Bạn đang xem bài viết Rối loạn thái dương hàm tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Rối loạn Thái Dương Hàm là gì?
Rối loạn Thái Dương Hàm (RLTDH) là một bệnh lý rất phổ biến, được xem là nguyên nhân gây đau vùng mặt miệng chiếm hàng thứ hai, chỉ sau đau do răng. Tỉ lệ RLTDH chiếm từ 14% đến 88% trong cộng đồng, tuỳ theo nghiên cứu. Tính trung bình, tỉ lệ có ít nhất một triệu chứng là 41% và ít nhất một dấu hiệu lâm sàng là 56%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 – 10% bệnh nhân là có nhu cầu điều trị.
Rối loạn Thái Dương Hàm xảy ra nhiều nhất trong độ tuổi từ 20 – 40, nữ nhiều hơn nam với tỉ lệ từ 2:1 đến 4:1, trong đó dấu hiệu tiếng kêu khớp chiếm tỉ lệ cao nhất, nhưng đau mới là triệu chứng khiến bệnh nhân tìm đến điều trị.
Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau: rối loạn khớp cắn, vận động cơ không đồng bộ, yếu tố tâm lí,… nhưng rối loạn khớp cắn, tức những vướng cộm trong hoạt động nhai hoặc thói quen cận chức năng, đặc biệt nghiến răng là yếu tố cần đánh giá và loại trừ trước tiên.
Nguyên nhân Rối loạn Thái Dương Hàm
Khớp Thái Dương Hàm
Khớp Thái Dương Hàm là khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của hệ thống nhai được gọi là khớp thái dương hàm. Do một nguyên nhân nào đó khiến cho bị trật đĩa khớp, hoặc mòn xương lồi cầu ảnh hưởng đến đĩa sụn khiến cho bạn luôn bị đau khi há miệng, hoặc nghe tiếng kêu cộp cộp.
Có nhiều nguyên nhân gây Rối loạn Thái Dương Hàm, gây đau khi há miệng như:
– Nhiễm khuẩn, sau chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp (chiếm 50%), thoái hóa khớp, hoặc viêm – thoái hóa thứ phát khớp Thái Dương Hàm.
Khớp Thái Dương Hàm bị viêm do tổn thương xương lồi cầu và KTDH bình thường
– Nguyên nhân do chấn thương cũng luôn được quan tâm tới. Chấn thương do va đập (tai nạn xe, bị đánh, bị ngã) hoặc do há miệng quá rộng một cách đột ngột làm trật khớp thái dương hàm.
– Một biến chứng xảy ra Rối loạn Thái Dương Hàm là nghiến răng lúc ngủ hoặc do thói quen xấu ăn nhai như nhai 1 bên, hay ăn đồ dai, đồ cứng. Nghiến răng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em gặp nhiều hơn, nghiến răng hoặc nhai một bên làm siết chặt hàm, sẽ tạo một lực quá lớn tác động lên khớp Thái Dương Hàm, nguy hiểm nhất là làm trật khớp cắn.
– Viêm khớp thái dương hàm cũng có thể do bị trật đĩa khớp (giữa lồi cầu và ổ khớp) hoặc sau nhổ răng, đặc biệt là nhổ răng số 7, 8.
– Rối loạn Thái Dương Hàm cũng hay gặp do răng mọc lệch, mọc chen chúc làm sai khớp cắn.
– Sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả dẫn đến các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng mất răng, răng đối diện trồi xuống, các răng mọc lệch lạc gây xáo trộn sự ăn khớp giữa các răng.
– Sự sai lệch của các miếng trám, răng giả.
– Thống kê cho thấy, viêm khớp thái dương hàm thường là khớp sau cùng bị tổn thương do thoái hóa khớp, sau các viêm ở khớp nhỏ – nhỡ bàn cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối. Nguyên nhân này chủ yếu gặp ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều khớp xương bị thoái hóa. Ngoài ra, có thể gặp viêm khớp do sang chấn tâm thần gây co thắt cơ hàm, mặt hoặc cắn chặt răng.
– Lo lắng và những rối loạn tâm lý khác có vai trò như là những chất xúc tác cho rối loạn khớp thái dương hàm, do nó làm giảm khả năng đề kháng của bộ máy nhai, làm tăng co thắt cơ và những sai lệch chức năng.
– Trong một số trường hợp ta có thể phát hiện được những rối loạn chuyển hóa hay nội tiết, là một trong những nguyên nhân của Rối loạn Thái Dương Hàm hay gặp ở phụ nữ trẻ (do ảnh hưởng của hormon).
– Một trong những yếu tố cần chú ý nữa là rối loạn vi lượng do dinh dưỡng (thiếu Magnesium…) hay do nội tiết (ảnh hưởng của oestrogen…).
Trong 20% Rối loạn Thái Dương Hàm thì không tìm ra nguyên nhân và nó được xem là không có nguyên nhân.
Nếu bộ máy nhai này thích nghi được với những nguyên nhân này thì sẽ không có Rối loạn Thái Dương Hàm. Ngược lại nếu nó không thích ứng được thì sẽ gây bệnh với các tổn thương.
Triệu chứng bệnh Rối loạn Thái Dương Hàm
– Mỏi cơ khi ăn nhai
– Đau các cơ nhai: đau vùng góc hàm, đau vùng thái dương, đau vùng dưới hàm
– Có thể đau các cơ vùng gáy, vùng cổ hay cánh tay
– Đau khớp thái dương hàm: đau vùng trước tai, đau trong tai
– Há miệng có tiếng kêu khớp
– Há miệng giới hạn, há miệng lệch
– Ăn nhai khó
– Có thể đau các răng, nhất là răng cối
Ngoài các triệu chứng chính kể trên, bệnh nhân có thể có những triệu chứng:
– Nhức đầu
– Đau trong tai, ù tai, giảm thính lực, rối loạn thăng bằng
– Sưng tuyến nước bọt dưới hàm một bên
– Chảy nước mắt, đau sau hốc mắt
– Cảm giác nóng bỏng, châm chích vùng mũi – hầu
– Rối loạn tư thế toàn thân, với tình trạng vẹo, lệch người một bên
Điều trị Rối loạn Thái Dương Hàm
Các phương pháp điều trị Rối loạn Thái Dương Hàm bao gồm:
– Điều trị nội khoa
– Điều trị nắn khớp
– Điều trị vật lý trị liệu
– Máng nhai
– Mài chỉnh khớp cắn và tái tạo hướng dẫn răng nanh
– Tái tạo khớp cắn toàn bộ bằng phục hình hay chỉnh hình
– Tái tạo khớp cắn toàn bộ bằng phẫu thuật
– Phẫu thuật nội soi khớp đơn giản
– Phẫu thuật nội soi khớp phức tạp
– Vi phẫu thuật tạo hình khớp
– Thay khớp
Các biện pháp điều trị này có thể thực hiện đơn thuần, riêng rẽ hay kết hợp tùy theo tình trạng của bệnh nhân sau khi chuẩn đoán. Khi kết hợp, các biện pháp có thể thực hiện đồng thời hay tuần tự từng bước.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa hay điều trị thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng.Tuỳ thuộc triệu chứng mà sử dụng các loại thuốc khác nhau như: thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm tình trạng đau, khó chịu, viêm khớp, Thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ hàm do vận động quá mức…
2. Điều trị viêm khớp thái dương hàm bằng cách nắn khớp
Nắn khớp là thủ thuật đưa lồi cầu định vị trở lại trên đĩa khớp trong trường hợp mới bị há miệng hạn chế lần đầu trong thời gian không quá ba tuần.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu bao gồm các biện pháp massage, chườm ấm, chiếu tia hồng ngoại là những biện pháp điều trị hỗ trợ nhằm tăng tuần hoàn vùng khớp, giúp cải thiện triệu chứng đau. Vật lý trị liệu không phải là phương pháp điều trị chính chỉ là phương pháp hỗ trợ trong điều trị Rối loạn Thái Dương Hàm.
Tập vận động hàm dưới hoặc các bài tập phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng ở những bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm được điều trị phẫu thuật can thiệp khớp thái dương hàm.
4. Đeo máng nhai thư dãn
Máng nhai là một khí cụ được đặt giữa hai cung răng, thường được làm bằng nhựa trong suốt và bệnh nhân có thể tự tháo lắp được. Máng nhai có nhiều loại khác nhau:
Máng nhai phía trước
Máng nhai phía trước là loại máng tiếp xúc 6 răng trước, giúp nhả khớp răng sau. Mục đích máng nhai phía trước là thư giãn cơ, giúp chẩn đoán liên quan khớp cắn và khớp thái dương hàm. Máng nhai phía trước được sử dụng trong thời gian ngắn: 3 – 4 ngày, sau đó sử dụng làm máng chuyển tiếp qua loại máng thư giãn.
Máng thư giãn
Máng thư giãn (relaxation splint) là loại máng nhai phổ biến nhất, nhằm phục hồi tạm thời khớp cắn chức năng, qua đó tác động giãn cơ các cơ nhai vừa là điều trị triệu chứng, vừa là điều trị nguyên nhân (tạm thời). Máng thư giãn sử dụng phổ biến trong điều trị nghiến răng. Máng thư giãn còn là một thử nghiệm chẩn đoán liên quan giữa rối loạn khớp cắn và rối loạn khớp thái dương hàm, trước khi quyết định can thiệp khớp cắn. Máng nhai thư giãn thường mang vào ban đêm khi đi ngủ trong thời gian 3 – 6 tháng. Một số trường hợp máng nhai được chỉ định mang liên tục 24/24 trong 3 ngày đầu tiên, rồi sau đó mới mang vào ban đêm.
Máng nhai thư giãn là điều trị không xâm phạm và có tính hoàn nguyên, thường được lựa chọn đầu tiên trong điều trị RLTDH. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là giải pháp triệt để trong điều trị RLTDH.
Máng định vị hàm dưới ra trước và máng định vị lồi cầu
Máng định vị hàm dưới ra trước giúp định vị hàm dưới ra trước, sử dụng trong trường hợp có tình trạng dời đĩa ra trước. Máng định vị hàm dưới ra trước được mang liên tục trong thời gian 3 – 5 ngày liên tục rồi sau đó mang ban đêm hoặc mang liên tục trong thời gian 6 tháng, tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Máng định vị lồi cầu là một loại máng nhai đặc biệt, tương tự máng định vị ra trước, nhưng có thể định vị lồi cầu xuống dưới, hoặc ra trước, thực hiện cho từng bên hoặc cả hai. Máng định vị lồi cầu giúp lồi cầu đạt được vị trí tối ưu trong hõm khớp, làm vị trí tham chiếu cho các điều trị tái tạo khớp cắn sau đó. Máng định vị lồi cầu đòi hỏi phải thực hiện sau khi ghi vận động chức năng lồi cầu và phải có giá khớp định vị lồi cầu chuyên dụng. Máng sử dụng trong trường hợp có tình trạng dời đĩa ra trước một bên, hoặc sử dụng trong điều trị phẫu thuật khớp thái dương hàm.Máng định vị lồi cầu được mang liên tục trong thời gian 8 – 12 tuần.
Máng định vị hàm dưới ra trước và máng định vị lồi cầu sẽ làm thay đổi vị trí lồi cầu trong hõm khớp, vì vậy phải tiến hành phục hình hoặc chỉnh nha sau đó để táo tại khớp cắn chức năng.
5. Điều chỉnh khớp cắn đơn giản bằng mài chỉnh hay tái tạo hướng dẫn răng nanh
Mài chỉnh khớp cắn hay tái tạo hướng dẫn răng nanh thường chỉ thực hiện sau khi mang máng nhai từ 6 tuần đến 3 tháng, giúp sự tiếp xúc răng được đều và tốt hơn, làm cho vận động hàm dưới được trơn tru, dễ dàng hơn. Mài chỉnh khớp được thực hiện trong nhiều lần điều trị và đánh giá đáp ứng.
6. Tái tạo khớp cắn toàn bộ bằng phục hình răng, chỉnh nha hay phẫu thuật chỉnh nha
Trường hợp rối loạn khớp cắn trầm trọng, không thể điều trị bằng mài chỉnh khớp cắn, sẽ được tái tạo khớp cắn toàn bộ bằng giải pháp phục hình, chỉnh nha hoặc phẫu thuật chỉnh hình xương. Chỉnh nha là giải pháp điều trị phổ biến nhất trong tái tạo khớp cắn toàn bộ.
7. Phẫu thuật nội soi khớp đơn giản
Phẫu thuật nội soi khớp được chỉ định khi không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn nhằm rửa khớp, loại bỏ tổ chức viêm.
8. Phẫu thuật nội soi khớp phức tạp và vi phâu thuật tạo hình khớp.
Phẫu thuật nội soi khớp phức tạp và vi phẫu thuật tạo hình khớp được chỉ định khi không đáp ứng với nội soi khớp đơn giản. Nội soi khớp phức tạp được thực hiện tại bệnh viện dưới gây mê.
9. Phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật thay khớp là giải pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp phẫu thuật khác thất bại. Thay khớp đòi hỏi phải thực hiện hai lần trong trường hợp sử dụng khớp cá nhân hóa. Phẫu thuật thay khớp được thực hiện tại bệnh viên dưới gây mê.
Phòng ngừa rối loạn thái dương hàm
– Người bệnh nên tránh sử dụng quá mức các cơ nhai như không nên ăn những thức ăn quá cứng hoặc dai.
– Chia thực phẩm thành những phần nhỏ, vừa miệng.
– Không nên nhai nhiều thức ăn cùng một lúc.
– Khi ngáp không nên há quá rộng cơ hàm, miệng.
– Tập các bài tập xoa bóp hay vận động được bác sĩ tư vấn.
– Khi bị đau nên áp ấm, nóng ẩm hoặc nước đá các bên của khuôn mặt có thể giúp thư giãn cơ và giảm bớt cơn đau.
– Tập yoga và có lối sống lành mạnh.
(Hình ảnh tổng hợp từ mhase-omfs.com.au, gilreathdental.com, greatist.com, google,…)
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Hằng
Bệnh viện Trung Ương Huế
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Rối loạn thái dương hàm tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.