Theo ông Albenese, đất nước cần chủ động trong việc ngăn chặn các rủi ro trên Internet và việc tắt và bật lại điện thoại là một giải pháp đảm bảo an ninh mạng.
“Ai cũng cần có trách nhiệm và làm được điều đơn giản như tắt điện thoại chỉ 5 phút mỗi tối. Hãy làm điều đó hàng ngày, tắt máy khi đi đánh răng hay làm bất kỳ điều gì khác”, ông Anthony kêu gọi người dân tuần qua.
Lời khuyên của lãnh đạo Australia không phải không có cơ sở. Năm 2020, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ban hành bộ nguyên tắc hành động để bảo mật thiết bị di động, trong đó có nội dung khởi động lại điện thoại ít nhất mỗi lần một tuần giúp ngăn các vụ tấn công công nghệ cao.
Nhiều chuyên gia bảo mật cũng ủng hộ lời kêu gọi, cho rằng việc khởi động lại máy mỗi ngày sẽ phần nào có ích trong một số trường hợp nhất định. Tiến sĩ Priyadarsi Nanda, giảng viên cao cấp tại Đại học Công nghệ Sydney, chuyên gia về phát triển các vấn đề an ninh mạng, nói việc bật tắt điện thoại định kỳ giúp giảm thiểu rủi ro đáng kể. Máy khi đó phải đóng mọi ứng dụng hay chu trình chạy ngầm trên thiết bị, vốn có thể là công cụ độc hại đang thu thập dữ liệu, hành vi người dùng.
“Ai cũng biết chúng ta đang sử dụng smartphone rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Đa phần không có thói quen tắt máy, cứ để vậy dùng cả năm trời”, ông Nanda nói và lấy ví dụ những người sử dụng điện thoại thay đồng hồ báo thức có thể cần thiết bị ở trạng thái hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
Theo ông, người dùng có thể thường xuyên đóng các ứng dụng đang chạy ngầm nhưng một số chu trình độc hại có khả năng âm thầm vận hành trên thiết bị nhiễm mã độc và chỉ bị chặn bằng cách tắt hẳn máy.
“Nếu có một quy trình như vậy đang chạy, việc tắt điện thoại dù chỉ một lần sẽ phá vỡ chuỗi hoạt động, gây thất vọng cho tin tặc. Điều này có thể không hoàn toàn bảo vệ được người dùng nhưng đủ khiến kế hoạch của hacker gặp khó khăn hơn”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Arash Shaghaghi, giảng viên cao cấp về an ninh mạng tại đại học New South Wales (Anh), cho rằng khởi động điện thoại hàng ngày là thói quen hữu ích đầu tiên nhằm “khuyến khích người dùng áp dụng biện pháp an ninh” khi ngắt kết nối thiết bị, giảm thiểu rủi ro nhất định. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo về “cảm giác an toàn ảo”.
“Nếu mật khẩu của bạn bị lộ, tắt điện thoại cũng không an toàn. Các tài khoản vẫn có thể bị tấn công. Khi tin tặc nhắm tới một thiết bị cụ thể, việc ngắt kết nối chỉ đơn thuần là tình huống có phần bất tiện đối với kế hoạch của chúng”, ông nói. Trên thực tế, một số thành phần của điện thoại vẫn hoạt động ngay cả khi đã tắt thiết bị.
Theo ông, các cuộc tấn công tinh vi, khai thác lỗ hổng không cần click chuột (zero-click) không yêu cầu hành động từ phía người dùng mà tin tặc vẫn có quyền truy cập. “Khởi động smartphone có thể thách thức những kẻ tấn công, khiến chúng phải tìm phương án thay thế nhằm khai thác thiết bị khi máy được bật lên lần nữa”, ông Shaghaghi giải thích.
Ông cho rằng khởi động thiết bị thường xuyên sẽ có ích nếu máy không nhiễm phần mềm độc hại “cứng đầu” luôn đeo bám khi hoạt động. Để an toàn hơn, người dùng nên thận trọng với các ứng dụng mà họ cài đặt vào máy, cũng như quan tâm tới việc cấp quyền truy cập vào nội dung trên điện thoại.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thu-tuong-australia-hay-tat-dien-thoai-5-phut-moi-toi-4621408.html