Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi UBND TP HCM đầu tháng 12, cho biết ngành giáo dục gặp khó khăn để đảm bảo phòng học cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông theo mục tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020, thành phố cần 14.097 phòng học, trong đó Mầm non 6.035, tiểu học 4.412, THCS 2.382, THPT 1.268. Tuy nhiên, số phòng học được đầu tư từ ngân sách và đưa vào sử dụng chỉ 6.115, tương đương 43,38% mục tiêu. Sở nhận định đây là tỷ lệ “quá thấp, khiến việc đảm bảo chỗ học đáp ứng nhu cầu và đạt chuẩn luôn là áp lực lớn”.
Đến năm 2025, Sở ước tính số phòng học cần bổ sung là 8.889. Trong đó, tiểu học cần nhiều nhất – 4.798 phòng, THCS 2.330, mầm non 1.011 và THPT 750.
Xét theo khu vực, 10/22 địa bàn của thành phố đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân, gồm thành phố Thủ Đức, các quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Cần Giờ.
Sở nhận định việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các quận, huyện cửa ngõ, các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hiệu quả, khiến dân số cơ học tăng nhanh, phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt và tạo áp lực về cơ sở hạ tầng, lớp học. Theo Sở, những quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu có tỷ lệ tăng dân số cơ học “luôn ở mức cao”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu đề xuất đưa chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân vào kế hoạch hành động của Đảng ủy, UBND các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu này.
Ông Hiếu cũng kiến nghị các địa phương thường xuyên rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, đề xuất danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên; lập kế hoạch để đảm bảo diện tích đất sử dụng cho mục đích giáo dục.
Riêng với các định mức diện tích đất bình quân/học sinh từng cấp, lãnh đạo Sở mong được UBND phê duyệt theo đặc thù riêng của TP HCM, thay vì theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tối thiểu 8-12 m2 trên một học sinh tùy theo cấp học). “Các định mức khá cao, trong khi TP HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là khu vực nội thành”, Sở cho biết. Việc được điều chỉnh định mức sẽ giúp ngành giáo dục thực hiện mục tiêu tăng phòng học, phòng chức năng.
Thiếu quỹ đất xây trường, lớp là vấn đề của các đô thị lớn. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 hồi giữa tháng 8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng đề xuất có cơ chế đặc thù trong tính diện tích sàn trường lớp để công nhận trường chuẩn quốc gia.
Năm học 2022-2023, TP HCM có hơn 1,63 triệu học sinh. Số giáo viên mầm non và phổ thông là 78.400, thiếu gần 6.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc tiểu học và THCS (chiếm khoảng 78%). Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thành phố hiện có tỷ lệ 276 phòng học trên 10.000 dân.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tp-hcm-thieu-gan-8-000-phong-hoc-4544199.html