Học sinh bị ngộ độc do dùng “sữa học đường”, những vụ “lùm xùm” về chất lượng sữa của nhãn hiệu tài trợ chương trình này không khỏi khiến các bậc phụ huynh lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn thể chất của con nhỏ khi tham gia chương trình “sữa học đường” tại trường học.
Mục tiêu tốt – Kiểm soát kém
Chương trình “Sữa học đường” được triển khai từ tháng 7/2016 dựa trên quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ nhằm góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt.
Chương trình này đang được triển khai rộng khắp cả nước, chủ yếu tập trung ở các trường mầm non và khối lớp 1 các trường tiểu học. Phụ huynh phải chịu 35% chi phí, số còn lại do doanh nghiệp tài trợ và ngân sách Nhà nước chi trả.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ ngộ độc trong trường học có liên quan đến việc uống sữa. Điển hình như tin Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam đã đưa, sau bữa trưa ngày 2/3 (có uống sữa Nutifood), 73 học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Đồng, Xã Phú Lộc, Huyện Tân Phú, Đồng Nai đã phải vào viện cấp cứu với những biểu hiện nôn ói và đi ngoài.
Hai ngày sau, Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn ngừng chương trình “sữa học đường”.
Trước đó, ngày 27/10/2017, hàng trăm học sinh ở Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) được uống sữa miễn phí của công ty quảng cáo MC được Nestle Việt Nam ủy quyền cũng đã xảy ra tình trạng nôn ói phải nhập viện.
Bên cạnh đó là nhiều hơn 1 những thông tin từ người tiêu dùng phản ánh hay tố giác về chất lượng sữa cũng của thương hiệu tài trợ.
Tất cả khiến người tiêu dùng, người dân, quý phụ huynh và thầy cô… đặt dấu chấm hỏi về chất lượng và giá trị của chương trình “sữa học đường” dành cho các em nhỏ!
Chất lượng sữa đưa vào học đường không thể tiếp tục bỏ ngỏ
Với rất nhiều “sự cố” đã có, các em nhỏ chỉ được hỗ trợ chạy chữa, bồi thường và tiếp tục quay trở lại nếp sống, trường học. Còn về phía đơn vị nhà cung cấp, tài trợ cho chương trình rất ý nghĩa này, hệ quả sau “sự cố” là chưa rõ ràng, gần như chưa có xử lý thích đáng.
Đứng trên phương diện phụ huynh học sinh có con nhỏ tham gia vào chương trình “sữa học đường”, dù có bị vướng vào sự cố ngộ độc hay không thì thử hỏi niềm tin để tiếp tục duy trì cho con mình tham gia vào chương trình mang tính quốc gia này có còn?
Thiết nghĩ, chỉ cần xiết chặt về khâu quản lý, đánh nặng về trách nhiệm trước sự phát triển cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ của những “mầm non” đất nước để trẻ em Việt không còn là “điểm tựa” để các doanh nghiệp đánh bóng thương hiệu thay vì hành động thực sự vì lợi ích của con người và xã hội.
Xem thêm: Cách chọn sữa tươi cho bé mẹ nên biết