Bàn luận về sức hấp dẫn của một vở kịch mà em yêu thích là một trong những đề tài hay thuộc chương trình Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1.
Nghị luận về sức hấp dẫn của một vở kịch mà em thích nhất mang đến gợi ý cách viết và bài văn mẫu hay nhất, giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, củng cố kỹ năng viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật ngày một hay hơn. Từ đó đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài viết Ngữ văn 11. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu suy nghĩ về một bức tranh có giá trị.
Dàn ý sức hấp dẫn của một vở kịch mà em thích
1. Mở bài:
– Giới thiệu nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ và tác phẩm “Lời thề thứ 9”.
2. Thân bài:
– Giới thiệu về nội dung của vở kịch “Lời thề thứ 9”.
- Ba anh bộ đội Xuyên, Đôn, Hiến bắt một ông chú nghi là buôn lậu nên đã tịch thu cặp sách của người đó. Ai ngờ đó chính là Chủ tịch Tỉnh.
- Ở quê nhà, bố Xuyên đang bị ức hiếp, ba người quyết định về quê giúp đỡ gia đình Xuyên.
- Hành động của họ bị Trung đoàn lên án và đuổi bắt, họ trốn và cố thủ trong nhà văn hóa xã.
- Người mẹ đến khuyên nhủ các con trở về.
=> Tác phẩm phản ánh mối quan hệ giữa nhân dân, bộ đội và chính quyền.
– Nhận xét về các diễn viên trong đoàn:
- Diễn viên trẻ diễn xuất rất tròn vai, có dáng dấp của người bộ đội oai phong nhưng cũng vui vẻ, hài hước.
- Diễn viên gạo cội như NSƯT Đức Khuê, NSƯT Lê Khanh hóa thân vào nhân vật giống đến từng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt.
– Những lời thoại triết lí, giàu giá trị:
- “Thế mà bảo nhân dân ta anh hùng, đất nước ta tươi đẹp”. “Không, đất nước không đẹp, nhân dân cũng không anh hùng. Nhân dân nhát… Nhân dân thế này, quê hương đất nước thế này, chúng con không tha thiết giữ đâu. Đấy, ai có giỏi thì lên biên giới mà đánh giặc.”
- “Khó mấy rồi cũng xong, rối mấy rồi cũng sẽ gỡ ra, nhưng hễ động một tí chúng mày về thì bỏ nước cho ai?”.
- “Vâng, nếu như lên được. Nhưng khốn nỗi, không có giời. Xưa thì còn đổ lỗi cho giời được, nhưng nay biết rằng chỉ toàn con người thôi.”
– Những chi tiết khác:
- Bối cảnh đơn giản, gần gũi.
- Âm thanh rõ ràng, bài nhạc cuối gây xúc động cho người xem.
- Những chi tiết như chiếc đồng hồ, điện thoại để bàn cho ta thấy được tính cách nhân vật
3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị của vở kịch.
Bàn luận về sức hấp dẫn của một vở kịch mà em yêu thích
Trong 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 9 chính là: “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”, “Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân”. Dựa trên lời thề này, Lưu Quang Vũ đã sáng tác ra vở kịch “Lời thề thứ 9”. Tác phẩm kể về Đôn và Xuyên – hai anh bộ đội trong một lần làm nhiệm vụ đã gặp một ông chú, nghi là buôn lậu nên tịch thu túi xách của ông chú này. Sau đó, khi trở về, hai người mới biết đó là bố của Hiến – bạn thân hai người. Bố Hiến chính là Chủ tịch Tỉnh đương nhiệm, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong lúc này, ở quê nhà, bố Xuyên bị Chủ tịch Xã ức hiếp, bắt giam trong hầm tối. Mẹ Xuyên đi kêu oan khắp nơi không được. Ba người Đôn, Xuyên, Hiến quyết định dùng số tiền tịch thu được từ bố Hiến để về quê giúp đỡ gia đình Xuyên. Mọi chuyện vỡ lở, trung đoàn quyết định truy nã ba anh lính về chịu kỉ luật. Vở kịch kết thúc khi Trung đoàn trưởng, bố Hiến, mẹ Xuyên và mọi người gọi họ trở về, tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của mình.
Các diễn viên trong đoàn kịch đã thể hiện cực kì tròn vai. Đôn có tính cách tếu táo, hay ca cải lương nhưng trong chiến đấu cực kì anh dũng, dám đánh giáp la cà với địch và lưu lại vết sẹo trên mặt. Xuyên hiền lành, yêu thương gia đình nhưng cũng rất dũng cảm, đã lấy thân mình che chắn để cứu Hiến trong một trận đánh. Hiến là cậu con trai của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn với tính cách cương trực, thẳng thắn, luôn chiến đấu hết mình. Điểm sáng của vở kịch nằm ở diễn xuất của hai diễn viên NSƯT Đức Khuê trong vai bố Hiến – Chủ tịch Tỉnh và NSƯT Lê Khanh trong vai mẹ Xuyên. NSƯT Đức Khuê rất ra dáng một vị thủ trưởng cũ, hơi cứng nhắc, bảo thủ, hay phê bình mọi người và không nhận ra lỗi sai của mình. Cô Lê Khanh cũng toát lên mình dáng vẻ của một bà mẹ bộ đội lam lũ, kiên cường, giàu lòng yêu thương và nhân hậu. Từ cách hóa trang, dáng đi, điệu bộ cử chỉ, nhất là trong những lời thoại đầy triết lí đều cho người xem thấy rõ điều đó.
Xung đột kịch là sự xung đột giữa bộ đội và người dân, giữa nhân dân và chính quyền. Khi những người lính đang chiến đấu bảo vệ đất nước thì chính gia đình họ lại bị ức hiếp. Đau đớn, mất niềm tin, họ phải thốt lên rằng: “Thế mà bảo nhân dân ta anh hùng, đất nước ta tươi đẹp”, “Không, đất nước không đẹp, nhân dân cũng không anh hùng. Nhân dân nhát… Nhân dân thế này, quê hương đất nước thế này, chúng con không tha thiết giữ đâu. Đấy, ai có giỏi thì lên biên giới mà đánh giặc.”. Những suy nghĩ đó đã được mẹ Xuyên gỡ rối trong phân cảnh cuối: “Khó mấy rồi cũng xong, rối mấy rồi cũng sẽ gỡ ra, nhưng hễ động một tí chúng mày về thì bỏ nước cho ai?”. Ngoài ra, nhân vật này cũng có những câu nói giàu tính hiện thực. Khi bị Chánh văn phòng Tỉnh hỏi “Nếu lên Trung ương không kiện được, bà định lên giời à”, người mẹ này đã trả lời “Vâng, nếu như lên được. Nhưng khốn nỗi, không có giời. Xưa thì còn đổ lỗi cho giời được, nhưng nay biết rằng chỉ toàn con người thôi.”. Câu nói vang lên vừa đanh thép, vừa thể hiện sự chua chát, đắng cay về hiện thực đáng buồn của xã hội. Từ xung đột ấy, tác giả muốn đặt ra câu hỏi cho mọi người, nhất là cho những người nắm quyền: Vậy ai phải là người chịu trách nhiệm cho câu chuyện này, khi mà quân và dân không còn chung một lòng, chính quyền thờ ơ, vô cảm với nỗi oan của nhân dân?
Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra trong “Lời thề thứ 9”. Những điều đó đều mang tính thời đại mà đến ngày nay, chúng ta vẫn còn phải suy ngẫm rất nhiều. Chính bởi vì nội dung của vở kịch đã quá đặc sắc nên phần âm nhạc, phối cảnh sân khấu cũng không cần cầu kì. Những chiếc thùng gỗ được phủ vải xanh quân đội cùng hàng cây chằng chịt cho người đọc biết đấy là khung cảnh chiến trường. Hay bàn làm việc của ông Chủ tịch Xã có chiếc điện thoại mới, chiếc đồng hồ xịn to oành nhưng chẳng có mấy công văn giấy tờ đã cho ta biết đây là người như thế nào. Hay như khi mới gặp mẹ Xuyên, Chủ tịch Tỉnh vẫn ung dung ngồi trên ghế, chỉ đến khi nghe lời bà bộc bạch, ông mới đứng dậy, thể hiện thái độ tôn trọng.
Tuy đã có tuổi đời đến 35 năm nhưng những vấn đề mà vở kịch nói đến vẫn còn giữ nguyên giá trị. Tính thời đại tác phẩm mang lại cũng chính là minh chứng cho tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Bàn luận về sức hấp dẫn của một vở kịch mà em yêu thích Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.