Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, học sinh sẽ được hướng dẫn tìm hiểu cách tóm tắt một văn bản nghị luận.
Neu-edutop.edu.vn mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu Soạn văn 11: Tóm tắt văn bản nghị luận, vô cùng hữu ích sau đây.
Soạn văn Tóm tắt văn bản nghị luận
I. Mục đích, yêu cầu của việc tóm tắt văn bản nghị luận
1. Mục đích
– Tóm tắt văn bản nghị luận là trình bày lại một cách ngắn gọn nội dung của văn bản nghị luận gốc theo một mục đích đã định trước.
– Việc lựa chọn thông tin phụ thuộc vào mục đích của công việc tóm tắt.
– Việc tóm tắt giúp người đọc hiểu được bản chất của văn bản.
2. Yêu cầu
– Văn bản tóm tắt phải phản ánh trung thành các tư tưởng, luận điểm của văn bản gốc, không được xuyên tạc hoặc tự ý thêm những điểm không có trong văn bản gốc.
– Diễn đạt ngắn gọn, súc tích, loại bỏ những thông tin không phù hợp với mục đích tóm tắt.
II. Cách tóm tắt văn bản nghị luận
Đọc văn bản Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh (Ngữ văn 11, tập hai) và trả lời câu hỏi sau:
1. Vấn đề được đem ra bàn bạc (nghị luận) là gì? Dựa vào đâu mà anh chị biết được điều đó?
– Vấn đề được đem ra bàn bạc (nghị luận) là: luân lí xã hội ở nước ta.
– Dựa vào nhan đề, các câu chủ đề trong các đoạn văn.
2. Mục đích viết văn bản này của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh là gì? Phần nào trong văn bản thể hiện rõ nhất điều này?
– Mục đích của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh là: vạch trần thực trạng đen tối của xã hội, đề cao tư tưởng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng về một ngày mai tươi sáng của đất nước.
– Phần trong văn bản thể hiện rõ điều này: phần thân bài.
3. Để dẫn người đọc đến mục đích ấy, tác giả đã trình bày những luận điểm nào? Hãy tìm các câu thể hiện rõ nhất những luận điểm ấy.
– Khẳng định nước ta chưa hề có luân lí xã hội (Câu văn thể hiện: Xã hội luân lí thật trong nước ta… dốt nát hơn nhiều).
– Bàn luận về luân lí xã hội trên cơ sở so sánh xã hội Pháp và xã hội nước ta (Câu văn thể hiện: Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu… là gì)
– Giải pháp đem lại luân lí xã hội ở nước ta (Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn… dân Việt Nam này).
4. Hãy tìm các luận cứ làm sáng tỏ cho từng luận điểm trong bài viết của tác giả.
– Luận điểm 1:
- So với quốc gia luân lí, người mình dốt nát hơn nhiều.
- Tiếng “bè bạn” không thể thay cho luân lí, chủ ý bình thiên hạ cũng mất từ lâu.
– Luận điểm 2:
- Thực trạng nước ta không có ý thức nghĩa vụ giữa người với người, không có đoàn thể.
- Vua quan phản động, phá tan đoàn thể, thi hành ngu dân để vơ vét bóc lột.
- Bọn người xấu đua nhau buôn quan bán tước, chạy theo danh lợi.
- Dân không biết đoàn thể, không biết bình luận, đấu tranh.
– Luận điểm 3: Cần xây dựng đoàn thể, truyền bá chủ nghĩa xã hội.
5. Trình bày các luận điểm, luận cứ bằng lời văn của mình.
6. Đối chiếu với văn bản gốc và mục đích, yêu cầu tóm tắt để kiểm tra, hoàn chỉnh bản tóm tắt.
Nước ta chưa hề có luân lí xã hội. Trong khi đó, cái luân lí xã hội lại rất thịnh hành ở các nước châu Âu. Ở nước ta, nếu người có quyền lực đè nén ai, mọi người xung quanh điềm nhiên như kẻ ngu không biết gì. Còn châu Âu, ở Pháp họ đấu tranh đòi công bằng cho kì được. Nguyên nhân khiến nước ta không có luân lý là quan thì từ quan lớn đến quan bé, bọn nho học, bọn tây học tất cả đều là lũ ăn cướp có giấy phép…; nhân dân đều an phận, cam chịu, không dám đấu tranh… Vậy nên chỉ có cách truyền bá chủ nghĩa xã hội, gây dựng đoàn thể mới giúp nước ta thoát khỏi thực trạng này.
Tổng kết:
– Tóm tắt văn bản nghị luận là trình bày ngắn gọn nội dung của văn bản gốc theo một mục đích định trước.
– Để tóm tắt được tốt, cần:
- Đọc kĩ văn bản gốc. Dựa vào nhan đề, phần mở đầu và kết thúc để lựa chọn những ý, những chi tiết phù hợp với mục đích tóm tắt. Đọc từng đoạn trong phần triển khai để nắm được các luận điểm và luận cứ làm sáng tỏ cho chúng.
- Tìm cách diễn đạt lại các luận điểm, luận cứ một cách mạch lạc.
– Văn bản tóm tắt cần phản ánh trung thực nội dung văn bản gốc.
III. Luyện tập
Câu 1. Căn cứ vào nhan đề và phần mở đầu đã cho dưới đây, hãy xác định chủ đề nghị luận của văn bản.
a. Sự thống nhất trong đa dạng của người In-đô-nê-xi-a
b. Xuân Diệu là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học.
Câu 2. Đọc văn bản trong SGK và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
a. Xác định vấn đề và mục đích nghị luận:
– Vấn đề nghị luận: sự lãng phí nước sạch.
– Mục đích nghị luận: Kêu gọi con người tiết kiệm nước.
b. Tìm các luận điểm trong văn bản
– Tài sản bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước.
– Nước ngọt trên trái đất là có hạn.
– Sự phân bố nước ngọt là không đều, ngày càng bị thu hẹp.
– Lời kêu gọi, tiết kiệm nước.
c. Tóm tắt văn bản bằng ba câu
Trong cuộc sống, nước là tài sản bị hủy hoại và lãng phí nhiều nhất. Nước ngọt trên trái đất là có hạn, phân bố không đều giữa các quốc gia. Chính vì vậy, con người cần phải tiết kiệm, giữ gìn nguồn nước cho chúng ta và cho mai sau.
IV. Bài tập ôn luyện
Tóm tắt văn bản Một thời đại trong thi ca (Trích Thi nhân Việt Nam) của Hoài Thanh.
Gợi ý:
Mở đầu văn bản Hoài Thanh đề cập đến cái khó khăn trên con đường đi tìm tinh thần trong thơ mới. Đồng thời, tác giả nhận diện thơ mới và thơ cũ một cách khái quát nhất. Sau đó là phân tích cốt lõi làm nên tinh thần thơ mới là cái “tôi” cá nhân. Cái “tôi” xuất hiện trở nên xa lạ vì tất cả đã quá quen thuộc với cái “ta” chung. Cái tôi xuất hiện bởi với những cái tên như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… lúc bây giờ cũng đi vào bế tắc, mất niềm tin khi đứng trước bối cảnh thời đại. Những nhà thơ mới họ tìm lại niềm tin bằng cách gửi vào tình yêu tiếng việt. Họ tìm vào quá khứ, vào dĩ vãng để quên đi hiện tại bi thương.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận Soạn văn 11 tập 2 tuần 33 (trang 117) của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.