Tại sao con trai nhất định phải yêu con gái? Tại sao lại chỉ yêu đương vì muốn kết hôn?
Semantic Error:
Review phim Semantic Error
Máy tính cũng giống như con người. Chúng ta cũng sẽ có những thư mục không thể loại bỏ và những lỗi lô-gíc khó lòng tìm ra.
Trong ngôn ngữ lập trình có một thuật ngữ gọi là “Lỗi lô-gíc”. Nó là một lỗi trong chương trình khiến cho tổng thể chương trình đó chạy ra một kết quả không chính xác nhưng không chấm dứt bất thường. Khác với lỗi cú pháp có thể dễ nhận thấy là lập trình viên gõ sai cú pháp lệnh, lỗi thực thi nằm ở việc viết code cẩu thả không đầy đủ các tình huống, lỗi lô-gíc lại nằm ở thuật toán, tư duy.
Nếu phóng chiếu nó ra đời sống bình thường, giả dụ bạn giải một bài toán, nếu lỗi cú pháp là viết sai số 2 thành 1, lỗi thực thi là giải thiếu trường hợp thì có thể ví lỗi lô-gíc giống như việc bạn đã tư duy một cách giải sai ngay từ đầu vậy. Nếu hai lỗi sai kia có thể được sửa chữa bằng cách rà soát lại từ đầu bài giải, thì lỗi lô-gíc lại vô cùng khó tìm ra. Bởi chúng nằm ở vấn đề tư duy của bản thân.
– “Tình yêu hay là cái gì đó đều chỉ là nhiệm vụ tạo ra nhân loại thôi.”
– “Cậu nghĩ hẹn hò là gì?”
– “Thì là việc đàn ông gặp gỡ phụ nữ dưới tiền đề hôn nhân. Có thể xem như chạy thử trước khi ra mắt phần mềm.”
Đây là nguyên tắc trong tư duy của Choo Sangwoo – một cậu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin lý giải về tình yêu và chuyện hẹn hò. Đối với cậu ấy, đây là thuật toán của cuộc đời mình. Vậy nên khi đàn anh Jang Jaeyoung – sinh viên khoa Thiết kế – xuất hiện trong chương trình của cậu, lập tức trở thành một lỗi lô-gíc. Với Jang Jaeyoung, tình yêu xuất phát từ xúc cảm của trái tim, một tư duy hoàn toàn trái ngược với cậu. Phương án giải bài toán của anh khác hẳn với tư duy của Choo Sangwoo, khiến cho nó ra một kết quả “sai”.
Đi theo một mô-tuýp khá đơn giản và thường thấy, khi chúng ta càng trái ngược thì lại càng hút nhau, giống như phép cộng và phép trừ, trở thành một phép tính hoàn hảo, nhưng Semantic Error vẫn đủ đáng yêu, dễ thương và mượt mà khiến người xem cảm thấy dễ chịu. Bên cạnh đó là những chi tiết nhỏ nhưng tinh tế của nhà sản xuất tạo nên một bộ phim chiếu mạng ngắn nhưng không hề qua loa.
Khi bắt đầu những tập đầu tiên, mình đã khá thắc mắc, dù chi tiết này không ảnh hưởng gì tới nội dung các tập đầu, đó là màu của khu chung cư Choo Sangwoo sống. Giữa bao nhiêu khu nhà đẹp, sao đoàn làm phim phải chọn một khu nhà có bức tường màu tím trông thật sến sẩm biết bao nhiêu. Nhưng càng xem, càng hiểu lý do vì sao mà đạo diễn lại quyết định như vậy.
Nếu màu đỏ thường mang ý nghĩa của dấu hiệu cảnh báo, nguy hiểm, báo động thì màu xanh dương có ý nghĩa ngược lại. Xanh dương đại diện của thông minh, tự tin, mạnh mẽ, dịu mát, dễ chịu. Cực Nam của nam châm là màu đỏ, cực Bắc là màu xanh, hai cực đối nghịch nhưng đồng thời cũng là hai cực hút nhau. Một người sống theo kế hoạch chuẩn chỉnh tới từng phút, một người chẳng bao giờ lên kế hoạch, thích gì làm nấy.
Jang Jaeyoung xuất hiện trước mắt Choo Sangwoo giống như một “bug” (lỗi) cực lớn trong cuộc đời cậu, một màu đỏ chói lọi thay cho chiếc biển cảnh báo nguy hiểm. Còn Choo Sangwoo lại bình đạm, lạnh lùng giống như màu xanh dương.
Khác với những kiểu nhân vật hướng nội thường thấy sẽ hay tự ti, thu mình lại, cậu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin này lại là một người hết sức tự tin. Cậu ấy tự tin vào bản thân mình, vào tư duy của mình, vào nguyên tắc sống của cậu.
Dù bản ppt thuyết trình buồn cười tới không thể buồn cười hơn, Choo Sangwoo vẫn cảm thấy nó rất tốt và tự tin đứng trước lớp để trình bày bài của mình. Hai kẻ thừa tự tin và ngạo mạn đứng trước đối phương, lại có thể tìm ra được sự khuyết thiếu của nhau và trám vào đó một cách hoàn hảo.
Khi mối quan hệ của hai nhân vật chính đạt tới sự hòa thuận gần như là lần đầu tiên có lẽ là ở buổi kịch lớp tiếng Pháp. Lần đầu Choo Sangwoo và Jang Jaeyoung đứng cùng một chiến tuyến và chịu làm cùng nhau, cũng là lần đầu tiên ánh đèn màu tím được bật lên. Chiếc đèn pha lê bị họ đạp phải công tắc khi trốn trong phòng phục trang giống như một tín hiệu báo trước, sự hòa quyện của đỏ và xanh dương chính là màu tím.
Khoảnh khắc trái tim rung rinh vì đối phương, một chiếc đèn khác màu đỏ bật sáng, toàn bộ khung cảnh là sự chủ động của Jang Jaeyoung, “bug” lớn trong cuộc đời Choo Sangwoo đã xuất hiện.
Có vẻ việc đạo diễn là nữ giới đã tạo cho Semantic Error một màu sắc khá chậm rãi và dịu dàng. Phân đoạn trong phòng phục trang bao trùm bởi màu sắc của ánh đèn. Hình ảnh mạnh nhất tác động lên thị giác chính là màu sắc và ánh sáng. Điều tương tự cũng được áp dụng ở nụ hôn trong quầy bar và cuộc đối thoại ở con hẻm nhỏ bên cạnh quán với ánh đèn neon “love me, kiss me” màu tím.
“Con người ấy… nếu chịu làm những việc mình chưa từng làm, thì là đặc biệt rồi.”
Việc tìm ra một lỗi lô-gíc là rất khó, sửa nó lại càng khó hơn. Nhưng nếu như thứ sai không phải là “bug” (lỗi) đó mà nằm ở kết quả thì sao nhỉ? Tại sao con trai nhất định phải yêu con gái? Tại sao lại chỉ yêu đương vì muốn kết hôn?
Ngay từ đầu, kết quả mà Choo Sangwoo muốn cho chương trình của mình đã sai lệch, vậy nên cậu đã nhận định Jang Jaeyoung chính là một “bug” vô cùng lớn khiến cuộc sống của cậu đảo lộn. Hoặc có lẽ, Jang Jaeyoung mới là phương pháp giải chính xác cho bài toán của cậu.
“Đừng né tránh, cũng đừng ngó lơ. Chỉ cần cảm nhận thôi. Thế thì cái thứ đang làm em buồn phiền và bối rối, biết đâu lại biến mất đấy.”
Tình yêu là một bài kiểm tra độ kiên nhẫn. Nếu kiên nhẫn, biết đâu người mà bạn cảm thấy đáng ghét, thật ra cũng đáng yêu, biết đâu bạn có thể tìm được lỗi lô-gíc trong chương trình của mình.
Trailer phim Semantic Error
Đăng bởi: Trần Hương
Từ khoá: [Review phim] Semantic Error (2022): lỗi logic trong tình yêu
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết [Review phim] Semantic Error (2022): lỗi logic trong tình yêu của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.