Ngày 21/12/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5785/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo đó, chỉ còn 02 đối tượng trì hoãn tiêm chủng là người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Trước đó, Quyết định 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 còn quy định người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Ngoài ra, 06 đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng vắc xin bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5785/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH 5785/QĐ-BYT
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TẠM THỜI KHÁM SÀNG LỌC TRƯỚC TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 DÀNH CHO NGƯỜI TỪ 18 TUỔI TRỞ LÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;
Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Điều 2. Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Điều 4. Các ông, bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 4; |
KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI
KHÁM SÀNG LỌC TRƯỚC TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 DÀNH CHO NGƯỜI TỪ 18 TUỔI TRỞ LÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5785/QĐ-BYT ngày 21 tháng 12 năm 2021)
I. Mục đích của khám sàng lọc
Phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
II. Phân loại các đối tượng
1. Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng
Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.
2. Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng
Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng:
– Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
– Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
– Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
– Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
– Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
– Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Nhiệt độ <35,5oC và >37,5 oC.
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế).
+ Nhịp thở > 25 lần/phút.
3. Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng
– Đang mắc bệnh cấp tính.
– Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
4. Chống chỉ định
– Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước).
– Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
III. Khám sàng lọc trước tiêm chủng
1. Hỏi tiền sử bệnh
1.1. Tình trạng sức khỏe hiện tại
Khám sức khoẻ hiện tại xem có sốt, hay đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý COVID-19 không?
1.2. Tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19
Cần khai thác chính xác loại vắc xin COVID-19 đã tiêm và thời gian đã tiêm vắc xin.
1.3. Tiền sử dị ứng
– Đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào.
– Tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ.
– Tiền sử dị ứng với vắc xin và bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
1.4. Tiền sử mắc COVID-19.
1.5. Tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang điều trị hóa trị, xạ trị.
1.6. Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
1.7. Phụ nữ mang thai (nếu có) hoặc đang cho con bú:
– Phụ nữ mang thai: hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
– Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: cần đối chiếu với hướng dẫn sử dụng vắc xin để chỉ định loại vắc xin được phép sử dụng.
2. Đánh giá lâm sàng
2.1. Phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống:
– Đo thân nhiệt tất cả những người đến tiêm.
– Đo huyết áp đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi.
– Đo mạch, đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở…
2.2. Quan sát toàn trạng
– Đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi.
– Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.
IV. Kết luận sau khám sàng lọc
– Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng.
– Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.
– Chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì.
– Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
– Không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.
V. Tổ chức thực hiện
1. Người thực hiện khám sàng lọc
Nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xử lý phản vệ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
2. Phương tiện
– Nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp.
– Bảng kiểm khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (phụ lục kèm theo).
– Hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế tối thiểu cấp cứu phản vệ theo quy định tại Phụ lục V Thông tư số 51/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
– Lấy sẵn 01 bơm tiêm chứa Adrenalin 1mg/1ml.
3. Ghi chép việc khám sàng lọc và lưu hồ sơ
– Đối tượng tiêm chủng được thăm khám nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.
– Thực hiện việc ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng bao gồm cả trường hợp chống chỉ định vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên trang điện tử http//hssk.kcb.vn theo quy định hiện hành.
– Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và Phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm chủng. Thời gian lưu là 15 ngày.
Các nội dung khác cần tuân thủ theo hướng dẫn tiêm chủng của Bộ Y tế./.
…………..
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Quyết định
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 5785/QĐ-BYT 02 đối tượng trì hoãn tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.