Có dịp về Tiền Giang, ngoài ghé thăm những điểm đến nổi tiếng của vùng sông nước thơ mộng này, bạn đừng quên thưởng thức các món đặc sản Tiền Giang hấp dẫn, gây lưu luyến thực khách gần xa.
Top 13 món đặc sản Tiền Giang “ngon nức lòng” thực khách
1. Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho là đặc sản Tiền Giang ngon trứ danh, nổi tiếng ở khắp nơi. Sợi hủ tiếu được làm từ gạo, sợi trong, khi trụng nước sôi có độ khô dai vừa phải, không bở hoặc mềm. Một tô hủ tiếu thường có xương, thịt bằm, lòng heo hoặc hải sản, chan ngập nước dùng… Các loại rau để ăn kèm như hẹ, xà lách, giá được bày lên trên, rắc thêm một ít hành phi và tiêu để món ăn tròn vị hơn.
Ảnh: Sư Tử.
Ảnh: Phuc Luu Tan.
“Linh hồn” của món ăn này nằm ở phần nước lèo. Nước lèo được ninh từ xương ống của heo, một ít mực khô, tạo độ ngọt. Tất cả hòa quyện vào nhau như một phần không thể thiếu cho món hủ tiếu trứ danh này. Ngày nay, hủ tiếu Mỹ Tho được cải biến với các món như hủ tiếu mực, hủ tiếu xương, hủ tiếu thập cẩm, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu chay, hủ tiếu sa tế…
2. Chuối quết dừa
Chuối quết dừa là món ăn dân dã mà bạn nhất định phải thử khi đến Tiền Giang. Thoạt nhìn, chuối quết dừa trông giống cốm dẹp, nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy có nhiều điểm khác nhau. Nguyên liệu để làm món chuối quết dừa bao gồm chuối sứ xanh, già và dừa nạo. Công đoạn chế biến đơn giản nhưng đòi hòi người làm phải khéo léo và có kinh nghiệm. Ăn kèm với chuối quết dừa còn có các loại rau thơm như lá lốt, rau càng cua, rau húng lủi, rau thơm, bánh tráng… và rắc thêm một ít đậu phộng rang lên món chuối. Và nước chấm chua ngọt là điều không thể thiếu khi thưởng thức món chuối quết dừa này.
Ảnh: Xanh TV.
3. Bún gỏi già Mỹ Tho
Bún gỏi già là một trong những món ăn hấp dẫn của vùng đất Tiền Giang gây ấn tượng với nhiều thực khách, bởi hương vị đặc trưng của tép, me chua và tương xay. Một bát bún gỏi già thường có bún, tôm, tép tươi hoặc sườn non, thịt ba chỉ, giá chần, nước lèo và một số loại rau ăn kèm như rau muống, rau chuối bào và rau hẹ, đặc biệt không thể thiếu nước chấm là mắm cá linh nguyên chất. Nước dùng của bún gỏi già được hầm bằng xương heo, tôm và thịt ba rọi. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà của nước lèo, chua thanh của me và béo bùi của đậu phộng, tôm, thịt…
Ảnh minh họa.
4. Cháo cá lóc rau đắng
Ảnh minh họa.
Cháo cá lóc rau đắng mang hương vị đặc trưng dân dã, có công dụng giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc chọn để nấu cháo phải là cá lóc đồng, tuy bé nhưng thịt chắc và thơm. Gạo nấu cháo phải là loại dẻo vừa, vị ngọt và có hương thật thơm. Gạo nấu cháo không vo và nấu ngay như cháo trắng mà phải được rang lên trên chảo đến khi hạt gạo vàng đều và bốc mùi thơm. Khi nấu, cá lóc được cho vào đun cùng với cháo để nước ngọt hơn và mùi thơm hòa quyện cùng nhau. Để tô cháo thêm phần hấp dẫn, sau khi đã nêm nếm đủ gia vị, người nấu sẽ cho thêm hành tím, hành lá, ngò rí xắt nhuyễn và cuối cùng là đĩa rau đắng. Dù rau có đắng nhưng khi ăn cùng với cháo thì lại vô cùng thơm và ngọt.
Ảnh minh họa.
5. Khô cá bông lau
Cá bông lau.
Cá bông lau có thể chế biến thành nhiều món ngon như cánh cá bông lau, lẩu cá bông lau… Trong đó, khô cá bông lau được xem như đặc sản Tiền Giang nổi tiếng. Món ăn trông bình dị, dân dã nhưng mang đến trải nghiệm ẩm thực vô cùng đặc sắc. Khô cá bông lau được phơi qua một nắng, có thể dùng để làm gỏi, kho với nước dừa hoặc ăn cùng bún tươi, cơm trắng đều ngon. Nếu như bạn vẫn chưa biết mua gì làm quà sau chuyến ghé thăm đến Tiền Giang thì khô cá bông lau là gợi ý tuyệt vời.
Khô cá bông lau.
6. Cá lóc nướng trui
Ảnh minh họa.
Cá lóc nướng trui là món ăn nổi tiếng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng. Cá lóc sau khi được bắt về, bẻ nhánh cây xỏ vào miệng cá tạo thành một cái xiên, dựng đứng xiên, đốt lửa lên nướng cho tới khi mùi cá chín thơm lừng là thưởng thức được. Ăn kèm với cá lóc nướng trui không thể thiếu chén nước mắm me hay muối ớt, vài ba lá rau sống đủ khiến thực khách khó quên với hương vị này.
7. Các món ăn từ ốc gạo Tân Phong
Ảnh minh họa.
Ốc gạo là đặc sản nổi tiếng của vùng Tân Phong – huyện Cai Lậy. Ốc gạo to, có vỏ xanh, ruột đầy. Sau khi thu hoạch ốc ở lưu vực Tân Phong, người dân thường làm món ốc luộc thơm ngon. Ốc luộc chấm nước mắm chanh ớt, thêm chút gừng cho ấm bụng và khử mùi tanh, tạo nên món ăn quen thuộc của nhiều bạn trẻ ở Tiền Giang. Ốc mới luộc còn nóng sẽ có màu vàng ươm, béo ngậy, ngọt thịt, giòn giòn. Ngoài ra, ốc gạo Tân Phong được chế biến thành nhiều món như ốc cháy tỏi, ốc um nước dừa, ốc rang bơ…
Ảnh minh họa.
8. Bánh vá (bánh giá) chợ Giồng
Chợ Giồng là tên xưa của chợ thị trấn Vĩnh Bình – huyện Gò Công Tây. Bánh vá chợ Giồng mang hương vị đậm chất miền Tây. Bánh vá ngon bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa vị béo của bột gạo, vị ngọt của tôm, giá, vị thơm của đậu phộng. Bên cạnh món bánh giá truyền thống, người dân địa phương nơi đây còn biến tấu thành nhiều loại bánh giá chay với nhân được làm từ đậu phộng, nấm rơm, nấm mèo… Bạn có thể ăn kèm bánh vá với nước mắm hay nước tương. Với những người ăn chay vẫn có thể dùng được món bánh giá thơm ngon này.
Ảnh: gocong.org.
Ảnh: gocong.org.
Ảnh minh họa: naunuong.net.
9. Bánh bèo chợ Hàng Bông (chợ Mỹ Tho)
Có dịp về thành phố Mỹ Tho, đến khu chợ Hàng Bông, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những gánh bánh bèo giản dị, dân dã và thân thuộc. Bánh bèo chợ Hàng Bông không chỉ nổi tiếng với du khách địa phương mà còn được nhiều du khách quốc tế biết đến. Tại đây có hai loại bánh cho bạn chọn là bánh bèo nhân ngọt và bánh bèo nhân mặn. Bánh bèo nhân ngọt có độ dẻo nhưng không nhão, thơm mùi nước cốt dừa và dứa. Bánh bèo nhân mặn thường được ăn kèm với đậu xanh, bì lợn xắt sợi, bánh mì chiên cắt hạt lựu và thêm hành phi, trước khi ăn phải rưới thêm nước mắm ớt chua ngọt.
Ảnh minh họa: Bánh bèo lá dứa.
Ảnh: Kattie Chen/Foody.
10. Chả nướng Chợ Gạo
Ảnh minh họa.
Chả nướng là một trong những món ăn thường xuất hiện trong các dịp Tết hay giỗ chạp của người Tiền Giang. Chả nướng Chợ Gạo được làm từ thịt nạc vai heo luộc vừa chín, cắt lát mỏng xào với hành tím và tỏi. Sau đó, trộn chung với trứng vịt, tiêu hạt, nước mắm ngon và các gia vị khác vừa ăn. Tất cả hỗn hợp này đều được cho vào trong nồi gang lót lá chuối rồi bắc lên bếp đun đến khi chả khô mặt, hết dính là được. Sau khi làm xong, có thể cắt chả thành từng miếng vừa ăn cuộn với bánh tráng, rau và xà lách chấm nước mắm pha chua ngọt. Bạn sẽ cảm nhận được vị chả nướng thơm, thịt ngọt đậm đà, càng ăn càng ghiền.
Ảnh minh họa.
11. Các món ăn làm từ sam biển Gò Công
Ảnh minh họa.
Sam biển là một trong những loại hải sản nổi tiếng ở vùng biển thuộc xã Vàm Láng, Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Sam biển có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính tầm một gang tay, tám chân càng nhỏ dưới bụng, phần đầu là mũi nhọn ba cạnh dài cỡ 20 cm. Từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, có dịp du lịch Tiền Giang vào đúng màu sam biển, du khách có thể thưởng thức các món ăn từ sam biển hấp dẫn. Với sam biển, người ta chế biến thành nhiều món như sam xào chua ngọt, sam nướng, sam hấp,… Đặc biệt là món sam nướng thơm ngon mà bạn nhất định phải thử, với thịt sam thơm nức mũi và trứng sam béo, bổ dưỡng, rưới một ít mỡ hành đậu phộng lên đĩa sam nướng. Bạn có thể ăn kèm sam nướng với bưởi chua tách múi, củ cải ngâm giấm, rau húng, rau răm, kèm nước mắm pha chanh, tỏi, ớt sẵn.
Ảnh: @ntvvirus.
12. Mắm tôm chà Gò Công
Ảnh minh họa.
Để làm nên món mắm tôm chà ngon phải chọn loại tôm đất có nhiều gạch. Sau khi giã nhuyễn tôm thì cho vào rổ và chà mạnh để vỏ tôm tách khỏi thịt. Sau đó phơi nắng tôm vài ngày. Chà qua lưới lỗ li ti để ép lấy phần thịt tôm, cho gia vị vào, đem phơi nắng tiếp một thời gian rồi để mát chừng nửa tháng nữa thì ăn được. Quan trọng là phải trải qua rất nhiều công đoạn mới cho ra món mắm tôm chà có màu đỏ tươi bắt mắt. Mắm tôm chà thường được pha chế thành loại nước chấm thơm ngon dùng trong các bữa cơm hay dùng ăn với các món cuốn, thịt luộc, bún… kèm rau sống đủ loại như khế, chuối xanh, dưa leo, ngò gai…
13. Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim
Ảnh minh họa.
Xã Vĩnh Kim thuộc địa phận huyện Châu Thành, nằm cách trung tâm thị trấn Tân Hiệp khoảng 22km, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 15 km về hướng Tây. Theo câu chuyện của người dân địa phương truyền tai nhau thì vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim được bắt nguồn từ một người làm nghề thợ rèn tại Long Hưng. Mùa của vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim từ khoảng tháng 9 kéo dài đến tháng 4 năm sau. Sở dĩ vú sữa tại đây nổi tiếng là do khi chúng chín mọng, to tròn lủng lẳng trên cành trông vô cùng thích mắt. Khi bổ trái vú sữa, bạn sẽ thấy một ít nước trắng đục như sữa trào ra, bên trong là thịt quả dày, hạt ít và nhỏ, có mùi thơm dịu đặc trưng và vị ngọt thanh mát. Nhiều du khách khi đến Châu Thành (Tiền Giang), thường mua loại vú sữa này mang về tặng cho người thân và bạn bè.
Đăng bởi: Phạm Thân Quang Vinh
Từ khoá: Top 13 món đặc sản Tiền Giang “ngon nức lòng” thực khách
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Top 13 món đặc sản Tiền Giang “ngon nức lòng” thực khách của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.