Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Đi trong hương tràm của Hoài Vũ gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu cảm nhận bài thơ hay.
Bài thơ Đi trong hương tràm giống như một lời độc thoại triền miên không dứt. Những hồi ức, những kỉ niệm về một tình yêu da diết, nỗi buồn nhớ mênh mông. Nỗi buồn dường như xóa nhòa cả ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, bao trùm lên cả không gian và thời gian. Vậy sau đây là 2 bài văn mẫu cảm nhận Đi trong hương tràm hay nhất mời các bạn đón đọc.
Dàn ý cảm nhận Đi trong hương tràm
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu cảm nhận chung về bài thơ.
2. Thân bài:
* Chủ đề và cảm hứng chủ đạo: thông qua hình ảnh hoa tràm, chủ thể trữ tình khéo léo bày tỏ tình cảm nhớ thương da diết với “em”.
2.1. Phân tích, đánh giá nội dung bài thơ:
* Các hình ảnh thiên nhiên:
- Hoa tràm: e ấp sau những lớp lá xanh tươi -> gợi ra vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi.
- Vòm lá: tươi tốt, bao học lấy hoa tràm.
- Hương tràm: hòa trong làn gió, bay khắp trời mây.
-> Hương tràm là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh thể hiện tâm trạng trống trải, cô đơn của chủ thể trữ tình khi thiếu vắng hình bóng “em”.
* Cảm xúc của nhân vật trữ tình: nhớ thương “em” da diết:
– Tình cảm của nhân vật trữ tình được gợi lên thông qua hình ảnh “hương tràm”:
- “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”: hương hoa thoáng qua làm con người không khỏi nhớ tới những ngày bên nhau.
- Hương tràm bên anh, mà em đi đâu”: sự cô đơn, lạc lõng khi đứng giữa thế gian rộng lớn và khi “em” không còn cạnh bên.
- Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”: nhân vật trữ tình luôn cảm nhận được tình cảm của “em” thông qua hương tràm -> tình yêu cao đẹp vẫn hiển hiện trong trái tim “anh” và “em”, trong cuộc sống dung dị.
– Tác giả sử dụng biện pháp điệp ngữ “dù”, “anh vẫn” để nhấn mạnh và khẳng định vào tấm lòng chân thành, thủy chung trong tình yêu của nhân vật trữ tình.
2.2. Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc.
- Ngôn từ trong sáng, mộc mạc.
- Sử dụng thành công biện pháp điệp từ “dù”, “anh vẫn”.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị tác phẩm.
Cảm nhận bài Đi trong hương tràm
Với lời thơ trữ tình cùng những cảm xúc chân thành, các tác phẩm của Hoài Vũ luôn được phổ thành nhạc và trở thành các ca khúc tình lãng mạn được nhiều người biết đến. Trong số đó, không thể không nhắc đến “Đi trong hương tràm” – một bài thơ đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về tình yêu đôi lứa.
Chỉ vỏn vẹn bốn khổ thơ nhưng tình cảm cùng những lời hứa chân thành đã được Hoài Vũ thể hiện chân thành và rõ nét.
Em gửi gì trong gió trong mây
Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp nơi mây hương tỏa bay!
Nỗi nhớ “em” lan chiếm hết không gian và thời gian nơi Vàm Cỏ Tây, khiến “anh” phải tự hỏi “Em gửi gì trong gió trong mây” để khi sáng nay “anh” thấy khắp mọi nơi ngập tràn hương hoa tràm tỏa bay. Hình ảnh “Hoa tràm e ấp” như là những trạng thái e ấp, ngại ngùng của “anh” khi gặp “em”.
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Nỗi nhớ và tình cảm dành cho “em” đã được khẳng định bằng những lời nói chân thành như những lời tuyên thệ về tình yêu hai đứa. Điệp từ “Dù” đã lặp lại bốn lần như lời khẳng định rằng dù ở nơi đâu, dù vạn vật thay đổi ra sao, dù em hết yêu anh thì tình cảm này vẫn luôn giành cho em. Có thể thấy, “anh” đã giành sự trung thủy đặc biệt cho “em”, rằng tình cảm này mãi mãi không bao giờ đổi thay. Hình ảnh hương tràm lại xuất hiện lần nữa. Phải chăng tình yêu lứa đôi này có liên quan đến hoa tràm?
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Cơn gió nơi Tháp Mười thổi mạnh mẽ như tình cảm “anh” dành cho em, thổi rất sâu, sâu cả vào lòng “anh”, xoáy vào nỗi thương đau cũng như niềm hy vọng của chàng trai. Xung quanh “anh” có mọi thứ: Trên có bầu trời cao, dưới có cánh đồng rộng, không gian xung quanh ngập tràn hương tràm, chỉ có em là không có bên cạnh anh. Câu hỏi “mà em đi đâu?” là một câu hỏi mà khó có thể có câu trả lời.
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…
Câu thơ “Dù đi đâu và xa cách bao lâu” lại một lần nữa được lặp lại trả lời cho câu hỏi rằng dù em đi đâu hay ở đâu thì hình bóng em vẫn luôn trong tâm trí anh dù giữa bóng tràm bát ngát. Ánh mắt mà anh say đắm vẫn luôn hiện lên mỗi khi anh nhìn thấy lá tràm xanh mát. Tình cảm của em anh vẫn cảm nhận được dù cơn gió trong rừng tràm khiến không gian xôn xao, ồn ào. Không chỉ điệp từ “dù”, điệp từ “anh vẫn ” cũng như một lời hứa hẹn, tuyên thề rằng tình cảm và nỗi nhớ anh dành cho em không bao giờ có thể xóa nhòa được.
Bằng ngôn ngữ thơ giản dị mà đong đầy cảm xúc, tác giả đã gửi niềm thương nỗi nhớ của mình đến nhân vật “em” một cách ngọt ngào và chân thành nhất. Tình cảm ấy được trời đất, được rừng hoa tràm bát ngát chứng kiến và vun vén. Trong những lời thơ dạt dào cảm xúc đó, Hoài Vũ vẫn khéo léo xen lẫn nhưng biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc để làm sống động hơn thứ tình cảm này. Cách liệt kê những hình ảnh thiên nhiên xung quanh mình đã làm rộng mở hơn không gian cũng như tình cảm của mình dành cho người ấy, nói rằng tất cả mọi vật đều chứng kiến tình cảm chân thành này. Cách sử dụng điệp từ “dù”, “anh vẫn” đã cho thấy được những lời nói chân thành của tác giả dành cho “em”.
Chỉ với bốn khổ thơ ngắn gọn, Hoài Vũ đã gửi gắm trọn vẹn nỗi nhớ cùng tình cảm chân thành của mình đến “em”, mượn lời thơ tìm kiếm và mang thứ tình cảm ấy gửi đến em nơi xa. Thứ tình yêu giản dị nhưng thủy chung này luôn là thứ mà chúng ta hàng ao ước. Mong rằng, qua bài thơ, ai cũng tìm được cho mình một người như nhân vật “anh” và có được thứ tình cảm tốt đẹp ấy.
Cảm nhận Đi trong hương tràm
Cái ánh mắt biếc xanh như vòm lá tràm ấy cứ ám ảnh tôi, cứ bám riết lấy tôi theo từng câu từng chữ khi đọc bài thơ này và nghe bản nhạc phổ cho bài thơ này. Nó ám ảnh tôi có lẽ bởi trước hết nó lúc nào cũng trong biếc, tinh khôi trong mắt, trong tim, trong óc, trong trí tưởng tượng của chàng trai đa tình và chung tình kia. Cái hình ảnh ấy cuối bài thơ mới xuất hiện, nhưng đọc một lần, để ý xem lại, ta thấy dường như nó hiển hiện trong toàn bộ bốn khổ thơ cũng đa tình và chung tình này! Hoài Vũ đã khéo léo gửi cái ánh mắt ấy vào trong lá tràm. Để rồi bất cứ thứ gì liên quan đến “em” cũng trở thành Tràm.
Tưởng như Tràm là em từ bao giờ rồi. Và bài thơ ngập trong hương tràm, lá tràm, gió tràm. Tràm chính là em, em có ở trong tràm. Cái xứ Tháp Mười này cũng trở thành xứ tràm – xứ em! Này nhé:
“Anh vẫn thấy bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”
Em là bóng tràm. Em là mắt lá tràm. Em là hương tràm. Và vì thế cho nên rất dễ hiểu vì sao trong bốn khổ thơ, khổ nào cũng gió tràm, cũng mây tràm, cũng hương tràm, lá tràm… Và vì thế cho nên “Đi trong hương tràm” chính là đi trong tình em!
Bốn khổ thơ, cuối mỗi khổ đều quấn quyện hương tràm, tưởng như cả bài thơ ngập trong cái hương tràm xôn xao kia. Khổ thứ nhất: “Mà khắp trời mây hương tỏa bay”, khổ thứ hai: “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”, khổ thứ ba: “Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”, khổ thơ thứ tư: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”. Mỗi khổ thơ là một khổ hương tràm, một sắc thái hương tràm. Và mỗi khổ cũng là một sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình “anh”. Tất cả đắm say trong hương tràm, trong “tình em”. Ngay từ khổ thứ nhất đã say đắm:
“Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay”
Không đắm say, không nhập tâm nhập thần cái hương tràm ấy thì làm sao mà từ bông hoa tràm trong vòm lá kia lại có thể thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay như thế! Tuy nhiên, cái đắm say ấy cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một chuỗi diễn biến tâm trạng của “anh”. Nó mới chỉ là cái đắm say của cảnh, của lá tràm, bóng tràm thực tại. Khổ hai, tâm trạng bắt đầu vận động theo hương tràm. Sau một loạt những “Dù” phũ phàng và đau đớn là “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Từ bông hoa tràm mà thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay đến không có “em” mà vẫn có thể “cho ta bên nhau” qua “một thoáng hương tràm” thì cái liên tưởng ở đây đã có chiều hướng đi sâu vào tâm tưởng. Và như một quy luật của logic tâm hồn, khi chạm đến những gì là của tâm tưởng, của tâm thức thì sau phút đắm say sẽ là nỗi đau. Mà sự đắm say càng sâu thì nỗi đau càng giằng xé, càng quặn thắt.
Cái thực tại phũ phàng “Hương tràm bên anh, mà em đi đâu” như muốn phá tan tất cả những hư ảo mơ màng của không – gian – tràm trước đó. Nhưng có lẽ vì anh chung tình quá nên cái không – gian – tràm ấy không dễ gì mà phá vỡ được.
Và đến khổ cuối thì cái cảm xúc:
“Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”
đã trở thành siêu liên tưởng! Không gian thơ ở đây được phân định thành hai chiều không gian rõ ràng: Một chiều không gian thực tại với những cây tràm, bông tràm, lá tràm và “xa cách”, và “đổi hướng thay màu”, và “không trao anh nữa”, và thương đau… Một chiều không gian của tâm thức, tiềm thức với bóng tràm, với hương tràm, với mắt tràm, với mây tràm, với gió tràm, với “hy vọng”, với “cho ta bên nhau”…
Chính vì cái không gian này nên cái ngọn gió của xứ Tháp Mười – xứ tràm – xứ em kia mới “thổi rất sâu” chứ không phải là thổi rất xa hay rất cao! Cái chiều thổi của gió là chiều của tâm hồn, chiều của nỗi nhớ, của tình yêu, của niềm hy vọng… Và có lẽ cũng bởi cái chiều không gian thứ hai này và cái chung tình của “anh” mà khiến cho cái không gian chung của bài thơ không ít mơ màng, hư ảo này bừng sáng lên trong từng câu chữ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Đi trong hương tràm (Dàn ý + 2 Mẫu) Đi trong hương tràm của Hoài Vũ của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.