Năm 1639, vào một buổi chiều nhiều mây ở Anh, Jeremiah Horrocks trở thành người đầu tiên dự đoán chính xác quá trình sao Kim bay qua phía trước Mặt Trời (quá cảnh) và đo khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất. Công trình của ông lần đầu tiên chứng minh rằng Trái Đất không phải trung tâm của vũ trụ mà quay quanh Mặt Trời, bác bỏ quan niệm phổ biến thời đó và đặt nền móng cho công trình đột phá của Isaac Newton về lực hấp dẫn.
Nhưng ngày nay, Horrocks gần như bị lãng quên. Rất ít người biết đến những đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực thiên văn học. Công trình của Horrocks chưa từng được xuất bản suốt thời gian ông còn sống. Ông cũng chưa từng được công nhận rộng rãi về những thành tựu toán học rực rỡ của mình.
“Nếu không có Horrocks, Newton sẽ không có sẵn các mảnh ghép. Nhưng ông ấy gần như bị quên lãng, ngoại trừ với những người yêu thích thiên văn”, tiến sĩ Matt Bothwell, nhà thiên văn tại Đại học Cambridge, nhận định.
Một vở kịch mới mang tên Horrox, dự kiến diễn ra tại nhà hát ADC của Đại học Cambridge từ ngày 28/3 đến 1/4/2023 trong Lễ hội Cambridge, sẽ khẳng định lại vị thế xứng đáng của Horrocks trong lịch sử. Nhà soạn kịch David Sear miêu tả, Horrocks là thiên tài người Anh giúp thay đổi cách con người nhìn nhận vũ trụ.
Nội dung vở kịch bắt đầu vào năm 1632, khi Horrocks đi bộ đến Đại học Cambridge. “Ở tuổi 14 hoặc 15 – không ai có thể chắc chắn về con số này – ông ấy đã đi bộ từ Lancashire đến Cambridge để nghiên cứu những vì sao”, Sear chia sẻ.
“Trước Jeremiah Horrocks, chúng ta không rõ về quy mô vũ trụ. Ông ấy là người đầu tiên chứng minh rằng Trái Đất không phải trung tâm của tạo hóa, phá vỡ những điều quan trọng trong giáo lý Cơ Đốc giáo”, Sear nói thêm.
Horrocks chào đời tại Lancashire, Anh, năm 1618 và là con của một thợ sửa đồng hồ. Khoảng năm 1632, ông trúng tuyển vào Trường Emmanuel thuộc Đại học Cambridge với tư cách là sizar – sinh viên được nhận trợ cấp tài chính và phải phụ giúp một số công việc.
“Horrocks đã xin và mượn sách từ nhiều trường thuộc Đại học Cambridge khác nhau. Ở độ tuổi của ông, với trình độ toán học như vậy và khả năng thực hiện những quan sát đáng kinh ngạc bằng kính viễn vọng thô sơ rồi đưa ra các kết luận làm đảo lộn niềm tin khoa học và tôn giáo xưa nay về bản chất vũ trụ, ông là một thiên tài và đi trước thời đại 400 năm”, Sear nhận xét.
Horrocks đạt bước đột phá quan trọng về toán học vào năm 1639, khi mới 20 tuổi. “Ông ấy tìm ra sai sót trong tính toán của nhà thiên văn nổi tiếng Johannes Kepler và sửa lại nó”, Sear cho biết. Sự chỉnh sửa này hé lộ, chuyến quá cảnh tiếp theo của sao Kim sẽ xảy ra trong vài ngày tới và sẽ không lặp lại cho đến năm 1761. “Horrocks là người duy nhất biết điều đó sẽ xảy ra”, Sear nói.
Horrocks vội vàng thông báo cho bạn mình, William Crabtree, một người bán vải và cũng là nhà thiên văn nghiệp dư ở Manchester. Cả hai gấp rút phối hợp và nắm bắt cơ hội hiếm có để quan sát sao Kim từ hai địa điểm khác nhau, ghi lại những phép đo trọng yếu mà các nhà thiên văn học khác bỏ sót.
“Cách duy nhất để bạn đo khoảng cách đến Mặt Trời vào thời điểm đó là phải hiểu rõ một vật thể giữa Trái Đất và Mặt Trời, sau đó lập lưới tam giác để đo đạc”, Sear cho biết.
Tuy nhiên, công trình vĩ đại của Horrocks về sự quá cảnh của sao Kim gần như đã thất lạc vĩnh viễn. Chỉ có một bản viết tay bằng tiếng Latin còn tồn tại sau cuộc nội chiến (1642 – 1651) và Đại hỏa hoạn London năm 1666. Bản viết này từng được truyền từ nhà thiên văn này sang nhà thiên văn khác 20 năm sau cái chết của Horrocks và mãi đến năm 1662 mới được xuất bản, trong phần phụ lục cho nghiên cứu của một nhà thiên văn Ba Lan.
“Không ai hiểu tầm quan trọng của công trình mà Horrocks nghiên cứu cho đến khi Newton tìm hiểu nó”, Sear cho biết.
Năm 1687, Newton thừa nhận tầm quan trọng của các quan sát của Horrocks trong cuốn sách “Principa”. “Newton sẽ không thể hoàn thành công trình của mình về lực hấp dẫn nếu Horrocks không thực hiện những quan sát này trước đó”, Sear nhận định.
Sear cho rằng lý do chính khiến Horrocks không có được sự công nhận xứng đáng là ông qua đời quá sớm. Ông mất đột ngột vào tháng 1/1641 chưa rõ nguyên nhân, khi mới khoảng 22 tuổi. Điều này khiến Horrocks không có cơ hội xuất bản nghiên cứu của mình và được các nhà thiên văn khác công nhận, do đó không được ca ngợi rộng rãi vì những khám phá của mình như Kepler hay Galileo.
Thu Thảo (Theo Guardian)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/thien-tai-bi-quen-lang-giup-thay-doi-hieu-biet-ve-vu-tru-4583203.html