Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh tiếng nói tri âm trong Độc Tiểu Thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca mang đến bài văn mẫu chi tiết đầy đủ nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để viết cách viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ hay.
So sánh tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm thơ thuộc các giai đoạn, xu hướng văn học khác nhau. Qua đó các em có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách triển khai bài văn nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm thơ. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: so sánh hình tượng người phụ nữ trong Tự Tình II và Thương vợ, so sánh đánh giá về hình thức nghệ thuật cách thể hiện nỗi nhớ trong Tây Tiến và Tiếng hát con tàu.
Dàn ý tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca
I. Mở bài
Giới thiệu chung: Nêu khái quát về hai bài thơ: “Độc Tiểu Thanh Kí” (Nguyễn Du) và “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo).
Đề cập đến khái niệm “tiếng nói tri âm” trong văn học.
Đưa ra câu hỏi vấn đề: Làm thế nào mà hai bài thơ, dù viết về những hoàn cảnh, thời đại khác nhau, lại có thể gửi gắm những tiếng nói tri âm sâu sắc đến vậy?
=> Qua việc phân tích hai bài thơ, ta sẽ thấy được tiếng nói tri âm được thể hiện qua sự đồng cảm sâu sắc với số phận con người tài hoa bạc mệnh, qua nỗi niềm hoài cổ về quá khứ và khát vọng tự do, và qua sự trân trọng giá trị nghệ thuật.
II. Thân bài
2.1*Điểm giống nhau:
+ Sự đồng cảm với số phận con người tài hoa bạc mệnh:
- Tiểu Thanh và Lorca đều là những nhân vật tài hoa nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời.
- Cả hai tác giả đều bày tỏ sự xót thương, đồng cảm sâu sắc trước số phận bi kịch của họ.
+ Nỗi niềm hoài cổ về quá khứ và khát vọng tự do:
- Nguyễn Du hoài cổ về một thời quá khứ huy hoàng, còn Thanh Thảo lại hướng về cuộc đời và sự nghiệp của Lorca, một nhà thơ đấu tranh cho tự do.
- Cả hai tác giả đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc.
+ Sự trân trọng giá trị nghệ thuật:
- Nguyễn Du ca ngợi tài năng thơ ca của Tiểu Thanh.
- Thanh Thảo tôn vinh nghệ thuật của Lorca, đặc biệt là tiếng đàn ghi ta.
2.2 Điểm khác nhau:
+ Hoàn cảnh sáng tác:
+ “Độc Tiểu Thanh Kí” được viết trong bối cảnh xã hội phong kiến, còn “Đàn ghi ta của Lorca” ra đời trong thời kỳ chiến tranh.
+ Hình thức nghệ thuật: Mỗi bài thơ có những đặc trưng nghệ thuật riêng, thể hiện phong cách của từng tác giả.
+ Cách thể hiện tình cảm:Nguyễn Du thể hiện tình cảm một cách kín đáo, sâu lắng, còn Thanh Thảo lại trực tiếp, bộc lộ.
III. Kết bài
Khái quát lại những điểm chính:
- Nhấn mạnh sự đồng điệu trong tiếng nói tri âm của hai tác giả.
- Khẳng định giá trị của hai bài thơ.
Mở rộng:
- Tiếng nói tri âm trong văn học có ý nghĩa như thế nào đối với người đọc?
- Liên hệ với những bài thơ khác có cùng chủ đề.
Phân tích tiếng nói tri âm trong Độc tiểu thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca
Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du và Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo) là những tiếng lòng của thế hệ sau, từ phương trời khác trước những nỗi niềm tâm sự, những bi kịch của người xưa. Điều đáng nói ở chỗ, sức sống của ba thi phẩm không vì lòng ngưỡng mộ cảm phục hay lời tán tụng hoan ca, mà bởi Nguyễn Du, Thanh Thảo đã làm sống dậy những thế giới tâm hồn, hiện hữu những bi kịch cuộc đời, bi kịch nội tâm một cách tinh tế, sâu sắc mà sống động như trải nghiệm hiện tại của chính mình, khơi dậy sự đồng cảm từ sâu thẳm tâm hồn người đọc với không phải một mà là hai cõi hồn, và nhiều hơn thế nữa…
Thơ ca là xúc cảm mang tính chủ quan, và như vậy thơ mang tính cá nhân, cá thể. Nhưng không phải thơ chỉ thể hiện những gì thuộc về tình cảm cá nhân riêng biệt bởi cảm xúc của bất kì ai cũng mang những nét rất chung của loài người. Với những bài thơ, những nhà thơ lớn, điều khiến cho sự nghiệp thơ ca của họ vượt qua được thử thách của không gian, thời gian bao giờ cũng bởi tiếng nói nhân văn cao đẹp, bởi tiếng lòng trong thơ đã làm rung động được tâm hồn của những thế hệ sau, ở những nền văn hóa khác. Nàng Tiểu Thanh, Gaxia Lorca là những tài thơ như thế, họ đã tìm được tiếng nói tri âm từ thế hệ sau là Nguyễn Du, Thanh Thảo. Và tiếng nói tri âm từ thế hệ sau đã làm sống dậy không chỉ một trời thơ mà cả một cõi hồn, đã góp phần làm tiếng nói của yêu thương, khát vọng trở nên bất tử, những bi kịch trở nên day dứt và đầy ám ảnh.
Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo) là tiếng nói thấu hiểu những bi kịch của tiên nhân, đã tái hiện những bi kịch ấy một cách sâu sắc và đớn đau như sự trải nghiệm của chính mình. Từ đó, các nhà thơ đã thể hiện thái độ cảm thông, xót xa trước những số phận đầy oan nghiệt, bi phẫn trước thời đại và xã hội đã vùi dập khát vọng chính đáng và cao đẹp của con người. Đồng thời, Nguyễn Du, Thanh Thảo đã nói lên tình cảm trân trọng trước cái đẹp, tài năng, trước những tấm lòng. Một lần nữa, tiếng nói nhân văn lại được vút cao.
Độc Tiểu Thanh kí và Đàn Ghita của Lorca đã thể hiện những trăn trở đầy tính nhân văn về tình người, tình đời, về khát vọng lí tưởng sống cao đẹp của Nguyễn Du, Thanh Thảo. Ta gặp trong hai thi phẩm tiếng nói đồng vọng của những tâm hồn mà điểm gặp gỡ chính là tâm sự nặng lòng vì nhân thể, thiết tha đau đáu trước cái tài, cõi tình và những số phận. Đó chính là tinh thần nhân văn cao cả bởi chỉ tinh thần đó mới đủ sức mạnh để vượt qua được mọi giới hạn về không gian, thời gian, thậm chí cả những khác biệt về văn hóa để có thể chung hòa và cộng hưởng để tinh thần bất tử ấy vút cao trong thơ. Ta gặp trong mỗi bài thơ hai tâm hồn đang giao hòa và tỏa sáng.
Qua đó, người đọc nhận thấy hiện diện trong hai tác phẩm là niềm đồng cảm sâu sắc, niềm tiếc thương day dứt, đớn đau, phẫn uất, bất bình cho cái Đẹp bị huỷ diệt, đày đọa, dập vùi. Sự nâng niu, trân trọng cái Đẹp, khẳng định sức sống của cái Đẹp, gắn với khát vọng bất tử hoá cái Đẹp, hướng con người tới những tình cảm nhân văn cao đẹp, đặt ra những câu hỏi lớn lao cho thời đại, là tiếng nói cất lên từ thời đại nhưng còn đọng lại và có tầm nhân loại….
Điểm khác biệt của hai tác phẩm có thể kể đến nội dung cảm xúc và nghệ thuật. Trong Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thương cho kiếp hồng nhan, phong lưu bạc mệnh, tài tử đa cùng. Mạch thơ đi từ thương người sang thương đời, thương mình. Bài thơ đan xen biết bao cảm xúc (thương cảm, xót xa, phẫn uất, thất vọng, khắc khoải…). Tác phẩm là thơ chữ Hán theo thể thơ Đường luật cổ điển. Nhà thơ nói bằng nghệ thuật đối, bằng những câu hỏi tu từ như xoáy vào hồn người, bằng cách xưng tên da diết khắc khoải, bằng giọng thơ trang trọng mà tràn đầy cảm xúc yêu thương…
Với bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Thanh Thảo thương xót cho cuộc đời người chiến sĩ-nghệ sĩ. Mạch cảm xúc làm cho bài thơ kết cấu giống như một bản giao hưởng về cuộc đời Lor-ca. Nhà thơ xây dựng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, sử dụng thể thể thơ tự do theo khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực mới mẻ giàu chất nhạc, chất họa…
Qua điểm gặp gỡ và những sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du và Thanh Thảo nói riêng trong hai thi phẩm thấy được ý nghĩa của sáng tạo văn chương, thấy được vai trò, nhiệm vụ của nhà văn, của độc giả trong quá trình sáng tạo và thưởng thức văn chương. Đó là sự gặp gỡ và nét khác biệt với những sáng tạo độc đáo, thú vị làm nên sự phong phú, giàu có kì diệu của văn học. Điểm tương đồng làm nên tính tập trung, thống nhất của văn học, làm cho mọi người có thể hiểu nhau, đồng cảm với nhau qua văn học (bất chấp khoảng cách về không gian, thời gian). Điểm khác biệt độc đáo sẽ làm tiến trình văn học ngày một dài hơn, kho tàng văn học nhân loại giàu có hơn; đời sống tinh thần con người sẽ phong phú hơn và người nghệ sĩ ghi được tên tuổi của mình trong dòng đời nước chảy.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: So sánh tiếng nói tri âm qua hai bài thơ Độc Tiểu Thanh kí và Đàn ghi ta của Lor-ca Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.