Dạy học là một nghệ thuật, đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo, biết kết hợp sử dụng các phương pháp phù hợp với tình hình thực tế của lớp mình giảng dạy.
Sau đây Neu-edutop.edu.vn giới thiệu đến các bạn đọc Sáng kiến kinh nghiệm lớp 4: Thiết kế trò chơi học tập trong phân môn luyện từ và câu. Qua tài liệu này giúp thầy cô có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kinh nghiệm dạy học để các em hưng phấn trong học tập, kích thích tư duy sáng tạo để mở rộng hiểu biết, đồng thời củng cố vững chắc những kiến thức, kĩ năng mà học sinh học tập được. Ngoài ra bạn đọc tham khảo thêm mẫu sáng kiến kinh nghiệm môn Âm nhạc lớp 4, môn Toán.
Sáng kiến kinh nghiệm lớp 4
Thiết kế trò chơi học tập trong phân môn luyện từ và câu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề đang được mọi người trong ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Đổi mới phương pháp dạy học là thay đổi
“Cách dạy – cách học” nhằm tạo ra một thế hệ đáp ứng yêu cầu: “công nghiệp hoá – hiện đại hoá”.
Trong quá trình dạy học tôi đã phấn đấu thực hiện phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” thầy chủ đạo, trò chủ động. Thiết kế bài học là một chuỗi hoạt động trong đó học sinh tích cực tham gia giải quyết các tình huống có vấn đề: Thầy hỏi trò; trò hỏi trò; trò hỏi thầy. Học nhóm qua phiếu giao việc. Thế nhưng đối với học sinh tiểu học các hình thức học tập trên các em chưa thoát ra khuôn khổ gò ép tâm lí, “Học mà chơi , chơi mà học” vẫn chưa đáp ứng được. Vậy phải làm gì để thoả mãn tâm lí đó và tạo ra một tiết học “Nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả”. Trò chơi là một hình thức học tập góp phần làm sôi nổi các hoạt động dạy học. Chính vì vậy việc tổ chức trò chơi học tập trong phân môn Luyện từ & Câu là một yêu cầu thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng học tập. Giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên không áp đặt, gò bó, căng thẳng.
Xuất phát từ tình hình thực tế về chất lượng học tập môn Tiếng Việt của học sinh lớp 4B trường tiểu học……………còn chưa cao nhất là phân môn Luyện Từ Và Câu. Nhiều em chưa biết cách dùng từ đặt câu, dùng dấu câu. Tôi suy nghĩ cần tìm ra giải pháp giúp các em phần nào khắc phục tình trạng trên. Chính vì thế tôi đã chọn đề tài: “Trò chơi học tập” nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện Từ Và Câu lớp 4B trường tiểu học ………….
Trong đề tài này tôi xin trình bày một số trò chơi lồng ghép vào khi giảng dạy phân môn Luyện Từ và Câu để nâng cao chất lượng giảng của giáo viên và chỉ áp dụng cho học sinh lớp 4B trường tiểu học……………do tôi phụ trách.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN
Vui chơi là một dạng hoạt động nhằm thoả mãn sở thích hứng thú và nhu cầu phát triển thể chất, trí tuệ, ý chí, tình cảm của cá nhân, cùng với các hoạt động khác như lao động, học tập…, vui chơi là một dạng hoạt động giải trí, giao lưu xã hội, đặc biệt là để phát triển tính cộng đồng trách nhiệm, tình thương yêu đồng loại, qua đó có thể rèn luyện các kĩ năng giao tiếp và hoạt động, phát triển tình cảm, niềm tin đạo đức, xúc cảm thẩm mĩ của cá nhân. Vui chơi hợp lí, khoa học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian nhàn rỗi của các em. Vui chơi trong và ngoài nhà trường góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng học tập trong các giờ học chính khoá trên lớp.
Trò chơi là hoạt động vui chơi mang một chủ đề, một nội dung nhất định và có những quy định mà người tham gia phải tuân thủ. Vui chơi là một dạng hoạt động giải trí tự nguyện của mọi người, tạo ra sự sảng khoái, thư giãn về thần kinh, tâm lí, thì trò chơi là sự vui chơi có nội dung, có tổ chức của nhiều người, có quy định luật lệ mà người tự nguyện tham gia phải tuân thủ theo. Vui chơi của cá nhân được tổ chức dưới dạng trò chơi thì nó sẽ mang ý nghĩa giáo dục, rèn luyện đối với người chơi, đặc biệt là đối với thiếu niên nhi đồng và sẽ có tác dụng hình thành nên những phẩm chất nhân cách cho trẻ.
Từ thực tế giảng dạy trên lớp đến những tiết thao giảng hội giảng tôi nhận ra rằng “Trò chơi học tập” là một vấn đề không thể thiếu được để tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng đem lại một tiết học “nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả”. Tiếng cười, tiếng vỗ tay của các em xoá đi sự gò bó, khuôn khổ, xoá đi ranh giới thầy và trò. Ấn tượng thật đẹp đẽ. “Trò chơi học tập” được sử dụng như một hình thức, một phương pháp, một biện pháp dạy học cho học sinh tiểu học.
III. CƠ SỞ THỰC TIỄN:
1. TÌNH HÌNH CỦA ĐƠN VỊ:
Trường Tiểu học……………là một trong những trường nằm trên trục lộ 1A về mặt địa hình, kinh tế có phần thuận lợi hơn các trường khác trong huyện. May mắn hơn là trường có cơ sở vật chất kiên cố, ổn định, đội ngũ giáo viên giảng dạy nhiệt tình. Hiện nay trường đang được đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia.
Bên cạnh những thuận lợi trên còn có những khó khăn là 90% học sinh con em gia đình nông dân, việc đi lại khó khăn, đời sống đa số còn thiếu thốn.
Do vậy việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày trường cũng còn nhiều vất vả. Sự quan tâm đầu tư của phụ huynh đối với con em chưa đồng đều. Mặt bằng trình độ học sinh còn chênh lệch lớn.
2. HIỆN TRẠNG VẤN ĐỀ ĐANG NGHIÊN CỨU:
a.) Bước đầu lúc nhận lớp, nhìn chung học sinh còn nhỏ, tính cách ngây thơ nên việc nhận thức một vấn đề còn hạn chế. Đại bộ phận học sinh trong lớp đều ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô giáo nhưng các em còn tật xấu ít tập trung chú ý nghe giảng, thường thụ động và ít ham thích học phân môn Luyện Từ & Câu, cho rằng phân môn Luyện Từ & Câu là môn không quan trọng.
b.) Theo điều tra ban đầu:
TSHS | Các kĩ năng | Số lượng | Tỉ lệ |
*Chú ý lắng nghe a.Không tập trung nghe phổ biến cách thực hiện trò chơi. b.Tập trung nghe phổ biến cách thực hiện trò chơi không liên tục. c.Tập trung nghe phổ biến cách thực hiện trò chơi tương đối liên tục. |
8 5 13 |
30,8% 19,2% 50% |
|
*Suy nghĩ a. Không chịu suy nghĩ trò chơi b. Suy nghĩ trò chơi không liên tục c. Suy nghĩ trò chơi nông cạn d. Suy nghĩ trò chơi tương đối tốt |
3 4 6 13 |
11,5% 15,4% 23,1% 50% |
|
*Trí nhớ a. Khả năng nhớ trò chơi yếu b. Khả năng nhớ trò chơi trung bình c. Khả năng nhớ trò chơi khá d. Khả năng nhớ trò chơi tốt |
5 6 7 8 |
19,2% 23,1% 26,9% 30,8% |
Chất lượng học tập của học sinh đầu năm phân môn Luyện Từ & Câu:
TSHS | Xếp loại | Số lượng | Tỉ lệ |
26 | Giỏi | 3 | 11,5% |
Khá | 10 | 38,5% | |
Trung bình | 8 | 30,8% | |
Yếu | 5 | 19,2% |
3. TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN YẾU KÉM CỦA HỌC SINH:
Chất lượng học tập của học sinh về phân môn Luyện Từ & Câu còn thấp do các nguyên nhân là:
– Học sinh chưa biết cách học
– Chưa có nhận thức đúng đắn về phân môn
– Tập trung chú ý trong học tập chưa cao hoặc tập trung kém.
– Lười suy nghĩ, ngại phát biểu
– Gia đình sống riêng lẻ, điều kiện tiếp xúc ít
– Chưa có thói quen trình bày, phát biểu trước đám đông
– Thiếu rèn luyện, không tự tin
– Tác động của hoàn cảnh kinh tế gia đình
– Tâm lý, sức khoẻ không ổn định.
– Hiệu quả tiết dạy chưa cao là do một phần thiếu tổ chức trò chơi học tập để khắc sâu kiến thức.
4. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI:
4-1. Thuận lợi:
-Được sự cổ vũ, động viên thường xuyên của ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp.
-Được sự đồng tình, phối hợp chặt chẽ của hầu hết phụ huynh học sinh trong quản lí và giúp đỡ tạo điều kiện mua sắm dụng cụ học tập cho học sinh.
– Học sinh hầu hết ngoan ngoãn vâng lời.
– 100% học sinh tham gia học 2 buổi/ ngày.
4-2. Khó khăn:
– Mặt bằng trình độ học sinh không đồng đều
– Điều kiện kinh tế, điều kiện sinh hoạt của đa số học sinh có sự khác biệt
– Trình độ học vấn cũng như sự hiểu biết cho việc giáo dục học sinh của một bộ phận phụ huynh học sinh còn hạn chế.
5. MỤC ĐÍCH ĐỀ TÀI:
“Trò chơi học tập” là một hoạt động nhằm giúp các em hưng phấn trong học tập, kích thích trẻ tư duy sáng tạo để mở rộng hiểu biết, rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin, dễ hòa nhập với tập thể, cộng đồng, đồng thời củng cố vững chắc những kiến thức, kĩ năng mà học sinh học tập được.
6. PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
6-1. Về phương pháp:
Để thực hiện tốt các biện pháp đề ra. Trong quá trình thực hiện, áp dụng và tổng kết tôi đã phối hợp nhiều phương pháp, tập trung chủ yếu ở các khía cạnh:
– Qua nhiều hình thức kiểm tra ( miệng, 10 phút đầu buổi học….)
– Thu thập tài liệu, dữ liệu
– Qua từng thời điểm kiểm tra của nhà trường, tổ chuyên môn thống kê kết quả học tập của từng thời kì của lớp.
– So sánh kết quả đạt được trong đợt kiểm tra giữa lớp mình với các lớp cùng khối.
– Phân tích nguyên nhân thành công và thất bại qua các lần kiểm tra đánh giá của trường, cấp chuyên môn để có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
6-2. Đối tượng nghiên cứu:
Nhiệm vụ của giáo viên tiểu học là dạy được và từng bước dạy khá nhiều môn (khác với giáo viên trung học cơ sở hay trung học phổ thông là những người dạy chuyên) nhưng trong thực tế không phải môn nào giáo viên cũng đủ khả năng dạy tốt, có hiệu quả cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Đồng hành với quá trình dạy học giáo viên phải đầu tư thời gian nghiên cứu đối tượng.
Với đề tài này tôi tập trung nghiên cứu các kiến thức của từng bài học Luyện Từ & Câu, thông qua đó để tìm ra các trò chơi hợp lý cho từng bài học, cho từng đối tượng học sinh của mình phụ trách.
7. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI:
Đề tài của tôi nghiên cứu không phải là mới, chưa phải là tối ưu nhưng tự so sánh chất lượng phân môn Luyện Từ và Câu lớp mình đang dạy qua kiểm tra đánh giá thì kết quả thu lại thật đáng mừng. Số lượng học sinh tham gia trò chơi ngày càng nhiều, càng nhanh và càng thu hút, chất lượng học tập phân môn Luyện Từ và Câu được cải thiện rõ rệt.
Phụ huynh có nhiều tin tưởng. Tôi hi vọng thời gian còn lại những biện pháp và việc làm của tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của học sinh hơn nữa, vốn kiến thức Tiếng Việt của học sinh ngày càng mở rộng và phong phú hơn. Đặc biệt các em sẽ ứng xử nhanh các tình huống của cuộc sống.Về thực tiễn, đề tài đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Cùng đồng nghiệp góp tiếng nói chung trong việc nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu hiện nay.
IV. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Muốn tổ chức hoạt động vui chơi có hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên phải nắm vững mục tiêu vì đó cũng chính là mục tiêu của việc tổ chức hoạt động vui chơi. Hoạt động vui chơi cho học sinh tiểu học muốn có chất lượng tốt cần phải hiểu một số đặc điểm tâm sinh lí của trẻ ở lứa tuổi này. Đặc điểm tâm sinh lí của trẻ vừa là cơ sở của việc xác định mục tiêu, nội dung hoạt động vui chơi, vừa là điều kiện để lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ. Khi tham gia trò chơi, các em có cảm giác chơi nhưng thực chất là học, vì thế khi tổ chức trò chơi trong tiết dạy đòi hỏi giáo viên và học sinh cần phải có một số chuẩn bị sau:
1. Đối với giáo viên:
– Chọn lựa nội dung trò chơi phù hợp, hấp dẫn, thu hút 100% học sinh tham gia.
– Luật chơi chặt chẽ, công khai, công bằng và dễ đánh giá.
– Yêu cầu trò chơi dễ thực hiện, tránh rắc rối
– Các đồ dùng cần thiết cho trò chơi như phiếu học tập, thẻ, bảng phụ, tranh vẽ, bông hoa, bằng giấy. Phải đảm bảo tính cơ bản như đồ dùng học tập.
2. Đối với học sinh:
– Tuân theo luật chơi một cách triệt để.
– Tâm thế mạnh dạn, sẵn sàng để chơi.
– Qua trò chơi tiếp tục củng cố và mở rộng thêm kiến thức.
* Với sự chuẩn bị đúng và đảm bảo các yêu cầu trên thì hoạt động “Trò chơi học tập” mới thực sự đem lại hiệu quả.
V. MỘT SỐ TRÒ CHƠI:
Nói về trò chơi sử dụng trong các tiết học nói chung cũng như riêng cho phân môn Luyện Từ và Câu là rất nhiều, mà mỗi trò chơi đều có tác dụng, mục đích phục vụ cho từng bài học cụ thể, trong đề tài này tôi không thể trình bày tất cả trò chơi tôi đã tổ chức thực hiện mà xin trình bày một số trò chơi học tập nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện Từ và Câu lớp 4 trong thời gian qua tôi đã vận dụng và đem lại hiệu quả tốt.
1. Trò chơi “Phân biệt nhanh”
* Mục tiêu chung: Giúp học sinh có khả năng phân biệt các kiểu từ trong Tiếng Việt. Rèn tính nhanh nhẹn chính xác.
* Chuẩn bị: Bảng phụ ghi sẵn một số từ ghép, từ láy; giấy bìa có ghi sẵn kí hiệu L-G
* Thời gian: 3 phút
* Luật chơi – Cách chơi: Tổ chức chơi theo đội, chia lớp thành 3 đội, mỗi đội có số em tham gia bằng số từ mà giáo viên đưa ra để phân biệt.Giáo viên cho các em từng đội nhận giấy bìa, trong thời gian 3 phút các em đính kí hiệu đúng vào kiểu từ ở bảng phụ. Hết thời gian đội nào phân biệt đúng nhất, nhanh nhất thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy bài Từ ghép -từ láy , giáo viên ghi sẵn ở bảng phụ 5 từ. Mỗi đội có 5 em tham gia và phân biệt là:
1. Lung linh ( L)
2. Thông minh ( G)
3. Bờ bãi ( G)
4. Ruộng đồng ( G )
5. Chào mào ( L)
2. Trò chơi “Đoán từ”
* Mục tiêu: Giúp học sinh đoán được động từ mà bạn mình thể hiện bằng cử chỉ động tác không lời. Giúp học sinh mạnh dạn tự tin, khắc sâu kiến thức bài học.
*Chuẩn bị: giáo viên lập sẵn một số phiếu mỗi phiếu ghi một động từ.
* Thời gian: 3 đến 4 phút
*Luật chơi- Cách chơi: Chơi theo nhóm, mỗi tổ học tập là một nhóm. Giáo viên cho mỗi nhóm cử một bạn lên rút phiếu và thể hiện bằng động tác không lời cho nhóm mình đoán đúng động từ. Trong thời gian 15 giây mà nhóm mình không đoán đúng thì giành quyền đoán từ cho nhóm bạn. Sau trò chơi nhóm nào đoán đúng nhiều hơn thì nhóm đó thắng .
Ví dụ:
Khi dạy bài “Động từ”.Giáo viên ghi vào phiếu một số từ sau: ngủ, ăn, đi, chạy, phát biểu, tập thể dục, tát nước…
3. Trò chơi “xếp trật tự”
* Mục tiêu: Trò chơi giúp học sinh củng cố việc sắp xếp từ thành một câu tục ngữ thành ngữ đúng. Rèn cho học sinh có trí nhớ chính xác tính nhanh nhẹn.
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị số phiếu bằng số từ cần sắp xếp thành câu.
* Luật chơi- Cách chơi: Chơi theo nhóm, mỗi nhóm có số em tham gia bằng số từ cần sắp xếp. Khi có lệnh của giáo viên các em nhận phiếu và xếp trật tự các từ sao cho hoàn thành một câu tục ngữ, thành ngữ thuộc chủ điểm của bài học. Kết thúc, nhóm nào xếp chính xác và nhanh nhất thì nhóm đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy bài: Mở rộng vốn từ: Trung thực -tự trọng. Giáo viên chuẩn bị phiếu cho các nhóm.
Nhóm 1: Phiếu 1: Thẳng; Phiếu 2: như; Phiếu 3: ruột ; Phiếu 4: ngựa
Nhóm 2: Phiếu 1: Đói; Phiếu 2: cho sạch; Phiếu 3: rách;Phiếu 4: cho thơm
Nhóm 3: Phiếu 1: Thuốc; Phiếu 2: đắng; Phiếu 3: dã ; Phiếu 4: tật.
Nhóm 4: Phiếu 1:Cây ngay; Phiếu 2:không;Phiếu 3: sợ; Phiếu 4: chết đứng
4.Trò chơi “Mở rộng từ ngữ”
* Mục tiêu: Giúp học sinh củng cố mở rộng thêm từ, tích lũy được vốn từ. Giúp học sinh phát huy tính chủ động và tự tin.
* Chuẩn bị: Chuẩn bị bảng nhóm, bút lông.
* Thời gian: 3 phút
* Luật chơi – Cách chơi: Chơi theo đội, mỗi nhóm học tập là một đội, giáo viên giao việc cho các đội trong thời gian 3 phút, học sinh tìm và ghi vào bảng nhóm các từ đúng theo yêu cầu thuộc chủ điểm. Hết thời gian các đội trình bày. Đội nào tìm được nhiều từ đúng thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy bài Mở rộng vốn từ: Đồ chơi – trò chơi, giáo viên yêu cầu học sinh tìm các từ miêu tả tình cảm thái độ của con người khi tham gia các trò chơi. Kết quả học sinh sẽ tìm được các từ như: hào hứng, say mê, say sưa, đam mê, mê, ham thích…
5. Trò chơi “Hái hoa đố chữ”
* Mục tiêu: Giúp học sinh nắm được các bộ phận của tiếng để ghép thành tiếng, nhận dạng sự vật qua thơ văn, rèn tính nhanh nhạy, sáng tạo.
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 6 bông hoa có ghi sẵn nội dung.
* Thời gian: 5 phút
* Luật chơi – Cách chơi: Chia lớp thành 6 đội, giáo viên cho mỗi đội cử 1 đại diện lên hái hoa một lần. Bạn hái hoa có nhiệm vụ đọc nội dung hoa cho đội mình đoán từ. Trong thời gian 30 giây nếu đội mình không đoán được thì giành quyền trả lời cho đội khác. Mỗi câu trả lời đúng ghi 10 điểm. Sau khi hái hết 6 hoa giáo viên tổng kết đội nào ghi nhiều điểm hơn thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Sau khi dạy bài: “Các bộ phận của tiếng”Giáo viên chuẩn bị các hoa có nội dung sau:
Hoa 1: “Để nguyên có nghĩa là mình
Nặng vào 10 yến góp thành chẳng sai”
(Chữ ta)
Hoa 2: “Không dấu ăn gỗ, ăn tre
Khi thêm dấu hỏi đi về vẫn qua”
(Chữ cưa)
Hoa 3: “Bớt đầu thì vẫn còn y
Để nguyên vẫn ở trên bàn tiếp anh”
(Chữ ly)
Hoa 4: “Để nguyên bơi lội tung tăng
Bỏ sắc giúp bạn đánh răng hằng ngày”
(Chữ cá)
6. Trò chơi “Rung chuông vàng”
* Mục tiêu: Củng cố kiến thức về ba loại câu kể đã học, nhận diện câu kể chính xác. Rèn cho học sinh tính nhanh nhẹn.
* Chuẩn bị:Giáo viên chuẩn bị 9 phiếu có ghi 9 câu kể, học sinh chuẩn bị bảng con.
* Thời gian: 4 phút
* Luật chơi- Cách chơi: Tất cả các học sinh đều tham gia trò chơi. Mỗi lượt chơi, giáo viên đính ở bảng một phiếu các em nhận diện loại câu kể và ghi vào bảng con loại câu kể: Ai làm gì?; Ai thế nào?; Ai là gì?; đúng với loại câu mà giáo viên đưa ra. Học sinh nào ghi sai thì loại ra khỏi cuộc chơi. Ai ở lại cuối cùng thì người đó thắng.
Ví dụ:
Giáo viên ghi các phiếu:
Phiếu 1: Đàn ngựa lao nhanh về phía trước.( Ai làm gì?)
Phiếu 2: Về đêm, cảnh vật thật im lìm.( Ai thế nào?)
Phiếu 3: Trẻ em là tương lai của đất nước.( Ai là gì?)….
7. Trò chơi “Du lịch trên bản đồ”
* Mục tiêu: Giúp học sinh luyện tập viết đúng tên người, tên địa lí Việt Nam, học sinh tái hiện kiến thức địa lí, viết đúng chính tả. Rèn tính nhanh nhẹn, chuẩn xác
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 3 bảng nhóm có vẽ bản đồ câm, bút lông
* Thời gian: 4 phút
* Luật chơi – Cách chơi:Chia lớp thành 3 đội, mỗi đội gồm 6 em, giáo viên yêu cầu học sinh lượt 1, hai em ghi lại tên các tỉnh, thành phố ở miền Bắc; lượt 2, hai em ghi lại tên các tỉnh thành phố ở miền Trung; lượt 3, hai em ghi lại tên các tỉnh, thành phố ở miền Nam.Kết thúc cuộc chơi đội nào tìm đúng và nhanh nhất thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy xong bài: “Luyện tập viết tên người tên địa lí Việt Nam”
Học sinh sẽ ghi được kết quả sau:
Lượt 1:Tên các tỉnh, thành phố ở miền Bắc:Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang…
Lượt 2:Tên các tỉnh, thành phố ở miền Trung:Huế,Đà Nẵng,Quảng Nam…
Lượt 3:Tên các tỉnh, thành phố ở miền Nam:Bạc Liêu, Cần Thơ,Cà Mau…
8. Trò chơi “Tiếp sức”
* Mục tiêu: Giúp các em tìm từ cùng nghĩa với một từ cho sẵn. Giúp học sinh mở rộng vốn từ, rèn tính nhanh nhẹn, chính xác.
* Chuẩn bị: Học sinh chuẩn bị phấn
* Thời gian: 3 phút
* Luật chơi – Cách chơi: Chơi theo đội, mỗi tổ học tập là một đội, tất cả các em đều tham gia trò chơi.Giáo viên cho các em xếp thành các hàng dọc trước bảng lớp đúng với cột được phân chia trên bảng. khi có lệnh của giáo viên, học sinh tiếp sức nhau ghi các từ cùng nghĩa với từ cho sẵn. Sau thời gian 3 phút đội nào ghi được nhiều từ và đúng thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy bài Mở rộng vốn từ: Ước mơ, giáo viên yêu cầu học sinh tiếp sức nhau tìm từ cùng nghĩa với từ ước mơ. Kết quả học sinh tìm được sẽ là: ước mong, ước muốn, ước vọng, mơ ước, mơ tưởng…
9. Trò chơi “Ô chữ”:
* Mục tiêu: Trò chơi giúp học sinh tìm và hiểu sâu về từ loại, hiểu nghĩa các từ trong Tiếng Việt. Rèn cho học sinh tính nhanh nhẹn, chính xác.
* Chuẩn bị: Chuẩn bị 9 thăm cho 3 đội.
* Thời gian: 5 phút
* Luật chơi – Cách chơi: Chia lớp thành 3 đội. Giáo viên lần lượt cho đại diện đội lên bốc thăm phiếu về thảo luận theo nhóm trong 20 giây rồi trình bày ô chữ. Kết thúc trò chơi đội nào giải được nhiều ô chữ hơn thì đội đó thắng.
Ví dụ:
Khi dạy bài Mở rộng vốn từ: Nhân hậu – đoàn kết. Giáo viên chuẩn bị các thăm:
Thăm 1: Đây là ô chữ gồm có 7 chữ cái có nghĩa là hiền hậu và dịu dàng ( hiền dịu)
Thăm 2: Đây là ô chữ gồm có 6 chữ cái có nghĩa là hiền và giàu lòng thương người ( hiền từ)
Thăm 3: Đây là ô chữ gồm có 8 chữ cái có nghĩa là hiền và tốt với mọi người không làm hại ai ( hiền lành).
VI. NHẬN ĐỊNH CHUNG – KẾT QUẢ:
– Trên đây là một số trò chơi bổ ích mà tôi thường xuyên linh hoạt tổ chức cho học sinh lớp 4B chơi vào thời gian củng cố bài học hoặc ở các bài học ở phân môn Luyện từ & Câu. Song cũng có thể vận dụng trò chơi này vào các bài học của các môn học khác.
– Trò chơi học tập nhằm giúp học sinh nắm chắc kiến thức đã học, như giải nghĩa từ, vận dụng từ ngữ vào việc nói, viết sát hợp hơn, vốn từ được mở rộng nhiều hơn. Qua đó giáo viên cần rèn cho học sinh kĩ năng nói và viết trôi chảy, phong phú hơn.
– Qua trò chơi, học sinh mới có thể thể hiện khả năng tư duy, sáng tạo của mình. 100% học sinh phấn khởi, hào hứng trong khi chơi. Tiết học có tổ chức trò chơi tốt thì đem lại hiệu quả cao, cuốn hút học sinh tham gia xây dựng bài và cảm thấy nhẹ nhàng hơn, chất lượng hơn, tự nhiên hơn.
……………
Tải file tài liệu để xem nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sáng kiến kinh nghiệm lớp 4: Thiết kế trò chơi học tập trong phân môn luyện từ và câu Mẫu sáng kiến kinh nghiệm môn Tiếng Việt lớp 4 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.