Người nhà đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương.
Ngày 10/4, tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết các biểu hiện nhiễm sán của bệnh nhân khiến gia đình lầm tưởng bệnh tai biến, đột quỵ. Tuy nhiên, qua khám và chụp cộng hưởng từ sọ não, bác sĩ phát hiện hình ảnh sán làm tổ trong não cũng như xuất hiện dưới da vùng chân, tay người phụ nữ.
Hiện, bệnh nhân đã được xuất viện, dùng thuốc và theo dõi sát sao tại nhà. Bà chia sẻ bản thân hay bị nóng trong nên mỗi tháng tự đánh tiết canh một lần, ăn giải nhiệt. “Tôi nghĩ tiết canh mình tự làm thì sạch sẽ nên rất yên tâm, không lo lắng bệnh tật”, người bệnh chia sẻ.
Bác sĩ Thọ nhận định thói quen ăn tiết canh của người phụ nữ là nguyên nhân khiến sán lợn làm tổ trong não. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và các di chứng kèm theo, ông Thọ nói.
Người ăn phải thịt lợn chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, phát triển thành sán dây trưởng thành, di chuyển chủ yếu trong não và vùng dưới da. Dấu hiệu nhiễm sán là đau đầu, co giật, do sán gây viêm màng não hoặc tổ sán chèn lên não, nên bị nhầm với viêm màng não, u não.
“Thậm chí, nhiều người nghĩ họ mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, tình trạng bệnh tương đối đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não khiến họ phải chịu nhiều di chứng suốt đời như giảm thị lực, động kinh”, bác sĩ Thọ nói.
Nguyên nhân nhiễm sán ở người là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, tiêu thụ thực phẩm sống, nấu chưa chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống. Ở vùng núi, tình trạng chăn thả lợn rông vẫn còn nhiều, trong chất thải của lợn có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau cỏ, thực phẩm có trứng sán, sẽ nhiễm bệnh.
Ông Thọ cho rằng tiết canh không phải thực phẩm giúp giải nhiệt. Món ăn này dù được chế biến tại nhà, từ gia cầm nuôi, cũng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, bao gồm tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần, không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không bảo đảm, không rõ nguồn gốc. Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ.
Thúy Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/san-lam-to-trong-nao-nguoi-phu-nu-thich-an-tiet-canh-4591814.html