Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật giúp các em học sinh lớp 4 nhanh chóng lập dàn ý chi tiết tả một con vật nuôi trong nhà như con chó, con gà, con chim bồ câu, con vẹt….
Qua đó, các em sẽ nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt Lớp 4 tập 2 trang 112. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Tập làm văn tuần 29 cho học sinh của mình. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn:
Hướng dẫn giải phần Nhận xét SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 112, 113
Câu 1
Đọc bài sau:
Con Mèo Hung
“Meo, meo”. Đấy, chú bạn mới của tôi lại đến chơi với tôi đấy.
Chà, nó có bộ lông mới đẹp làm sao! Màu lông hung hung có sắc vằn đo đỏ, rất đúng với cái tên mà tôi đã đặt cho nó. Mèo Hung có cái đầu tròn trong, hai tai dong dỏng dựng đứng rất thính nhạy. Đôi mắt Mèo Hung hiền lành nhưng ban đêm đôi mắt ấy sáng lên giúp mèo nhìn rõ mọi vật. Bộ ria mép vểnh lên có vẻ oai lắm; bốn chân thì thon thon, bước đi một cách nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Cái đuôi dài trông thướt tha duyên dáng… Mèo Hung trông thật đáng yêu.
Có một hôm, tôi đang ngồi học, bỗng thấy nó rón rén nước từng bước nhẹ nhàng đến bên bồ thóc ngồi rình. A! Con mèo này khôn thật! Chả là ngày thường chuột hay vào bồ ăn vụng thóc nên mèo mới rình đây. Bỗng nhiên nó chụm bốn chân lại, dặt, dặt cái đuôi lấy đà rồi “phốc” một cái. Thế là một con chuột đã nằm gọn ngay trong vuốt của nó… Nhiều lúc tôi đang học bài, chú ta đến dụi dụi vào tay, muốn tôi vuốt ve bộ lông mượt như nhung hoặc đùa với chú một tí.
Con mèo của tôi là thế đấy.
Theo Hoàng Đức Hải
Câu 2
Phân đoạn bài văn trên.
Trả lời:
Bài văn có ba phần:
- Phần đầu: “Meo, meo” đến “với tôi đấy”.
- Phần thứ hai: …”Chà, nó có bộ lông” đến “đùa với chú một tí”.
- Phần thứ ba: …Con mèo của tôi là thế đấy
Câu 3
Nội dung chính của mỗi đoạn văn trên là gì?
Gợi ý:
Dựa vào phần phân chia đoạn ở bài tập trước con hãy xác định nội dung chính của từng phần trên.
Trả lời:
– Phần đầu (phần mở bài): giới thiệu con mèo định miêu tả.
– Phần hai (phần thân bài):
- Miêu tả vóc dáng, màu sắc, các bộ phận của con mèo.
- Miêu tả thói quen sinh hoạt và vài hoạt động của con mèo.
– Phần ba (phần kết bài): Cảm nghĩ của em về con mèo.
Câu 4
Từ bài văn trên, nhận xét về cấu tạo của bài văn miêu tả con vật.
Trả lời:
Bài văn miêu tả con vật thường có cấu tạo như sau:
A. Mở bài: Giới thiệu con vật sẽ miêu tả.
B. Thân bài:
- Tả ngoại hình con vật.
- Tả thói quen sinh hoạt và hoạt động của con vật.
C. Kết luận: Nêu cảm nghĩ về con vật.
Hướng dẫn giải phần Luyện tập SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 113
Lập dàn ý chi tiết tả một con vật nuôi trong nhà (gà, chim, chó, lợn, trâu, bò,…).
Trả lời:
Dàn ý Tả con chim bồ câu
1. Mở bài:
– Giới thiệu chung:
- Đàn chim của nhà em hay của ai? Nuôi từ bao giờ?
- Nuôi ở đâu? Đàn chim đông hay ít?
2. Thân bài:
– Tả đàn chim:
- Hình dáng, màu sắc.
- Thói quen sinh hoạt (ăn uống, bay lượn… ).
– Tả cảnh chim mẹ mớm mồi cho chim con:
- Ăn no, chim mẹ bay lên tổ.
- Chim con ra tận cửa đón mẹ, há mỏ chờ…
- Chim mẹ mớm mồi cho con.
3. Kết bài:
– Cảm nghĩ của em:
- Yêu thích.
- Cảm động trước cảnh chim mẹ săn sóc chim con.
Dàn ý Tả con gà trống
1. Mở bài: Giới thiệu chú gà trống (nuôi chú được bao lâu, mua hay do ai tặng)
2. Thân bài:
– Tả bao quát hình dáng chú gà trống:
- Màu sắc: lông màu đỏ tía pha màu xanh đen.
- Hình dáng: to bằng cái gàu xách nước.
– Tả chi tiết:
- Bộ lông: màu đỏ tía, hai cánh như hai vỏ trai úp sát thân hình. Lông cánh óng mượt, cứng và óng ánh sắc vàng đỏ dưới ánh mặt trời.
- Đầu to như một nắm đấm, oai vệ với lông cổ phủ đến cánh như một áo choàng hiệp sĩ. Mắt chú tròn đen, loang loáng như có nước. Mỏ gà màu vàng sậm, cứng, mổ thóc nhanh nhẹn. Mào gà đỏ chót, xoăn như đóa hoa đỏ.
- Ngực chủ gà rộng, ưỡn ra đằng trước.
- Mình gà: lẳn, chắc nịch.
- Đùi gà: to, tròn mập mạp.
- Chân: có cựa sắc, có vảy sừng màu vàng cứng.
- Đuôi: cong vồng, lông đen óng mượt.
– Hoạt động của chú gà;
- Gáy sáng, mổ thóc bới giun, dẫn đàn gà mái đi ăn.
– Sự săn sóc của em đối với gà:
- Giúp mẹ cho gà ăn
- Che chuồng ấm khi trời mưa gió hay gió bấc buốt lạnh
- Tiêm chủng ngừa các thứ bệnh cho gà để gà không bị bệnh.
3. Kết luận:
- Nêu ích lợi của chú gà trống (gáy sáng, gây giống ấp nở gà con.)
- Nêu tình cảm của em đối với chú gà. (yêu thương, xem gà như bạn)
Dàn ý Tả con gà mái
a. Mở bài:
- Con gà này em thấy ở đâu? (Nhà em nuôi, của nhà hàng xóm, đi chơi nhìn thấy,…).
- Độ lớn của nó? (Bao nhiêu tháng tuổi?)
b. Thân bài:
– Tả bao quát:
- Nhìn con gà với độ tuổi ấy hãy so sánh với hình ảnh nào đó (như cô thiếu nữ mới lớn rất điệu đà).
- Nó nặng khoảng:…
- Màu lông: Bộ lông màu nâu mượt mà.
– Tả đến chi tiết:
- Đầu: tròn, có mào.
- Mỏ: màu nâu vàng, cứng, hơi khoằm.
- Đôi mắt: nhỏ xíu, tròn như hạt đỗ.
- Cánh úp sát vào thân.
- Chân, ngón chân, móng,…
– Hoạt động của con gà:
- Khi tìm thức ăn: lấy chân bới đất tìm giun, khi ăn hay kêu “tục tục” như mời bạn trước khi thưởng thức.
- Khi đẻ trứng: kêu to “cục ta… cục tác…” báo hiệu cho em đến lấy trứng
- Các hoạt động khác cùng đàn gà.
c. Kết bài:
- Nêu tình cảm của em đối với con gà.
- Nêu lợi ích của con gà đối với bản thân em hoặc đối với mọi người.
>> Xem thêm: Dàn ý tả con vật nuôi trong nhà
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 4: Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật Giải bài tập trang 112 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 – Tuần 29 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.