GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2001-2007), nói vào những năm cuối thế kỷ 20, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước được coi là những “quả đấm thép” của nền kinh tế, là đầu tàu để dẫn dắt nền kinh tế và toàn xã hội đi lên.
Và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận giáo dục cũng cần những “quả đấm” như thế, với Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM được ví von như hai “quả đấm thép” của nền giáo dục đổi mới.
Theo GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thành lập hai đại học quốc gia thể hiện “tư duy đột phá” trong lĩnh vực giáo dục của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Giang nhớ lại, những năm 80, hệ thống giáo dục vẫn theo mô hình Xô Viết, các trường đại học chủ yếu được chuyên ngành hóa như Điện, Mỏ, Thủy lợi, Nông nghiệp. “Ngành nghề gì đào tạo kỹ sư, cử nhân ngành nghề ấy, một hệ thống giáo dục phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hóa lao động. Học sinh ra trường đều có danh sách đưa lên, khi đó là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phân phối công việc”, ông Giang nói.
Từ khi đổi mới, bắt đầu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống cũ bộc lộ nhiều hạn chế do không thể phân bổ sinh viên theo hạng ngạch như trước. Bố trí việc làm bị động, không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của các cơ sở kinh tế.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó nhận thức cần phải xây dựng một tổ chức giáo dục đại học mới, tiên tiến hơn, hiện đại hơn, bắt kịp với xu thế thế giới.
Tháng 12/1993, ông ký nghị định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, trên cơ sở sáp nhập trường Khoa học Tự nhiên, Bách khoa, Sư phạm, Xã hội & Nhân văn… Thủ tướng xác định đây sẽ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ đa ngành, một hệ thống giáo dục quy mô nhất từ trước đến nay với tầm cỡ “thành phố đại học”.
Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tiếp nghị định thành lập Đại học Quốc gia TP HCM. Năm 1997, khi làm việc tại đây, ông chỉ đạo: “Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, với thực tế sản xuất, với các khu vực trọng điểm về kinh tế, với đặc thù địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như phải gắn liền với sự bảo tồn về bản sắc dân tộc, bảo tồn tự nhiên và bảo vệ môi sinh, môi trường…”.
Ông Thi nói mô hình đại học quốc gia khi đó còn mới và rất lạ lẫm đối với Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến phản đối “ngay trong đội ngũ những người triển khai thực hiện”.
Nhưng cố Thủ tướng đã thể hiện sự quyết đoán và một trong những ví dụ tiêu biểu là việc ông giao quyền tự chủ cho hai đại học quốc gia. Nhiều chuyên gia ví đây như một thứ “khoán 10” trong giáo dục đại học, khởi nguồn cho chính sách tự chủ đại học được thực hiện rộng rãi ngày nay.
Trước đây, các trường đều chịu chỉ đạo trực tiếp, phải thực thi quyết định ở trên đưa xuống mà không được tự quyết những vấn đề quan trọng, liên quan đến sự phát triển của mình, kể cả về chuyên môn lẫn quản lý, tài chính. Tuy nhiên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bày tỏ ủng hộ tuyệt đối việc giao quyền tự chủ. Nhờ vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội khi đó có một số khác biệt mang tính đặc trưng. Về chuyên môn là đa ngành, đa lĩnh vực. Về nhiệm vụ là đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao và trình độ cao. Về đầu tư là được Nhà nước ưu tiên về cơ sở vật chất, đội ngũ và được giao cơ chế tự chủ.
“Khi đó nguồn lực của ta rất hạn chế, nếu đầu tư dàn trải thì không hiệu quả, không đủ sức để tạo ra đột phá mạnh mẽ, nên các đại học quốc gia được ưu tiên đầu tư trọng điểm về cơ sở vật chất, về đội ngũ, cán bộ giảng dạy”, ông Thi nhớ lại. Vì có quyền quyết định trong hoạt động chuyên môn, quản lý, tuyển dụng, bố trí cán bộ, hai đại học quốc gia tránh được cơ chế quản lý hành chính cồng kềnh, phức tạp ở các cơ sở giáo dục đại học khác.
Biểu tượng của việc này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trao cho Đại học Quốc gia Hà Nội con dấu hình Quốc huy.
“Cố Thủ tướng đã nghiên cứu rất nhiều văn bản, sau đó tìm những quy định về quyền hạn của Thủ tướng và đi đến quyết định đó. Đây là quyết định gây nhiều tranh cãi vì dấu Quốc huy chỉ dành cho cơ quản lý Nhà nước, không thể là trường đại học”, ông Thi nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, con dấu hình Quốc huy là thể hiện cho quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và với vai trò được công nhận và khẳng định bởi người đứng đầu Chính phủ. Sau này, Đại học Quốc gia TP HCM cũng được trao con dấu này.
Ông Vũ Minh Giang đánh giá nhờ có những chính sách, quy chế hoạt động mang tính đột phá, hai đại học quốc gia đã mạnh dạn đưa nhiều lĩnh vực mới trên thế giới về để nghiên cứu, giảng dạy, tiêu biểu như công nghệ nano. Đại học Quốc gia cũng tham gia vào tổ chức đại học trên thế giới, trở thành thành viên của nhiều cộng đồng nghiên cứu uy tín. Từ năm 1993 đến nay, hai đại học quốc gia trở thành nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, thực hiện rất nhiều trách nhiệm quan trọng của đất nước.
“Những thành tựu này có sự nỗ lực của hai đại học quốc gia, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng không thể không nhắc đến dấu ấn rất đậm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, ông Giang nói.
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đúc kết: “Bất cứ một chủ trương nào mà coi là đúng thì cũng phải có thời gian kiểm nghiệm. Quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM đã được hơn 12 năm. Tới nay, nói chung chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định đó là chủ trương đúng”.
“Đô thị đại học” đầu tiên của Việt Nam tại Hòa Lạc ngày nay cũng mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc, từng kểvào một ngày chủ nhật, Thủ tướng đã đi thị sát các địa điểm có thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, khi đến một nơi,do không được thông báo trước nên cổng thường trực không mở. Thủ tướng và cả đoàn tuỳ tùng đã leo qua hàng rào để vào quan sát khu đất. Sau nhiều ngày suy tính về tương lai của một đại học lớn, Thủ tướng quyết định dành cho Đại học Quốc gia Hà Nội một khu đất đẹp, rộng một ngàn hecta tại Hòa Lạc.
“Khi đó, có những cán bộ thắc mắc sao lại đi xa vậy? Song bây giờ mọi người đều nhận ra sự sáng suốt của việc lựa chọn địa điểm này: Đại học Quốc gia phải có môi trường sinh hoạt rộng thoáng, phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cả trăm năm sau, phải xứng đáng là một đại học lớn trong khu vực và trên thế giới”, trích lời GS Đạo.
Cũng trong hồi ký của mình, GS.VS Nguyễn Văn Đạo nói chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, xây dựng đại học quốc gia đã được đặt ra từ lâu và được bàn nhiều lần, ở nhiều cấp, nhưng trong một thời gian dài không triển khai được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đại học quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục đại học.
“Sự ra đời của hai đại học quốc gia là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, GS Nguyễn Văn Đạo viết trong hồi ký.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tam-nhin-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-ve-thanh-pho-dai-hoc-4539576.html