Bạn đang xem bài viết Sốt Zika là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh Zika là một bệnh truyền nhiễm do muỗi lan truyền virus qua vết cắn, thường gây ra dịch bệnh ở vùng cận nhiệt và nhiệt đới. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa bệnh Zika nhé!
Bệnh sốt Zika là gì?
Bệnh Zika là bệnh truyền nhiễm do người bị nhiễm virus zika lây qua đường muỗi vằn đốt và dễ gây thành dịch. Bệnh thường phổ biến ở một số nước nhiệt đới và cận nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi.
Bệnh cũng có thể bị truyền từ mẹ sang con nếu bị nhiễm bệnh trong thai kỳ gây ra những dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Virus Zika có liên quan đến các loại bệnh sốt ở người và khỉ như: sốt xuất huyết, sốt vàng, viêm não Nhật Bản. Vào năm 1947, virus Zika đã được phát hiện ở loài khỉ Rhesus, và tới năm 1952 thì đã xuất hiện ở người.
Bệnh zika do virus gây nên
Dấu hiệu của bệnh sốt Zika
Ở giai đoạn đầu, có đến 80% người nhiễm virus không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì bất thường. Số còn lại sẽ biểu hiện các triệu chứng trong vòng 2 – 14 ngày sau khi bị muỗi mang virus đốt. Các triệu chứng của bệnh Zika thường gặp gồm:
- Sốt: thường là sốt nhẹ, đa số dưới 38 độ C.
- Đau đầu: là triệu chứng sớm và hay gặp của bệnh.
- Phát ban: xuất hiện sau sốt và đau đầu, ban dạng dát sẩn, dễ nhầm lẫn với ban của sốt xuất huyết và lan rộng khắp người trong vòng 24 giờ.
- Đau nhức khớp: đặc biệt hay gặp ở khớp bàn tay, bàn chân.
- Viêm kết mạc mắt có thể kèm theo đau mắt.
- Các triệu chứng hiếm gặp: đau cơ, đau bụng.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ 2 – 7 ngày sau đó hầu hết mọi người có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, với phụ nữ đang mang thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ.
Viêm kết mạc mắt là một trong những triệu chứng hay gặp của bệnh Zika
Nguyên nhân
- Lây nhiễm từ người sang người do muỗi đốt: vật trung gian truyền bệnh của virus Zika là muỗi Aedes thường xuất hiện ở nơi tối, ấm áp và độ ẩm cao.
- Lây truyền từ mẹ sang con: người mẹ nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai có thể truyền bệnh cho con thông qua nhau thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Qua đường quan hệ tình dục: do virus có khả năng lây truyền qua đường máu nên khi quan hệ tình dục với người nhiễm virus Zika sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Lây nhiễm virus Zika từ người sang người do muỗi đốt rất hay gặp
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh Zika có thể gây biến chứng cho hệ thần kinh như hội chứng Guillain-Barre (bệnh lý tự miễn ở đa dây thần kinh gây yếu cơ và rối loạn cảm giác).
Đặc biệt với phụ nữ mang thai, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:
- Làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Sinh non.
- Thai chết lưu.
- Dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh do nhiễm virus Zika (hội chứng Zika bẩm sinh).
Các biến chứng của hội chứng Zika bẩm sinh có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo mức độ bệnh bao gồm:
- Hộp sọ bị sụp một phần khiến kích thước vòng đầu và não nhỏ hơn rất nhiều so với bình thường.
- Tổn thương cấu trúc não, vỏ não gây ảnh hưởng đến trí tuệ.
- Bất thường hệ cơ xương khớp như vẹo 1 hoặc cả 2 bàn chân, cơ cứng nhiều khớp gây giảm vận động.
- Tổn thương ở mắt như đục thủy tinh thể, sẹo hoàng điểm, thiểu sản/bất sản thị thần kinh gây giảm thị lực hoặc mù bẩm sinh.
Hộp sọ nhỏ là biến chứng của bệnh Zika
Cách chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh Zika, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và lịch sử tiếp xúc hoặc du lịch đến nơi có lưu hành virus Zika của bạn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng trên bệnh phẩm máu hoặc nước tiểu để tìm kiếm dấu hiệu xuất hiện của virus Zika.
Với phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, thì cần được đánh giá về khả năng mắc dị tật bẩm sinh của trẻ thông qua:
- Siêu âm thai để tìm bất thường trong cấu trúc não.
- Chọc dò nước ối với kim nhỏ để xét nghiệm virus Zika.
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh Zika
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu nghi ngờ người thân hoặc người sống trong cùng một khu vực mắc bệnh Zika hoặc đi đến nơi đang lưu hành dịch thì hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất, kể cả khi không có triệu chứng để được sàng lọc bệnh.
Đặc biệt, với phụ nữ có thai nhiễm virus Zika thì cần thăm khám sớm và định kỳ để phát hiện kịp thời các bất thường trong thai nhi để cùng bác sĩ lên kế hoạch điều trị.
Phụ nữ có thai mắc Zika nên đến gặp bác sĩ để làm sàng lọc dị tật bẩm sinh cho thai nhi
Nơi khám chữa bệnh Zika uy tín
- Tp. Hồ Chí Minh: BV Đại học Y dược TP HCM, BV Nhiệt đới TP HCM, BV Từ Dũ.
- Hà Nội: Khoa bệnh nhiệt đới – BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới Trung Ương, BV Phụ Sản Trung Ương.
Nơi khám chữa bệnh Zika uy tín
Các phương pháp chữa bệnh Zika
Bệnh Zika thường nhẹ và không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc đôi khi tự khỏi mà không cần dùng thuốc.
Một số phương pháp điều trị và hỗ trợ giúp nhanh chóng khỏi bệnh bao gồm:
- Cho người bệnh nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
- Bù nước và điện giải, hạ sốt trong trường hợp sốt cao.
- Ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng nhất là các loại vitamin để tăng cường thể lực.
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nhưng phải thận trọng với aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ khả năng sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu.
- Nếu sốt quá cao mà không thuyên giảm, đến ngay các cơ sở Y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Lưu ý: bệnh do virus Zika là một bệnh truyền nhiễm nhưng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Thuốc hạ sốt có điều trị hỗ trợ trong bệnh Zika
Biện pháp phòng ngừa
- Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp hữu hiệu nhất là giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người như diệt muỗi, tránh muỗi đốt như làm sạch môi trường, diệt bọ gậy, mặc quần áo sáng màu, ngủ màn hoặc dùng thuốc diệt côn trùng,…
- Phụ nữ có thai hoặc có kế hoạch mang thai tuyệt đối không nên đến những nơi đang có dịch. Nếu cần thiết phải thực hiện phòng chống virus theo hướng dẫn của các y bác sĩ.
- Người trở về từ nơi có dịch phải chủ động theo dõi sức khỏe, nếu thấy có dấu hiệu bất thường phải đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán.
- Phòng bệnh lây qua đường truyền máu bằng cách xét nghiệm máu của những người trở về từ vùng dịch trong 28 ngày.
- Phòng bệnh lây qua đường tình dục bằng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su.
Diệt muỗi là biện pháp phòng bệnh Zika hiệu quả
- Sốt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và xử lý nên biết khi bị sốt
- Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường
- Sốt ở trẻ
Qua bài viết trên, Nhà thuốc An Khang hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về đường lây truyền, triệu chứng và cách phòng chống bệnh Zika. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân của bạn nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Johns Hopkins Medicine.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Sốt Zika là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.