Kể một câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời gồm 4 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 4 rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.
Tinh thần lạc quan, yêu đời còn thể hiện ở sự ham thích thể thao, văn nghệ, ưa hoạt động, ưa hài hước, những hoàn cảnh không may mắn nhưng vẫn tha thiết với cuộc sống, phấn đấu để vượt qua. Các em có thể tìm các câu chuyện trong sách báo, trong đời sống… Mời các em cùng theo dõi bài viết để chuẩn bị thật tốt cho tiết Kể chuyện đã nghe, đã đọc tuần 33.
Đề bài: Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về tinh thần lạc quan, yêu đời – Kể chuyện đã nghe, đã đọc (SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 146).
Dàn ý Kể một câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời
1. Mở bài
- Giới thiệu câu chuyện.
2. Thân bài
- Nêu tên câu chuyện
- Nêu tên nhân vật
- Kể lại diễn biến câu chuyện
- Kể kết cục và ý nghĩa của câu chuyện.
3. Kết bài.
- Cảm nhận của em về câu chuyện đó
Kể câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời – Mẫu 1
Em rất khâm phục những người chiến sĩ cách mạng vì ở họ toát lên một sự dũng cảm, kiên cường, vững vàng như sắt đá mà không phải người nào cũng có. Người chiến sĩ cách mạng em yêu quý và kính trọng nhất chính là Bác Hồ.
Tháng 8 năm 1942, sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng và trên đường sang Trung quốc, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm trời. Bị giam cầm, mất tự do và chắc chắn Bác còn phải chịu cả những trận đòn roi tra tấn, những chặng đường tù dài dằng dặc. Thế nhưng, ở Bác vẫn có một tâm hồn rộng mở gắn bó với thiên nhiên. Bác vẫn làm thơ, ngắm trăng, thưởng thức cảnh đẹp hiếm có của đất trời.
Điều ấy cho em hiểu là dù thân thể bác ở trong tù nhưng tâm hồn của Bác lại vẫn lạc quan, yêu đời và tự do.
Kể câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời – Mẫu 2
Bố mẹ em vẫn gọi chú là chú Trực. Chú là thương binh tại mặt trận Lạng Sơn năm 1980, bị pháo giặc tiện mất một chân phải và tay phải.
Khi chú đang nằm điều trị ở Quân y viện thì người yêu đi lấy chồng. Sau này, chú nói “cái tin ấy” làm cho chú bàng hoàng, đau đớn như bị trọng thương một lần nữa.
Sau hai năm ở Trại Thương binh, gia đình đón chú về quê. Tuy có lương thương binh, được bố mẹ chăm sóc, nhưng chú Trực đã trải qua những tháng ngày đau buồn, mặt mũi cứ héo hon lại mãi. Chú nói: Chuyện “Số phận con người” của nhà văn Nga như lôi chú thoát ra khỏi cơn ác mộng….
Năm 1990, chú xin dự thi vào trường Đại học tại chức, Khoa Chăn nuôi. Năm năm học hành vất vả, chú đã tốt nghiệp loại ưu, được về nhận công tác tại Sở Nông lâm nghiệp của tỉnh. Hiện nay, chú đã có vợ và hai con. Cô Xuân, vợ chú Trực là giáo viên Trung học cơ sở.
Anh Hùng thi Đại học trượt vỏ chuối, buồn thỉu buồn thiu. Chuyện này bà kể cho anh Hùng nghe. Em đã ghi lại. Bà nhắc: “Cháu chẳng phải học ai đâu xa. Học chú Trực; học mà cố gắng. Đường đời còn rộng mở. Cháu mới 19 tuổi thôi mà”.
Kể câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời – Mẫu 3
Tháng 8 năm 1942, trên đường đi công tác từ Cao Bằng sang Trung Quốc, Bác Hồ đã bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị giải qua mấy chục nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Chính trong thời gian bị tù đày này Bác Hồ đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật kí trong tù) với hơn một trăm bài thơ. Đọc tập thơ này, chúng ta thấy rất rõ tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác Hồ kính yêu.
Cuộc sống trong tù rất gian khổ. Bác đã ghi lại nỗi gian khổ đó trong nhiều bài thơ như: Cơm tù, Cái cùm, Giải đi sớm. Ghẻ lở, Bốn tháng rồi… Qua các bài thơ này ta thấy Bác đã bị xích xiềng, bị bệnh tật, bị đói khát:
Bốn tháng cơm không no
Bốn tháng đêm thiếu ngủ
Bốn tháng áo không thay
Bốn tháng không giặt giũ
Cho nên
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thêm mấy phần
Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân
Tuy nhiên, giữa chốn địa ngục ở trần gian ấy, Bác vần giữ vững được tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng đó thể hiện ở thái độ ung dung ngắm trăng:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Ở tư thế hào hứng đón nhận cảnh bình minh:
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng
Bác suy nghĩ về hoàn cảnh bị giam cầm của mình và thấy:
Ví không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân?
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng
Bác coi gian khó, tù đày cũng như mùa đông lạnh giá. Mùa đông lạnh giá rồi cũng sẽ qua đi và mùa xuân rực rỡ tươi đẹp sẽ tới. Những ngày tối tăm tù ngục rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ có ngày Bác lại được tự do đấu tranh cho cách mạng dân tộc và nhất định Người sẽ cùng cả đất nước Việt Nam đi tới thắng lợi như đi tới một mùa xuân mới.
Đó chính là lòng lạc quan, yêu đời, tin tưởng ở thắng lợi của Bác Hồ. Thực tế thắng lợi lớn lao của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần lạc quan, tin tưởng của Người là có cơ sở thật vững chắc. Mỗi chúng ta đều cần phải học tập tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác để tiến lên.
Kể câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời – Mẫu 4
Ở gần nhà tôi có ông Nam là người rất vui tính. Năm nay, ông Nam đã ngoài sáu mươi tuổi, tuy ông đã về hưu nhưng ông vẫn còn hăng hái với công việc vì thế Ủy ban phường đã mời ông ra làm việc với cương vị là phó Chủ tịch Mặt trận phường.
Một lần, mẹ đưa tôi lên phường để nộp giấy sinh hoạt hè. Tình cờ tôi nhìn thấy ông Nam đang vui vẻ giải quyết về việc hai căn hộ tranh chấp nhau về đất đai. Nhìn cách nói và vẻ mặt “khôi hài” cùng với tính chất nghiêm túc của công việc, tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự giải quyết của ông. Với cách nói dí dỏm và thấu tình đạt lí của ông, cả hai gia đình đã bắt tay nhau hòa giải.
Ông Nam là người rất vui tính, đặc biệt ai đã nghe thấy tiếng cười của ông đều cảm thấy vui lây. Ông thường bảo mọi người:
“Sống phải vui, phải hay cười thì mới sống lâu được. Một tiếng cười bằng mười viên thuốc bổ đấy!”
Tối về nhà, ông thường bảo tôi sang nhà ông cùng với mấy đứa cháu của ông học đánh đàn. Trước đây khi còn trẻ, ông là tay đàn ghita cừ khôi của nhạc viện thành phố. Tiếng đàn của ông trong trẻo, réo rắt, len lỏi vào tâm hồn con người, khiến người ta quên hết mệt mỏi, thêm yêu cuộc sống.
Cả phường tôi đều rất yêu quý ông Nam. Hễ gia đình nào có mâu thuẫn, ông đều tìm đến hòa giải. Ông còn làm cho mọi người trong gia đình cười một phen “bể bụng” vì những câu chuyện khôi hài của ông.
Riêng tôi, tôi rất kính trọng ông Nam. Tuy già nhưng ông rất vui tính, ông đã làm cho những người dân ở phường tôi thêm yêu thương nhau hơn và đặc biệt ở mọi nơi lúc nào cũng có những tiếng cười vui vẻ
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 4: Kể một câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời Dàn ý & 4 mẫu Kể chuyện đã nghe đã đọc lớp 4 – Tuần 33 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.