Những vấn đề trong đời sống cần được trao đối, bàn luận. Chính vì vậy, Neu-edutop.edu.vn muốn cung cấp bài Soạn văn 7: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống, thuộc sách Cánh diều, tập 1.
Dưới đây là tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 7 trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Mời tham khảo!
Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống
1. Định hướng
a. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống là nêu lên những suy nghĩ của người nói trước một hiện tượng nào đó trong cuộc sống, đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến của mình, thuyết phục người đọc, người nghe.
b. Để trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống cần:
- Xác định được vấn đề cần có ý kiến.
- Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói
- Trình bày ý kiến đã lập dàn ý, chú ý điệu bộ…
2. Thực hành
Đề bài: Các văn bản đã học Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Dọc đường xứ Nghệ (Sơn Tùng), Buổi học cuối cùng (Đô-đê) đều nói đến biểu hiện của lòng yêu nước. Ý kiến của em như thế nào?
a. Chuẩn bị
- Xem lại nội dung ba văn bản đã học.
- Xác định biểu hiện của lòng yêu nước có trong ba văn bản.
- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, video… máy chiếu, màn hình…
b. Tìm ý và lập dàn ý
– Mở đầu: Nêu vấn đề cần trình bày: Lòng yêu nước được thể hiện qua Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Dọc đường xứ Nghệ (Sơn Tùng), Buổi học cuối cùng (Đô-đê).
– Nội dung chính:
- Nêu cách hiểu về lòng yêu nước thể hiện cụ thể ở mỗi văn bản.
- Nêu lí lẽ vì sao các biểu hiện đó được coi là lòng yêu nước.
– Kết thúc: Tóm tắt, khẳng định lại ý kiến đã nêu của em và liên hệ với cuộc sống hiện nay.
c. Nói và nghe
- Người nói: Nêu lên được ý kiến của mình, chú ý điều chỉnh cách trình bày (giọng điệu, cử chỉ…), trả lời câu hỏi của người nghe.
- Người nghe: Tập trung lắng nghe, ghi chép các ý chính và đưa ra câu hỏi cho người nói.
d. Kiểm tra và chỉnh sửa
- Người nói: Đối chiếu lại với phần chuẩn bị, rút kinh nghiệm về cách trình bày.
- Người nghe: Tập trung theo dõi, hiểu được vấn đề người nói đang trình bày…
* Hướng dẫn bài nói:
Lòng yêu nước – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ba văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Dọc đường xứ Nghệ (Sơn Tùng), Buổi học cuối cùng (Đô-đê) đều nói đến lòng yêu nước, nhưng lại thể hiện theo những cách khác nhau.
Trước hết, lòng yêu nước được hiểu theo cách chung nhất là sự gắn bó, yêu mến của con người với đất nước của mình. Lòng yêu nước được biểu hiện rất khác nhau. Trong văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, tác giả Đoàn Giỏi đã khắc họa lòng yêu nước của người dân Nam Bộ. Điều đó được thể hiện qua nhân vật Võ Tòng, một con người có cuộc đời trải qua nhiều bất hạnh, nhưng tình nghĩa. Như bất cứ người dân Việt Nam nào, chú cũng căm ghét giặc Pháp. Trong cuộc trò chuyện với tía nuôi của An, Võ Tòng đã kể về đã chia cho tía nuôi của An về chiến công giết chết tên giặc Pháp một cách đầy sung sướng, tự hào. Chú còn chuẩn bị những mũi tên tẩm thuốc độc để giết lũ giặc Pháp và chia cho tía nuôi của An. Nhân vật Võ Tòng được xây dựng đại diện cho con người Việt Nam, có tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù lũ giặc xâm lược.
Ở văn bản “Dọc đường xứ Nghệ”, lòng yêu nước được thể hiện qua lời thắc mắc của chú bé Côn hay câu trả lời của cụ Phó bảng. Ông là một người có vốn hiểu biết sâu rộng, đi đến đâu cũng giải thích cho con về lịch sử đất nước cũng như giáo dục con về lòng yêu nước. Ông kể về câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy, dạy các con là người thì phải biết giữ trọn khí tiết giống như vua Thục Phán nhận ra lỗi lầm của mình khiến đất nước rơi vào tay giặc đã tự kết liễu đời mình chứ không chịu đầu hàng trước quân giặc. Ông giải thích cho con về Hai Vai, hòn Trống Thủng, núi Cờ Rách là muốn nói với các con nhân dân chính là những người đã tạo nên tên núi sông, đất nước, nhân dân luôn có những ước vọng cao đẹp. Đến đền Quả Sơn thờ quan Lý Nhật Quang, ông Phó đã giải thích cho các con hiểu không phải quan nào cũng là quan tham có rất nhiều vị quan tốt bụng, giúp đỡ dân mang tới lợi ích cho nhân dân. Còn khi thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du, ông đã lan tỏa tới các con tinh thần yêu văn chương, nghệ thuật. Chú bé Côn cũng lắng nghe, hiểu và ý thức được lời cha dạy.
Đến văn bản “Buổi học cuối cùng”, lòng yêu nước thể hiện qua tình yêu dành cho ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhân vật chính trong truyện là cậu bé Phrăng hiện lên với vẻ ngây thơ, hồn nhiên và nghịch ngợm cũng giống như biết bao đứa trẻ bằng tuổi. Phrăng cũng từng định trốn học để đi chơi, chểnh mảng việc học. Để rồi đến khi phải đối mặt với sự việc xảy ra quá đột ngột buổi học cuối cùng còn được học tiếng Pháp, cậu đã cảm thấy đau đớn, xót xa. Trong suốt cả buổi học, cậu chăm chú nghe thầy giảng như nuốt lấy từng lời cho đến khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên báo hiệu giờ học kết thúc. Nhờ có buổi học cuối cùng này mà cậu đã hiểu được giá trị của tiếng Pháp – đó không chỉ là tiếng mẹ đẻ mà còn thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Nhân vật này đã giúp em nhận ra được một bài học giá trị, thêm trân trọng ngôn ngữ của dân tộc.
Tóm lại, lòng yêu nước là một truyền thống quý giá, mà bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có, cần giữ gìn và phát huy.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống – Cánh diều 7 Ngữ văn lớp 7 trang 36 sách Cánh diều tập 1 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.