Chàng trai 21 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được bạn bè chia sẻ các video ngắn hài hước, thú vị của TikTok vào thời điểm Covid-19 mới xuất hiện.
Trường học đóng cửa, Đức ở nhà học online nên có nhu cầu giao tiếp và cập nhật tin tức nhiều hơn trước. Thanh niên Gen Z này cảm thấy Facebook ngày càng già hóa trong khi video ngắn, hình ảnh bắt mắt của TikTok cho phép tiếp nhận nhiều thông tin trong thời gian ngắn thay vì phải đọc nhiều.
“Tôi từng nghĩ mình sẽ lạc hậu nếu không dùng TikTok”, Đức nói.
Nền tảng này ra mắt từ tháng 4/2019 và bùng nổ tại Việt Nam trong đại dịch. Đến tháng 2/2023, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng TikTok cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 6 toàn cầu, theo Data Reportal.
Ban đầu Minh Đức thấy nền tảng này “rất giải trí và cũng hữu ích” nên ngoài xem mê mải còn giới thiệu cho nhiều bạn bè, cài cho em gái và bố mẹ.
Thời cao điểm, Đức sử dụng khoảng hai tiếng ban ngày và ba tiếng ban đêm. “Sau khi học xong lúc 23h, tôi dặn lòng chỉ được xem một tiếng thôi phải ngủ. Nhưng càng lướt càng cảm giác không thỏa mãn. Gần như hôm nào tôi chỉ dừng lại khi mệt quá thiếp đi, lúc đã 1-2 giờ sáng”, Đức nói.
Nhưng càng dùng Đức nhận thấy lượng video độc hại trên nền tảng này không hề ít. Đó là những clip liên quan đến phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền, thậm chí tấn công các nhóm thiểu số xã hội. Có những lần cậu đã bình luận bày tỏ thái độ, nhưng Đức càng dành nhiều thời gian, tương tác, chia sẻ, càng xuất hiện nhiều nội dung tương tự. Muốn thoát ra cũng không được, chỉ còn cách lướt qua thật nhanh, phớt lờ các thông tin đó.
Đầu tháng 2, các video về “những ngành học vô dụng” là hồi chuông cảnh tỉnh Đức. Những TikToker điểm các ngành quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, ngôn ngữ Anh bằng các từ “vô dụng”, “không có tương lai”, “dễ thất nghiệp”, “lương không cao”, “ngành học chung chung”…
“Là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, tôi rất buồn khi tiếp nhận thông tin này”, cử nhân khoa Sư phạm Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
Tìm hiểu kỹ hơn, cậu phát hiện các video và Tiktoker này đều thuộc một công ty truyền thông và đây là chiêu trò của họ để video được lên xu hướng – tiếp cận nhiều người dùng hơn. “Tôi thực sự lo ngại nếu học sinh phổ thông tiếp nhận phải các thông tin hướng nghiệp xấu độc, sai lệch như vậy”, Đức nói.
Không riêng Minh Đức, nhiều người sử dụng nền tảng này còn bị lôi vào các trào lưu xấu độc như “bỏ học khởi nghiệp”, “làm giàu không khó” hay bị dụ dỗ mua sản phẩm kém chất lượng. Khảo sát mới đây với gần 6.000 độc giả VnExpress sử dụng Tiktok, hơn 81% cho biết thường xuyên gặp nội dung độc hại, 15% cho biết thi thoảng gặp và 4% không gặp.
Thanh Vy, 27 tuổi, ở TP HCM, chỉ cai được TikTok sau lần nhập viện cấp cứu vì học theo lời khuyên giảm cân từ các “chuyên gia tự xưng”, giữa năm 2022.
Nữ nhân viên văn phòng tìm đến Tiktok trong thời Covid vì tò mò. Mới đầu cô dành 20 phút mỗi ngày để giải trí nhưng bị các video ngắn mê hoặc không lâu sau đó.
Khi việc lướt video thành thói quen, Vy truy cập ứng dụng bất kể ngày đêm. Từ lúc vệ sinh cá nhân, dọn nhà hay chờ thang máy, đi chợ, cô liên tục cập nhật những xu hướng mới. “Hễ mở điện thoại, ngón tay cái của tôi vô thức tìm đến biểu tượng đó”, cô kể.
Sau thời gian dài sử dụng, nội dung các video dần tác động vào nhận thức của người xem. Như với Vy là phương pháp giảm cân đơn giản, không cần tập luyện.
Thanh Vy bắt đầu áp dụng nhiều cách giảm cân như uống cà phê đen, chè xanh thay nước lọc; loại bỏ cơm để tránh tích mỡ; sử dụng thực phẩm chức năng được các TikToker quảng cáo giảm 5-7 kg sau một tháng sử dụng, giá vài trăm nghìn đồng.
Những triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, da sạm đen và rụng tóc xuất hiện. Một ngày cô gái ngất xỉu khi cha mẹ gọi xuống ăn cơm trưa. Vy được đưa đi cấp cứu, rửa ruột và xác định thiếu dinh dưỡng trầm trọng. “Khi nằm một chỗ, bố mẹ khóc lóc bên giường bệnh, tôi mới ngộ ra những lời khuyên về giảm cân trên TikTok chỉ là chiêu trò lừa đảo để bán hàng. Tôi đã bị tẩy não”, cô nhớ lại.
Trước thực trạng lan tỏa các thông tin độc hại và gây ra nhiều hệ lụy với đời sống, kinh tế, xã hội, TikTok sẽ bị kiểm tra toàn diện vào tháng 5 tới. “Thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành ‘trend’, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nói trong cuộc họp chiều 6/4. Tại cuộc họp này, 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam cũng được nêu ra, trong đó có nạn lan truyền tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em.
PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nội dung video tập trung tạo cảm giác mới lạ, phấn khích và gây tò mò, khiến người xem thoải mái, thư giãn và “gây nghiện”.
“Sự hưng phấn khi xem các video này giống như chất gây nghiện nên mới được gọi là ‘ma túy kỹ thuật số’. Người xem cũng dễ dàng bắt chước, học theo những cái hài nhảm, thiếu chuẩn mực”, ông Nam nói.
Nhiều trường hợp tử vong đã được ghi nhận do bắt chước các trào lưu trên TikTok như thử thách ngất xỉu, thử thách chạy qua đường khi ôtô đang chạy… Những trào lưu này đặc biệt nguy hại cho trẻ em, bởi năng lực phân tích, tự kiểm soát và ức chế hành vi xung động kém, dễ tin và nhanh chóng thử những gì họ thấy đang là xu hướng.
Về ngắn hạn các video này khiến người xem thoải mái và khó thể thoát ra. Nhưng “nghiện TikTok” lâu dài kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất, tinh thần như tỉ lệ cận thị, béo phì, rối loạn giấc ngủ; hay chứng giảm chú ý.
Nguy hại hơn, khi tiếp cận quá nhiều nội dung độc hại, nguy hiểm dễ tác động vào thế giới quan. Đã có những người trẻ xem quá nhiều video độc hại tự lầm tưởng thế giới là nguy hiểm, xấu xa, suy nghĩ lệch lạc.
“Nếu không được cải thiện, những người trẻ dễ trở thành một thế hệ nằm dài, chỉ thích đắm mình trên mạng xã hội, cảm thấy tự tin khi gõ phím trong khi việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, trau dồi kinh nghiệm, vốn sống qua thực tế lại không thể thực hiện”, ông Nam nói.
Sau một tuần xuất viện về nhà, Thanh Vy thử tìm đến các thú vui khác như đọc sách, nghe nhạc lúc rảnh rỗi, mỗi tối đi ngủ đều cất điện thoại trong hộc tủ, hy vọng tránh xa TikTok.
Với Minh Đức, sau hai trải nghiệm xấu xí TikTok để lại, cậu đã hạn chế thời gian sử dụng chỉ còn 30 phút mỗi ngày và tập trung vào các video cung cấp các kỹ năng còn thiếu; đồng thời sẽ ấn nút không quan tâm các nội dung độc hại, nhảm nhí, với hy vọng TikTok sẽ không gợi ý đến mình nữa.
Quỳnh Nguyễn – Phan Dương
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phut-tinh-ngo-cua-nhung-nguoi-tre-nghien-tiktok-4590624.html