Thiên thạch nặng 454 kg phát nổ trên bầu trời Texas và vỡ thành nhiều mảnh vào chiều ngày 15/2, theo xác nhận của NASA. Thiên thạch có đường kính 60 cm và cư dân ở McAllen, phía nam Texas, báo cáo nghe thấy tiếng động lớn khi vật thể tan vỡ. Các chuyên gia NASA cho biết góc rơi, tốc độ bay qua khí quyển cùng với dấu hiệu từ ảnh chụp bằng radar thời tiết phù hợp với các vụ thiên thạch rơi tự nhiên khác.
Cơ quan thời tiết quốc gia ở Brownsville, Texas, chia sẻ hệ thống vệ tinh chuyên dùng để theo dõi sét của họ cũng phát hiện thiên thạch. Nhiều khả năng vật thể không rơi trực tiếp xuống đất bởi nhà chức trách địa phương không tìm thấy khu vực va chạm nào. Một số cư dân nhầm tưởng vụ nổ thiên thạch với động đất.
Cảnh sát trưởng Cesar Torres cho biết đường dây 911 ở địa phương nhận được nhiều cuộc gọi từ cư dân báo cáo về tiếng nổ lớn khiến nhà họ rung chuyển. Cư dân ở quận Hidalgo nghe thấy âm thanh giống tiếng sấm và trông thấy thiên thạch rơi. Ngoài ra, hai phi công bay gần Houston cũng trông thấy thiên thạch.
Trên thực tế, có khoảng 17.000 thiên thạch rơi xuống Trái Đất mỗi năm. Một yếu tố khiến chúng khó quan sát là kích thước. Phần lớn thiên thạch sẽ bốc cháy trong quá trình rơi qua khí quyển Trái Đất. Rất hiếm trường hợp thiên thạch rơi xuống đất và gây ra thiệt hại lớn.
Vụ va chạm lớn nhất thời hiện đại xảy ra ở Siberia cách đây 114 năm. Theo EarthSky, vụ nổ Tunguska tạo ra đủ năng lượng để giết chết tuần lộc và san bằng 80 triệu cây trên khu vực rộng 2.150 km2. May mắn là tai nạn xảy ra ở vùng hẻo lánh tương đối ít người. Nếu xảy ra ở khu vực đông dân như New York, vụ nổ có thể phá hủy toàn thành phố, làm bay hơi mọi thứ trong bán kính va chạm.
An Khang (Theo Guardian)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thien-thach-gan-nua-tan-phat-no-phia-tren-texas-4572536.html