Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, học sinh sẽ được luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận.
Neu-edutop.edu.vn sẽ giới thiệu tài liệu Soạn văn 11: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận. Mời các em học sinh cùng tham khảo dưới đây.
Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
Câu 1. Đọc đoạn trích trong SGK và trả lời câu hỏi:
a.
– Đoạn trích viết về vấn đề: ảnh hưởng của thơ Pháp trong phong trào thơ mới.
– Quan điểm của các tác giả đối với vấn đề trên: coi đó là một hiện tượng tất yếu trong hoàn cảnh xã hội đương thời, việc ảnh hưởng không làm mất đi bản sắc của Việt Nam.
b. Các tác giả đã sử dụng thao tác lập luận so sánh là chủ yếu (so sánh sự ảnh hưởng giữa các nhà thơ). Ngoài ra trong đoạn văn còn sử dụng thao tác phân tích để làm nổi bật sự ảnh hưởng đối với mỗi nhà thơ. Ở phần cuối sử dụng thao tác bác bỏ (việc ảnh hưởng không làm mất đi bản sắc của Việt Nam).
c.
– Một bài (đoạn văn) càng sử dụng được nhiều thao tác luận luận chưa chắc đã có sức hấp dẫn. Cần phải sử dụng thao tác lập luận phù hợp mới đem lại hiệu quả cao.
– Cần xuất phát từ mục đích lập luận để lựa chọn chính xác các thao tác lập luận và vận dụng tổng hợp các thao tác đó trong một bài (đoạn) văn cụ thể.
– Cần dựa vào sức lôi cuốn, thuyết phục của nội dung trong bài văn đạt đến mức độ nào để đánh giá sự thành công của việc vận dụng tổng hợp nhiều thao tác lập luận.
Câu 2. Giả sử anh (chị) phải trình bày một luận điểm trong bài văn nghị luận bàn về một trong những phẩm chất mà người thanh niên ngày nay cần có, anh (chị) có thể tiến hành luyện tập theo các bước sau:
a. Bước thứ nhất
– Xác định chủ đề của bài văn: Đức tính chăm chỉ.
– Lập dàn ý:
– Đặt vấn đề: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.
– Giải quyết vấn đề:
– Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực làm một việc đó để đạt được kết quả tốt.
– Người chăm chỉ, cần cù thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại.
– Biểu hiện:
- Luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian.
- Không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất.
- Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.
– Liên hệ bản thân:
- Là một học sinh, bản thân tôi cũng cố gắng học tập thật chăm chỉ.
- Tích cực rèn luyện nâng cao kiến thức, kĩ năng sống và cả thể chất.
– Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại vấn đề.
b. Bước thứ hai
– Trình bày một luận điểm trong dàn ý: Biểu hiện đức tính chăm chỉ.
– Vị trí luận điểm: phần thân bài.
– Một số luận cứ làm sáng tỏ luận điểm:
- Luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian.
- Không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất.
- Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.
– Các thao tác lập luận cần sử dụng: phân tích.
– Ngoài ra có thể sử dụng thêm thao tác lập luận so sánh giữa người có đức tính chăm chỉ và lười biếng. Để từ đó giúp vấn đề thêm sâu sắc.
c. Bước thứ ba
– Diễn đạt các ý thành đoạn văn nghị luận trình bày trước lớp.
Câu 3.
a.
Gợi ý:
Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” khuyên bảo con người phải biết chăm chỉ, cần cù trong học tập và lao động. Cũng giống như một câu nói mà tôi đã từng nghe được ở đâu đó: “Một tuần lễ với người chăm chỉ có 7 ngày, còn với kẻ lười biếng có 7 ngày mai. Biết cách làm việc, biết cách lao động – đó cũng chính là tài năng. Và là một tài năng lớn lao. Kết quả là sẽ nảy sinh cảm hứng. Chứ không phải là ngược lại”. Đức tính chăm chỉ thực sự cần thiết trong cuộc sống quá khứ hay hiện tại.
Chăm chỉ được hiểu một cách đơn giản là sự cố gắng, nỗ lực của con người. Cũng giống như hành động mài thanh sắt thành cây kim, nếu mỗi ngày bỏ thời gian công sức ra mài thanh sắt sẽ nhỏ đi một ít. Làm việc gì cũng vậy, nếu biết cần cù chịu khó đến cuối cùng sẽ đạt được thành quả. Những người có đức tính chăm chỉ thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại. Họ luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ được giao phó cho dù phải mất nhiều thời gian. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất. Người chăm chỉ thì cũng sẽ rất kiên trì. Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và cố gắng hết sức hết sức để hoàn thành nó.
Một minh chứng đáng tự hào chính là sự cần cù, chăm chỉ của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đoàn kết một lòng đánh bại hai kẻ thù lớn của dân tộc. Thắng lợi ấy đến từ sự kiên trì và cần cù chịu khó suốt hơn một trăm năm không lúc nào ngừng nghỉ. Còn nhớ những ngày người dân miền Bắc hừng hực khí thế thực hiện phong trào tăng gia sản xuất phục vụ miền Nam kháng chiến. Biết bao gian khó khổ cực nếm mật nằm gai nhưng cha ông ta vẫn anh dũng vượt qua, đánh bại mọi kẻ thù. Hoặc trong học tập, từ xưa đến nay chúng ta có thể kể đến rất nhiều tấm gương sáng ngời. Nguyễn Hiền là vị trạng nguyên đầu tiên, đồng thời cũng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta (khi đỗ trạng nguyên vừa tròn 12 tuổi). Dù tuổi còn nhưng lại vô cùng hiểu học. Gia đình khó khăn, cha mất sớm, ông phải sống với mẹ tại một ngôi chùa. Nguyễn Hiền là một cậu bé có tư chất thông minh, không ham chơi mà chỉ luôn yêu thích tìm tòi học hỏi. Cậu bé ngày ấy thường lân la ở các lớp học trong làng, để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa, sách vở. Kiến thức Nguyễn Hiền uyên bác, rộng lớn ai hỏi gì cũng đối đáp thông minh vượt xa với số tuổi của ông khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là “thần đồng’’.
Đối với mỗi chúng tôi, khi vẫn còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chăm chỉ học tập chính là điều quan trọng nhất. Việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm là do khả năng của mỗi người, nhưng cuối cùng kết quả đạt được lại phụ thuộc vào việc có chăm chỉ học tập hay không.
Như vậy, có thể thấy, nhờ có đức tính chăm chỉ mà con người sẽ đạt được thành công trong cuộc sống. Đúng như những lời khuyên từ xưa đến này: “Thành công không phải ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, bền bỉ, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và quan trọng nhất, tình yêu đối với việc mình đang làm”.
b.
Gợi ý vấn đề bàn luận về quyền trẻ em:
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – điều đó quả thật không sai. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề quyền trẻ em.
Quyền trẻ em cần phải hiểu là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và phát triển một cách lành mạnh. Những quyền lợi này sẽ được quy định cụ thể ở từng nước khác nhau. Đồng thời, trên thế giới cũng có một quy định chung do Liên Hợp Quốc ban hành: “Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ Em” – ban hành những quy định chung nhất về quyền trẻ em. Mà khi đó các quốc gia phê chuẩn công ước này chịu ràng buộc của các quy định công ước này theo luật quốc tế. Có thể kể đến những quyền cơ bản nhất của trẻ em được quy định ở đây đó là: Quyền được đối xử bình đẳng và bảo vệ chống lại sự kỳ thị phân biệt tôn giáo, nguồn gốc và bình đẳng giới; Quyền có tên gọi và quốc tịch; Quyền về sức khỏe và y tế; Quyền được giáo dục và đào tạo Quyền giải trí, vui chơi và tiêu khiển; Quyền tự tìm hiểu thông tin, quyền phát biểu, quyền được lắng nghe và tụ họp; Quyền riêng tư và sự giáo dục không bạo lực trong ý nghĩa của bình đẳng và hòa bình; Quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại; Quyền có một gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn; Quyền được chăm sóc cho trẻ em khuyết tật…
Trong những năm gần đây, trẻ em đã mắc vào các tệ nạn xã hội chẳng hạn như nghiện ma tuý, cờ bạc… Có nhiều trẻ em ở các vùng miền xa xôi, hẻo lánh phải chịu đói, không được học hành. Hơn 2,6 triệu trẻ em bị mắc phải bệnh hiểm nghèo nhưng lại không có người thân kề bên chăm sóc. Số trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng giảm, tuy nhiên nổi lên những năm gần đây là số lượng trẻ em bị bạo hành, xâm hại ngày càng cao. Có tình trạng trẻ em gái bị rủ rê, lừa gạt, ép buộc đi khỏi địa phương, đi nơi khác làm việc hoặc bị bán ra nước ngoài nhưng các cơ quan chức năng, kể cả gia đình chưa chủ động nắm bắt, vẫn còn lơ là trong việc bảo vệ trẻ nhỏ. Thậm chí vấn đề bất bình đẳng giữa trẻ em giàu – nghèo, người dân tộc thiểu số hay nông thôn – thành thị vẫn còn khá rõ rệt. Nhiều trẻ em còn bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt nhất là vấn đề xâm hại tình dục với trẻ em đang diễn ra ngày càng nhiều.
Những thức tế trên đặt ra cho con người câu hỏi cần làm gì để có thể thực hiện tốt những quyền lợi mà trẻ em đáng được hưởng. Có thể thấy chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, hướng các em đến một môi trường lành mạnh, cơ bản, để phát triển toàn diện, sẽ cần rất nhiều thời gian. Điều này không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, mà chúng ta, mỗi gia đình, cả cộng đồng xã hội đều phải vào cuộc bằng cả cái nhìn tích cực và trái tim yêu thương dành cho trẻ. Hơn thế, còn phải biết lắng nghe trái tim trẻ em nói bằng sự tôn trọng của người lớn, chỉ như thế, chúng ta mới dễ dàng vượt qua được những thách thức.
Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn về quyền bảo vệ trẻ em. Cũng như những biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận Soạn văn 11 tập 2 tuần 32 (trang 112) của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.