Thông tin được Thứ trưởng Lê Xuân Định nói tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Thành ủy TP HCM tổ chức, sáng 16/2.
Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, thời gian qua bộ đã phối hợp với các cơ quan xây dựng chính sách tốt hơn cho nhà khoa học. Cụ thể, nghị định về tăng định mức chi sử dụng kinh phí nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. Trong đó chủ nhiệm đề tài tăng từ 26 lên tối đa 40 triệu đồng mỗi tháng, nghiên cứu viên tăng từ 8 lên 16 triệu, người hỗ trợ nghiên cứu 6 – 8 triệu đồng. Tuy nhiên, với đặc thù của TP HCM mức tăng cho người hỗ trợ nghiên cứu lại không đủ cho mức sống trung bình. Do vậy ông Định mong muốn, ngoài những quy định chung, thành phố cần xây dựng chính sách đặc thù để giúp nhà khoa học có đời sống tốt hơn. Tuy nhiên cần quan tâm đến yếu tố chấp nhận rủi ro trong triển khai và ứng dụng công nghệ mới.
Ông cũng mong muốn Thành phố xây dựng chính sách đặc thù, đi trước các địa phương khác trong xã hội hóa nguồn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua phát huy quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm… đối với hoạt động khởi nghiệp. Hiện doanh nghiệp startup của TP HCM chiếm 50% so với cả nước.
Trong thời gian thành phố hoàn thiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về xây dựng cơ chế đặc thù, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn TP HCM tiếp tục đề xuất các nội dung này, tạo đà bứt phá cho ngành khoa học công nghệ.
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư TP HCM, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, thành phố đã ban hành một số cơ chế mới như đặt hàng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế, đổi mới cơ chế đầu tư và quản lý tài chính với hoạt động khoa học công nghệ, ban hành đề án xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông…
Mặc dù có nhiều giải pháp thúc đẩy, ông Hải cho rằng, phát triển khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đô thị thành phố, chưa trở thành động lực phát triển. Ông yêu cầu thời gian tới các cơ quan ban ngành tập trung đổi mới cơ chế quản lý, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức khoa học công nghệ, cũng như huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 từ 2012 đến 2021, tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của thành phố liên tục tăng. Tốc độ này giai đoạn 2016-2020 là 18,85% mỗi năm (giai đoạn trước năm 2016 là 15% mỗi năm), năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước. Trong 10 năm, thành phố có hơn 144.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có hơn 2.500 sáng chế. Nhân lực hoạt động khoa học công nghệ thành phố đạt hơn 21.200 người, trong đó có 188 giáo sư, 1.116 phó giáo sư trong tổng số hơn 6.800 tiến sĩ.
Hà An
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tp-hcm-can-quan-tam-yeu-to-chap-nhan-rui-ro-trong-khoa-hoc-4571325.html