Sáng 31/10, trường Tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tổ chức lễ hội hóa trang Halloween cho học sinh trong tiết chào cờ đầu tuần. Học sinh tham gia trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh xoay quanh ý nghĩa ngày lễ Halloween, sau đó chơi các trò chơi như ném bóng, tranh ghế và thi hóa trang với trang phục được chuẩn bị sẵn. Hoạt động diễn ra trong khoảng 50 phút, nhận được sự hưởng ứng của học sinh cũng như phụ huynh.
“Các em vui và hào hứng sau hai năm dịch không được tham gia vui chơi”, cô Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng Tiểu học Đa Tốn, nói. Học sinh mang theo mũ, đèn lồng bí ngô, áo choàng hay bờm tai thỏ để chơi cùng bạn bè. Cả thầy và trò mặc áo cam – một trong hai màu sắc đặc trưng của Halloween.
Halloween là lễ hội văn hóa có nguồn gốc từ Kitô giáo, được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm để tưởng nhớ các vị thánh, các vị tử đạo cùng tín hữu trung kiên đã qua đời và để con người không còn sợ hãi cái chết. Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (bị ghẹo hay cho kẹo), đốt lửa, khắc bí ngô, hóa trang thành những nhân vật ma quái, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.
Lễ hội Halloween được cho là du nhập vào Việt Nam hơn chục năm trước và đang dần trở nên phổ biến. Nhiều trường học cũng tổ chức lễ hội này. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng Halloween là lễ hội ma quỷ của phương Tây, không phải hoạt động trong giáo dục và “nên bỏ”, nhất là khi những hình ảnh hóa trang kinh dị, ghê rợn xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.
Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết trường không tổ chức Halloween vì thời gian diễn ra lễ hội thường gần với thi giữa kỳ 1, các lớp cũng vừa tổ chức hoạt động 20/10 và chuẩn bị 20/11. “Học sinh khá thích Halloween nhưng trường chưa bao giờ tổ chức. Xem các hình ảnh trên mạng, lễ hội có những màn hóa trang kinh dị, tác động không tốt đến học sinh nên tôi không muốn các em tham gia”, vị này nói.
Một giáo viên THCS tại quận Hoàn Kiếm nói trường vẫn tổ chức Noel, Tết Trung thu nhưng không xây dựng kế hoạch cho lễ hội Halloween. “Chúng tôi hiện chưa tiếp cận Halloween vì lễ hội gây cảm giác ghê rợn”, cô giáo nói. Tuy nhiên, giáo viên này thừa nhận không thể cấm vì lễ hội giờ là xu hướng, “càng cấm càng tò mò”. Lễ hội này cũng là một nét văn hóa nên nếu tổ chức, các trường cần có sự kiểm soát để không có những màn hóa trang thái quá.
Theo cô Anh Hà, học sinh đã được học tiếng Anh nên việc tham gia các lễ hội nước ngoài cũng là cách học hiệu quả, tạo nền tảng cho học sinh hội nhập sau này. Khi tổ chức lễ hội, trường luôn chọn hoạt động mang tính giáo dục.
“Chúng tôi trang trí đơn giản, có các trò chơi vận động để học sinh vừa được vui chơi, vừa hiểu ý nghĩa ngày lễ”, cô Anh Hà nói, nhận định Halloween hiện trở thành một ngày hội được yêu thích, được tổ chức từ mẫu giáo tới đại học.
Cùng chung quan điểm, hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Nam Từ Liêm cho rằng trường học không chỉ là nơi gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn là nơi để trẻ hòa nhập với văn hóa thế giới – và Halloween là một trong số đó. Để các con vui và không sợ hãi, hình thức tổ chức cần phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học.
Trường này tổ chức Halloween vào ngày 27 và 28/10 cho khối bé (18 tháng đến 36 tháng) và khối lớn (3-6 tuổi). Học sinh mặc trang phục hoá trang theo chủ đề của từng lớp như động vật trên cạn, dưới nước, trên không, vũ trụ, đồ ăn, thực vật và nghề nghiệp mơ ước. Trong lễ hội, các bé đi quanh trường xin kẹo và chơi trò thổi nhện, ăn bánh donut trên dây, đoán đồ vật trong hộp, đi tìm kho báu, ôm bí ngô chạy và mê cung thùng giấy.
“Tôi không phản đối việc đưa ma quỷ vào các hoạt động vì Halloween vốn là lễ hội ma quỷ. Tuy nhiên, khi được lựa chọn, tôi muốn chọn thứ khiến cho trẻ cảm thấy vui vẻ mà không ám ảnh”, bà này nói.
Halloween cũng là trải nghiệm đầy tiếng cười của học sinh trường Mầm non Ako Kindergarten. Tiến sĩ Phạm Minh Hoa, sáng lập trường Ako, cho biết trường gắn Halloween với dự án “Ngày mùa” để các con làm quen với bí ngô, làm kẹo từ mạch nha, chơi hoá trang, diễn kịch, đi thăm nông trại. Giáo viên nước ngoài và trợ giảng sẽ giới thiệu về Halloween và ngày mùa ở các nước phương Tây.
“Halloween là lễ hội của nước ngoài nhưng việc giới thiệu cho trẻ theo hướng làm quen văn hoá và có kết hợp với chất liệu Việt Nam như làm búp bê rơm cũng rất tốt. Chúng tôi tránh những hình bạo lực hay rùng rợn”, tiến sĩ Hoa nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, lễ hội là không gian và thời gian để thoải mái nói với nhau về những chủ đề khó nói như cái chết, sợ hãi, những mảng tối trong mỗi chúng ta, và sự kết nối tưởng nhớ cái chết, từ đó rút ra các bài học cuộc sống.
Ông cho rằng thay vì cấm các con tham gia lễ hội Halloween, hãy giáo dục chúng thành công dân toàn cầu. Muốn vậy, học sinh cần phải hiểu biết về phong tục, văn hóa, lễ hội của quốc gia khác. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam lưu lý lễ hội nước ngoài khi vào Việt Nam cũng cần phải phù hợp với thuần phong mỹ tục. Các trường có thể tổ chức dưới hình thức vừa vẽ mặt vừa nói chuyện, để con biết sau mặt nạ vẫn là người. Việc trang trí cũng cần thân thiện, ví dụ chỉ cần mạng nhện, con nhện hay con dơi, thay vì đầu lâu, ma quỷ hay tiếng cười rùng rợn.
“Phải hiểu giá trị văn hóa của lễ hội đó, thay vì chỉ bắt chước và làm nó cực đoan lên. Ngoài ra, phải có quy định hành xử trong những lễ hội đông người để không xuất hiện những hành vi phản cảm, phản văn hoá, gây ám ảnh sợ hãi cho cộng đồng”, ông nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tranh-cai-to-chuc-halloween-trong-truong-hoc-4530342.html