Trung tâm mới là trung tâm dữ liệu dưới biển đầu tiên trên thế giới dành cho mục đích thương mại, bao gồm trạm trên bờ, trạm chuyển tiếp dưới nước, thiết bị đầu cuối dữ liệu dưới nước và cáp ngầm. Trạm chuyển tiếp và thiết bị đầu cuối dữ liệu sẽ được triển khai ở khu vực đáy biển chỉ định.
Khoang dữ liệu ngầm, thành phần cốt lõi của trung tâm dữ liệu, có dạng bể hình trụ với đường kính 3,6 m và nặng 1.300 tấn, tương đương trọng lượng của 1.000 ôtô. Với tuổi thọ thiết kế là 25 năm, khoang này có thể cung cấp môi trường không oxy kín và an toàn với độ ẩm và áp suất không đổi ở độ sâu hơn 30 m.
Khi đặt máy chủ trong khoang dữ liệu kín dưới đáy biển, các chuyên gia có thể sử dụng nước biển như nguồn làm mát tự nhiên, góp phần tiết kiệm điện, nước, tài nguyên đất, đồng thời mang lại tính bảo mật cao, khả năng tính toán vượt trội và triển khai nhanh.
Việc sử dụng nước xung quanh như nguồn làm mát tự nhiên có thể giúp tiết kiệm hơn 30% chi phí năng lượng so với các trung tâm dữ liệu truyền thống. Do không cần chuẩn bị nước làm mát, trung tâm dữ liệu dưới biển cũng giúp giảm các chi phí liên quan, tiết kiệm được khoảng 30.000 m3 nước trên mỗi megawatt mỗi năm, theo công ty Công nghệ kỹ thuật số Highlander Bắc Kinh, đơn vị chế tạo trung tâm dữ liệu.
Việc xây dựng trung tâm dữ liệu dưới biển được đề xuất trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhằm phát triển kinh tế biển của tỉnh Hải Nam và tổng cộng 100 cabin dữ liệu sẽ được lắp đặt. Đến nay, 9 công ty đã ký hợp đồng với trung tâm dữ liệu.
Trung Quốc thử nghiệm cabin dữ liệu lớn dưới biển đầu tiên ở Chu Hải, tỉnh Quảng Châu, phía nam Trung Quốc vào tháng 1/2021. Trước đó, vào năm 2018, Microsoft hạ thủy một trung tâm dữ liệu phi thương mại có kích thước bằng chiếc xe tải xuống độ sâu khoảng 35 m ở vùng biển ngoài khơi nước Anh. Trung tâm dữ liệu nhỏ này được đưa lên vào năm 2020 và Microsoft tuyên bố thử nghiệm thành công.
Thu Thảo (Theo CGTN)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/trung-tam-du-lieu-thuong-mai-duoi-bien-dau-tien-tren-the-gioi-4588293.html