Ngày 29/12/2023 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.
Theo đó quy định việc đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện; luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để triển khai đào tạo trực tuyến. Vậy sau đây là nội dung chi tiết Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT mời các bạn cùng theo dõi.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2023/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
THÔNG TƯ 30/2023/TT-BGDĐT
QUY ĐỊNH VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 06 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến bao gồm: nguyên tắc, nội dung, yêu cầu tối thiểu về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện các chương trình liên kết đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sau đây gọi chung là các cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đào tạo trực tuyến là hoạt động đào tạo (gồm hoạt động dạy, hướng dẫn, học tập, đánh giá) được tổ chức trên môi trường số thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
2. Đào tạo trực tuyến đồng bộ là hoạt động đào tạo trực tuyến, ở đó người dạy và người học cùng tham gia các hoạt động đào tạo tại cùng một thời điểm (thời gian thực) trên cùng một không gian học tập.
3. Đào tạo trực tuyến không đồng bộ là hoạt động đào tạo trực tuyến, ở đó người học có thể chủ động tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến trên cơ sở kế hoạch dạy học của người dạy.
4. Hệ thống đào tạo trực tuyến là hệ thống gồm các phần mềm, hệ thống học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý và tổ chức đào tạo thông qua môi trường Internet.
5. Học liệu đào tạo trực tuyến là tập hợp các tài liệu và tài nguyên được thiết kế để hỗ trợ quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường trực tuyến như: Giáo trình, bài giảng trực tuyến, hình ảnh và biểu đồ, tài liệu điện tử, tài liệu tham khảo, phần mềm và ứng dụng học tập, tài liệu hướng dẫn; phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, bài kiểm tra đánh giá.
Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu chung về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến
1. Phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trong đào tạo trực tuyến.
2. Đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện; luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để triển khai đào tạo trực tuyến.
3. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến, lấy lợi ích của người học làm trung tâm.
4. Cơ sở đào tạo có thể tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn thông tin cá nhân, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tối thiểu theo quy định của Thông tư này.
Điều 4. Nội dung đào tạo trực tuyến
Giám đốc, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định môn học, học phần trong các chương trình đào tạo của đơn vị thực hiện đào tạo trực tuyến trên cơ sở các quy định của Quy chế đào tạo các trình độ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung đào tạo trực tuyến có khối lượng, nội dung và cấu trúc kiến thức tương đương với các học phần thuộc chương trình đào tạo.
Chương II
YÊU CẦU TỐI THIỂU VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
Điều 5. Hệ thống phần mềm đào tạo trực tuyến
1. Cơ sở đào tạo sử dụng riêng hoặc kết hợp sử dụng giữa các phần mềm quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 của Điều này.
2. Phần mềm tổ chức đào tạo trực tuyến đồng bộ có chức năng tối thiểu sau:
a) Giúp người dạy tổ chức các hoạt động đào tạo trực tuyến đồng bộ; hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả người học tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ, chuyển tải học liệu đào tạo đến người học.
b) Giúp người học tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến; tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với người dạy và những người học khác trong cùng một không gian học tập.
3. Phần mềm tổ chức đào tạo trực tuyến không đồng bộ có chức năng tối thiểu sau:
a) Giúp người dạy lên kế hoạch đào tạo trực tuyến không đồng bộ, chuyển tải học liệu tới người học, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; theo dõi và hỗ trợ người học khai thác nội dung học tập; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của người học.
b) Cho phép người học truy cập, khai thác nội dung học tập; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của người dạy; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với người dạy và các người học khác trong cùng không gian học tập.
c) Cho phép cơ sở đào tạo quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của người học và các hoạt động dạy của người dạy; ghi nhận một cách trung thực, chính xác quá trình học tập của từng người học; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo yêu cầu cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý giáo dục.
4. Phần mềm quản lý nội dung học tập trực tuyến bao gồm các chức năng như phần mềm tổ chức đào tạo trực tuyến không đồng bộ (quy định tại Khoản 3 Điều này) và chức năng cho phép người dạy thiết kế nội dung học tập, học liệu đào tạo trực tuyến.
5. Phần mềm đào tạo trực tuyến mở đại chúng (MOOC) bao gồm các chức năng như hệ thống phần mềm tổ chức đào tạo trực tuyến không đồng bộ (theo quy định tại Khoản 3 Điều này) và chức năng cung cấp đa dạng về nội dung và hình thức tổ chức khóa học trực tuyến; được áp dụng đào tạo trực tuyến trên quy mô lớn về người học, người dạy, cơ sở đào tạo.
Điều 6. Học liệu đào tạo trực tuyến
1. Nội dung của học liệu đào tạo trực tuyến phải đáp ứng các yêu cầu của chương trình đào tạo, có tính sư phạm, dễ dùng, đáp ứng được nhu cầu tự học của người học.
2. Có giải pháp đánh giá, kiểm soát để thường xuyên cập nhật nâng cao chất lượng của học liệu.
3. Học liệu đào tạo trực tuyến phải được tổ chức thẩm định trước khi đưa vào sử dụng. Cơ sở đào tạo có thể tự xây dựng hoặc hợp tác với các cơ sở đào tạo trong phát triển, chia sẻ sử dụng học liệu và các khoá học trực tuyến.
Điều 7. Nhân lực triển khai đào tạo trực tuyến
1. Nhân lực triển khai đào tạo trực tuyến gồm: người dạy, đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống, đội ngũ thiết kế và sản xuất học liệu, đội ngũ cố vấn và giáo vụ.
2. Người dạy phải có kỹ năng đào tạo trực tuyến như: quản lý, định hướng, hướng dẫn và giải đáp người học qua phương thức đào tạo trực tuyến; sử dụng thành thạo hệ thống quản lý học tập trực tuyến và các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ đào tạo trực tuyến.
3. Đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến phải am hiểu các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo; được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ để quản trị, vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn.
4. Đội ngũ thiết kế và sản xuất học liệu phải am hiểu quy trình thiết kế, quy trình sản xuất học liệu; sử dụng thành thạo các công cụ để tổ chức thiết kế, xây dựng học liệu phục vụ đào tạo trực tuyến.
5. Đội ngũ làm cố vấn và giáo vụ học tập phải am hiểu các hoạt động của đào tạo trực tuyến, thực hiện hướng dẫn người học biết cách tham gia và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trước khi tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình học tập của người học.
Điều 8. Hạ tầng và an toàn thông tin đối với hệ thống đào tạo trực tuyến
1. Hạ tầng của hệ thống đào tạo trực tuyến phải đáp ứng các nhu cầu về quản lý, khai thác sử dụng cho các hoạt động đào tạo trực tuyến; bảo đảm đủ băng thông, đủ năng lực máy chủ; đáp ứng các điều kiện về an toàn thông tin theo quy định.
2. Cơ sở đào tạo phải triển khai giải pháp bảo đảm các quy định về an toàn thông tin mạng, sở hữu dữ liệu; khai thác, sử dụng dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân trong đào tạo trực tuyến.
Điều 9. Bảo đảm truy cập của người dùng
Người học, người dạy phải được đảm bảo về thiết bị học trực tuyến, kết nối Internet để tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến.
Điều 10. Bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến:
1. Có quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến theo yêu cầu của chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Nội dung khóa học được thiết kế và cập nhật thường xuyên để bảo đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học.
3. Có giải pháp hỗ trợ và trả lời yêu cầu của người học, người dạy; có cơ chế tiếp nhận và giải đáp ý kiến từ người học, người dạy và các tổ chức, cá nhân có liên quan để đo lường sự hài lòng của người sử dụng.
Điều 11. Quy chế tổ chức đào tạo trực tuyến
Giám đốc, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng và ban hành quy chế tổ chức đào tạo trực tuyến nhằm tổ chức, quản lý đào tạo trực tuyến có chất lượng và hiệu quả, trong đó có các quy định về:
1. Nội dung đào tạo trực tuyến; phương thức tổ chức dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo.
2. Quản lý, vận hành, khai thác sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến.
3. Năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ nhân lực triển khai đào tạo trực tuyến.
4. Sở hữu trí tuệ của học liệu, sở hữu dữ liệu, bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, xác thực danh tính, mã hóa dữ liệu và quản lý quyền truy cập.
5. Công nhận tín chỉ trên hệ thống đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo và các hệ thống đào tạo trực tuyến khác.
6. Tiếp nhận, phản hồi ý kiến của người học, người dạy và đánh giá sự hài lòng của người dùng trong quá trình đào tạo trực tuyến.
7. Quy trình lưu trữ hồ sơ, giám sát, kiểm tra đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến; quy trình cải thiện nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến.
8. Các quy định có liên quan khác.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trách nhiệm của Giám đốc, Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo
1. Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Quyết định áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của nội dung đào tạo trực tuyến để bảo đảm chất lượng đào tạo; chịu trách nhiệm về chương trình, nội dung, chất lượng đào tạo trực tuyến.
3. Tạo điều kiện để người dạy, đội ngũ quản trị hệ thống, đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật, đội ngũ cố vấn học tập, đội ngũ thiết kế và sản xuất học liệu được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công việc được giao.
4. Tổ chức đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến thông qua kênh phản hồi của người học, người dạy, cán bộ hỗ trợ để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp; thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Ban hành quy chế tổ chức đào tạo trực tuyến.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 02 năm 2024.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 4 năm 2016 quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc, Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo có triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG Hoàng Minh Sơn |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.