Bài thơ Tương tư – một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách “chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính sẽ được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 11.
Dưới đây là tài liệu Soạn văn 11: Tương tư, mà Neu-edutop.edu.vn sẽ cung cấp, nhằm hỗ trợ cho các em khi tìm hiểu về tác phẩm này.
Soạn văn Tương tư
I. Tác giả
– Nguyễn Bính (1918 – 1966), tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính.
– Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo.
– Quê ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Động (nay thuộc xã Công Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
– Năm 13 tuổi, ông đã biết làm thơ. Đến năm 19 tuổi, ông nhận được giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn.
– Năm 1943, Nguyễn Bính vào Nam Bộ rồi ở lại tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
– Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia công tác văn nghệ và báo chí ở Hà Nội, Nam Định.
– Thơ của Nguyễn Bính mang đậm phong vị dân gian, đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha.
– Một số tác phẩm tiêu biểu:
- Trước Cách mạng: Tâm hồn tôi (1937), Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941), Mười hai bến nước (1942), Cây đàn tỳ bà (truyện thơ – 1944).
- Sau Cách mạng: Ông lão mài gươm (1947), Gửi người vợ miền Nam (1955), Tiếng trống đêm xuân (truyện thơ – 1958), Cô Son (chèo – 1961), Đêm sao sáng (1962), Người lái đò sông Vị (chèo – 1962)…
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ Tương tư được rút trong tập Lỡ bước sang ngang, tiêu biểu cho phong cách “chân quê” của nhà thơ.
2. Thể thơ
Bài thơ Tương tư thuộc thể thơ lục bát.
3. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau”: Nỗi niềm tương tư của chàng trai.
- Phần 2. Còn lại: Ước vọng đôi lứa của chàng trai.
III. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ mong và những lời kể lể, trách móc của chàng trai trong bài thơ? Tình cảm của chàng trai đã được đền đáp hay chưa?
– Nỗi nhớ mong da diết của chàng trai đã trở thành căn bệnh “tương tư”:
- Mượn hình ảnh hoán dụ: “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” kết hợp với thành ngữ “chín nhớ mười mong” để diễn tả nỗi nhớ.
- Cách nói so sánh “bệnh gió mưa của giời” với “bệnh tương tư của tôi yêu nàng” nhằm bộc lộ nỗi nhớ mong càng trở nên sâu sắc.
- Nỗi nhớ triền miên, khắc khoải kéo dài tưởng chừng như rất lâu rồi: “Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
– Những lời kể lể, trách móc vô lý nhưng đầy đáng yêu của chàng trai:
- “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”: thầm trách cô gái không chủ động tìm đến với mình.
- “Nhưng đây cách một đầu đình/Có xa xôi mấy mà tình xa xôi”: Khoảng cách địa lý thì không xa xôi nhưng lại xa xôi về khoảng cách tình cảm
- “Tương tư thức mấy đêm rồi… gặp nhau”: Ngầm trách cô gái không hiểu được tình cảm của mình.
– Tình cảm của chàng trai chưa được đền đáp, bởi đó là mối tình đơn phương.
Câu 2. Theo anh (chị), cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh, ví von… ở bài này có điều gì đáng lưu ý?
– Cách bày tỏ tình yêu một cách tế nhị, kín đáo và đầy tinh tế.
– Giọng thơ: khi thì tha thiết, khi thì hờn tủi, khi lại đầy rạo rực với những hy vọng.
– Cách so sánh độc đáo, ví von đầy độc đáo: “Gió mưa là bệnh của trời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…”, “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người” cho thấy nỗi nhớ mong da diết của chàng trai.
Câu 3. Hoài Thanh cho rằng, trong thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”. Qua bài Tương tư, anh chị có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao?
* Ý kiến: Đồng ý.
* Nguyên nhân:
– Giải thích “Hồn xưa của đất nước”: những yếu tố thuộc về truyền thống dân tộc.
– Chứng minh: Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc.
- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị.
- Hình ảnh gần gũi quen thuộc: trầu – cau, thôn Đoài – thôn Đông, giàn trầu, đầu đình, hàng cau liên phòng.
- Sử dụng lối nói ví von, so sánh, thành ngữ “chín nhớ mười mong”…
– Nội dung: Bài thơ Tương tư đã bộc lộ tiếng lòng của một tình cảm đơn phương trong sáng mà đẹp đẽ.
– Nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, hình ảnh gần gũi, giọng thơ linh hoạt, thể thơ lục bát…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Tương tư Soạn văn 11 tập 2 tuần 24 (trang 49) của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.