Bạn đang xem bài viết Quả bồ hòn có ăn được không? Công dụng và 5 bài thuốc từ quả bồ hòn tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bồ hòn được nhiều người biết tới với “vai trò’ là một loại xà phòng từ thiên nhiên an toàn và ít kích ứng da. Bạn có thể dùng chúng để rửa chén, giặt đồ, lau nhà,… rất đơn giản và dễ dàng.
Song, không ít người vẫn thắc mắc rằng loại quả này có ăn được như các loại hoa quả khác không? Và chúng còn có công dụng nào nữa không? Hãy tìm ngay đáp án ngay dưới bài viết này bạn nhé.
Tổng quan về dược liệu bồ hòn
Tìm hiểu chung về bồ hòn
Bồ hòn (bòn hòn hay vô hoạn) là loại quả từ một cây gỗ to, ưa sáng, mọc nhanh với chiều cao trung bình 5 – 10m (hoặc hơn). Cây có lá đầu nhọn, mép nguyên, gân nổi hai mặt lá, thường mọc so le và rụng vào mùa khô. Hoa thì chủ yếu mọc thành dạng chùm ở đầu cành, gồm rất nhiều hoa nhỏ màu xanh nhạt đẹp mắt.
Còn quả bồ hòn thì có dạng hình cầu với đường sống nổi rõ, cùi dày, khi chín lớp vỏ nhăn nheo hơn, màu vàng nâu, trong ruột có một hạt tròn màu đen. Độ khoảng tháng 7 – 9 hằng năm sẽ là mùa hoa nở, còn mùa quả sẽ dao động từ tháng 10 – 12.
Ở nước ta, cây thường xuất hiện rải rác ở hầu hết các nơi thuộc vùng núi thấp (dưới 1000m) và trung du (Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nghệ An,…). Ngoài ra, chúng còn được trồng ở đình chùa, làng bản,… nhằm lấy quả và bóng mát. Cây có thể sống ở nhiều loại đất khác nhau, nhất là tầng đất dày, ẩm và khá màu mỡ.
Bộ phận dùng của bồ hòn
Với bồ hòn, chúng ta thường lựa chọn dùng phần quả và phần hạt đen bên trong. Thông thường, loại quả này sẽ được thu hoạch vào mùa thu, để nguyên hay bỏ hạt rồi phơi khô.
Thành phần hóa học của bồ hòn
Bồ hòn là loại quả sở hữu hàm lượng saponin cao (nhất là phần thịt có đến 18%). Trong đó, điển hình là các saponin triterpen như saponin A, B, C, D, E, E1, X, Y, Y2. Hay các saponin với hoạt tính bề mặt khá mạnh như: Mukuroyiosid Ia, Ib,… Ngoài ra, hạt bồ hòn còn có khoảng 9 – 10% dầu béo nữa đấy.
Với saponin, bạn cũng có khá nhiều cách để chiết xuất. Và phương pháp đơn giản nhất chính là nấu sôi bột quả bồ hòn với nước, cô đặc dịch chiết và dùng sulfat amoni để kết tủa saponin.
Quả bồ hòn có ăn được không? Có độc không?
Như đã đề cập, bảng thành phần hóa học của bồ hòn rất giàu saponin, có đặc tính tẩy rửa, diệt khuẩn nên không có lợi để hấp thu vào cơ thể. Nghĩa là bạn có thể dùng bồ hòn để chiết xuất thành các bài thuốc chữa sâu răng, chăm sóc răng miệng, thân thể,… mà không dùng để ăn uống nhé.
Lợi ích và công dụng của bồ hòn
Theo tham vấn y khoa từ bác sĩ Nguyễn Thường Hanh (chuyên ngành Nội tổng quát – Hồi sức cấp cứu), công tác tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM, bồ hòn mang lại khá nhiều lợi ích, công dụng cho con người:
Lợi ích của bồ hòn
– Diệt khuẩn, sát trùng
– Bồ hòn được đánh giá là có khả năng sát trùng hữu hiệu. Bởi cao chiết nước và cồn của chúng có thể ức chế sự sinh sôi, phát triển của vài loại vi khuẩn như: Staphylococcus aureus
– Có một loại kem được tạo nên từ saponin toàn phần của bồ hòn cũng đã kiểm nghiệm dược lý và lâm sàng để dùng cho âm đạo như một loại thuốc ngăn ngừa thụ thai.
– Ở nền y học dân gian Ấn Độ, họ đã dùng vỏ (cùi) bồ hòn rồi đem kết hợp cùng mật ong để tạo nên viên hoàn – dạng thuốc rắn, hình cầu. Mỗi viên sẽ có khối lượng tầm 2g và dùng trong việc chữa trị vấn đề viêm phổi. Bạn sẽ dùng 1 viên hoàn kèm với sữa nóng cho mỗi lần uống và dùng 2 lần/ngày.
– Tại một số khu vực Nepal, người dân đã lấy vỏ bồ hòn giã nát thành bột nhão, rồi mỗi ngày sẽ dùng để đắp lên vùng da bị ghẻ, nấm da,… Không những thế, bạn còn có thể kết hợp bột vỏ bồ hòn với bột ngô nhằm trị gàu và diệt chấy.
– Ngoài ra, bồ hòn còn đem lại nhiều công dụng khác như: Làm nước giặt đồ (an toàn cho cả đồ len, lụa), tràng hạt cho nhà sư, trị ho, tiêu đờm, chữa hôi miệng, sâu răng,…
5 cách sử dụng bồ hòn trong cuộc sống
Dùng làm nước tắm
Bồ hòn có đặc tính dịu nhẹ và hầu như phù hợp cho mọi loại da nên bạn có thể dùng để vệ sinh cơ thể khá tốt.
Nguyên liệu
- 25g quả bồ hòn (bạn có thể tìm mua ở cửa hàng dược liệu hay các trang thương mại điện tử)
- ½ muỗng cà phê axit citric (bạn có thể tìm mua ở cửa hàng phụ gia hay các trang thương mại điện tử nhé)
- Một ít bột ngô
- Dụng cụ: Cái rây, chai dạng xịt.
Cách thực hiện
Đầu tiên, bạn đun sôi bồ hòn với 500ml nước tầm 15 – 20 phút (nếu muốn có nhiều dung dịch hơn thì bạn có thể thêm nguyên liệu với tỉ lệ 50g bồ hòn:1 lít nước). Hãy nhớ khuấy đều để saponin tiết ra nhiều hơn. Sau đó, bạn cho axit citric vào nồi bồ hòn, khuấy đều và để nguội.
Tiếp đến, bạn lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ cặn bồ hòn. Để có được nước tắm, dầu gội đầu, nước rửa tay thì bạn hãy trộn hỗn hợp vừa lọc cùng ít bột ngô đến khi dung dịch có độ đặc vừa ý. Cuối cùng, bạn cho chúng vào chai xịt và dùng dần.
Lưu ý: Bạn cần phải dùng nhanh dung dịch này bởi chúng là nước tắm tự nhiên nên dễ hư (tầm 7 – 10 ngày). Ngoài ra, hãy bảo quản chúng ở ngăn mát tủ lạnh để dùng được lâu hơn nhé ( tầm 1 – 2 tháng).
Dùng để giặt quần áo
Bên cạnh việc vệ sinh da, bồ hòn còn có thể tẩy rửa các loại vải, giặt giũ quần áo.
Nguyên liệu
- 5 quả bồ hòn
- Dụng cụ: Túi vải
Cách thực hiện
Giặt máy: Bạn cho bồ hòn vào túi vải, rồi cho vào máy giặt cùng quần áo dơ. Sau đó, bạn cho máy bắt đầu giặt như thông thường (có thể chỉnh chế độ giặt nước ấm nếu bạn cần giặt nhiều đồ). Khi giặt xong, bạn có thể giữ lại túi bồ hòn và dùng tiếp cho lần giặt sau (giặt được tầm 4 lần).
Giặt tay: Bạn cho bồ hòn vào thau cùng nước ấm, rồi khuấy đều để saponin tiết ra nhiều hơn. Sau đó, bạn chỉ cần bỏ quần áo vào ngâm tầm 10 phút và bắt đầu giặt là được.
Lưu ý: Nước giặt bồ hòn dường như không mùi nên bạn có thể thêm tinh dầu vào (nếu thích) nhé.
Dùng để rửa chén
Bồ hòn còn có thể làm nước rửa chén vô cùng an toàn, tự nhiên và bảo vệ da tay hiệu quả.
Nguyên liệu
- 4 quả bồ hòn
- Dụng cụ: Túi vải
Cách thực hiện
Bạn cho bồ hòn túi vải, rồi đem ngâm vào nước ấm. Lúc này, bạn hãy khuấy đều nước để tạo bột cũng như cho saponin tiết ra nhiều hơn. Xong thì bạn có thể dùng hỗn hợp này rửa chén như bình thường nè.
Dùng làm kem cạo lông
Không những an toàn cho da, kem cạo lông từ bồ hòn còn giúp dưỡng ẩm khá tốt đấy.
Nguyên liệu
- 25g quả bồ hòn
- ½ muỗng cà phê axit citric
- Một ít dầu olive, dầu dưỡng ẩm dầu thiên nhiên
- Dụng cụ: Cái hộp, cái rây.
Cách thực hiện
Đầu tiên, bạn nấu sôi bồ hòn cùng 500ml nước tầm 15 – 20 phút (nếu muốn nhiều dung dịch hơn thì bạn có thể thêm nguyên liệu với tỉ lệ 50g bồ hòn:1 lít nước). Hãy nhớ khuấy đều để saponin tiết ra nhiều hơn nhé. Sau đó, bạn cho axit citric vào nồi bồ hòn, khuấy đều và để nguội.
Tiếp đến, bạn lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ cặn bồ hòn. Để có được kem cạo lông, bạn hãy pha hỗn hợp vừa lọc vớt một ít dầu olive/dầu dưỡng ẩm/tinh dầu thiên nhiên, khuấy đều đến khi đặc hơn. Xong thì bạn chỉ cần thoa kem này lên da và cạo như bình thường nhé!
Lưu ý: Bạn có thể bảo quản kem bồ hòn trong hộp kín và nhớ khuấy đều hỗn hợp trước mỗi lần dùng nha.
Dùng để lau dọn nhà cửa
Dung dịch bồ hòn còn có khả năng vệ sinh nhà cửa, chùi rửa tấm kiếng bị mờ, bồn rửa mặt ố vàng, sàn nhà dơ,… khá hiệu quả.
Nguyên liệu
- 25g quả bồ hòn
- ½ muỗng cà phê axit citric
- 250ml giấm
- Một ít dầu tinh dầu thiên nhiên (tràm trà, bạch đàn,…)
- Dụng cụ: Cái hộp, cái rây
Cách thực hiện
Bạn bắc nồi nước (500ml) lên bếp, rồi cho bồ hòn vào nấu sôi tầm 15 – 20 phút (nếu bạn muốn có nhiều dung dịch hơn thì có thể thêm nguyên liệu với tỉ lệ 50g bồ hòn:1 lít nước).
Lưu ý, khi nấu thì nhớ khuấy đều để saponin tiết ra nhiều hơn nhé. Sau đó, bạn cho axit citric vào nồi bồ hòn, tiếp tục khuấy rồi để nguội.
Tiếp đến, bạn lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ cặn bồ hòn. Xong thì bạn thêm giấm và ít tinh dầu vào, khuấy đều. Vậy là bạn đã có dung dịch bồ hòn để lau dọn nhà cửa rồi.
Một số bài thuốc từ bồ hòn
Trị hôi miệng, sâu răng: Bạn chỉ cần lấy khoảng 5 – 10g nhân quả bồ hòn tán nhỏ vào ngậm (thời gian tùy theo bạn muốn). Sau đó, súc miệng lại với nước là được.
Diệt sâu, giòi: Bạn hãy giã nát một ít vỏ cây bồ hòn, rồi pha thêm ít nước và đem phun vào nơi cần diệt sâu, giòi nhé. Hoặc bạn đem vỏ quả bồ hòn, sắc với ít nước, rồi đem tưới cũng được nè.
Trị hắc lào: Bạn đem tán nhỏ 20g vỏ quả bồ hòn và 10g củ riềng già 10g. Sau đó, hãy ngâm nguyên liệu vừa tán vào 20ml cồn 90º, rồi lấy để bôi ngoài vùng da bị bệnh.
Chữa họng tắc, không nuốt được: Bạn chỉ cần lấy vỏ quả bồ hòn phơi khô và tán nhỏ. Sau đó, dùng bạn này thổi vào họng là được.
Chữa ghẻ lở, hắc lào: Bạn đem quả bồ hòn (bỏ hạt) nấu thành dầu. Sau đó, tán nhỏ một ít hạt củ đậu cùng diêm sinh (lưu huỳnh) với số lượng bằng nhau, rồi đem hòa vào dầu bồ hòn. Để sử dụng, bạn cần dùng nước nóng rửa sạch vùng da bị bệnh, rồi mới lấy dung dịch này bôi lên.
Lưu ý khi sử dụng bồ hòn
– Bạn nên tránh dùng thuốc mỡ bồ hòn để chữa bỏng da bởi có thể khiến vết thương có nhiều mủ hơn.
– Dù chưa có tài liệu chứng minh độc tính của bồ hòn nhưng bạn cũng nên hết sức lưu ý, tránh để nước bồ hòn dính trực tiếp vào mắt nhằm hạn chế gây kích ứng, đỏ mắt.
– Khi sử dụng bồ hòn, nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì như phát ban, ngứa, đỏ da,… thì phải ngừng ngay và lập tức đi thăm khám. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng loại dược liệu này.
– Thai phụ các tháng đầu cũng không nên dùng nhiều bồ hòn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và thai nhi.
– Bồ hòn có thể tác động đến vài loại thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu khác bạn đang dùng. Vì thế, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé.
Hy vọng qua chia sẻ trên, bạn đã được hiểu thêm về bồ hòn rồi nhé. Có thể nói đây quả thật là loại dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho con người mà vẫn an toàn đối sức khỏe cũng như môi trường.
Nguồn: Hellobacsi
Xem thêm:
>> Enzym bồ hòn là gì? Cách ủ enzym bồ hòn tại nhà
>> Làm nước rửa chén từ quả bồ hòn vừa làm sạch dầu mỡ lại còn an toàn cho sức khoẻ
>> Công dụng của quả mướp không phải ai cũng biết
Kinh nghiệm hay Neu-edutop.edu.vn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Quả bồ hòn có ăn được không? Công dụng và 5 bài thuốc từ quả bồ hòn tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.