Neu-edutop.edu.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn.
Tài liệu bao gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu, dành cho học sinh lớp 6. Mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Dàn ý phân tích bài thơ Con chào mào
I. Mở bài
Giới thiệu khái quát về Mai Văn Phấn, bài thơ Con chào mào.
II. Thân bài
1. Hình ảnh con chào mào trong thực tế
– Vị trí: trên cây cao chót vót
– Màu sắc: đốm trắng, mũ đỏ
– Âm thanh: tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”
=> Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc.
2. Hình ảnh con chào mào trong suy nghĩ
– Xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi”.
– Hành động: vẽ chiếc lồng chim vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên.
– Cuộc rượt đuổi giữa hai nhân vật:
- Nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi.
- Tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây: ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn.
- Hối hả đuổi theo: nhanh chóng, gấp gáp và lo sợ
=> Khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn.
3. Hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng
– Không gian: vô tăm tích, không biết là ở đâu
– Hành động: nghĩ
– Những hoạt động của chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn.
– “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”: Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.
III. Kết bài
Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Con chào mào.
Phân tích bài thơ Con chào mào – Mẫu 1
Mai Văn Phấn là một nhà thơ, nhà phê bình tiểu luận. Một trong những bài thơ của ông là “Con chào mào”.
Đầu tiên, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh con chim chào mào trong thực tế:
“Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…”
Con chào mào xuất hiện ở “trên cây cao chót vót” – tính từ “chót vót” xác định vị trí cao, mở rộng biên độ về không gian. Hình ảnh con chim được miêu tả với “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự vẻ đẹp rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.
Nhưng hình ảnh con chim chào mào không chỉ đơn thuần mang nét nghĩa như vật:
“Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”
Đến khổ thơ thứ hai, tác giả đã để nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Chiếc lồng biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bày cái đẹp của riêng. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Bởi vậy mà “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” – đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên.
Cuối cùng là hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng của “tôi”:
“Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”
Khi “hối hả đuổi theo” con chim chào mào, “tôi” mang theo cả không gian đầy “nắng, cây, gió” mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng không còn thấy tăm tích của con chim đâu. Không gian “vô tăm tích” dường như chính là sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Những hoạt động của chào mào: “mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước”. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.
Như vậy, bài thơ “Con chào mào” đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Nhưng nhà thơ muốn gửi gắm tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.
Phân tích bài thơ Con chào mào – Mẫu 2
Mai Văn Phấn là một nhà thơ với những tác phẩm có đề tài phong phú về đề tài, có những cách tân về nội dung và nghệ thuật. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Con chào mào”.
Mở đầu bài thơ, hình ảnh con chim chào mào được khắc họa trong thực tế:
“Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…”
Chim chào mào xuất hiện với vị trí “trên cây cao chót vót”. Vẻ đẹp của chim chào mào xuất hiện với màu sắc “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.
Hình ảnh của chim chào mào còn xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi” – nhân vật trữ tình trong bài thơ:
“Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”
Nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi. Hình ảnh “chiếc lồng” được đan dệt bằng trí tưởng tượng. Nhân vật trong bài muốn giam cầm con chim, hay chính là muốn độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Hành động “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” – đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên. Giọng thơ hồn nhiên, vui tươi cho với những câu thơ cho thấy tác giả khao khát mở rộng thiên nhiên, muốn tâm hồn mình bao trùm thiên nhiên rộng lớn.
Kết thúc bài thơ là hình ảnh con chim trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”:
“Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.”
Nhân vật “tôi” mang theo cả không gian đầy nắng, cây, gió, mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng lại “vô tăm tích” – cụm từ cho thấy sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Tôi tự mình tưởng tượng ra những hành động của con chim chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Trí tưởng tượng của nhà thơ dường như bay theo tiếng chim. Tất cả dịch chuyển sống động đó được thể hiện trong câu thơ: “Thạch sạch của tôi”. Hai từ “của tôi” cho thấy nhà thơ đã dùng hết những gì tinh tú nhất để “nuôi dưỡng” chú chim nhỏ bé của ông. Hai câu thơ cuối cho thấy con chim đã bay xa. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Nhân vật “tôi” vẫn cảm nhận được sự hiện diện của con chim chào mào. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.
Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Qua đó, nhà thơ còn muốn thể hiện tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Phân tích bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 6 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.