Sáng kiến kinh nghiệm: Biện pháp rèn luyện đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 gồm 2 mẫu, giúp thầy cô tham khảo, khéo léo đưa ra các biện pháp để học sinh xác định được thể loại của từng bài đọc để tìm ra giọng đọc phù hợp, biết bộc lộ, thể hiện tình cảm, cảm xúc trong quá trình đọc.
Qua đó, còn giúp thầy cô bồi dưỡng cho học sinh tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt. Vậy mời thầy cô tham khảo thêm biện pháp rèn kỹ năng đọc, ứng dụng trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh Tiểu học để có thêm nhiều kinh nghiệm.
Biện pháp rèn luyện đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 – Mẫu 1
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
MỘT VÀI BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG ĐỌC DIỄN CẢM CHO HỌC SINH LỚP 4
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Môn Tiếng Việt ở trường Phổ thông có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh. Năng lực hoạt động ngôn ngữ cho 4 dạng hoạt động tương ứng với chúng là 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Đọc là một phân môn của chương trình Tiếng Việt bậc Tiểu học. Đây là một phân môn có vị trí đặc biệt trong chương trình vì nó đảm nhiệm việc hình thành và phát triển cho học sinh kĩ năng chuyển chữ viết thành ngôn ngữ, một kĩ năng quan trọng hàng đầu của học sinh ở bậc Tiểu học đầu tiên.
Những kinh nghiệm đời sống, những thành tưụ văn hóa, khoa học, những tư tưởng, tình cảm của thế hệ trước và của cả những người đương thời phần lớn được ghi lại bằng chữ viết. Nếu không biết đọc thì con người không thể tiếp thu nền văn minh của loài người, không thể sống một cuộc sống bình thường… và ngược lại.
Biết đọc, con người đã nhân khả năng tiếp nhận lên nhiều lần, từ đây họ biết tìm hiểu, đánh giá cuộc sống, nhận thức các mối quan hệ tự nhiên, xã hội, tư duy. Biết đọc, con người có khả năng chế ngự một phương tiện văn hóa cơ bản giúp họ giao tiếp được với thế giới bên trong của người khác, thông hiểu tư tưởng, tình cảm của người khác. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin thì biết đọc càng quan trọng vì nó giúp người ta sử dụng các nguồn thông tin không những biết đọc Tiếng Việt mà cần phải biết đọc cả tiếng nước ngoài. Đọc chính là học, học nữa, học mãi, đọc để tự học, học cả đời.
Đối với học sinh kĩ năng đọc là yêu cầu cơ bản đầu tiên. Nếu không biết đọc các em sẽ không tham gia vào các hoạt động học các môn khác đạt kết quả được.
Vì vậy, dạy đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình dạy học Tiểu học.
Yêu cầu kĩ năng đọc đặt ra cho học sinh lớp 4 cần đạt tới đó là:
– Đọc đúng tốc độ;
– Đọc lưu loát;
– Đọc thầm nhanh hiểu nội dung bài;
– Bước đầu biết đọc diễn cảm ở bài văn hay bài thơ nói chung, có cảm xúc, biết nhấn giọng ở những từ gợi cảm, gợi tả, biết đọc các lời tác giả, lời nhân vật.
Có ba yêu cầu của việc luyện đọc thành tiếng trong giờ dạy Tập đọc (đọc đúng, đọc nhanh, đọc diễn cảm) đọc diễn cảm thể hiện rõ nhất kĩ năng đọc của học sinh. Khi đọc diễn cảm, các kĩ năng đọc đúng, đọc nhanh đã đồng thời được thể hiện. Do đặc điểm nhận thức của học sinh lớp 4 mang tính cụ thể, do vốn ngôn ngữ và vốn sống của các em còn hạn chế nên chúng ta không tổ chức dạy học văn với tư cách là một môn học độc lập. Chính vì vậy đọc diễn cảm là phương tiện dạy học đồng thời là biện pháp dạy học nhằm đạt được mục tiêu dạy tích hợp văn qua môn Tiếng Việt.
Trong khi đó ở trường Tiểu học, việc dạy đọc, bên cạnh những thành công, còn nhiều hạn chế: học sinh của chúng ta chưa đọc được như mong muốn. Kết quả đọc của các em chưa đáp ứng yêu cầu của việc hình thành kĩ năng đọc đặc biệt là kĩ năng đọc diễn cảm. Vì chưa thể hiện diễn cảm trong bài đọc nên trong quá trình giao tiếp của các em cũng như chưa thể hiện được sự giao tiếp lịch sự như nói lời chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, mời, nhờ, yêu cầu, đề nghị. . . mỗi học sinh đã có được kĩ năng đọc diễn cảm thì chắc chắn việc cảm thụ văn học dễ dàng hơn và sâu sắc hơn. Nhiều giáo viên cũng còn lúng túng khi dạy tập đọc. Cần đọc bài với giọng như thế nào, làm thế nào để sửa chữa cách đọc cho học sinh diễn cảm hơn… đó là những trăn trở của mỗi giáo viên trong những giờ tập đọc.
Xuất phát từ những thực trạng nói trên, tôi mạnh dạn đưa những ý kiến của mình trong việc rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4, với hy vọng được đóng góp một chút kinh nghiệm của bản thân.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN:
Dạy đọc có ý nghĩa rất to lớn ở Tiểu học, đọc trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với những người đi học. Đọc giúp các em chiếm lĩnh được một ngôn ngữ để dùng trong giao tiếp và học tập, đọc là công cụ để học tập tất cả các môn học, đọc tạo ra hứng thú và động cơ học tập, đọc tạo điều kiện để học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập cả đời. Và việc rèn cho học sinh biết đọc diễn cảm các văn bản là điều rất quan trọng ở mỗi giờ dạy tập đọc cho học sinh lớp 4. Học sinh biết cách đọc diễn cảm các văn bản sẽ có tác dụng giúp các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về nội dung bài đọc tức là đã góp phần giúp các em biết cảm thụ văn học được tốt hơn. Hơn thế nữa việc dạy học sinh biết đọc diễn cảm giúp các em biết cách giao tiếp lịch sự hơn khi nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời chào hỏi, lời nhờ, lời yêu cầu …
Với nhiệm vụ là một phân môn dành khá nhiều thời gian để thực hành . Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là hình thành năng lực đọc cho học sinh. Năng lực đọc được tạo nên bốn kĩ năng bộ phận cũng là bốn yêu cầu về chất lượng của “đọc”: đọc đúng, đọc nhanh, đọc có ý thức (đọc hiểu) và đọc diễn cảm.
Ở mỗi dạng văn bản khác nhau cách thể hiện giọng đọc diễn cảm khác nhau. Tuy nhiên dù ở dạng văn bản nào thì yêu cầu về kĩ năng đọc diễn cảm phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
– Đọc ngắt, nghỉ đúng chỗ.
– Đọc đúng kiểu câu,
– Đọc đúng tốc độ.
– Đọc đúng cường độ,
– Đọc đúng cao độ.
Sau khi học sinh đã được luyện đọc đúng, đảm bảo tốc độ, đọc lưu loát và được tìm hiểu nội dung bài học thì mới được luyện đọc diễn cảm. Đó là một điều thuận lợi để giáo viên dạy học sinh luyện đọc diễn cảm. Bởi lẽ sau khi học sinh đã hiểu được nội dung văn bản thì việc xác định giọng đọc sẽ dễ dàng hơn. Đọc diễn cảm trước hết phải xác định nội dung, nghĩa, lý của bài đọc, sắc thái tình cảm, giọng điệu chung của bài. Đây là nhiệm vụ của quá trình dạy đọc hiểu. Kết thúc quá trình đọc hiểu học sinh phải xác định được cảm xúc của bài: vui, buồn, tự hào, tha thiết, trang nghiêm, sâu lắng, ngợi ca… ngay trong một bài cũng có thể hòa trộn nhiều cảm xúc.
Cần hiểu rằng “Đọc diễn cảm” không phải là đọc sao cho “điệu”, thiếu tự nhiên, dựa vào ý thích chủ quan của người đọc. Đọc diễn cảm là sử dụng ngữ điệu để phô diễn cảm xúc của bài học. Vì vậy phải hòa nhập với câu chuyện, bài văn, bài thơ có cảm xúc mới tìm thấy ngữ điệu thích hợp. Chính tác phẩm quy định ngữ điệu cho chúng ta chứ không phải tự đặt ra ngữ điệu.
III. CƠ SỞ THỰC TIỄN:
1. Hạn chế của giáo viên:
Hiện nay, trong thực tế luyện đọc ở lớp 4, kĩ năng đọc diễn cảm của học sinh chưa cao, các biện pháp luyện đọc diễn cảm chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu mong đợi. Phần lớn giáo viên sử dụng các biện pháp truyền thống trong việc luyện đọc diễn cảm. Một trong những biện pháp được sử dụng khá phổ biến trong thực tế luyện đọc diễn cảm ở Tiểu học nói chung và lớp 4 nói riêng là luyện theo mẫu vì phương pháp này gọn nhẹ, tiết kiệm được lời giảng, phù hợp với nội dung dạy học. Khi sử dụng phương pháp luyện theo mẫu chúng ta phải sử dụng lượng thời gian, công sức cao vì đây là phương pháp mô phỏng. Học sinh thường không tránh khỏi bắt chước, rập khuôn, máy móc.
Và một nguyên nhân quan trọng khác làm cho chất lượng dạy tập đọc chưa tốt cũng chính là ở những hạn chế của giáo viên. Nhìn chung hiện nay giáo viên của chúng ta còn thiếu hụt những kĩ năng đọc, vì vậy không chủ động được các nội dung dạy học tập đọc. Giáo viên chưa chú ý chữa các lỗi phát âm cho học sinh, không có biện pháp luyện cho học sinh đọc to, đọc nhanh, đọc diễn cảm. Kĩ năng đọc diễn cảm là mục đích cuối cùng của chúng ta muốn có ở học sinh sau mỗi giờ học. Những kĩ năng này trước hết phải có ở giáo viên, thầy giáo phải đọc được bài tập đọc với giọng cần thiết, phải mã được nội dung bài tập đọc từ việc hiểu từ, câu đến việc hiểu ý, tình của văn bản. Như vậy có nghĩa là để đạt được cái đích cuối cùng ấy của giờ dạy tập đọc là học sinh phải đọc đúng, hay, đọc diễn cảm và hiểu nội dung văn bản, bên cạnh đó yêu cầu về kĩ năng đọc diễn cảm cần thiết đầu tiên là phải có kĩ năng đọc diễn cảm ở người giáo viên.
2. Thực trạng về học sinh: Qua điều tra đầu năm học ….. của học sinh lớp 4/3 trường Tiểu học …., kết quả học sinh đọc diễn cảm đạt như sau:
Lớp |
SLHS |
Ngắt giọng sai |
Đọc sai kiểu câu |
Đọc chưa diễn cảm |
4/3 |
41 |
20 |
25 |
30 |
Thực trạng học sinh đọc diễn cảm một văn bản là rất ít. Hầu như các em mới chỉ đạt đến yêu cầu: Đọc đúng tốc độ, phát âm tương đối chính xác, hiểu được nội dung bài còn yêu cầu về kĩ năng đọc diễn cảm là rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do giáo viên chúng ta chưa thực sự chú tâm để tìm ra cách đọc mẫu cho mình. Nhiều giáo viên còn lúng túng khi xác định giọng đọc của bài, các lần đọc mẫu của giáo viên chưa giống nhau làm cho học sinh không biết mình sẽ bắt chước theo kiểu đọc nào.
Ở lớp tôi có học sinh ở nhiều vùng khác nhau nên phương ngữ của các em cũng không giống nhau. Điều này rất khó cho tôi khi tổ chức rèn kĩ năng đọc diễn cảm trong một lớp.
2.1. Đọc không đúng chỗ ngắt giọng: Đọc sai chỗ ngắt giọng phản ánh một cách hiểu sai nghĩa hoặc ít ra là một cách đọc không để ý đến nghĩa. Vì vậy đọc ngắt giọng đúng là mục đích của dạy đọc thành tiếng, vừa là phương tiện giúp học sinh chiếm lĩnh nội dung bài.
Lỗi học sinh mắc phải khi đọc những bài văn xuôi, thường ngắt giọng sai ở những câu văn dài có cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
Ví dụ: Bài: Đôi giày ba ta màu xanh.
Tôi tưởng tượng nếu mang nó/ vào chắc bước đi sẽ nhẹ và nhanh hơn, tôi sẽ chạy trên những con đường đất mịn trong làng trước/ cái nhìn thèm muốn của các bạn tôi.
Ví dụ: Bài: Truyện cổ nước mình.
Với thơ lục bát các em thường ngắt nhịp 2/2/2 (6 tiếng) 4/4 (8 tiếng)
Ví dụ: Vàng cơn/ nắng trắng/ cơn mưa
Con sông/ chảy có/ rặng dừa/ nghiêng soi.
Những trường hợp trên đã bị xem là ngắt giọng sai vì đã tách một từ ra làm hai, tách từ chỉ loại với danh từ, tách danh từ ra khỏi định ngữ đi kèm, ngắt giọng sau một hư từ.
2.2. Lỗi về đọc không đúng kiểu câu: Học sinh chỉ biết đọc đều cho tất cả các loại câu: kể, khiến, cảm, hỏi. Học sinh không biết cách thể hiện khi nào thì thể hiện ngữ điệu yếu, ngữ điệu mạnh, ngữ điệu xuống, ngữ điệu lên.
* Ngữ điệu lên xuất hiện ở các câu hỏi:
Ví dụ: – Ai xui con thế? (Thưa chuyện với mẹ)
– Cậu thấy chùm quả của mình thế nào? (Ở Vương quốc Tương Lai).
* Ngữ điệu yếu, nghỉ hơi dài sau chỗ có dấu chấm lửng.
Ví dụ : – Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại… (Người ăn xin)
* Ngữ điệu mạnh xuất hiện ở câu cảm và câu khiến như là:
Ví dụ: Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao?
(Con chuồn chuồn nước)
2.3. Lỗi về tốc độ đọc: Ở những văn bản đòi hỏi phải thể hiện tốc độ đọc nhanh, khi yêu cầu đặt ra như thế học sinh thường hiểu là với văn bản này phải đọc liến thoắng đọc nhanh đến nỗi người nghe không thể nào theo dõi được hoặc đối với những văn bản yêu cầu đặt ra là đọc chậm rãi thì học sinh lại đọc quá chậm: đọc từng tiếng một rời rạc như có cảm giác học sinh vừa đọc vừa dừng lại để đánh vần.
2.4. Lỗi về cường độ: Khi nói đến sử dụng cường độ trong đọc diễn cảm cần phải nói đến chuyện dạy đọc to cho học sinh. Đọc phải đủ lớn để các bạn ngồi ở vị trí xa nhất cũng có thể nghe được. Nhưng thực tế trong một lớp học vẫn còn tồn tại một số học sinh đọc quá nhỏ thậm chí giọng đọc phát ra không đủ để cho bạn ngồi cùng bàn có thể theo dõi được.
2.5. Lỗi về cao độ: Thể hiện cao độ khi đọc là muốn nói đến chỗ lên giọng, xuống giọng. Học sinh ở lớp khi đọc bài còn tùy tiện lên giọng xuống giọng sau mỗi câu mà không biết chỗ đó có dụng ý nghệ thuật gì.
Xuất phát từ thực trạng như trên để đạt mục tiêu dạy học môn Tập đọc,bản thân tôi đã đầu tư các biện pháp sau :
IV. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU:
Biện pháp 1: Chuẩn bị của giáo viên:
Khi soạn giảng, chúng ta cần xác định được mục tiêu của nội dung bài dạy, xác định rõ thể loại văn bản để tìm ra giọng đọc phù hợp với văn bản đó. Chúng ta luyện đọc mẫu ở nhà, có ý thức tự điều chỉnh mình đọc đúng hơn, hay hơn, nếu có thể ta sử dụng máy ghi âm ghi lại giọng đọc của mình điều này sẽ giúp mình phát hiện ra các nhược điểm để tự mình điều chỉnh, sửa chữa. Biết phối hợp nhịp nhàng lời mô tả giọng đọc với làm mẫu, có sự hài hòa giữa những lời yêu cầu chỉ dẫn về cách đọc và khả năng biểu diễn những yêu cầu chỉ dẫn này bằng giọng đọc mẫu diễn cảm của giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên cũng dự tính được lỗi học sinh mắc phải trong bài để đưa ra cách chữa lỗi hay nhất. Và trong giờ dạy tập đọc, chúng ta không bắt ép học sinh phải đọc theo một phương ngữ nhất định khi mà phương ngữ các em có được khác với phương ngữ mà cô yêu cầu.
Biện pháp 2: Luyện đọc đúng, đọc lưu loát văn bản.
2.1. Luyện phát âm:
Muốn học sinh đọc đúng, đọc ngắt giọng, nhấn giọng dẫn đến đọc diễn cảm, trước hết, tôi phải giúp các em phát âm chuẩn, đọc đúng loại câu, đúng ngữ điệu câu, hiểu nội dung bài, các em phải biết đặt mình vào vị trí của nhân vật, của tác giả.
Như chúng ta đã biết đa số giáo viên, học sinh Quảng Nam chúng ta khi nói và đọc thường mắc một số lỗi phát âm như: nói lẫn giữa các âm, vần ăn – en, oi – ua, ao – ô,…Ngoài ra, các học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau nên việc đọc, việc phát âm của các em cũng không mang tính đồng nhất : s – x , r – d , tr – ch… Vì vậy khi phát âm đã làm mất đi cái hay, cái tự nhiên và điều này đã làm cho các em thấy xấu hổ và mất tự tin khi đọc; hạn chế việc đọc của các em làm mất đi sự hứng thú đối với môn học này. Chính vì vậy, khi dạy Tập đọc, chúng ta phải chú ý quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong lớp mình và khi dạy học, chúng ta phải phụ thuộc vào trình độ của học sinh, từng vùng miền để hướng dẫn cho các em đọc đúng, phát âm chuẩn. Nếu học sinh đọc chưa tốt, phát âm chưa đúng thì giáo viên phải dừng lại luyện đọc cho đúng. Nếu học sinh đọc đúng, đọc tốt rồi thì chúng ta mới luyện đọc hay, đọc diễn cảm. Động viên các em và giao nhiệm vụ cho cả lớp cùng giúp bạn bằng cách không trêu ghẹo mà tạo cơ hội cho bạn sửa chữa.
2.2. Luyện ngắt giọng:
Những lỗi sai trên là do người đọc không tính đến cấu trúc ngữ pháp Chủ ngữ và vị ngữ, chỗ ngắt giọng không được rơi vào sau hư từ hoặc trong cụm 1 từ, 1 từ lại tách ra làm hai. Để chữa được những lỗi này giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh.
– Thường ngắt giọng giữa ranh giới Chủ ngữ và vị ngữ.
Ví dụ: Lá trầu / khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều/ gấp lại trên đầu bấy nay. (Bài Mẹ ốm)
Tuy những trường hợp có thể nói thơ là sự “phân vân” giữa nhạc và ý nên chỗ cần luyện ngắt nhịp là chỗ mà nhạc thơ theo áp lực tự nhiên và ý nghĩa – Ngữ pháp không khớp với nhau. Không phải bao giờ cũng ngắt nhịp theo ý. Có trường hợp phải ưu tiên cho nhạc. Ví dụ: Trong câu lục bát chỗ ngắt nhịp nhất thiết sẽ rơi vào sau tiếng thứ 6 của câu 8 tiếng nếu nó được gieo vần.
Ví dụ: Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ/ áo hoa. (Bài Dòng sông mặc áo)
Tuy nhiên cũng không nên cứng nhắc khi dạy ngắt giọng, giáo viên phải biết rằng trong cùng một câu lại có nhiều cách ngắt giọng. Vấn đề là giáo viên nên chọn cách ngắt giọng nào cho hay hơn.
Ví dụ: Hôm nay đọc báo thiếu niên Tiền phong, mình rất xúc động được biết / ba của Hồng đã hy sinh trong trận lũ lụt vừa rồi.
Cách ngắt nhịp trên là đúng, nhưng cũng có thể ngắt nhịp thành: Hôm nay, đọc báo thiếu niên Tiền phong, mình rất xúc động/được biết ba của Hồng đã hy sinh trong trận lũ lụt vừa rồi.
2.3. Luyện về ngữ điệu:
* Cách chữa lỗi về ngữ điệu yếu: Hầu hết tất cả các bài văn xuôi hay thơ khi được đặt dấu câu ba chấm (…) đọc đến đây chúng ta phải hạ giọng thấp hơn so với giọng đọc ban đầu. Dấu ba chấm ở đây chỉ sự ngập ngừng chưa nói hết thì phải đọc với ngữ điệu yếu.
Ví dụ: Bố khó thở lắm. . . (Nỗi dằn vặt của An đrây – ca)
* Cách chữa lỗi về ngữ điệu mạnh: Hầu hết các kiểu câu khiến sẽ có những điệu mạnh hoặc trong một ngữ đoạn, ngữ điệu mạnh nêu bật những từ người ta muốn nhấn mạnh,đặc biệt là lúc này ngữ điệu mạnh trùng với trọng âm. Ví dụ: Khi đọc một đoạn trong bài: ‘’Đôi giày ba ta màu xanh ‘’được đọc nhấn các từ : mấp máy, ngọ nguậy, tưng tưng. Còn những câu cảm: Ôi chao đôi giày mới đẹp làm sao ! được đọc với giọng trầm trồ thán phục.
* Cách chữa về lỗi thể hiện ngữ điệu xuống (hạ xuống): thường dùng để kết thúc câu kể (câu tường thuật). Vì đường ranh giới câu không chỉ thể hiện ở chỗ ngừng mà còn ở ngữ điệu kết thúc đi xuống. Nếu ta không hạ giọng ở cuối mỗi câu sẽ không tạo ra sự luân chuyển nhịp nhàng cao độ của các câu. Vì vậy khi đọc chóng bị mệt và người nghe khó theo dõi. Ngoài ra, ngữ điệu xuống thường dùng để đọc lời tác giả trong những văn bản xen lẫn lời tác giả và lời nhân vật, nhất là khi lời tác giả lọt vào những lời nhân vật.
* Cách chữa lỗi về lên giọng: Khi đọc câu hỏi cần phải lên giọng.
Ví dụ: Có câm mồm không? phải cao giọng ở cuối câu. Tuy nhiên những câu hỏi kết thúc về ngữ khí thì không lên giọng.
Ví dụ: Chúa đã xơi “Mầm đá” chưa ạ ?
2.4. Luyện tập về tốc độ đọc: Để chữa lỗi về thể hiện tốc độ giáo viên cần hướng dẫn:
– Khi đọc những văn bản có nội dung miêu tả một công việc dồn dập khẩn trương thì phải đọc nhịp nhanh. Nhưng không có nghĩa là các em phải đọc một cách liến thoắng mà đọc với tốc độ nhanh hơn bình thường để người nghe có thể theo dõi được.
Ví dụ: Chơi một lúc mới nhớ lời mẹ dặn, con vội chạy một mạch đến cửa hàng/ mua thuốc/ rồi mang về nhà.
– Khi đọc những văn bản có cảm xúc phấn khởi tự hào cần thể hiện tốc độ không quá chậm.
– Là một bài văn xuôi trữ tình, chan chứa cảm xúc cần phải được đọc chậm. Đọc với tốc độ chậm là chậm so với mức bình thường chứ không phải các em đọc chậm từng tiếng một,sẽ làm cho người nghe hiểu sai về nội dung văn bản.
2.5. Luyện tập về cường độ:
– Giáo viên phải tập cho tất cả học sinh trong lớp mình có thói quen đọc đúng cường độ nghĩa là phải đọc đủ lớn để cho cả lớp và cô giáo có thể nghe được. Giáo viên giáo dục cho học sinh hiểu được tác hại của việc đọc quá nhỏ, thì cô và các bạn sẽ không theo dõi được, mà không theo dõi được thì không thể sửa sai cách đọc cho chúng ta được.
2.6. Luyện tập về cao độ:
Như đã nêu ở phần cách chữa lỗi về ngữ điệu ở mỗi loại kiểu câu lại có một ngữ điệu lên, xuống khác nhau. Tuy nhiên vẫn tồn tại trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ: Có câu hỏi nhưng khi đọc không cần lên giọng ở cuối câu. Chẳng hạn khi đọc: Bầm ơi, có rét không Bầm? Đây là kiểu câu hỏi nhưng khi đọc ta không lên giọng ở cuối câu mà lại hạ giọng ở cuối câu. Vì đây là câu hỏi thể hiện sự trăn trở của người con nơi chiến trận đang nghĩ về người mẹ yêu quý của mình, một câu hỏi không cần có câu trả lời. Như vậy tùy thuộc vào từng văn bản cụ thể mà hướng dẫn học sinh thể hiện đúng cao độ.
* Trên đây là các bước luyện đọc đúng, đọc lưu loát văn bản.
Biện pháp 3: Luyện đọc diễn cảm:
3.1.Cung cấp mẫu giúp HS tri giác các chỉ số âm thanh của bài đọc một cách cụ thể, từ đó có ý thức luyện tập theo mẫu.
Để thực hiện tốt bước này, cần tuân thủ các yêu cầu: giọng đọc mẫu thể hiện chính xác các chỉ số âm thanh, phù hợp với nội dung bài đọc, phô diễn được cảm xúc mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc một cách sáng tạo. Trong thực tế, chúng ta thường đọc mẫu. Tuy nhiên, để tăng hứng thú cho HS trong giờ học, chúng ta cần thể hiện mẫu bằng nhiều đối tượng hoặc phương tiện khác nhau (GV / HS khá giỏi / băng hình, băng tiếng, …. ). Khi đọc mẫu hoặc cung cấp mẫu, chúng ta lưu ý vị trí thích hợp để cả lớp theo dõi, quan sát mẫu tốt; cần tạo không khí học tập, tâm thế cho HS trước khi đọc mẫu (thái độ của HS biết chờ đợi nghe giọng đọc mẫu, im lặng, trật tự,…).
3.2.Phân tích các chỉ số âm thanh của giọng đọc mẫu giúp HS hiểu rõ các yêu cầu trong giọng đọc mẫu một cách có ý thức, từ đó tránh bắt chước giọng đọc mẫu một cách máy móc.
Xuất phát từ đặc điểm nhận thức của HS và nội dung dạy học (thuộc bình diện ngữ âm – cái biểu hiện của ngôn ngữ), chúng ta lưu ý phân tích các chỉ số âm thanh kết hợp việc thể hiện giọng đọc để việc phân tích giúp HS hình dung cách đọc một cách cụ thể; cách phân tích cần dễ hiểu, không dùng thuật ngữ ngôn ngữ học nhằm phù hợp với nhận thức mang tính trực quan, cụ thể của HS. Khi phân tích, cần tránh hiện tượng áp đặt, nên hé mở định hướng để HS có ý thức tái tạo giọng đọc theo cảm xúc của bản thân một cách tốt nhất. Chúng ta cần quy định hệ thống kí hiệu đánh dấu các chỉ số âm thanh cụ thể của bài đọc (lên giọng, xuống giọng, nhấn giọng,…). Trong thực tế, chúng ta thường sử dụng hệ thống kí hiệu sau: / : chỗ ngắt giọng, // : chỗ ngừng giọng, : chỗ lên giọng, : chỗ xuống giọng, = = = : chỗ đọc chậm, === : chỗ đọc nhanh, X : chỗ nhấn giọng,… ; nên chọn đoạn tiêu biểu – chứa các trường hợp khó đọc hoặc thể hiện cảm xúc, tư tưởng cao của tác phẩm
Ví dụ: Bài ‘‘Hoa học trò’’ nên chọn đoạn ‘‘ Phượng không phải là một đóa. . . đậu khít nhau’’ vì đoạn này chứa nhiều câu có ngữ điệu khác nhau, chứa nhiều từ biểu cảm cần nhấn giọng . . .
Khi phân tích, chúng ta cần tổ chức lớp học bằng nhiều hình thức khác nhau: cá nhân, nhóm, tập thể lớp,… và nên phân công các nhóm, các cá nhân từng nội dung cụ thể để đảm bảo thời gian bài học, giờ học (trở lại ví dụ trên, chúng ta nên chia lớp thành các nhóm, yêu cầu từng nhóm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau : ví dụ trên có thể phân chia : nhóm 1 : xác định cách ngắt nhịp / phát hiện, đánh dấu các từ ngữ cần nhấn giọng, lên giọng, xuống giọng,….; nhóm 2 : xác định tốc độ đọc câu; để có cơ sở khoa học, việc phân tích cần gắn với việc tìm hiểu bài đọc (gắn với các câu hỏi: Vì sao tốc độ giọng đọc phải nhanh / chậm ? …)
3.3.Luyện theo giọng đọc mẫu giúp HS rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm theo định hướng của mẫu. Bước này chiếm nhiều thời gian và được xem là trọng tâm của biện pháp luyện đọc theo mẫu. Cường độ luyện tập ở bước này cao giúp HS ghi nhớ và vận dụng tốt mẫu đã được nghe và phân tích. Để tránh nhàm chán đối với HS khi phải luyện tập nhiều, hình thức luyện tập cần phong phú (cá nhân, nhóm, thi đọc, đọc phân vai, đọc nối tiếp,…). Khi luyện tập cần bảo đảm thời gian của giờ học, mục tiêu của bài học. Thực hiện bước này bằng các thao tác cơ bản : chọn hình thức tổ chức luyện tập (cá nhân/ nhóm / tập thể); giao nội dung luyện tập; tổ chức luyện tập.
3.4. Nhận xét, sửa chữa, điều chỉnh, khái quát hóa về cách đọc của bài đọc giúp HS điều chỉnh, sửa chữa, ý thức sâu sắc về cách đọc diễn cảm bài đọc. Trong thực tế, bước này thường kết hợp với bước 3; chúng ta nên tổ chức nhận xét điều chỉnh theo nhóm hoặc tập thể lớp. Cách thức thực hiện bước này thường là: tổ chức nhận xét, điều chỉnh; khái quát về yêu cầu bài đọc.
Việc phân tích các bước trong quy trình sử dụng phương pháp luyện theo mẫu khi vận dụng vào qúa trình luyện đọc diễn cảm ở trên cho thấy, chúng ta không chỉ sử dụng phương pháp luyện theo mẫu một cách thuần túy mà đã linh hoạt kết hợp nhiều phương pháp khác (bước 2 đã vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp thực hành giao tiếp ,… ). Đối với HS lớp 4, 5 chúng ta cần quan tâm bước 2, nếu làm tốt bước 2 sẽ tác động lớn đến kết quả luyện đọc của HS.
Điều khó khăn của việc sử dụng phương pháp luyện theo mẫu trong quá trình luyện đọc diễn cảm là chuyển hóa kết quả tri giác từ mẫu (chất liệu âm thanh ngôn ngữ nghệ thuật) thành giọng đọc diễn cảm, vừa có tính tái tạo, vừa có tính sáng tạo của chính bản thân HS. Do vậy, bản thân muốn chia sẻ những kinh nghiệm về việc vận dụng phương pháp luyện theo mẫu trong luyện đọc diễn cảm cho HS lớp 4.
V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:
Qua một năm thực nghiệm về rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4/3, tôi đã vận dụng những biện pháp trên và kết quả đạt được rất khả quan:
– Trong chương trình phát thanh Măng non của Liên đội TNTP trường …., lần nào lớp tôi cũng được chọn HS phát thanh và được đông đảo phụ huynh, thầy cô giáo cùng các bạn đội viên khen ngợi.
– Điểm kiểm tra Giữa Kì II môn Tiếng Việt của lớp tôi đạt chất lượng khá cao, hơn hẳn với mặt bằng chung của tổ với kết quả như sau:
* 36 / 41 HS đạt Khá Giỏi Tỉ lệ 87,8 %
– 5 HS đạt Trung bình Tỉ lệ 12,2 %
– Không có học sinh Yếu
– Gần đây nhất, vào ngày 15 tháng 3, nhà trường có tổ chức giao lưu HS giỏi khối 4 dưới hình thức Rung chuông vàng, gồm 30 câu hỏi, trong đó có 8 câu hỏi Tiếng Việt, HS lớp tôi đã trả lời đúng hầu hết các câu Tiếng Việt và có kết quả rất thuyết phục là 12 em tham gia giao lưu thì đạt 11 giải như sau:
1 giải nhất, 5 giải nhì, 3 giải 3 và 2 giải khuyến khích.
– Việc đọc đúng, đọc diễn cảm của HS lớp tôi đã có chuyển biến rõ rệt so với đầu năm học, học sinh thì không còn đọc ngắc ngứ, đọc không để ý đến nghĩa hoặc sai nghĩa, giọng đọc đều đều, rời rạc,…lên xuống giọng tùy tiện mà không biết chỗ đó tác giả có dụng ý nghệ thuật gì. Dần dần từng bước các em đã biết đọc diễn cảm ở mỗi bài đọc. Việc biết đọc diễn cảm giúp các em bồi bổ thêm các kĩ năng trong giao tiếp, các em đã mạnh dạn và tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động tập thể,… khi giao tiếp với người lớn, thầy cô, với bạn bè và mọi người xung quanh như: nói lời chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, lời mời, lời đề nghị, lời yêu cầu,…
Kết quả:
Lớp |
SLHS |
Ngắt giọng đúng |
Đọc đúng kiểu câu |
Đọc diễn cảm |
4/3 |
41 |
32 |
28 |
27 |
VI. KẾT LUẬN:
Với những biện pháp rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh mà tôi đã áp dụng và đạt được kết quả như đã nêu trên, tôi thấy rằng để đạt được hiệu quả giờ lên lớp, học sinh đọc hay, đọc diễn cảm thì trước hết người giáo viên phải đọc diễn cảm. Bản thân mỗi giáo viên phải tích cực khắc phục những hạn chế về kĩ năng đọc của mình, thường xuyên luyện đọc diễn cảm để hướng dẫn học sinh đọc tốt.
Khi dạy đọc cho học sinh, ta phải hết sức chú ý việc chữa lỗi phát âm cho học sinh, về cách ngắt giọng, về ngữ điệu, tốc độ đọc, cường độ, cao độ,…
Sử dụng nhiều biện pháp rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh theo các bước:
– Cung cấp mẫu, giúp học sinh tri giác các chỉ số âm thanh của bài đọc một cách cụ thể, từ đó có ý thức luyện tập theo mẫu.
– Phân tích các chỉ số âm thanh của giọng đọc mẫu giúp học sinh hiểu rõ các yêu cầu trong giọng đọc mẫu một cách có ý thức, từ đó tránh bắt chước giọng đọc mẫu một cách máy móc.
– Luyện theo giọng đọc mẫu giúp học sinh rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm theo định hướng của mẫu. Bước này chiếm nhiều thời gian và được xem là trọng tâm của biện pháp luyện đọc theo mẫu.
– Nhận xét, sửa chữa, điều chỉnh, khái quát hóa về cách đọc của bài đọc giúp học sinh điều chỉnh, sửa chữa, ý thức sâu sắc về cách đọc diễn cảm bài đọc.
VII. ĐỀ NGHỊ:
Nhà trường cần tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa như: Thi đọc diễn cảm, thuyết trình văn học, thi kể chuyện, thi dẫn chương trình,… để các em có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau và phát huy năng lực sẵn có.
Phòng Giáo dục mở thêm nhiều chuyên đề với nội dung sinh hoạt về kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng đọc diễn cảm,… để giáo viên có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Người viết |
Biện pháp rèn luyện đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 – Mẫu 2
1. Lời giới thiệu:
Trong dạy học Tiếng Việt ở trường Tiểu học nói chung, dạy Tập đọc nói riêng có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Nếu nói bậc Tiểu học là nền tảng để học sinh có điều kiện học tiếp lên các bậc cao hơn, thì dạy tập đọc có vị trí then chốt để học sinh có kĩ năng sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ, trau dồi ngôn ngữ, bồi dưỡng vốn kiến thức về đời sống, giúp các em có cơ sở để học tốt các môn học khác.
Một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của trẻ là được đến trường, được học đọc và viết. Biết đọc, biết viết là cả một thế giới mở ra trước mắt các em. Ngay từ những ngày đầu trẻ cắp sách tới trường việc dạy và hình thành, rèn luyện, phát triển các kĩ năng: nghe – nói – đọc – viết cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi thầy cô. Trong đó dạy đọc có ý nghĩa to lớn. Nó trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với trẻ. Đầu tiên trẻ phải học đọc, sau đó trẻ phải đọc để học. Đọc giúp trẻ em chiếm lĩnh được một ngôn ngữ dùng trong giao tiếp và học tập. Nó là công cụ để học tập các môn học khác. Nó tạo ra hứng thú và động cơ để học tập. Nó là một kĩ năng không thể thiếu được của con người.
Với chương trình Tiểu học mới, môn Tiếng Việt nói chung và yêu cầu luyện đọc cho học sinh nói riêng đã được quan tâm đúng mức. Phân môn Tập đọc có nhiệm vụ và đặc điểm riêng. Tập đọc rèn cho học sinh các kĩ năng đọc – nghe – nói. Cũng như ở các lớp dưới, thông qua hệ thống bài đọc và những câu hỏi tìm hiểu bài, phân môn Tập đọc lớp 4 cung cấp cho học sinh những hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người, cung cấp vốn từ, tăng cường khả năng diễn đạt, trang bị một số hiểu biết ban đầu về tác phẩm văn học, chú ý đến yêu cầu biểu cảm. Phân môn Tập đọc ở lớp 4 với mục đích giúp học sinh biết cách đọc các loại văn bản hành chính, khoa học, báo chí, văn học, phù hợp với thể loại và nội dung văn bản, thể hiện được tình cảm, thái độ của tác giả, giọng điệu của nhân vật. Học hết lớp 4 học sinh cần đạt được yêu cầu cơ bản đọc có biểu cảm đoạn văn, đoạn thơ và đến lớp 4 yêu cầu đọc diễn cảm bắt đầu được đề ra. Song làm thế nào để học sinh đọc diễn cảm tốt sẽ giúp học sinh hiểu bài văn, bài thơ một cách sâu sắc, đọc diễn cảm tốt sẽ giúp cho các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài văn? Đặc biệt với chương trình đôỉ mới toàn diện căn bản cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm như thế nào để đáp ứng được yêu cầu quan trọng của phân môn Tập đọc nói chung và yêu cầu của việc luyện đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 nói riêng, trong khi việc tiếp cận với chương trình mới vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và vướng mắc? Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi của nhiều thầy cô giảng dạy trực tiếp cũng như của ngành giáo dục.
Chính vì việc nhận thức được tầm quan trọng của phân môn Tập đọc, tác dụng to lớn của việc đọc diễn cảm trong giờ dạy tập đọc, đồng thời thấy được những khó khăn bỡ ngỡ khi trực tiếp giảng dạy nội dung luyện đọc diễn cảm (yêu cầu, mức độ, quy trình, biện pháp thực hiện đạt hiệu quả), tôi đã tích cực nghiên cứu tài liệu, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng vào thực tế giảng dạy trên lớp và đã đạt hiệu quả. Tôi mạnh dạn xin trình bày: ” Một số kinh nghiệm rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4″ của mình cùng các đồng chí tham khảo và góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng đọc diễn cảm trong học sinh nói chung.
2. Tên sáng kiến:
– Một số kinh nghiệm rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4.
3. Tác giả, đồng tác giả sáng kiến:
– Họ và tên:…..
– Địa chỉ tác giả sáng kiến……………….
4. Chủ đầu tư sáng kiến:……..
5. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:
Sáng kiến áp dụng ở phân môn Tập đọc, môn Tiếng việt lớp 4. Sáng kiến đưa ra những giải pháp, khắc phục những khó khăn trong việc dạy đọc diễn cảm cho học sinh tiểu học nói chung, học sinh lớp 4 nói riêng đồng thời nêu lên một số biện pháp để học sinh đọc diễn cảm tốt.
6. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử:
– Sáng kiến được áp dụng từ ngày 2/10/2017.
7. Mô tả bản chất của sáng kiến:
1. Thực trạng – nguyên nhân vấn đề mà sáng kiến nghiên cứu:
Đơn vị trường Tiểu học Chiến Thắng đóng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Mấy năm gần đây địa phương rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của phường, tới trường Tiểu học nói riêng. Trường lớp đã từng bước được tu sửa khang trang hơn, xây mới nhiều phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy của thầy và trò tương đối đảm bảo. Học sinh phần đông là con em công nhân, bố mẹ các em là công nhân của các nhà máy, cán bộ công viên chức đóng trên địa bàn thị xã có trình độ học vấn cao luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó một phần học sinh là con em nông nghiệp và buôn bán nhỏ cho nên gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của các em.
* Về phía giáo viên:
– Đa số giáo viên nhận thức đúng về vai trò của việc đọc diễn cảm, nắm được yêu cầu, quy trình hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm. Song không ít giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc diễn cảm, vì vậy khi dạy giờ tập đọc giáo viên chưa chú ý đến đọc diễn cảm mà chỉ coi trọng bước luyện đọc, bước tìm hiểu bài, còn phần hướng dẫn đọc diễn cảm còn tiến hành một cách hình thức, qua loa, “lấy lệ”. Giáo viên chưa tạo điều kiện cho học sinh luyện đọc.
– Không ít giáo viên lại đưa ra yêu cầu cao hơn đối với học sinh – yêu cầu học sinh đọc diễn cảm, tổ chức thi đọc diễn cảm toàn bài thơ, bài văn, trong khi đối với lớp 4 mới chỉ yêu cầu ở mức độ ban đầu (đọc diễn cảm được một đoạn).
– Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực cho học sinh chưa đạt hiệu quả, vẫn còn một số giáo viên chưa tiếp cận được phương pháp dạy học mới – phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh. Giáo viên chưa mạnh dạn áp dụng việc đổi mới phương pháp trong quá trình giảng dạy. Giáo viên còn nặng về thuyết trình, giảng dạy theo lối dập khuôn, máy móc – thầy đọc mẫu ra sao, trò đọc như vậy trong khi đó giọng đọc của thầy lại chưa thật hấp dẫn, thậm chí giọng đọc còn chưa thật chuẩn xác, mẫu mực…
– Giáo viên chưa tạo lập được cơ sở vững chắc cho thành công của tiết dạy: chưa đầu tư thích đáng cho việc thiết kế bài giảng, chưa có sự công phu rèn giọng đọc của bản thân, chưa “kế thừa” hiệu quả của hai bước đệm cho đọc diễn cảm tốt: luyện đọc và tìm hiểu bài.
* Về phía học sinh:
– Chất lượng đọc ở một số học sinh chưa tốt, học sinh đọc còn chậm, sai, ngọng, ấp úng…
– Học sinh còn nhỏ, các em nặng về học vẹt – cô đọc sao trò cố đọc như vậy, chưa biết đọc thế nào cho hay.
– Khả năng cảm thụ văn học của học sinh còn hạn chế, học sinh không có điều kiện đọc nhiều truyện, tranh, báo… Dẫn đến chất lượng đọc diễn cảm chưa cao.
* Về phía gia đình:
– Hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện cho các em đọc nhiều sách báo…
– Một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đọc diễn cảm của các em, nếu có mới chỉ dừng lại ở việc dạy các em đọc to, rõ ràng… chứ chưa hướng các em đọc diễn cảm. Đặc biệt do ảnh hưởng của phương ngữ địa phương (phát âm sai phụ âm l/n), các thành viên trong gia đình chưa chú ý sửa ngọng khi phát âm, dẫn tới các em bị ảnh hưởng về cách phát âm. Trước thực trạng trên ngay sau khi dạy vài bài đầu tiên, tôi đã tiến hành khảo sát chất lượng đọc của lớp 4a. Đề bài: “Hãy đọc diễn cảm một đoạn văn mà em thích trong bài : Dế Mèn bênh vực kẻ yếu ” Tiếng Việt lớp 4 tập 1 – Trang 15.
Trước thực trạng trên, tôi đã tích cực nghiên cứu, để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên và đề ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đó.
2. Biện pháp thực hiện:
Sau khi xác định được thực trạng của việc hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến chất lượng đọc diễn cảm chưa cao, tôi đã tiến hành các biện pháp sau:
2.1. Nghiên cứu nội dung cơ bản của chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt 4 nói chung, mục tiêu, nội dung, yêu cầu của luyện đọc diễn cảm đối với học sinh lớp 4 nói riêng.
– Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 được chia làm 10 đơn vị học, mỗi đơn vị ứng với một chủ điểm. Qua mỗi chủ điểm đặc biệt là qua các bài đọc, sách đem đến cho học sinh những kiến thức bổ ích và lí thú về một lĩnh vực của đời sống, các em được giao tiếp với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp của bốn mùa, làm quen với những con vật dễ thương… Các em được mở rộng tầm mắt về thế giới xung quanh, biết yêu quý các dân tộc anh em, biết cảm thông chia sẻ với những cảnh ngộ khó khăn… Tất cả những điều đó tạo thuận lợi rất lớn giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Từ việc cảm thụ tốt ấy, sẽ giúp các em đọc diễn cảm tốt hơn nhiều. Trên cơ sở nắm vững nội dung, chương trình SGK Tiếng Việt 4, tôi nghiên cứu yêu cầu về đọc diễn cảm đối với học sinh lớp 4. CTTH (môn Tiếng Việt) ban hành kèm theo quyết định số 43/2001/QĐ-BGD và ĐT ngày 9/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã qui định rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 4, trong đó có nội dung tập đọc diễn cảm một bài thơ đã thuộc, một đoạn truyện đã đọc (học hết lớp 4, học sinh cần đạt được yêu cầu cơ bản: đọc có biểu cảm đoạn văn, đoạn thơ). So với lớp dưới, kĩ năng đọc diễn cảm ở lớp 4 mới được đề ra và chỉ ở mức độ ban đầu (đọc diễn cảm được một đoạn), học sinh được luyện tập thực hành từng bước để đáp ứng được yêu cầu cao hơn ở lớp 5 và ở các lớp trên.
2. Phân loại, nắm chắc đối tượng học sinh.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, theo dõi quá trình học trên lớp, tôi tiến hành phân loại học sinh theo các nhóm:
+ Học sinh đọc diễn cảm tốt.
+ Học sinh đọc lưu loát, bước đầu có diễn cảm.
+ Học sinh đọc đúng, chưa diễn cảm:
+ Học sinh đọc còn chậm, sai, ngọng.
Nắm được chất lượng học sinh ngay từ đầu năm sẽ giúp tôi dạy sát đối tượng, giúp tôi có điều kiện sửa lỗi, kèm cặp hay bồi dưỡng kịp thời.
3. Trên cơ sở nắm vững nội dung, chương trình SGK, yêu cầu đọc diễn cảm đối với học sinh lớp 4, nắm vững trình độ học sinh, tôi tiến hành xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
* Chuẩn bị chu đáo trước khi hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm.
Sau khi học sinh đã luyện đọc đúng; tìm hiểu bài,… phát hiện giọng đọc, cách đọc thì cho các em luyện đọc diễn cảm. Phần đọc diễn cảm này thường là học sinh đọc mẫu (nếu như các em đọc tốt). Nhưng cũng có khi giáo viên phải đọc mẫu diễn cảm cho học sinh nghe và học tập (nếu như các em đọc không tốt). Để khi hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm tốt, thì giáo viên cần chú ý đến việc rèn đọc diễn cảm của chính bản thân mình. Thầy cô có đọc diễn cảm tốt thì mới hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm tốt được. Để đọc diễn cảm tốt, tôi luôn rèn luyện công phu cả về giọng đọc, kĩ năng đọc và năng lực cảm thụ văn học. Tôi luôn tìm hiểu kĩ bài văn, bài thơ để cảm thụ tác phẩm một cách sâu sắc, tinh tế và nhưng thế tôi sẽ tìm được giọng đọc phù hợp, hấp dẫn. Với việc đọc diễn cảm tốt chúng ta đã chuyển đến học sinh không chỉ là nội dung bài văn, bài thơ mà cả cảm xúc của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, tác động đến tình cảm của học sinh. Nghe giáo viên đọc diễn cảm mẫu tốt, học sinh không chỉ học tập về kĩ thuật đọc mà các em còn hiểu được phần nào nội dung thông báo và có được sự rung động cảm xúc. Để đọc diễn cảm tốt, tôi tiến hành như sau:
– Rèn giọng đọc chuẩn xác (Tôi luôn cố gắng rèn cho mình khả năng phát âm chuẩn khi giao tiếp, khi đứng trước học trò).
– Đọc bài văn, bài thơ nhiều lần trước khi lên lớp. Nắm chắc nội dung bài.
– Xác định sắc thái giọng đọc tuỳ theo đối tượng miêu tả; đối tượng, tính cách của từng nhân vật… trong văn bản. (Tôi căn cứ vào phần hướng dẫn sư phạm).
– Tập ngắt nhịp theo dấu hiệu ngữ pháp, dựa vào cấu trúc câu, văn cảnh.
– Tìm từ nhấn giọng (từ thể hiện cảm xúc, tâm trạng).
– Tìm hiểu về độ cao, trường độ.
– Ví dụ khi chuẩn bị dạy bài “Mẹ ốm” (Tiếng Việt 4, tập 1 – Trang 9). Để chuẩn bị bài dạy, tôi rèn giọng đọc cho mình như sau:
– Đọc bài văn nhiều lần.
– Nghiên cứu kĩ, nắm chắc nội dung bài (Tình cảm yêu thương sâu sắc, sự hiếu thảo, lòng biết ơn của bạn nhỏ với người mẹ bị ốm).
– Nghiên cứu phần hướng dẫn sư phạm trong SGV, tôi sẽ xác định được: Cần đọc đúng nhịp điệu bài thơ, giọng nhẹ nhàng, tình cảm.
+ Khổ thơ 1, 2: Giọng trầm, buồn.
+ Khổ thơ 3: Giọng đọc lo lắng.
+ Khổ thơ 4, 5: Giọng vui hơn một chút.
+ Khổ thơ 6, 7: Giọng thiết tha, trầm lắng.
– Về cách ngắt nhịp: Đây là bài thơ theo thể thơ lục bát tôi có thể ngắt giọng theo nhịp 2/4, dựa vào cấu trúc câu (câu kể), tôi có thể ngắt nhịp như sau:
Lá trầu/ khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều/ gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn/ khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn/ vắng mẹ cuốc cày sớm trưa.
– Nhấn giọng: Tôi sẽ nhấn giọng ở những từ ngữ thể hiện nội dung như: khô, gấp lại, chẳng, ngọt ngào, ngâm thơ, kể chuyện…. Với cách xác định như vậy, đọc lại bài thơ nhiều lần cộng với sự chuyển giọng linh hoạt (trầm buồn – lo lắng – thiết tha…), tôi có thể cảm thấy tự tin khi thể hiện giọng đọc của mình trước học trò.
* Thiết kế bài giảng có chất lượng, khoa học.
Sau khi tìm được giọng đọc chuẩn xác, tôi tiến hành nghiên cứu kĩ SGK, SGV, Thiết kế bài giảng Tiếng Việt… để tìm ra phương án giảng dạy phù hợp. Khi thiết kế bài dạy tôi luôn chú ý đến đặc điểm học sinh lớp mình. Tôi luôn tự đặt ra những câu hỏi: Học sinh có thể đọc sai ở những từ nào? câu thơ (câu văn) nào học sinh khó ngắt hơi đúng? Nên chọn đoạn nào để hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm? Cách tổ chức các hoạt động đó như thế nào?…
– Khi thiết kế, tôi luôn cố gắng trình bày ngắn gọn, song thể hiện rõ từng bước và có sự phân loại kiến thức cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp.
* Thực hiện tốt khâu luyện đọc, tìm hiểu bài.
Kĩ năng đọc diễn cảm các văn bản nghệ thuật được luyện tập sau khi học sinh đã đạt được những yêu cầu tối thiểu về trình độ đọc (đọc đúng, rõ ràng, rành mạch,…), sau khi học sinh và tìm hiểu bài và nắm được nội dung, ý nghĩa bài học. Vì vậy để hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm đạt hiệu quả giáo viên cần thực hiện tốt khâu luyện đọc và tìm hiểu bài. Ở khâu luyện đọc tôi tiến hành hướng dẫn học sinh đọc đúng các từ khó, ngắt hơi đúng các câu dài. Tạo điều kiện để học sinh luyện đọc dưới các hình thức cá nhân, nhóm… trên cơ sở phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Ví dụ: Khi dạy bài “Đường đi Sa Pa” (Tiếng Việt 4 – tập 2, trang 113)
Ở bước tìm hiểu bài, sau khi các em đã khai thác xong hệ thống câu hỏi trong SGK, tôi nêu thêm một số câu hỏi dành cho HS khá, giỏi giúp các em tìm hiểu về giá trị nghệ thuật có trong đoạn cuối để thấy hết vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của Sa Pa.
+ Đoạn mở đầu, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả vẻ đẹp của Sa Pa ? ( so sánh)
+ Hãy nêu những hình ảnh so sánh. (Chúng tôi đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời; những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa)
+ Để miêu vẻ đẹp của Sa Pa tác giả đã dựng những giác quan nào? (thị giác và Thính giác)
+ Miêu tả điều em hình dung được về cảnh đẹp của Sa Pa? (Ngày liên tục đổi mùa tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp lạ mắt: Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.
+ Vì sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà tặng kì diệu mà thiên nhiên dành tặng đất nước ta? ( Vì Sa Pa rất đẹp, sự đổi mùa trong một ngày ở Sa Pa rất lạ lùng).
+ Đoạn này ý nói lên điều gì? (Vẻ đẹp tinh tế, đọc đáo của Sa Pa)
Vì đoạn cuối có nhiều câu văn hay, thể hiện nội dung trọng tâm của bài văn và có độ dài dài nhất trong ba đoạn nên tôi chọn đoạn 3 để hướng dẫn các em đọc diễn cảm.
……
>> Tải file để tham khảo toàn bộ
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sáng kiến kinh nghiệm: Biện pháp rèn luyện đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 Sáng kiến kinh nghiệm lớp 4 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.