Văn mẫu lớp 10: Phân tích Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi tuyển chọn 2 bài văn mẫu siêu hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Qua bài phân tích Đất rừng phương Nam các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu học tập, rèn luyện kỹ năng viết văn phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật Đất rừng phương Nam.
Phân tích Đất rừng phương Nam chúng ta càng hiểu thêm hơn về cuộc sống của con người Nam Bộ, về thế giới bên ngoài, về những con người phóng khoáng, giàu tình cảm. Đồng thời, cảm nhận được vẻ đẹp trù phú, thơ mộng nhưng không kém phần kì vĩ ở vùng U Minh. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm phân tích Mùa hoa mận.
Dàn ý phân tích Đất rừng phương Nam
A. Mở bài
– Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.
B. Thân bài
1. Khái quát chung về thể loại tiểu thuyết
– Khái niệm: là thể loại tự sự có dung lượng lớn, thông qua hoàn cảnh, sự việc, nhân vật để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và mang những đặc trưng riêng biệt.
– Đặc trưng thể loại.
2. Phân tích, đánh giá
2.1. Phân tích, đánh giá nội dung của tác phẩm
+ Trích đoạn “Đất rừng phương Nam” đã thuật lại hành trình An theo tía nuôi và thằng Cò đi “ăn ong” – đi lấy mật.
+ Vẻ đẹp đầy chất thơ, hoang dã của rừng U Minh, đồng thời là sự sống đa dạng, phong phú của các loài sinh vật.
+ Tía nuôi của An – một người đàn ông với vẻ đẹp mạnh mẽ, vững chãi của một người lao động từng trải, chất phác, can đảm.
+ Cò – cậu bé hiện thân của núi rừng.
2.2. Phân tích, đánh giá nghệ thuật của tác phẩm
+ Những từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh.
+ Ngôi kể thứ nhất, “tôi” là người dẫn truyện.
+ Ngôn ngữ tự nhiên, đậm chất Nam Bộ.
C. Kết bài
– Khẳng định lại những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
– Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc tác phẩm.
Phân tích bài Đất rừng phương Nam
Vào cuối thế kỉ XX, Đoàn Giỏi là cái tên được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng văn chương rực sáng của vùng đất Nam Bộ. Không chỉ được đánh giá cao về tài năng nghệ thuật uyên bác, ông còn được biết đến là một nhà văn hóa, nhà Nam Bộ học. Khi nhắc đến tên tuổi Đoàn Giỏi, người ta thường nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”. Tác phẩm hội tụ độ chín của cả tư tưởng, cảm xúc và tài năng nghệ thuật của Đoàn Giỏi, cũng là thành tựu đáng mơ ước trong sự nghiệp văn chương của nhà văn. Đoạn trích “Đất rừng phương Nam” thuộc chương 9 trong cuốn tiểu thuyết, cũng đã thể hiện rõ nét những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.
Tiểu thuyết là thể loại tự sự có dung lượng lớn, thông qua hoàn cảnh, sự việc, nhân vật để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và mang những đặc trưng riêng biệt. Tiểu thuyết tái hiện con người và cuộc sống bằng cái nhìn giàu chất văn xuôi, tạo sự gần gũi, chân thực và khách quan. Thể loại này cũng nhìn đời sống từ góc độ đời tư, phác họa những bức tranh sống động về số phận con người trong đời sống. Nhân vật trong tiểu thuyết cũng là con người nếm trải, thường gặp nhiều vấn đề, thăng trầm, biến đổi trong cuộc sống,… Nam Bộ là một vùng đất non trẻ so với các vùng lãnh thổ khác của đất nước nhưng tiểu thuyết viết về vùng đất này khá thịnh hành trong thời kì đầu của phong trào sáng tác văn học Nam Bộ. Một trong số đó là “Đất rừng phương Nam” – một tác phẩm được đông đảo độc giả biết đến và đón nhận, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và còn được dựng thành phim. Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là tác phẩm đặc sắc viết về vùng đất và con người miệt vườn Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Pháp.
Trích đoạn “Đất rừng phương Nam” đã thuật lại hành trình An theo tía nuôi và thằng Cò đi “ăn ong” – đi lấy mật. Không gian được miêu tả là rừng tràm U Minh, vào một buổi sáng bình yên, trong vắt, mát lành. Buổi trưa ở đây tràn đầy ánh nắng, ngất ngây hương thơm hoa tràm, tiếng chim hót líu lo và hàng ngàn con chim bay lên,… Đó là vẻ đẹp đầy chất thơ, hoang dã của rừng U Minh, đồng thời là sự sống đa dạng, phong phú của các loài sinh vật, mang đến sức hấp dẫn cho độc giả.
Những nhân vật trong trích đoạn cũng hiện lên sinh động. Tía nuôi của An – một người đàn ông với vẻ đẹp mạnh mẽ, vững chãi của một người lao động từng trải, chất phác, can đảm. Từng lời nói và cách cư xử của ông đều thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương chân thực dành cho cậu con nuôi. Ông gác kèo cho ong rừng làm tổ rất giỏi, bảo vệ, nâng niu đàn ong và hết mực trân trọng sự sống. Đó là nét đẹp của một người lao động dày dạn kinh nghiệm, yêu thiên nhiên; một người cha mạnh mẽ, nhân hậu và yêu thương con người. Cò – cậu bé hiện thân của núi rừng. Cuộc sống ở nơi rừng núi từ nhỏ giúp cậu có một cơ thể khỏe mạnh, tháo vát, dẻo dai, lại có sự am hiểu và gắn bó sâu sắc với thiên nhiên. Trích đoạn đã để lại ấn tượng sâu đậm về những con người nơi đất rừng phương Nam vừa gần gũi, bình dị, vừa mạnh mẽ, phóng khoáng.
Về nghệ thuật, tác phẩm như những thước phim sống động về thiên nhiên đất rừng phương Nam. Những từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh, âm thanh, cảnh sắc như hiện ra sinh động trước mắt độc giả: “Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng. Mấy con kì nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh…” Trong tác phẩm, “tôi” là người dẫn truyện, ngôn ngữ dẫn truyện mang đậm chất Nam Bộ. Dù An là cậu bé xuất thân từ thành thị, nhưng hành trình lưu lạc khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã dạy cho cậu nhiều điều hay, An đã thực sự hòa nhập với vùng đất và con người miền sông nước với những ngôn ngữ và cả hành động đậm chất Nam Bộ.
Cùng với việc miêu tả thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống, Đoàn Giỏi đã thể hiện chân thực hình ảnh những con người Nam Bộ với những nét tính cách nổi bật: yêu lao động, yêu thiên nhiên, nhân hậu, tình nghĩa,… Tác phẩm là bức tranh đẹp đẽ về thiên nhiên và con người vùng sông nước, đồng thời cũng thể hiện rõ nét những đặc sắc nghệ thuật, ngòi bút tài năng của nhà văn. Vì lẽ đó, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là một trong những cuốn sách viết về thiếu nhi hay nhất của nước ta, được đông đảo bạn đọc đón nhận, yêu thích.
Phân tích Đất rừng phương Nam
Đất rừng phương Nam là một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Quyển sách đã để lại cho em biết bao những suy nghĩ về vùng đất phương Nam thân yêu. Chỉ khi đọc hết quyển sách, chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Với nhân vật chính là một cậu bé tên An.
Trong quyển sách này, Đoàn Giỏi đã kể theo ngôi thứ nhất, hóa thân chân thật về cả tính cách lẫn cảm xúc của An. Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Tại những chi tiết này, tác giả đã miêu tả một cách chân thực hoàn cảnh và cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta lúc chạy trốn giặc Pháp, khiến cho một đứa bé lớn lên trong hòa bình, độc lập như em cũng phải xót xa cho những thiếu thốn, thiệt thòi của nhân dân ta khi chiến tranh. Tác giả đã gợi cho em hình ảnh của những con người kiên cường, họ đã phải rời bỏ quê hương để chạy thoát khỏi tay bọn giặc Pháp.
Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Trong những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách quê người, tác giả đã dùng tài năng của mình để gợi tả một cách chân thật quang cảnh và những sản vật trù phú của rừng U Minh và vùng đất Cà Mau. Từng nghề nghiệp, ánh mắt, cách ăn nói, chào mời; những chi tiết thể hiện sự trù phú về động và thực vật nơi đây của người dân nơi đây được tác giả vẽ lại thật chân thật và đầy cảm xúc; khiến cho chúng ta dù chỉ cần đọc quyển sách này cũng có thể hình dung ra quang cảnh tươi đẹp và trú phú ấy. Sau khi được bà Tư Béo, chủ một quán rượu nơi đây nhận nuôi, An đã vô tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, chúng biết được và đốt quán bà Tư Béo, còn An đã may mắn chạy thoát và được một gia đình người đàn ông bán rắn tốt bụng nhận nuôi.
Trong khoảng thời gian sống cùng gia đình của ông bán rắn, An đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức chỉ có người dân ở đây lưu truyền với nhau, trong sách vở ở thành phố mà An theo học không hề nhắc đến. Trong những cuộc đi bắt rắn giữa An và gia đình, tác giả đã cho em nhìn thấy được sự dũng cảm, sự kiên nhẫn của những người làm nghề này. Từng cách bắt mồi nhử, cách móc mồi, cách… đuổi muỗi, sự chờ đợi, kiên nhẫn và quang cảnh của rừng U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sắc nét dưới từng con chữ của tác giả. Còn trong những lần đi lấy mật ong, quyển sách đã mang lại cho em những hình ảnh chân thật nhất về cách dựa vào hướng gió, địa điểm, thời tiết mà đoán chỗ ong mật làm tổ để gác kèo lấy mật. Còn trong lần An chạm trán với hổ, em đã có thể phần nào hình dung ra sự hoang sơ, sự hoang dã của thiên nhiên rừng U Minh.
Sau khi chú Võ Tòng hi sinh vì phục kích giặc, gia đình bố nuôi An phải di cư đến nơi khác cùng người dân trong làng. Đến chợ Năm Căn. Tiếp tục sử dụng ngôi kể của mình, tác giả lại khiến cho đọc giả cảm giác thích thú say mê trước quang cảnh vui nhộn nhưng cũng không kém phần êm đềm. Cái quang cảnh tấp nập, người mua kẻ lại lại viển vông trong đầu em, nghĩ lung tung như muốn nhảy vào quyển sách để thăm thú cái nơi ấy. Rừng đước trù phú kia đang ôm lấy những con người chân chất của đất Cà Mau…
Kết thúc truyện, là cái lúc mà tất cả người dân đứng lên, đã sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiến với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất
Em cũng muốn cảm ơn tác giả Đoàn Giỏi đã gửi đến trái tim em những trái tim đẹp đẽ và quả cảm của con người trên vùng đất tận cùng của hình chữ S. Qua cách dùng từ điêu luyện; sự miêu tả chân thật trong từng chi tiết, cảm xúc; sự tâm huyết của tác giả Đoàn Giỏi, quyển sách đã mang lại cho người đọc không chỉ là sự trù phú của thiên nhiên Cà Mau, mà còn là cảm xúc tự hào về tinh thần cao đẹp chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đó là một cảm xúc mà em sẽ luôn nhớ đến và tự hào.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài Đất rừng phương Nam (Dàn ý + 2 Mẫu) Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.