Văn mẫu lớp 12: Dàn ý giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ mang đến 2 mẫu chi tiết nhất, giúpcác bạn nhanh chóng nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch để biết cách viết bài văn hay đầy đủ các ý.
Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ. Vậy dưới đây là 2 mẫu dàn ý chi tiết nhất mời các bạn cùng đón đọc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích nhân vật A Phủ, phân tích nhân vật Mị, phân tích nhân vật bà cụ Tứ.
Dàn ý giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ
I, Mở bài
– Dẫn dắt giới thiệu được tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ”.
Ví dụ:
“Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”, T.Sekhop đã từng khẳng định như vậy. Nhà văn, bên cạnh việc phải phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống và con người, còn cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình, tình cảm, suy nghĩ và quan điểm của mình về cuộc đời, về con người. Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm. Đến với “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, ta sẽ thấy được ở đó giá trị nhân đạo, tấm lòng sâu sắc, mới mẻ của nhà văn.
II, Thân bài
1, Giải thích
– Giá trị nhân đạo là gì? => Đây là một trong những giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học. Thể hiện tinh thần nhân đạo, tấm lòng của người nghệ sĩ đối với hiện thực, con người và cuộc đời, từ đó hướng bạn đọc đến gần hơn với những giá trị, cảm xúc tốt đẹp, gần người, gần đời hơn.
– Giới thiệu khái quát tác giả tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm Tô Hoài viết sau chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng núi Tây Bắc với bộ đội. Tác phẩm kể về cuộc đời làm dâu gạt nợ đầy đau đớn của Mị, bị áp bức, bóc lột, để rồi cuối cùng vùng vẫy thoát ra, hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
2, Phân tích, chứng minh
* Niềm cảm thương sâu sắc cho số phận những người dân bị áp bức
– Cuộc sống của Mị không khác nào con ở – một con ở không công, không lương. Bị bắt về làm dâu, không khác gì một món hàng, với giá trị bằng món nợ của cha mẹ Mị. Ngày ngày làm việc, đêm đêm chỉ được ở trong căn buồng với ô cửa sổ bé bằng bàn tay, ánh sáng chẳng thể chiếu qua được, lúc nào cũng mờ mờ, trắng trắng khiến Mị chẳng thể nào phân biệt được đâu là ngày hay đêm.
– Người đàn bà trong gia đình thống lí từng bị trói đứng đến chết, người chị dâu của Mị bị chúng bóc lột, đối xử tệ hại đến không còn dáng vẻ ban đầu nữa.
– Cả A Phủ, từ một chàng trai tự do, chỉ vì cách xử kiện, phạt vạ của chúng mà trở thành con ở. Ngày ngày làm những công việc với vô vàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
* Tố cáo và lên án chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu
– Bóc lột sức lao động của người dân, đàn áp, coi đồng tiền, tài sản hơn mạng sống của người khác.
- Chúng bắt Mị làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ, để rồi qua năm tháng Mị phải nghĩ rằng “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Làm việc quanh năm suốt tháng, liên tục, thậm chí còn không được bằng con trâu con ngựa bởi chúng còn có lúc được nghỉ ngơi, được chăm sóc. Còn Mị, mang tiếng là con dâu, nhưng chẳng khác nào con ở không công cả đời cho nhà thống lí.
- Khi A Phủ làm mất bò, bò bị hổ tha đi mất, chúng bắt A Phủ tự tay chôn cọc, lấy dây trói mình lại chờ đến khi nào tìm được bò thì thôi. Ai cũng rõ ràng bò đã mất rồi, sao có thể tìm được nữa? Chính điều đó đã thấy rõ rằng chúng cố tình đày đọa, cố tình áp bức, chèn ép người dân lao động.
– Sử dụng những hủ tục lạc hậu, thủ đoạn độc ác đày đọa con người (cúng trình ma, bắt vợ, xử kiện phạt vạ, cho vay nặng lãi…)
- Chúng cho người dân vay nặng lãi, dùng cách cúng trình ma để hù dọa người dân, mỗi năm lãi càng thêm nhiều. Điển hình là gia đình Mị. Bố mẹ Mị chỉ vì muốn lấy được nhau mà phải vay nhà thống lí tiền. Món nợ ấy ngày qua ngày sinh lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi mẹ Mị mất đi, bố Mị già rồi vẫn chưa hết. Mỗi năm nhà Mị đều phải trả tiền lãi là một nương ngô. Chính món nợ ấy cùng trò cúng trình ma khiến gia đình Mị không thể nào trốn được, khiến Mị mất đi tự do, bố Mị mất đi đứa con gái duy nhất. Hạnh phúc phải đánh đổi bằng cả cuộc đời, bằng tự do.
- Vì đánh A Sử – đánh con quan, dẫu cho lí do có chính đáng, ấy nhưng người sai vẫn là A Phủ, phải chịu hình phạt nặng nề và xử kiện một cách oan uổng. Suốt đêm chỉ nghe thấy tiếng mắng chửi, hình ảnh hút thuốc phiện, cứ xong một đợt thuốc là lại đánh A Phủ. Không được thanh minh, không được lên tiếng giải thích, cứ thế bị quy chụp cho cái mũ tội lỗi, nộp 100 đồng bạc trắng phạt vạ. Nhưng A Phủ nào có tiền, lại phải vay nhà thống lí. Và đó là lần đầu tiên A Phủ thấy nhiều tiền tới vậy, có lẽ cũng là lần cuối cùng được chạm tới tự do.
* Ca ngợi, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của những con người miền núi
– Vẻ đẹp con người Mị:
- Xinh đẹp, giỏi giang, tài năng: Một cô gái có nhan sắc, có tài năng. Có tài thổi lá hay như thổi sáo. “Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác.” Người con gái dân tộc Mèo ấy xinh đẹp và tài năng đến mức “trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng”.
- Một người con hiếu thảo: Khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, sự phản kháng, ham muốn tự do của cô gái trẻ khiến Mị không ít lần khóc và nghĩ đến cái chết, thậm chí Mị đã có ý định làm thật. Mị hái nắm lá ngón, trốn về nhà gặp bố mình, quỳ úp mặt xuống mà khóc. Ấy vậy nhưng cuối cùng Mị không chết, Mị ném nắm lá ngón đi, bởi Mị nhận ra, mình chết rồi, nợ vẫn còn đó. Mình chết, cha sẽ khổ, sẽ bị bọn tàn ác đó bóc lột, đàn áp, “khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ”.
- Người lao động chăm chỉ: Mỗi năm nhà Mị đều phải trả cho nhà thống lí một nương ngô. Con số ấy không phải là ít, vậy mà Mị từng có ý định kiên quyết xin cha muốn làm việc trả nợ cho gia đình.Công việc liên tục ập đến với Mị, khiến Mị làm không ngơi tay. Ấy vậy nhưng chưa một lần chậm trễ. Vòng thời gian cứ quay, Mị vẫn cứ liên tục làm việc, hết ngày ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
– Sức sống mãnh liệt tiềm tàng, lòng yêu tự do trong Mị:
- Khi biết mình sẽ trở thành con dâu gạt nợ, Mị khóc, đêm nào cũng khó, thậm chí còn từng nghĩ đến cái chết.
- Đêm tình mùa xuân: Với những tác động ngoại cảnh, Mị dần hồi sinh trở lại, từ những giác quan, tiềm thức, kí ức, cho đến khát khao và rồi thôi thúc Mị hành động. Mị thấy rạo rực và bồi hổi, nhẩm thầm theo lời bài hát. Những kí ức ngày còn trẻ, khi còn là cô gái xinh đẹp bao người theo đuổi xuất hiện trước mắt Mị, đem Mị sống quay trở lại trong quá khứ. Rồi, tiếng sáo đưa Mị trở lại với hiện thực, khiến Mị nhận ra rằng mình còn trẻ và khát khao, mong muốn được đi chơi. Chính tiếng sáo đã thôi thúc, thúc giục Mị đứng lên, bỏ thêm mỡ vào đĩa đèn cho sáng và sửa soạn đi chơi. Ngay cả khi bị A Sử trói lại vào cột nhà, tâm hồn Mị vẫn phiêu du theo tiếng sáo ngoài kia, không hề hay biết rằng mình đã bị trói.
- Đêm đông cởi trói cho A Phủ: Cái vô cảm, lạnh lùng của Mị bị dòng nước mắt của A Phủ đánh tan. Mị nhận ra hoàn cảnh của A Phủ và mình giống nhau, cả hai rồi sẽ chết. Mị đã liều lĩnh hành động, cắt dây cởi trói cho A Phủ. Ngay khi A Phủ chạy đi, Mị nhận ra rằng mình cần phải làm gì. Phía trước chờ đợi Mị là một cuộc đời tự do, hạnh phúc. Mị chạy vụt đi, rằng chỉ có chạy trốn, giải thoát chính mình mới là biện pháp tốt nhất. Sức sống đêm tình mùa xuân ấy đã bùng lên mạnh mẽ trong Mị, thôi thúc thành hành động, khiến Mị đuổi theo A Phủ cùng nhau xuống dưới núi.
– Phẩm chất của A Phủ:
- Khỏe khoắn về thể chất
- Ngay thẳng, trung thực: Khi thấy A Sử chơi xấu, A Phủ đã không ngần ngại đó là con quan mà né tránh, thẳng thắng tiến tới đòi lại công bằng, đánh A Sử chảy máu.
- Niềm yêu sống, khao khát tự do: Ngày còn bé, bị bán đi, A Phủ tìm cách trốn thoát. Trong đêm đông, muốn trốn thoát nhưng không thể, bất lực, chàng trai ấy đã rơi nước mắt. Giọt nước mắt trên gò má xám đen ấy chính là khát khao được giải thoát, được trốn khỏi địa ngục nơi đây. Ngay khi Mị vừa cởi trói, A Phủ ngay lập tức chạy đi chẳng hề ngần ngại gì, dứt khoát và kiên quyết.
3, Đánh giá khái quát
– Giá trị nhân đạo đã làm sâu sắc hơn thông điệp, ý nghĩa mà nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm tới cuộc đời và bạn đọc.
– Điểm mới mẻ trong giá trị nhân đạo của ông: Tô Hoài đã mở ra con đường giải thoát, mở lối hướng những người dân ấy tới ánh sáng, tìm được đến tự do của mình, hạnh phúc trong cuộc đời.
III, Kết bài
– Khẳng định giá trị nhân đạo của tác phẩm với vị trí của văn bản, tác giả và văn chương nói chung.
Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ Dàn ý
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hiện đại hàng đầu Việt Nam với những sáng tác đa dạng về thể loại như kí, truyện, kịch bản phim,…
– “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba tác phẩm đặc sắc hơn cả của tập “Truyện Tây Bắc” được Tô Hoài viết khi ông có chuyến đi với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc dài tám tháng.
b. Giải thích giá trị nhân đạo là gì:
– Giá trị nhân đạo là một trong những giá trị cốt lõi của tác phẩm. Giá trị nhân đạo được tạo nên bởi tấm lòng thương cảm của nhà văn trước những số phận bất hạnh trong cuộc sống.
– Qua đó nhà văn còn thể hiện niềm tin vào một tương lai tươi sáng, niềm trân trọng của mình trước những vẻ đẹp tâm hồn của những số phận bất hạnh.
c. Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”:
– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” thể hiện niềm thương cảm sâu sắc, chân thành của nhà văn dành cho những con người bị áp bức bóc lột.
Nhân vật Mị và A Phủ trong truyện là hiện thân cho những con người có số phận đau khổ, bị áp bức bóc lột, bất công.
=> Nếu không có niềm thương cảm sâu sắc thì nhà văn không thể hóa thân vào nhân vật để thấu hiểu những tâm trạng tinh tế, phức tạp của Mị cũng như những đau khổ mà A Phủ chịu đựng.
– Tác phẩm là bản cáo trạng đanh thép tố cáo giai cấp thống trị miền núi trước ách áp bức, bóc lột của thống lí:
* Sự tàn bạo của cường quyền:
- Cha con thống lí Pá Tra là hiện thân của tội ác đại diện cho chế độ lãnh chúa phong kiến còn duy trì ở miền núi trước cách mạng.
- Cảnh xử kiện đánh đòn phạt vạ A Phủ cho thấy sự tham lam, tàn bạo của những tên chúa đất miền núi.
- Cảnh A Sử trói Mị một cách lạnh lùng, tàn nhẫn cho thấy sự vô lương tâm, mất hết nhân tính của giai cấp thống trị.
* Sự tàn bạo về thần quyền:
- Thủ tục trình ma đã cướp đi sự sống và cả khát vọng giải thoát ở những con người lao động bị áp bức bằng con ma vô hình.
- Giai cấp thống trị đã cột chặt chế độ nô lệ đối với những người lao động trong ngục tù của cường quyền và thần quyền.
– Nhà văn đã khám phá, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp và sức sống tiềm tàng của họ:
*Vẻ đẹp tâm hồn Mị:
- Mị yêu tự do, hiếu thảo và là người có sức sống tiềm tàng.
- Trong tình cảnh là người con dâu gạt nợ nhưng thực chất là một nô lệ, Mị vẫn chắt chiu, ấp ủ sức sống tiềm tàng trong tâm hồn.
- Bố cục tác phẩm chia làm hai phần: Phần một nói về cuộc đời của Mị và A Phủ, phần hai nói về sự tự do của hai người ở khu du kích Phiềng Sa cho thấy niềm tin vào vào sự đổi đời của những con người bất hạnh mà tác giả gửi gắm.
- Hình ảnh Mị và A Phủ đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi thể hiện niềm tin vào những con người nô lệ biết tựa vào nhau để vươn tới bầu trời tự do.
d. Đánh giá:
– Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn vừa mang nội dung truyền thống, vừa có dấu ấn của thời đại mới.
– Truyện có giá trị nhân đạo sâu sắc là bởi tấm lòng của nhà văn đã gắn bó gần gũi với con người Tây Bắc.
3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Dàn ý giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ Giá trị nhân đạo trong Vợ chồng A Phủ của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.