Văn mẫu lớp 11: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp 3 mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, hệ thống hóa đầy đủ toàn diện kiến thức nghị luận củng cố những kĩ năng cần thiết để học tốt môn Ngữ văn 11.
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật là 1 dạng bài trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 11 sách mới. Đây là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ hoặc một bài hát. Vậy dưới đây là 3 bài nghị luận phân tích giá trị đặc sắc của một truyện thơ hoặc một bài hát yêu thích mời các bạn đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 11 Chân trời sáng tạo.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận phân tích giá trị đặc sắc của một truyện thơ hoặc một bài hát yêu thích
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)
Được sáng tác vào năm 1960, “Việt Nam quê hương tôi” không chỉ là một bản tình ca cách mạng nổi tiếng mà còn là một tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Nhuận. Bài hát này đã giúp ông nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996, khẳng định sự tài năng và đóng góp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong lĩnh vực âm nhạc.
“Việt Nam quê hương tôi” mang trong mình thông điệp về tình yêu và tự hào dành cho quê hương Việt Nam. Bài hát tả hình ảnh đất nước Việt Nam với những cảnh đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa đặc sắc. Từng câu chữ, từng giai điệu trong bài hát mang đến cho người nghe cảm giác tự hào và yêu mến quê hương.
Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời
Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả
Vút phi lao gió thổi bên bờ
Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi
Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời …
Đó là đoạn mở đầu trong ca khúc Việt Nam quê hương tôi của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ông viết bài hát này cách đây hơn bốn mươi năm – với những hình ảnh, những giai điệu mà trước kia không ít người, trong đó có tôi đã có lúc hoài nghi: những sáng tác văn học nghệ thuật nói chung trong những năm tháng đất nước phải đối mặt với cái chết sẽ không thể thanh bình và thơ mộng đến nhường ấy.
Thế nhưng, khi bài hát vang lên, Tổ quốc bỗng trải ra giản dị, chân thực và thanh bình đến làm ta muốn khóc. Có lẽ dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải triền miên đi qua những cuộc chiến tranh với bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu máu chảy và bao nhiêu ly biệt mới có thể mơ về một điều giản dị đến cháy lòng: Sự thanh bình.
Nơi đó vẫn là những cánh đồng ngũ cốc ấy, những cái cây ấy, những dòng sông ấy, những mái nhà ấy, những ngọn lửa ấy và những con người ấy nhưng được hòa đồng trong một đời sống không bệnh tật, không đói rét, không thù hận, không áp bức, không giam cầm và không chiến tranh. Chính bởi vậy mà Tổ quốc trong giai điệu và trong những hình ảnh của Đỗ Nhuận hiện ra đẹp và thanh bình tựa một Thiên đường có thật.
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận như “một người được chọn” trong lúc đó để gửi đi thông điệp về dân tộc mình tới mọi con người trên thế gian. Đấy là Tổ quốc tôi, một xứ sở của những vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng và luôn mơ ước về sự thanh bình.
Có thể mọi cảm xúc ấy do bài hát mang lại. Có thể giai điệu và hình ảnh của bài hát đã chạm vào người nghe chỉ một lần, đánh thức tâm hồn người nghe, để rồi tâm hồn ta cứ thế được mở ra. Bởi đó cũng chính là khát vọng của ta, là giấc mơ của chúng ta về xứ sở mình. Khát vọng ấy, giấc mơ ấy cũng chính là của mỗi cá nhân về thế gian này.
Đấy là Tổ quốc tôi: Việt Nam yêu dấu thanh thanh lũy tre, suối đổ về sông qua những nương chè, có rừng dừa xanh xa tít chân trời, mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi, đồng xanh lúa rập rờn biển cả, tiếng ai ru con ngủ ru hời…
Tất cả những hình ảnh thân thuộc, giản dị tới mức tưởng như là “tự nhiên vốn có”, thế nhưng lại là ước mơ cháy bỏng mà mọi dân tộc muốn đi tới. Và biết bao dân tộc đã phải đi trên những con đường máu để đến với miền đất của những điều thân thuộc, giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng ấy. Dân tộc Việt Nam là một ví dụ như thế.
Một xứ sở thanh bình là khát vọng lớn hơn tất thảy nhưng cũng thật giản dị, nhỏ bé tồn tại sâu thẳm trong con người nhạc sỹ, trong mỗi con người Việt Nam, trong mỗi dân tộc trên thế giới. Dân tộc Việt Nam hiểu được điều đó và đã chiến đấu cho điều đó.
Bên cạnh đó, “Việt Nam quê hương tôi” còn là một tác phẩm mang tính chất cách mạng, thể hiện lòng yêu nước và ý chí đấu tranh của người dân Việt Nam trong cuộc sống và lịch sử. Bài hát đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và khát vọng tự do của dân tộc.
Cho đến bây giờ, mỗi người Việt Nam vẫn tiếp tục chiến đấu cho sự thanh bình của xứ sở mình. Cuộc chiến đấu thứ nhất cho sự thanh bình là cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Cuộc chiến đấu thứ hai cho sự thanh bình là cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo, lạc hậu, chống lại những tư tưởng độc tài, chống lại sự bất công…
Cuộc chiến đấu của loài người chống lại đói nghèo, lạc hậu, chống lại độc tài và bất công… là cuộc chiến đấu dài lâu, bền bỉ. Có thể những người Việt Nam lúc này như bạn, như tôi – đang chiến đấu cho một thế giới như thế, nhưng sẽ không được chứng kiến tận mắt. Nhưng con người đã nhìn thấy ở đâu đấy và sẽ nhìn thấy cuộc sống mơ ước. Khi một người nghĩ đến sự thanh bình và đấu tranh cho nó thì sự thanh bình đã có ở trong con người đó. Và tôi đã nghe Việt Nam quê hương tôi với cảm xúc như thế, giấc mơ như thế!
Viết văn bản nghị luận về tác phẩm Lục Vân Tiên
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bên cạnh những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu như: Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh… thì truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam.
Đây là tác phẩm được cụ Đồ Chiểu viết trước khi Pháp xâm lược đất nước ta. Tác phẩm có tổng 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân đón nhận, yêu thích. Trong đó, nhân vật nam chính của tác phẩm là người hết mực hiếu thảo, nêu cao lý tưởng, dũng cảm đánh cướp Phong Lai cứu dân, đánh giặc Ô Qua cứu nước. Nhân vật nữ chính Kiều Nguyệt Nga, là cô gái thủy chung son sắt với Lục Vân Tiên theo quan điểm lấy chữ nghĩa làm gốc. Các nhà nghiên cứu nhận định, tác phẩm có sức sống rất lớn trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là người dân Nam Bộ.
Tác phẩm Lục Vân Tiên đã thể hiện tư tưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm không chỉ là gửi gắm niềm khát vọng, lý tưởng sống, mục đích sống, ý chí sống to lớn của cụ Nguyễn Đình Chiểu mà còn phản ánh cuộc đời của cụ. Thông qua các tuyến nhân vật, cụ đã phê phán mạnh mẽ những xấu xa của xã hội.
Những câu thơ quen thuộc trong tác phẩm Lục Vân Tiên đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ “nhân tình” éo le/ Hỡi ai, lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước, lành dè thân sau/ Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình…”.
Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo “có một không hai” trong số những truyện thơ ở Việt Nam. Cụ đã tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa dân gian từ cách cảm, cách nghĩ đến lời ăn tiếng nói của người dân lao động nên khi chuyển tải vào tác phẩm Lục Vân Tiên, tác phẩm đã trở nên gần gũi với dân gian và sớm được nhân dân khai thác như nguồn chất liệu cho dân ca.
Tác phẩm Lục Vân Tiên không chỉ được xuất bản ở nhiều giai đoạn, mà còn được đưa vào dưới dạng đờn ca tài tử, với hình thức “ca ra bộ” đầu tiên của hình thức đờn ca tài tử, là một bước đệm để xây dựng nghệ thuật sân khấu cải lương. Đặc biệt, từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã cho ra đời loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên.
Hình thức diễn xướng Nói thơ Vân Tiên trên vùng đất Bến Tre đã lan tỏa và có mặt trong một không gian rộng lớn cho thấy rằng, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên có một giá trị rất sâu sắc trong đời sống cộng đồng. “Nói thơ Vân Tiên” hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau.
Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Bến Tre, trong đó, cần phát huy loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên phù hợp với điều kiện hiện nay như: trong sinh hoạt đoàn thể, trong giao lưu, trong các cuộc thi diễn…
Để tuyên truyền về các tác phẩm thơ văn của cụ Đồ Chiểu, nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhiều năm tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và Hội thi hóa trang Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Trong đó, có trình diễn lại truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những định hướng về nội dung này. Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu, dự kiến sẽ có lớp tập huấn cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, lao động, hướng dẫn viên và những người hoạt động trong hoạt động du lịch…
Truyện thơ Lục Vân Tiên đã trở thành tác phẩm quen thuộc trong các tầng lớp nhân dân cả xưa và nay, có thể ít người nhớ hết trọn vẹn truyện thơ nhưng các tuyến nhân vật như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga… đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ, và nhiều người vẫn nhớ vài đoạn thơ trong số ấy: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng…”.
Viết văn bản nghị luận về bài hát Đất nước trọn niềm vui
Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.
Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội rất sôi động. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan – Đài Tiếng nói Việt Nam để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày đó hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.
Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc để viết nên những giai điệu đầy cảm xúc, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.
Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.
Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.
Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử – tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).
Dù đã trải qua bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật Những bài văn hay lớp 11 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.