Tại buổi báo cáo tốt nghiệp hôm 28/4, Nguyễn Trọng Tuấn, lớp Diễn viên Chèo K39, vào vai hoàng tử Vương Tùng trong vở “Lời ru hai người mẹ”. Kịch bản xoay quanh cuộc tranh giành quyền lực chốn triều đình giữa Vương Tùng (con của Hoàng hậu) và Vương Thảo (con của Thứ phi). Với âm mưu đoạt ngai vàng, Thứ phi cùng Vương Thảo lên kế hoạch, tìm cách đuổi Vương Tùng vào rừng. Khi hai hoàng tử đang tập kiếm, Thứ phi bỗng xuất hiện, chạy đến ôm lấy lưỡi kiếm của Vương Tùng và vu cho hoàng tử chém mình.
Bị oan trước mặt vua cha, Vương Tùng choáng váng, thất thần. Hoàng tử ngửa mặt và đưa hai tay lên trời nói rằng Vương Thảo nói dối. Cả hội trường sau đó lặng im khi Vương Tùng cất lời hát giãi bày nỗi oan khuất. Lời ca day dứt, chất chứa tâm sự khiến các thầy cô và khán giả bên dưới rơi nước mắt.
“Đứng trong cánh gà, tôi rất xúc động. Tôi tự hào khi học trò thể hiện thành công vai diễn này trên sân khấu”, thạc sĩ Bùi Thị Hiền, Phó trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nói.
Bài biểu diễn tốt nghiệp của Trọng Tuấn đạt số điểm 9,5/10, cao nhất chuyên ngành diễn viên Chèo.
Anh Tuấn hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ của khán giả và sự đánh giá cao của thầy cô. Chàng trai 27 tuổi cho biết có đôi chỗ tiếc nuối nhưng “nhân vô thập toàn” và nếu có cơ hội tập luyện lại sẽ khắc phục để tròn vai hơn.
Theo anh Tuấn, phần khó nhất trong vở diễn này nằm ở phân đoạn diễn tả nỗi oan. Muốn diễn tả được, diễn viên cần biết cách bộc lộ cảm xúc qua cơ mặt, cử chỉ, động tác tay chân hoặc lời nói sao cho khán giả thấy được nỗi oan của nhân vật và đồng cảm.
Vở diễn được cả lớp K39 tập luyện trong 6-7 tháng để ngấm nhân vật. Anh cho biết để diễn nhập tâm, các diễn viên phải nuôi cảm xúc, nuôi nhân vật. Khi chưa tới lượt mình diễn, dù đứng trong cánh gà, anh cũng không được phép chểnh mảng mà phải luôn theo dõi để đi theo luồng cảm xúc. Có như vậy lúc tới lượt mình, anh mới có thể diễn hay.
Sinh ra tại Việt Yên, Bắc Giang – vùng quê nghệ thuật, tuổi thơ của anh Tuấn gắn với lễ hội, làn điệu quan họ, chèo và tuồng. Ông bà và các thế hệ trong gia đình anh đều có người làm diễn viên chèo và thành lập các gánh chèo ở làng.
“Ngày nhỏ, mỗi lần nghe có diễn chèo ở làng, tôi thường bỏ cơm để đi xem”, anh Tuấn kể.
Đam mê nghệ thuật truyền thống nên dù đỗ cao đẳng trên Hà Nội, anh Tuấn quyết định học Trung cấp Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang, chuyên ngành Dân ca quan họ Bắc Ninh. Nhưng học được 1,5 năm, anh bảo lưu để đi xuất khẩu lao động Đài Loan.
Ở độ tuổi 20, anh Tuấn khi đó nghĩ còn trẻ, muốn tranh thủ ra nước ngoài kiếm tiền và trải nghiệm vùng đất mới. Anh háo hức nghĩ tới viễn cảnh về một cuộc sống sung túc. Nhưng nơi anh ở là một vùng quê không mấy sầm uất. Anh cùng anh trai làm công nhân cho một nhà máy sản xuất dải phân cách, ống nhựa và sống trong ký túc xá của công ty.
Công việc của anh thường bắt đầu lúc 20h hôm trước tới 8h hôm sau. Hết giờ, anh Tuấn tiếp tục ra một tiệm bánh làm thuê đến 16h. Về chợp mắt một lát, anh trở lại với guồng quay công việc. Nhiều hôm anh đi làm trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi. Mỗi tháng, trung bình anh kiếm được 18-19 triệu đồng, tháng nào nhiều 30-40 triệu đồng.
Dù vậy, anh luôn đau đáu và nuôi ước mơ trở về để đi học chèo. Ở chỗ làm, anh vừa làm việc vừa nhẩm lại câu hát; về nhà mở mạng nghe và tự học. “Tôi đếm từng ngày hết hạn hợp đồng ba năm để về nước”, anh Tuấn nói.
Hai tháng sau khi về Việt Nam năm 2019, anh lao vào ôn thi năng khiếu và trúng tuyển khoa Kịch hát dân tộc của Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đang đi làm có thu nhập, giờ phải bắt đầu với cuộc sống của sinh viên đi học, anh Tuấn mất thời gian đầu làm quen với sự thay đổi đột ngột.
Theo anh Tuấn, chèo là loại hình nghệ thuật tự sự, kể lại một câu chuyện bằng lời hát, hành động và diễn xuất của người diễn viên. “Năng khiếu, tố chất chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là do luyện tập”, anh nói.
Trong nghệ thuật chèo, diễn viên cần đảm bảo các yếu tố vang, rền, nền, nảy. Với nghệ sĩ chèo, cột hơi quan trọng nên cổ họng luôn được giữ gìn cẩn thận. Sinh viên phải có ý thức tránh xa các loại chất kích thích, hạn chế uống nước lạnh, ăn đồ cay, nóng. Mỗi khi ra đường, anh luôn phải đeo khẩu trang và che kín họng.
Ở lớp, anh Tuấn lắng nghe thầy cô hướng dẫn rồi về nhà tự luyện cột hơi. 4-5h hàng ngày, anh dậy chạy thể dục ra hồ nước gần nhà để luyện thanh. Cuối tuần về quê, anh ra cánh đồng hét to để mở hết quãng giọng.
Anh cho hay lúc đầu ngượng khi phải múa hay thể hiện những động tác mềm mại. Tuy nhiên, sau khi được học môn giải phóng hình thể, anh tự tin hơn.
Suốt thời gian sinh viên, anh Tuấn đi làm thêm và chạy show để kiếm thêm thu nhập. Anh cũng từng giành giải nhì cuộc thi tài năng sinh viên của trường và hai giải nhất thi quan họ Bắc Ninh của huyện Việt Yên.
“Tôi mong muốn được đầu quân về nhà hát chèo Bắc Giang để có cơ hội cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà”, anh nói, cho biết có kế hoạch học thạc sĩ hoặc đạo diễn trong tương lai.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tot-nghiep-thu-khoa-cheo-sau-ba-nam-lam-cong-nhan-4616695.html