Hội thi Thủ lĩnh Sinh viên toàn quốc lần thứ III năm 2020 bắt đầu từ 20/7/2020. Vòng cấp trường được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với 50 câu hỏi trong thời gian 15 phút, cần đạt tối thiểu 30 điểm để đủ điều kiện tham gia phần 2.
Chi tiết mời các bạn tham khảo thể lệ cuộc thi Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc trong bài viết dưới đây. Bên cạnh đó, còn có thể tham gia thêm Cuộc thi tìm hiểu 75 năm Đảng bộ tỉnh Gia Lai
Thể lệ Hội thi Thủ lĩnh Sinh viên toàn quốc năm 2020
THỂ LỆ
Hội thi “Thủ lĩnh Sinh viên toàn quốc lần thứ III – năm 2020”
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 22 -KH/ TWHSV ngày 03 tháng 7 năm 2020)
I. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CÁC VÒNG THI
1. Vòng 1 – Cấp trường
1.1. Phần 1
– Nội dung: Kiến thức chung về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội, công tác đối ngoại; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X; Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam.
– Hình thức thi: Trắc nghiệm trực tuyến thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Mỗi cán bộ Hội tham gia trả lời 50 câu hỏi trong thời gian 15 phút. Trả lời đúng được 1 điểm, trả lời sai không có điểm. Tổng số điểm cho phần thi là 50 điểm. Tổng điểm số và thời gian được ghi nhận là thành tích xếp hạng của thí sinh. Thí sinh cần đạt tối thiểu 30 điểm để đủ điều kiện tham gia phần 2.
– Quy định của phần thi:
+ Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký sử dụng một tài khoản và cung cấp đầy đủ, đúng các thông tin bắt buộc; mỗi tài khoản được dự thi 01 lần duy nhất.
+ Nghiêm cấm việc nhờ người khác thi hộ, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký tham gia thi, nếu bị phát hiện sẽ bị hủy kết quả thi và đề nghị tổ chức Hội cấp trên có hình thức xử lý.
+Thí sinh có thể tham gia thi vào bất cứ thời gian nào trong khung thời gian mà Ban tổ chức quy định.
+ Ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm trong các trường hợp thí sinh đang thi mà xảy ra lỗi mất kết nối do đường truyền mạng hoặc lỗi do thiết bị tham gia dự thi.
1.2. Phần 2
– Nội dung thi: Hiểu biết về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa phương, đơn vị; Hiểu biết về thực tế công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên của địa phương và đơn vị; Kiểm tra thể lực; Biểu diễn tài năng của cán bộ hội.
– Hình thức thi: Hội Sinh viên cấp trường, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị tổ chức phần thi sát hạch cán bộ Hội theo một trong các hình thức: phỏng vấn, bảo vệ kế hoạch, giải quyết tình huống, bài thi tự luận… (hình thức thi không trùng lắp với Vòng 2; có thể phối hợp tổ chức theo cụm đơn vị). Điểm số tối đa của phần thi này là 50 điểm.
– Quy định của phần thi: Thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài (đạt tối thiểu 30 điểm ở Phần 1) được miễn tham gia thi Phần 2.
1.3. Kết quả
Sau khi kết thúc vòng thi, Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố, Hội Sinh viên các trường trực thuộc Trung ương và Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài lựa chọn các thí sinh có điểm số cao nhất tham dự Vòng 2. Cụ thể:
– Hội Sinh viên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng: mỗi đơn vị lựa chọn tối thiểu 20 thí sinh xuất sắc nhất cùng với nhóm thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường tham dự Vòng 2.
– Hội Sinh viên Việt Nam 25 tỉnh, thành phố còn lại: mỗi đơn vị lựa chọn tối thiểu 10 thí sinh xuất sắc nhất cùng với nhóm thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường tham dự Vòng 2.
– Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài: mỗi đơn vị lựa chọn tối đa 02 thí sinh xuất sắc nhất cùng với nhóm thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tham dự Vòng 2.
2. Vòng 2 – Cấp tỉnh, thành phố
2.1.Đối với thí sinh là cán bộ hội thuộc Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương và Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài
– Nội dung thi: Hiểu biết về công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên; Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội nơi thí sinh công tác.
– Hình thức thi:
+ Phần thi Xây dựng kế hoạch: Thí sinh xây dựng kế hoạch triển khai một hoạt động cụ thể tại cấp bộ Hội nơi mình đang công tác theo một trong các chủ đề: hoạt động tạo môi trường cho sinh viên sáng tạo/nghiên cứu khoa học/khởi nghiệp và gửi về Văn phòng Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trước ngày 11/9/2020.
Ban Giám khảo do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thành lập sẽ chấm điểm kế hoạch dự thi của thi sinh. Điểm số tối đa của phần thi này là 50 điểm.
20 thí sinh có điểm phần thi Xây dựng kế hoạch cao nhất sẽ tham gia phần thi Bảo vệ kế hoạch.
+ Phần thi Bảo vệ kế hoạch: Ngày 18/9/2020, thí sinh bảo vệ kế hoạch trước Ban Giám khảo theo hình thức trực tuyến. Mỗi thí sinh có tối đa 07 phút trình bày bài thi. Sau phần trình bày của thí sinh, Ban giám khảo có thể đặt tối đa 03 câu hỏi để làm rõ nội dung. Điểm số tối đa của phần thi bảo vệ kế hoạch là 50 điểm. Điểm của thí sinh là điểm trung bình cộng của Ban giám khảo.
2.2. Đối với thí sinh là cán bộ Hội Sinh viên các trường trực thuộc Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố
– Nội dung thi: Hiểu biết về công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên; Giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội địa phương, đơn vị; biểu diễn tài năng của cán bộ hội.
– Hình thức thi: Thí sinh tham gia thi trực tiếp tại hội đồng do Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố thành lập.
Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức vòng thi theo các hình thức đa dạng như sân khấu hóa; tự luận; làm việc nhóm; vận động ngoài trời… hoặc thi theo hình thức lập và bảo vệ kế hoạch như Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc. Vòng thi phải đảm bảo tính thiết thực, hấp dẫn và đánh giá toàn diện năng lực của cán bộ hội. Điểm số tối đa của phần thi này là 100 điểm.
– Quy định của vòng thi: Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố đăng ký với Ban Tổ chức về hình thức và thời gian tổ chức thi Vòng 2 trước ngày 17/8/2020.
2.3. Kết quả
– Sau khi kết thúc vòng thi, Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố, lựa chọn các thí sinh có điểm số cao nhất tham dự Vòng 2. Cụ thể:
+ Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng: mỗi đơn vị lựa chọn 02 thí sinh xuất sắc nhất.
+ Hội Sinh viên Việt Nam 25 tỉnh, thành phố còn lại: mỗi đơn vị lựa chọn 01 thí sinh xuất sắc nhất.
– Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam lựa chọn từ các trường trực thuộc ở mỗi khu vực (Bắc, Trung, Nam) 01 thí sinh xuất sắc nhất và 01 thí sinh xuất sắc nhất từ Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Các địa phương, trường hỗ trợ chi phí đi lại cho thí sinh, riêng thí sinh thuộc Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài sẽ được Ban Tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí di chuyển. Ban tổ chức Hội thi chuẩn bị các điều kiện ăn, nghỉ, di chuyển của thí sinh trong quá trình dự thi vòng chung kết toàn quốc.
3. Vòng thi phụ
– Nội dung thi: Thi video clip giới thiệu bản thân, giới thiệu công tác Hội và phong trào sinh viên của đơn vị (tùy chọn cấp tỉnh hoặc cấp trường), thông điệp của thí sinh đến với Vòng Chung kết toàn quốc của hội thi.
– Hình thức thi: Mỗi thí sinh thực hiện 01 video clip có thời lượng từ 1 đến 2 phút và gửi về Văn phòng Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trước ngày 24/9/2020 để tham gia bình chọn trực tuyến trên Fanpage của Trung ương Hội. Thời gian bình chọn bắt đầu lúc 20g00 ngày 25/9/2020 và kết thúc lúc 20g00 ngày 29/9/2020. Top 5 thí sinh có lượt thích (like) lớn nhất sẽ nhận giải thưởng bình chọn.
4. Vòng Chung kết toàn quốc
4.1. Nội dung thi
+ Kiến thức: Kiến thức chung về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội, công tác đối ngoại; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đoàn lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam.
+ Kỹ năng: Thực hiện kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, kỹ năng xử lý các tình huống trong hoạt động Hội, kỹ năng thu hút tập hợp sinh viên và các kỹ năng khác như giao tiếp, thuyết trình, hoạt động nhóm, năng khiếu cá nhân…
4.2. Hình thức thi
– Thi kiến thức cá nhân
Phần thi Thủ lĩnh trí tuệ: mỗi thí sinh tham gia trả lời 50 câu hỏi dạng trắc nghiệm và tự luận (trong đó có 02 câu hỏi bằng Tiếng Anh) về kiến thức chung và những hiểu biết về công tác Hội và phong trào sinh viên. Thời gian suy nghĩ và trả lời mỗi câu hỏi từ 15 giây đến 30 giây. Trả lời đúng mỗi câu hỏi được 5 điểm, trả lời sai hoặc không đưa ra đáp án không có điểm. Điểm số tối đa của phần thi này là 250 điểm.
– Thi đội nhóm phối hợp: 35 thí sinh được chia làm 7 đội và tham gia các phần thi.
+ Phần thi Tầm nhìn thủ lĩnh: Mỗi đội thi sẽ chuẩn bị, trình bày và bảo vệ 01 chuyên đề trước Ban Giám khảo. Ban Giám khảo đặt tối đa 3 câu hỏi để làm rõ phần trình bày và đánh giá điểm của các đội thi. Điểm số của đội thi cũng là điểm số tương ứng của mỗi thành viên trong đội. Điểm số tối đa của phần thi này là 100 điểm.
+ Phần thi Hành trình thủ lĩnh: các đội thi tham gia một hành trình dạng trò chơi lớn, thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết tình huống cụ thể, kỹ năng tiếp cận, vận động sinh viên… Điểm số của đội thi cũng là điểm số tương ứng của mỗi thành viên trong đội thi. Điểm số tối đa của phần thi này là 100 điểm.
– Thi đối kháng sân khấu
05 thí sinh có tổng điểm cao nhất sau 3 phần thi trên sẽ tham dự phần thi Thủ lĩnh tỏa sáng. Tổng điểm sau 3 phần thi sẽ là điểm số khởi đầu cho phần thi Thủ lĩnh tỏa sáng.
Phần thi Thủ lĩnh tỏa sáng: 05 thí sinh trình bày giải pháp thực hiện 01 hoạt động cụ thể trong công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam mà thí sinh đánh giá là cần thiết nhất đối với sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Mỗi thí sinh có tối đa 05 phút trình bày ý tưởng. Thời gian quá 15 giây trừ 05 điểm. Sau phần trình bày ý tưởng, thí sinh trả lời các câu hỏi từ Ban Giám khảo. Điểm số tối đa của phần thi này là 100 điểm. Thí sinh có điểm cao nhất là người giành chiến thắng. Trường hợp thí sinh có cùng số điểm sẽ phân định bằng câu hỏi phụ.
III. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải cá nhân
– 01 giải nhất: 15.000.000đ + Bằng khen BCH Trung ương Hội SVVN
– 01 giải nhì: 10.000.000đ + Bằng khen BCH Trung ương Hội SVVN
– 01 giải ba: 5.000.000đ + Bằng khen BCH Trung ương Hội SVVN
– 02 giải khuyến khích: 3.000.000đ/giải + Bằng khen của BCH Trung ương Hội SVVN.
– Giấy chứng nhận tham gia Hội thi “Thủ lĩnh sinh viên” cho các thí sinh tham gia vòng chung kết toàn quốc.
2. Giải tập thể
02 giải cho Hội Sinh viên cấp tỉnh, thành phố có tỉ lệ cán bộ hội tham gia dự thi cao nhất trị giá: 5.000.000đ/giải.
02 giải cho Hội Sinh viên cấp trường có điểm trung bình phần thi trực tuyến cao nhất (xét đối với các đơn vị đạt điểm trung bình từ 30 điểm trở lên) trị giá: 5.000.000đ/giải.
3. Giải bình chọn
05 giải thí sinh có video clip giới thiệu được yêu thích nhất trị giá: 2.000.000đ/giải
IV. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
– Trong quá trình tổ chức Hội thi, nếu gặp những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sửa đổi, bổ sung nội dung trong các Thông báo của Hội thi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
– Ban Giám khảo căn cứ Thể lệ, thang điểm và những nội dung sửa đổi, bổ sung của Ban Tổ chức để thống nhất việc chấm điểm, đánh giá thí sinh qua các phần thi.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thể lệ Hội thi “Thủ lĩnh Sinh viên toàn quốc” năm 2020 Hội thi Thủ lĩnh Sinh viên toàn quốc lần thứ III của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.