Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con. Một hôm nọ, trời nắng rất to, người vợ vào rừng lấy củi cho chủ, khát nước quá không tìm thấy suối. Bà nhìn thấy cái sọ dừa bên cạnh gốc cây đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống, về nhà thì có mang. Chẳng bao lâu sau, bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa nhưng lại biết nói. Bà toan vứt đi thì bỗng nhiên đứa bé cất tiếng nói:
– Mẹ ơi, con là con của mẹ đây! Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp.
Thương con, bà lão giữ lại nuôi. S au khi lớn lên, Sọ Dừa xin mẹ cho đi chăn bò ở nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào con nấy bụng no căng. Nhà phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị ác nghiệt kiêu kỳ, chỉ có cô út là đối đãi tử tế với Sọ Dừa. Một hôm, như thường lệ đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Từ xa, cô bỗng nghe có tiếng sáo véo von. Cô rón rén nấp sau bụi cây và nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Nhưng nghe tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy Sọ Dừa nằm đấy. Nhiều lần như thế, cô út biết Sọ Dừa không phải là người trần, dần đem lòng yêu mến, có thức ăn nào ngon đều giấu đem cho chàng.
Cuối mùa ở, Sọ Dừa đòi mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ. Bà mẹ thấy con nói vậy, vì thương con nên đành đến nhà phú ông hỏi cưới. Phù ông nghe bà lão nói thì cười lớn rồi nói:
– Muốn cười con gái ta thì phải chuẩn bị đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm.
Bà lão trở về nhà nói với con. Sọ Dừa dặn mẹ cứ yên tâm. Đến ngày cưới, Sọ Dừa đã chuẩn bị đủ lễ vật cho mẹ mang sang nhà phú ông. Lúc rước dâu, không ai thấy Sọ Dừa đâu, chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Ai nấy đều sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc nuối vừa ghen tức.
Cuộc sống của hai vợ chồng Sọ Dừa rất hạnh phúc. Sọ Dừa học hành chăm chỉ đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ. Trong thời gian đó, hai cô chị sinh lòng đố kị, bày mưu hãm hại em gái. Hai cô chị rủ em chèo thuyền ra biển chơi, rồi đẩy em xuống nước. Cô út bị một con cá kình nuốt chửng vào bụng. Sẵn có con dao mà Sọ Dừa đưa cho cô rạch bụng nó, con cá chết xác dạt vào hòn đảo. Nhờ có những đồ vật mà Sọ Dừa đưa cho, cô út sống sót trên đảo hoang.
Một hôm, có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống gay to:
– Ò ó o… phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.
Quan trạng thấy thế bèn cho thuyền vào xem, hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà nhưng không cho ai biết, quan trạng mở tiệc mừng với bà con ngày trở về. Hai cô chị thấy vậy mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra vẻ thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, hết tiệc mới dẫn vợ ra. Hai cô chị thấy em, xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ ra đi biệt xứ.
Bài văn mẫu số 2
Ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho nhà phú ông. Họ chăm chỉ, tốt bụng nhưng ngoài năm mươi rồi vẫn chưa có con.
Một lần nọ, người vợ vào rừng lấy củi cho nhà chủ, trời nắng mà khát nước quá, không tìm thấy suối. Bà nhìn thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, liền bưng lên uống. Về nhà thì có mang.
Ít lâu sau, người chống mất. Bà sinh ra một đứa bé không chân, không tay, cứ tròn như quả dừa. Bà toan vứt đi thì đứa bé bảo:
– Mẹ ơi, con là người. Mẹ đừng vứt đi mà tội nghiệp!
Thương con, bà để lại nuôi, đặt tên cho là Sọ Dừa.
Đến khi lớn lên, Sọ Dừa chẳng khác lúc nhỏ là bao, cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì.
Một hôm, bà mẹ than phiền:
– Con người ta bảy, tám tuổi đã biết đi chăn bò. Còn mày thì chẳng làm được việc gì.
Nghe vậy, Sọ Dừa liền nói:
– Tưởng việc gì, chăn bò con cũng làm được. Mẹ cứ xin với phú ông cho con đi chăn bò.
Nghe con nói vậy, bà đến thưa chuyện. Phú ông tỏ ra ngần ngại lắm, chẳng biết Sọ Dừa có chăn nổi bò. Nhưng nghĩ đến việc nuôi cơm chẳng tốn là bao, nên phú ông liền đồng ý.
Sọ Dừa đến ở nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi. Con nào con nấy đều no căng béo tốt. Phú ông mừng lắm. Đến ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm việc. Ba cô con gái của phú ông phải thay phiên nhau mang cơm ra cho Sọ Dừa. Nhưng hai cô chị luôn tỏ ra cay nghiệt, chỉ có cô út là đối xử tử tế.
Một hôm, cô út mang cơm, đến chân đồi thì nghe thấy tiếng sáo. Cô thấy lạ, liền rón rén bước lại gần thì thấy một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên chiếc võng đào mắc vào hai cành cây, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Khi nghe tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Cứ nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người trần, đem lòng yêu mến.
Hết mùa ở, Sọ Dừa xin mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ. Bà mẹ ngạc nhiên lắm, nhưng thấy con năn nỉ nên đành bằng lòng. Bà chuẩn bị sính lễ, rồi đến nhà phú ông thưa chuyện. Nghe xong, phú ông tỏ ra khinh bỉ.
– Muốn lấy con gái ta, phải về sắm cho đầy đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.
Bà mẹ buồn bã trở về nói với Sọ Dừa, cứ nghĩ con sẽ từ bỏ hẳn việc lấy vợ. Không ngờ, chàng lại bảo mẹ sẽ chuẩn bị đầy đủ các thứ đó. Đúng ngày hẹn, bà mẹ ngạc nhiên khi thấy trong nhà có bao nhiêu là sính lễ, không thiếu thứ gì. Lại còn cả chục giai nhân chạy lên khiêng lễ vật sang nhà phú ông. Thế là phú ông phải nói với bà:
– Để ta hỏi xem có đứa nào muốn lấy thằng Sọ Dừa không đã!
Lão gọi ba cô con gái ra, hai cô chị bĩu môi coi thường, còn cô út thì đồng ý. Vậy là phú ông đành phải gả con gái cho Sọ Dừa.
Ngày cưới diễn ra, nhà Sọ Dừa bày cỗ linh đình. Lúc rước dâu, không ai thấy Sọ Dừa đâu cả. Bỗng một chàng trai khôi ngô tuấn tú cùng cô út của phú ông từ phòng cô dâu đi ra. Mọi người đều mừng rỡ, chỉ có hai cô chị là ghen tức lắm.
Vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau hạnh phúc. Ngày ngày, Sọ Dừa đều chăm chỉ đèn sách. Chẳng bao lâu, chàng đã đỗ trạng nguyên, được vua cử đi sứ. Trước khi chia tay, quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến.
Hai cô chị vốn đem lòng ghen ghét, nay thấy quan trạng đi vắng, liền bày mưu hãm hại em gái. Họ sang nhà, rủ em chèo thuyền ra biển, rồi đẩy em xuống nước. Một con cá kình nuốt cô em vào bụng. Nhưng sẵn có con dao, cô em đâm chết cá, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt biển, rồi dạt vào một hòn đảo. Cô khoét bụng cá để ra ngoài, lấy hai hòn đá cọ mạnh vào nhau, bật lửa lên, rồi xẻo thịt cá nướng ăn, sống qua ngày. Hai quả trứng nở thành đôi gà, làm bạn với cô.
Một hôm có chiếc thuyền ngang qua. Con gà trống nhìn thấy, gáy to ba lần:
– Ó… ó… o… Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.
Vợ chồng Sọ Dừa gặp nhau mừng lắm, trở về nhà cho mở tiệc linh đình. Nhưng quan trạng lại giấu vợ đi.
Hai cô chị không biết gì, mừng thầm vì sắp được thay cô em làm bà trạng. Họ thay nhau kể chuyện em gái gặp nạn, khóc lóc thương tiếc. Đến khi tiệc xong, quan trạng cho gọi vợ ra. Hai người chị xấu hổ trốn đi biệt tích.
Xem thêm: Kể lại truyện Sọ Dừa
Kể lại truyện cổ tích – Em bé thông minh
Ngày xưa, có ông vua nọ muốn tìm người tài giúp nước liền sai viên quan đi khắp nơi. Một hôm, viên quan đi đến một làng nọ thấy hai cha con đang cày bừa, liền đến gấn.
Viên quan hỏi cha tôi: “Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?”
Người cha chưa biết trả lời thế nào, thì cậu bé chỉ khoảng bảy, tám tuổi nhưng nghe ông quan hỏi thề thì hỏi vặn lại quan rằng: “Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường”
Viên quan há hốc mồm sửng sốt không biết trả lời ra sao. Viên quan mừng thầm, nghĩ người ta đây rồi. Ông hỏi hai cha con họ tên tuổi, làng xã quê quán rồi phi ngựa đi thẳng.
Một hôm, nhà vua ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, ra lệnh làm sao phải nuôi cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.
Cả làng lo lắng. Biết chuyện, em bé xin cha tôi thưa với dân làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo nếp bán đi lấy tiền làm lộ phí cho hai cha con trẩy kinh lo liệu việc của làng.
Làng ngờ vực bắt cha con họ viết giấy cam đoan mới đám ngả trâu đánh chén. Mấy hôm sau thì cả hai cha con lên đường vào kinh. Đến hoàng cung, cậu bé bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn cậu bé thì nhè lúc mấy người lính canh sơ ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu cậu vào, phán hỏi: “Thằng bé kia, mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?”.
Lúc đó, em bé vờ vĩnh đáp: “Tâu đức vua, mẹ con chết sớm mà cha con không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ”.
Nghe cậu bé nói thế, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán: “Mày muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha mày, chứ cha mày là giống đực, làm sao mà đẻ được!”
Lúc đó, với vẻ mặt tươi tĩnh, cậu bé thưa với vua: “Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!”
Lúc đó, vua cười và bảo: “Ta thử đấy thôi mà! Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?”
Em bé thưa với vua rằng làng biết đó là lộc của vua ban nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi. Nghe nói vậy, nhà vua chỉ cười.
Một hôm, khi hai cha con đang ăn cơm ở công quán, bỗng có sứ giả nhà vua mang đến một con chim sẻ, với lệnh cho em bé phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Cậu liền nhờ cha tôi lấy một cây kim và tôi đưa cho sứ giả cái kim đó rồi nói: “Ông cầm cái kim này về tâu với vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim”. Sau hôm đó, nhà vua cho gọi cha con vào và ban thưởng cho rất hậu.
Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm nước ta. Để dò xem nước ta có nhân tài hay không, họ sai sứ thần nước họ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.
Các đại thần nước ta đều vò đầu suy nghĩ. Mọi người dùng nhiều cách nhưng vô hiệu. Cuối cùng triều đình đành mời sứ thần ra ở công quán đế kéo dài thời gian tìm người giải câu đố.
Một hôm, cậu bé đang đùa nghịch ở sau nhà thì có chỉ dụ của vua. Nghe viên quan nói đầu đuôi câu chuyện, cậu hiểu ra và bày cho viên quan cách xâu chỉ qua mây câu hát sau:
“Tang tình tang! Tính tình tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang…”
Viên quan sung sướng trở về triều đình và thực hiện như lời tôi nói. Nhờ vậy, sợi chỉ xâu xuyên qua ruột con ốc xoắn một cách dễ dàng. Nghe nói, sứ giả nước láng giềng nghe được câu trả lời thì vô cùng thán phục. Về sau, nhà vua còn phong cho em bé thông minh làm trạng nguyên, đón vào cung vua để học hành.
Kể lại truyện cổ tích – Cây khế
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có hai anh em. Cha mẹ mất sớm, anh em hết mực yêu thương nhau, cùng nhau làm lụng nên cũng có của ăn, của để. Nhưng từ lúc có vợ, người anh đâm ra lười biếng.
Một hôm, người anh gọi em trai đến để phân chia gia sản. Người anh nhận hết của cải, chỉ để lại cho em một túp lều tranh, trước lều có một cây khế. Quanh năm, vợ chồng người em chăm sóc cho cây khế tươi tốt. Đến mùa khế ra rất nhiều quả. Người em bàn với vợ sẽ hái khế để đem ra chợ bán. Hôm đó, khi người em vừa định trèo lên cây thì đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim rất to đang đậu trên cây và đang ăn khế. Suốt một tháng, chim đều đến ăn. Người vợ xót ruột liền đến nói với chim:
– Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?
Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời:
– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng.
Nói rồi chim bay đi. Vợ chồng bàn nhau làm theo lời chim nói. Sáng hôm sau, chim đến thật và đưa người em đến một hòn đảo giữa biển. Chim đáp xuống một cửa hang. Bên trong có rất nhiều vàng bạc châu báu. Thấy hang sâu và tối, người em chỉ dám nhặt ít châu báu ở ngoài, rồi ra hiệu cho chim ra về.
Từ đó, cuộc sống của gia đình của người em trở nên sung túc. Họ cho dựng một căn nhà khang trang gần túp lều và cây khế và giúp đỡ người dân nghèo khổ. Tiếng lành đồn xa, chuyện đến tai người anh. Một sáng, người anh đến nhà em trai từ sớm. Anh ta liền lân la hỏi chuyện, rồi gạ để đổi lấy túp lều và cây khế.
Cả gia đình người anh chuyển đến túp lều tranh của em trai. Ngày nào, vợ chồng người anh cũng chỉ ăn rồi ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, cả hai đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Chim thần cũng nói y như lời kể của người em. Người anh bảo vợ may hẳn chiếc túi gấp ba lần, thành ra như một cái tay nải lớn.
Sáng hôm sau, chim thần đến đưa người anh ra đến đảo. Anh ta hoa mắt khi thấy nhiều vàng bạc châu báu. Vào trong hang, người anh lại càng mê mẩn, cố sức nhét thật đầy.
Người anh leo lên lưng chim, chim là đà mãi mới cất cánh được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Mang nặng, bay ngược gió, chim yếu dần, hai cánh rũ xuống. Tai nải bật mạnh vào cánh chim. Chim buông xuôi rồi đâm bổ xuống biển. Người anh bị sóng cuốn đi. Còn chim chỉ bị ướt lông ướt cánh, lại vùng lên bay về núi rừng.
……..Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết…….
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích Dàn ý & 75 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.