Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương.
Hôm nay, Neu-edutop.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 11: Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Các bạn học sinh có thể tham khảo để nắm được những thông tin hữu ích.
Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Trước khi đọc
1. Bạn đã biết gì về Huế? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.
– Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, nằm ở Đồng bằng duyên hải miền Trung.
– Thành phố Huế từng là kinh đô của nước ta dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn.
– Hiện nay, thành phố này là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch của miền Trung
…
2. Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, bạn dự đoán gì về nội dung của văn bản?
Nội dung của văn bản sẽ viết về con sông Hương.
Đọc văn bản
Câu 1. Đoạn văn này miêu tả khúc sông nào của dòng sông Hương? Nét đẹp riêng của khúc sông này là gì?
– Đoạn văn này miêu tả sông Hương ở thượng lưu.
– Nét đẹp của khúc sông này: hoang dại, bí ẩn nhưng cũng có lúc dịu dàng, say đắm.
Câu 2. Bạn hình dung như thế nào về hình ảnh sông Hương qua đoạn văn này?
Sông Hương như người con gái lần đầu đến với tình yêu vừa e lệ ngại ngùng, vừa táo bạo chủ động.
Câu 3. Qua đoạn văn này, tác giả đã thể hiện tình cảm gì?
Tình cảm yêu mến, gắn bó với dòng sông Hương.
Câu 4. Bạn hiểu gì về mối quan hệ giữa sông Hương với Huế qua câu văn: “Quả đúng như vậy …. của những mái chèo khuya”?
Sông Hương gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của con người xứ Huế.
Câu 5. Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh “Sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” trong đoạn này?
Sông Hương hiện lên là dòng sông của lịch sử, gắn bó với những năm tháng hào hùng của đất nước.
Sau khi đọc
Câu 1. Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a. Chỉ ra bố cục của văn bản và nêu nội dung của từng phần.
b. Nêu một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau (thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, …)
c. Liệt kê một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện của cái “tôi” của tác giả trong văn bản.
d. Phân tích vẻ đẹp của sông Hương được miêu tả của một đoạn văn trong văn bản.
Gợi ý:
a. Bố cục và nội dung của từng phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “ mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở ”. Hành trình của Hương giang.
- Phần 2. Còn lại. Sông Hương – dòng sông của lịch sử và thơ ca.
b. Một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau:
– Thiên nhiên:
- Ở thượng nguồn: Sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, “cô gái Di gan”, “người con gái của rừng già”, “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”;
- Từ thượng nguồn đến Huế: Sông Hương như người con gái lần đầu đến với tình yêu vừa e lệ ngại ngùng, vừa táo bạo chủ động;
- Trong lòng thành phố Huế: “Như một người con gái đắm say tình tứ khi bên người mình yêu”; người con gái tài hoa “tài nữ đánh đàn trong đêm khuya”.
- Từ biệt Huế ra biển: như một người con gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu.
– Lịch sử:
- Một nhân chứng lịch sử của Huế, của đất nước: “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, chứng kiến những mất mát đau thương của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX…;
- Một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công, gắn bó với Huế qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng trong thời kì trung đại, đến cách mạng tháng tám cũng có những chiến công vang dội…
– Văn hóa:
- Là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”: Toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.
- Người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya: không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các thi nhân…
c. Một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện của cái “tôi” của tác giả trong văn bản:
- Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất.
- Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố…
- Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu nhà hát.
d. Gợi ý:
– Đoạn văn: “Trong những dòng sông… núi Kim Phụng”.
– Phân tích:
Một trong những tác phẩm đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường là “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng dòng sông Hương, đặc biệt nhất là khi ở thượng nguồn.
Tác giả đã khắc họa sông Hương ở thượng nguồn với hai nét đẹp: mãnh liệt hoang dại nhưng cũng đầy dịu dàng và say đắm. Hành trình của Hương giang cũng giống như mọi con sông khác – bắt đầu từ thượng nguồn – nơi mà trong cảm nhận của nhà văn, giống như “bản trường ca của rừng già”. Quả là như vậy, con sông ở đây đã gắn liền với dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Nó mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ với sức mạnh nguyên sơ bản năng: “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Phép tu từ so sánh kết hợp với động từ mạnh và lối điệp cấu trúc đã khiến con sông hiện lên giống như một bản nhạc giàu cung bậc của thiên nhiên. Nhưng bản trường ca ấy không chỉ hào hùng, mà vẫn mang nét trữ tình sâu lắng. Sau những “rầm rộ”, “cuộn xoáy”, con sống đã dần trở nên “dịu dàng” hơn, đằm thắm hơn để rồi có thể làm “say đắm” bất cứ chàng trai nào khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó “giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
Đặc sắc nhất đó là vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã của rừng già đã đem đến cho nó một vẻ đẹp mà trong suy cảm của nhà văn giống như một “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Chúng ta đã biết đến những cô gái Di-gan là những người thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát. Họ là những người thiếu nữ có vẻ đẹp man dại đầy quyến rũ. Khi so sánh con sông với những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất thiếu nữ, rất tình tứ của con sông. Một vẻ đẹp tự do, phóng khoáng và đầy hấp dẫn.
Nhà văn muốn đem đến cho bạn đọc một cái nhìn sâu hơn, muốn “ghi công” sông Hương như một “đấng sáng tạo” đã góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở. Nếu như bấy lâu nay, chúng ta mới chỉ nhìn sông Hương ở vẻ đẹp bên ngoài. Nhưng lại quên mất đi nó còn là nơi khởi nguồn, một sự bắt đầu của một không gian văn hóa – văn hóa Huế. Dòng sông “ trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” có nghĩa là nó duy trì và bồi đắp “phù sa” cho cả một vùng văn hóa được hình thành hai bên bờ sông . Vậy nhưng “dòng sông hình như không muốn bộc lộ” cái công lao to lớn ấy. Nó đã âm thầm chảy và đã lặng lẽ cống hiến cho Huế nhiều thế kỷ: “ Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Khi đọc câu văn, người đọc mới thấy hết được nét độc đáo trong ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn đã cho thấy chiều sâu vẻ đẹp và “nhân cách” của dòng sông, là nét “tính cách” đáng trân trọng của Hương giang mà Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn khắc họa.
Như vậy, con sông Hương ở thượng nguồn được nhà văn khắc họa thật độc đáo. Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã giúp người đọc hiểu hơn về nét đẹp của sông Hương – một biểu tượng của thành phố Huế.
Câu 2. Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong đoạn văn: “Từ đây, như đã tìm được đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên… chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Tìm và phân tích một vài đoạn khác trong văn bản có đặc điểm tương tự.
Câu 3. Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.
Câu 4. Nhận xét về cách trả lời câu hỏi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” trong văn bản?
Câu 5. Nhận xét về cách thể hiện cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm.
Câu 6. Theo bạn, vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản hay không? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
Câu 7. Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho bạn bài học gì về cách quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh.
* Bài tập sáng tạo: Làm một bài thơ, vẽ một bức tranh,… về hình tượng sông Hương (hoặc về sông núi quê hương của bạn).
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 11 trang 11 sách Chân trời sáng tạo tập 1 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.